Những đề xuất của tác giả bài viết “ Thực trạng trong thi cử và gian lận trong thi cử” trên hocthenao.vn rất hữu ích. Nhưng sao ở VN khó thực hiện quá! Suôt những năm đi dạy học, tôi chỉ là một anh “thợ dạy”, không hiểu biết lý luận, những lý luận mà tôi được học năm mươi năm trước chắc đã quá lạc hậu nên không dám lạm bàn. Xin miêu tả tóm tắt quá trình tha hóa của học hành và thi cử Việt Nam từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước đến nay:

Ban đầu, khi tôi còn đi học, gian lận bị coi là hành vi đáng khinh. Trong giờ kiểm tra ở lớp, nếu có trao đổi thì chỉ dừng lại ở mức hỏi một công thức tự nhiên quên mất, hỏi cái đáp số của bài, …Mà cũng hãn hữu lắm. Cho nên trong suốt những năm đi học, tôi chưa thấy có học sinh nào bị “bắt” vì hành vi này. Những năm mới đi dạy học, hiện tượng này cũng rất hiếm xảy ra. Nó chỉ có ở những người có học lực kém “lọt lưới” mà lên lớp. Quay cóp trở thành phổ biến cùng với việc cho lên lớp vô tội vạ để đảm bảo chỉ tiêu thi đua. Học sinh càng ngồi nhầm lớp, quay cóp càng nhiều. Học sinh học khá hoặc trung bình vững vàng rất ít phải làm cái việc đáng xấu hổ này. Cho nên, muốn chống gian lận, trước hết, hãy coi trọng chất lượng, đừng để tình trạng lên lớp 100% như hiện nay để có nhiều học sinh phải “ngồi nhầm lớp”.

Còn thi cử? Ban đầu có thể nói rất nghiêm túc. Hàng năm, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, Bộ GD đều thực hiện đổi giáo viên coi thi, chấm thi. Mỗi Hội đồng coi thi đều do giáo viên trường khác và tỉnh khác làm nhiệm vụ (không có giáo viên trường có học sinh thi). Học sinh vẫn thi ở trường của mình, không gây khó khăn vì phải di chuyển. Số lượng giám khảo đều có một nửa là giáo viên của nhiều tỉnh cử đến. Người giáo viên của tỉnh nào được lựa chọn để “đem chuông đi đấm nước người” rất có ý thức về danh dự và trách nhiệm của mình. Có lần, tôi ở một tỉnh khác về chấm thi ở Hà Nội, đích thân chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng đã đứng ở chân cầu thang khách sạn Phú Gia đón giáo viên các tỉnh về coi chấm thi Hà Nội làm nhiệm vụ thi khi ông mời cơm trên tầng 2 ở đây. Nói chi tiết này để thấy người  lãnh đạo tôn trọng  giáo viên và đánh giá  tầm quan trọng của kỳ thi. Mỗi bài thi đều do một giáo viên tỉnh ấy chấm cùng một giáo viên tỉnh khác. Rất khó có thể tùy tiện. Tôi biết trong những kỳ thi cấp quốc gia, không tránh khỏi một vài biểu hiện “thiếu minh bạch”. Nhưng chỉ có những nhân vật ở “tầng chóp bu” mới có thể làm được điều này.

Sự gian lận bắt đầu trở thành phổ biến từ những kỳ thi tuyển chọn vào lớp đầu cấp 3 đẫu những năm 70 thế kỷ trước. Số học sinh được chọn  có hạn, nên đạt điểm cao trong kỳ thi là vô cùng quan trọng. (không như thi tốt nghiệp, cứ đủ điểm là đỗ). Với người nông dân, học lên là có thể “đổi đời”. (Chỉ tiếc là họ không biết rằng đâu phải ai cũng có thể học được). Lúc đầu, chỉ là thế này thôi: Kỳ thi này do trường cấp 3 tổ chức, đề của Ty Giáo dục (nay là Sở) ra, nhưng địa điểm thi là ở các xã, nơi có các trường cấp 2, người coi thi có một số rất ít giáo viên cấp 3, chủ yếu là giáo viên cấp 2 (PTCS) của trường khác chứ không phải giáo viên trường ấy. . Thi trong hai buổi, sáng Văn, chiều Toán. Buổi trưa, các thầy ở trường cấp 3 không có chỗ ăn nghỉ. Lúc ấy lấy đâu ra quán ăn như bây giờ! Thế là có những phụ huynh (do quen biết từ trước) mời một số thầy về nhà mình ăn nghỉ. (Mà có ai dại gì lại tự rước cái vạ ấy!) Và điều gì xảy ra sau những bữa ăn này (dù chỉ là những bữa cơm thường) mọi người có thể hình dung ra. Rồi các thầy dạy cấp 2 cũng quen biết nhiều lắm, có khi dạy trường xã khác nhưng lại về coi thi ở ngay xã mình, trong phòng thi có con cháu nhà mình. Thế là, gian lận dần trở thành “đặc quyền” của các thầy.  Đúng là “không thầy đó mày làm nên”.

