Trước những năm 1970, chưa thấy có ai nói tới “giáo viên dạy giỏi”. Mỗi bộ môn trong một trường, có nhiều giáo viên, tất nhiên năng lực, trình độ không như nhau, đánh giá thường không chính thức. Có thể đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau, có thể Hiệu trưởng đánh giá sau khi có dự giờ, thăm lớp, cũng có thể do học sinh đánh giá. Nhưng để giữ uy tín cho nhau, những đánh giá này thường kín đáo. Học sinh  thường bảo nhau: Thầy này dạy dễ hiểu, thầy kia nghiêm lắm, thầy nọ vui tính. Chỉ vài nhận xét như thế cũng khiến các thầy suy nghĩ. Vì có lòng tự trọng, nên từng người luôn có ý thức tự nhìn lại  bản thân mình. Ai thấy có yếu kém thì chú ý tự học, học hỏi ở đồng nghiệp trường mình và cả trường bạn. Chẳng có “thi đua thi đeo” gì nhưng ai cũng chuyên tâm với nghề nghiệp, luôn luôn nỗ lực tự nâng cao trình độ của bản thân. Hình như không thấy ai nói  “tất cả vì học sinh…” mà  thường thì do lòng  tự trọng. Cũng là người thầy mà kém đồng nghiệp, bị học sinh “chê” thì “ế người” lắm. Thế thôi. Còn thi đua thì chỉ có lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua thì có khi hàng chục năm chẳng  thấy ai được.

Từ khoảng đầu những năm 80, giáo dục sa sút ghê gớm. Thấy tình cảnh thê thảm quá, một vị lãnh đạo đã phải lên tiếng kêu gọi làm sao để “thầy ra thầy, trò ra trò” (chỉ cần nghe thế đã đủ biết thực trạng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ra sao). Để góp phần  lên dây cót tinh thần, ngoài những việc như đặt ra ngày Nhà giáo Việt Nam, trong ngành có thêm danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” để mọi người phấn đấu, mong từ đó, nhà trường cũng có phong trào thi đua sôi nổi, hy vọng có thể khỏa lấp được những điều chẳng ra sao nhan nhản khắp nơi. Thế là từ đó, có danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” để ban thưởng cho giáo viên các trường, để các cấp có cái  động viên mỗi khi tổng kết năm học. Nhưng đó là phần thưởng chủ yếu về  tinh thần. Nó là cái danh hiệu “suông”, cái danh hão thôi, còn  vật chất đi theo chẳng đáng gì.

 Việc làm này lập tức được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu thi đua giao cho các trường. Hàng năm, muốn đạt trường tiên tiến xuất sắc, mỗi trường phải có số lượng giáo viên dạy giỏi nhất định ở từng môn. Vì thế, Hiệu trưởng là người đầu tiên phải lo lắng sao cho đạt và vượt chỉ tiêu. Chuyện hậu trường dù có hậu hĩnh đến mấy cũng không thể tính công khai trong chuyện đề bạt. Phải có bằng chứng xác thực này để so tài cao thấp mỗi  khi muốn ngoi lên cái ghế cao hơn.

Khổ nỗi những người tử tế, đứng đắn, những giáo viên coi trọng danh dự của người thầy, có tâm huyết với nghề nghiệp thì chẳng cần có thi đua họ cũng vẫn hết lòng với việc giảng dạy, cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất những tác động của đời sống khó khăn để thực hiện tới mức cao nhất có thể trách nhiệm với học trò. Họ cũng là những con người rất dị ứng với đám đông, với những sự ồn ào, với những phong trào thi đua mà trong đó hàm lượng gian dối thường chiếm tỷ lệ cao một cách bất ngờ. Những giáo viên dạy các môn chuyên ở trường chuyên, thường xuyên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, chưa thấy ai có danh hiệu “giáo viên dạy giỏi”. (xin giới hạn ở Hà Nội, các nơi khác mình không có điều kiện kiểm chứng).

