Năm ấy tôi học lớp 6, trường Phổ thông cấp 3. Chương trình giáo dục ở vùng kháng chiến cũ (vùng tự do) và Hà Nội (vùng tạm chiếm) không giống nhau nên năm 1955, Hà Nội phải mở một trường riêng dành cho học sinh con em các gia đình ở vùng tự do về. Trường có cả cấp 2 và cấp 3. Trụ sở của trường ở 47 phố Lý Thường Kiệt, trường PTTH Việt Đức bây giờ. Hàng ngày từ Láng đi học, tôi vẫn đi tàu điện.
Hôm ấy, Bố được nghỉ, cho tôi được đi học bằng xe đạp. Sung sướng quá! Tôi thuộc loại “thấp bé nhẹ cân”, học lớp 6 rồi nhưng đi xe đạp vẫn phải ngồi lệch người trên khung xe. Khi nào mỏi quá, ngồi trên yên thì chỉ một chân chạm được vào pê-đan. Nhưng cũng vẫn đi được. Lần đầu tiên được đi xe đạp xa thế này, lát nữa đến trường chắc nhiều đứa phải lác mắt! Đến ngã tư Cửa Nam (ngã tư Nguyễn Thái Học và Lê Duẩn) thì gặp đèn đỏ. Luống cuống mãi tôi mới xuống được xe, cả xe và tôi đã nằm giữa hai hàng đinh. Lúc ấy chưa có vạch sơn như bây giờ mà chỉ có hai hàng đinh, mũ to, sáng loáng đánh dấu lối cho người đi bộ sang đường và giới hạn dừng xe khi có đèn đỏ. Theo luật, xe phải dừng trước hàng đinh thứ nhất. Lập tức có một anh công an ra yêu cầu tôi đưa xe lên hè. Anh ấy hỏi giấy tờ xe (xe đạp lúc ấy không chỉ có giấy đăng ký mà còn có biển kiểm soát, tôi còn nhớ biển kiểm soát xe của Bố là DF.392). Tôi bảo xe của bố cho mượn đi học. Anh ấy hỏi tên trường và yêu cầu cho xem thẻ học sinh. Tôi đưa thẻ. Anh ấy xem qua rồi cho thẻ vào túi, hẹn tôi “2 giờ chiều ngày mai đến 86 Lý Thường Kiệt (trụ sở Phòng cảnh sát giao thông) giải quyết.” Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng hai ba phút. Chỉ qua 2, 3 phút mà tôi đang trên mây thoắt chốc đã xuống địa ngục. Tôi đi xe đến trường học vẫn kịp giờ. Nhưng chưa bao giờ lại lo lắng đến như thế. Suốt buổi sáng hôm ấy, không thể nào tập trung nghe giảng. Không dám nói chuyện với bạn nào, vì sợ “chúng nó” mách thầy giáo. Trên đường về, đi xe đạp mà chẳng còn thấy hứng thú gì. Chiều về nhà, vẫn lo. Tối không dám nói gì với Bố Mẹ, cứ thấp thỏm. Đêm thì trằn trọc mãi mới ngủ được. Cũng không lo sợ một điều gì cụ thể nhưng luôn luôn thấy phấp phỏng, bồn chồn không yên. Sáng hôm sau đi học, vẫn trong tâm trạng như vậy. Đến chiều, tôi đến nơi hẹn. Qua phòng thường trực, người ta hỏi tôi đến có việc gì. Sau khi nghe nói lý do, anh công an ở cổng chỉ tôi vào một phòng làm việc ở tầng 1. Tôi vào, thấy một anh đang ngồi ở bàn làm việc. Sau khi nghe tôi trình bày với giọng hồi hộp, anh ấy hỏi tên, rồi cúi xuống tìm trong ngăn bàn, lấy cái thẻ học sinh của tôi ra. Anh ấy hỏi: “Tại sao thấy đèn đỏ mà vẫn không dừng lại?” Tôi nói vì đi xe người lớn nên không xuống kịp. Sau đó, anh ấy hỏi mấy câu, đại loại nhà ở đâu? Bố mẹ làm gì?,… và nhắc nhở: Đi xe phải cẩn thận, nếu gặp ô tô mà không hãm kịp thì sẽ thế nào, … Rồi đưa trả cái thẻ học sinh cho tôi và bảo: “Thôi, em về đi!” Chỉ mất không đến 10 phút. Thế là xong. Người tôi nhẹ bẫng đi. Bao nhiêu lo lắng, thấp thỏm, hồi hộp hết sạch. Không một lời nói nặng nề, không cần phạt một đồng xu nào, nhưng từ đó đến nay, gần 60 năm, tôi chưa bao giờ dám vuợt đèn đỏ dù đi xe đạp hay xe máy.
Nếu luôn có những người công an tận tụy, cần mẫn như vậy thì việc gì phải phong trào này vận động nọ kêu gọi văn hóa giao thông, hết tháng này đến năm khác hô to khẩu hiệu sống và làm theo pháp luật mà tháng nào người chết vì tai nạn giao thông cũng tới cả một trung đoàn!
Tháng 5.2013
Anh gửi bài viết này đến Bộ CA để họ đưa vào nhà truyền thống của ngành, minh chứng rằng từ xưa đã từng có những chiến sĩ CA tốt như vậy!
Ký ức đẹp khó phai ,thời niên thiếu .
Kỷ niệm hay lắm! Tôi cũng nhớ lại 2 hàng đinh ở đèn đỏ và xe đạp phải có đăng ký và biển số.Sao trí nhớ anh tốt thế,nhớ cả số biển !
Ấy là hồi ấy cán bộ còn ngây thơ như cái tuổi của thầy hồi đó. Giờ bác già đi bao nhiêu thí các chú CA … nói chung khôn lên bấy nhiêu. Mà cái sự khôn này là khôn “vặt” và “vặt”ở đây giống như: vặt lông gà lông vịt vậy !
Công an bây giờ đã biến thành cảnh sát đúng nghĩa !
CẢNH là sự báo động gấp gáp
SÁT là giết không tha !
Vậy nén cai nghề này không có nhắc nhở giáo dục gì hết ! Cứ là phạt khong thì A lê hấp …! Các kiểu dùi cui,đấm đá …
Thời Pháp ở Hà nội người ta gọi là mấy ông ” đội xếp” ,một cách có vẻ cung kính ( ra vẻ xếp – chef) nhưng thực ra chỉ là người sắp xếp trật tự nơi đô thị ,vậy thôi ! Bay giờ chẳng cứ nghề cảnh sát mà các nghề khác đều thi nhau lầm cho xã hội “lọan tầm bậy “cả lên chứ có để cho dân yên đâu ? Các bạn cứ thử ngẫm xem ? Bởi nếu yên ổn thì họ mất cơ hội “đục nước béo cò” ! ?