“Phong trào” ngày càng phát triển sôi nổi. Người dân bình thường không có điều kiện quen biết với các thầy để nhờ vả cho con mình bắt đầu rủ nhau “đồng khởi”. Phong trào “toàn dân đi thi” “bùng nổ”. Người ta không thể vào phòng thi để đưa bài cho con em qua cổng  chính thì bắc thang, trèo tường để vào. Không vào được thì trèo lên cây cao, gọi loa vào, … Năm 1980, bà Nghiêm Chưởng Châu, giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội phẫn nộ với hiện tượng này đã yêu cầu một số  trường tổ chức thi lại. Thi lại thì nghiêm túc lắm. Nhưng năm sau, “mèo lại hoàn mèo”. Làm sao năm nào cũng tổ chức thi lại được!

Thế là “nhờn thuốc”. Khi bệnh đã nhờn thuốc thì nó phát triển như “vũ bão”, chẳng có gì ngăn được. Cũng giống như phong trào chống “bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử” mà ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát động năm 2006. Phong trào đã thất bại sau 2 năm vì trước hết, ông Nhân đã không gọi đúng tên của nó. Nó là bệnh gian dối chứ không phải bệnh thành tích. Và khi đã không đủ kiên quyết để làm đến nơi đến chốn thì nay nó phát triển gấp bội so với khi ông Nhân phát động. Tôi cũng chia sẻ với ông Nguyễn Thiện Nhân, một người rất tâm huyết, ban đầu tôi đã vô cùng hy vọng. Nhưng có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, ông cũng như bất kỳ ai, chưa thể làm được.

Xin tóm tắt “những chặng đường” đi tới gian lận như thế để mọi người đọc cho vui.

Ngoài những biện pháp mà tác giả Nguyễn Hữu Hoàng đã đưa ra, tôi xin đề nghị thêm:

1. Nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 12 năm, bắt đầu từ lớp 1, tiến hành cho lên lớp một cách chặt chẽ, đúng yêu cầu. Hy vọng sau 12 năm, chúng ta sẽ có một lứa học sinh hoàn toàn không ngồi nhầm lớp. Một khi có kiến thức thực sự, người ta chắc sẽ không cần đến gian lận. Trong 12 năm ấy, 9 năm đầu tập trung mở thêm và nâng cao chất lượng các trường nghề, thu hút phần lớn số học sinh sau khi học PTCS, tạo tâm lý trong dân chúng coi trọng nghề, hạn chế coi trọng bằng cấp.

Chỉ đạo cả 12 lớp thì khó, nhưng chỉ đạo 1 trong 12 phần ấy thì chắc dễ hơn nhiều.

12 năm chưa phải là dài, nhưng tôi nghĩ có thể làm được những việc đó.

2. Đặt việc chống gian lận trong học tập và thi cử vào việc chống gian dối trong cuộc sống.  Nhanh chóng bãi bỏ việc thi đua mà cái lợi chưa thấy chỉ thấy dung dưỡng cho gian dối. Trung thực phải được trân trọng, Gian dối phải bị coi là điều sỉ nhục. Chỉ có như thế, việc chống căn bệnh gian lận trong ngành giáo dục mới có cơ sở vững chắc.

Xin có vài lời chia sẻ cùng những người tâm huyết.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here