Cũng phải nói thêm, người trong ngành giáo dục thường ít có cơ hội thăng tiến. Mỗi trường khoảng trăm giáo viên, trình độ ngang nhau, “cá mè một lứa” cả. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng chỉ dăm người là cùng, muốn thay thế vào đó chờ bao giờ đến lượt? Cho nên phần lớn đều an phận. Người tử tế thì làm sao cho tròn trách nhiệm, lấy việc dạy dỗ, chăm chút cho học trò làm niềm vui. Phần lớn đều chỉ cần không có ai phải nhắc nhở, chờ “đến hẹn lại lên” lương. Chi bộ nhà trường có khi đến mấy năm chẳng kết nạp được ai, anh nào mà được đảng viên ngỏ  ý vận động đi sinh hoạt cảm tình, đối tượng thì chết khiếp, tìm mọi cách chối đây đẩy. Hưởng ứng phong trào thi đua này thường là những người đang có ý muốn phấn đấu, họ coi đây là một nấc trên cái thang danh vọng.

Muốn tham gia vào cuộc đua này phải đăng ký. Tức là đầu năm học phải ghi vào giấy nói rằng “năm học này, tôi sẽ là giáo viên dạy giỏi”. Tới cuối năm học, lại phải tự tay làm hồ sơ xin công nhận “giáo viên dạy giỏi”, hồ sơ dĩ nhiên trong đó chủ yếu phải kể lể thành tích sao cho giàu sức thuyết phục các cấp quản lý. Ngay từ cái việc này đã khiến những người tử tế phải quay lưng. Người có giáo dục,  ngay khi còn nhỏ đã được Ông Bà, Cha Mẹ ở nhà, Thầy ở trường dạy và nêu gương về chữ “Khiêm”. Làm việc tận tụy là việc của mình, là bổn phận của viên chức khi nhận đồng lương từ tiền thuế của dân, phải luôn luôn coi những việc mình làm được là chưa đủ, cần làm tốt hơn nữa, đừng nói lại tự cho là tốt, là giỏi, lại còn kể lể công lao cho người khác đọc. Việc đánh giá, bình phẩm là của mọi người. Nghe họ  khen “tốt”, khen “giỏi” cũng chỉ coi đó là lời động viên chứ bản thân không bao giờ dám nhận.

Mọi sự trở thành khôi hài vì những người hưởng ứng nhiệt tình nhất các  cuộc thi “giáo viên dạy giỏi” này thường là những người dạy dỗ chẳng ra gì. Họ tham gia việc này vì đang muốn vào đảng (tiêu chuẩn đầu tiên để có thể được đề bạt lên các chức vụ lãnh đạo như  dân gian đã có câu tục ngữ mới “vào đảng để làm quan”). Muốn thế, họ cần phải chứng minh lòng trung thành tuyệt đối (ai cũng biết, đảng chỉ cần người trung thành chứ trình độ thì hình như càng kém càng tốt). Hiệu trưởng, chi bộ đang cần người hưởng ứng phong trào thi đua, họ không thể thờ ơ mặc dù trình độ có hạn. Vì trình độ tỷ lệ nghịch với tham vọng nên trước khi dạy để cấp trên về dự công nhận, họ phải dạy trước vài ba lần tập dượt nhờ giáo viên trong tổ góp ý. Sau khi đã “hòm hòm” (nghĩa là tạm được rồi) thì bản thân người ấy phải “tự thân vận động”. Lúc này không có ai dự, thầy cô trở thành tác giả kịch bản, đạo diễn kiêm diễn viên chính. Bản thân họ phải học thuộc lời thoại (giáo án) đã được mọi người thêm bớt, bổ sung. Rồi cũng có “bảng phân vai”. Thầy dặn trò khi nghe thầy hỏi ai cũng phải giơ tay để cho lớp học có khí thế (làm như thầy trò sắp ra trận), cho học trò chép những câu hỏi sẽ đặt ra trong bài giảng, chép luôn những câu trả lời sao cho đủ ý, chính xác; dặn cách giơ tay có ám hiệu nếu chưa thuộc câu trả lời, gọi riêng mấy học trò vẫn được ưu ái căn dặn và nói những lời tin cậy để giành được sự ủng hộ tuyệt đối… Kịch bản đã thống nhất, được diễn thêm vài ba lần nữa cho trơn tru. Để có thời gian tập luyện, học sinh phải tới trường vào buổi khác thậm chí vào ngày nghỉ nếu nhà trường thiếu phòng học. Nhiều khi do không mấy tin tưởng vào giáo viên (vì còn ai biết rõ trình độ của giáo viên hơn ông ta), Hiệu trưởng thường cử tổ trưởng bộ môn làm cố vấn “chỉ đạo nghệ thuật” để vở diễn thêm phần hoàn hảo.

Hồ sơ, giấy tờ chắc chẳng ai xem. Cái quan trọng nhất là việc dự giờ dạy mà người ấy đăng ký. Tất nhiên khi có cấp trên về dự giờ để đánh giá, giờ dạy đã thành công rực rỡ (có khi giờ giảng chán phèo, nhưng làm sao có thể để cách đánh giá cảm tính ấy xen vào được!). Sau đó là một bữa liên hoan mừng thắng lợi cùng với mấy cái phong bì với các “quan thanh tra”. Tất nhiên, chủ chi và chủ trì đều là Hiệu trưởng, người có quyền ký duyệt chi mọi khoản tiền từ ngân sách. Những khuôn mặt tưng bừng và  những cái cười mãn nguyện cùng tiếng chạm cốc lanh canh của chủ và khách xác nhận và cháo mừng sự ra đời thêm  một “giáo viên dạy giỏi” của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

12 năm trên ghế nhà trường, năm nào cũng chứng kiến và tham gia vào những vở diễn như thế, người học sinh sẽ học được những gì?

12 năm học qua đi, những người làm thầy xứng đáng nhận cái gì ở học sinh? Lòng biết ơn hay sự căm giận và coi thường?

Bộ Giáo dục trong công cuộc đổi mới sắp tới chủ trương chuyển mạnh từ chỗ chỉ chú ý dạy chữ sang việc dạy người liệu có giữ cách dạy người như thế này?

14 BÌNH LUẬN

  1. Các kiểu thi đua và các danh hiệu là sản phẩm mang tinh đặc thù của CNXH…Tất cả xuất phát từ căn bệnh lừa bịp và dối trá.

  2. Bao nhieu năm rồi, giáo dục VN sống trong giả dối và bệnh hình thức. Mà đâu chỉ giáo dục …!

  3. Đúng “thực trạng ” luôn đó …..!!!!
    * Nên có câu chuyện hi hữu xảy ra trong một giờ giáo viên lên tiết dạy giỏi cho Thanh tra Sở dự. Dù đã được “chuẩn bị kỹ càng với học sinh “, song khi cô giáo đặt câu hỏi rồi nhìn khắp lớp có nhiều cánh tay trên mặt bàn giơ lên, song một học sinh chống tay trên mặt bàn được cô gọi trả lời câu hỏi của bài giảng, em đó đứng lên dõng dạc : ” Thưa cô ,tay em quắp ạ ” (Cô cuống nên gọi nhầm khi quy ước biết thì giơ tay mở rộng, còn không biết thì giơ tay quắp ngón lại) .

  4. Một cán bộ cấp cao đến Trường A giáo huấn: “Các đc phải nâng cao lương tâm nghề nghiệp”! Một thầy giáo đứng lên phát biểu : ” Tâm chúng tôi cao rồi, chỉ cần nâng lương thôi !” . Hội trường vỗ tay!!!
    Thế là thầy giáo ấy nằm trong tầm ngắm của phòng an ninh GD .

  5. Khi được một GV hỏi rằng tại sao cứ phải đăng ký thi đua đạt danh hiệu này danh hiệu kia, một cb giáo dục tại Tp. HCM nói rằng quản lý mà không có thi đua thì làm sao quản lý ?
    Không biết ở các nước có nền giáo dục tiên tiến GV có phải đăng ký danh hiệu GV giỏi không nhỉ ? Nếu không thì họ quản lý kiểu gì mà họ tiên tiến thế ?

  6. Học sinh giỏi chỉ muốn vào nghánh CÔNG AN,Sĩ Quan ,Ca Sĩ
    Người Mẫu,Bác Sĩ ,Kỹ Sư .”Chuôt chạy cùng sào mời vào Sư Pham”
    làm sao đào tao được “Nghề Cao Quý nhất trong các nghề Cao Quý”.
    Năm 1964 Trịnh Công Sơn tôt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn ,luơng tháng 6200 VND ,gạo giá 500 VND/1 tạ .Do đó chỉ có học xuất săc
    mới thi vào Sư Phạm.

  7. Ha ha mình từng nghe kể là có gv dạy vốn yếu về chuyên môn, đi thi gv giỏi bị rớt, nhưng sau đó bằng cách nào gv này lại chỉ đạo chuyên môn cho cả những vị từng là giám khảo chấm cho gv đó rớt.
    Chuyện như đùa thôi ở khu rừng nào thì phải, chứ Việt Nam mình làm gì có ha ha!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here