Gần đây, kiểm tra hay thi Văn, bắt đầu có một dang đề quen gọi là đề “mở”. Thực chất của đề “mở” là để thoát ra khỏi những cái thuộc lòng, cái “vẹt” do gian lận mà có. Đây là cách ra đề kích thích khả năng tư duy, có thể kiểm tra được vốn liếng thực sự của thí sinh về nhiều mặt, độ tin cậy rõ là hơn cách ra đề theo lối cũ. Để có thể làm được các đề loại này, học sinh phải có sự chuẩn bị , tích lũy những hiểu biết hàng ngày trong năm học, không thể học theo kiểu “mì ăn liền”.

Thực ra, từ xưa, cách ra đề như thế này đã có. Trong mỗi kỳ thi, học sinh được lựa chọn một trong hai đề. Một đề nghị luận văn học, hỏi về các tác giả, tác phẩm, làm sáng tỏ các nhận định về giai đoạn hay thời kỳ của văn học. Muốn làm loại đề này, học sinh không thể không học. Đề thứ hai là loại đề gọi là nghị luận chính trị xã hội, thường hỏi về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống như mục đích cuộc sống, lý tưởng, giá trị, ý nghĩa của lao động, …hay một số vấn đề có tính chất thời sự. Ban đầu, việc lựa chọn của học sinh tương đối cân bằng giữa hai loại đề, hoàn toàn do sở thích cá nhân. Năm 1959, tôi học lớp 7 (lớp cuối cấp 2, tương đương lớp 9 bây giờ), đề thi tốt nghiệp môn Văn là: “Bình luận hai câu cuối trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan” của nhà thơ Tố Hữu: 
“Bão ngày mai là gió nổi hôm nay, 
Trời chớp giật tất đến ngày sét đánh”.

Bài thơ này Tố Hữu viết nhân vụ Phú Lợi xảy ra tháng 12 năm 1958 ở miền Nam (thực hư của vụ này ra sao quả là không dám nói). Nghĩa là học sinh hoàn toàn không hề được học bài thơ trong chương trình. Không có những hiểu biết về chính trị, vể xã hội, và những kỹ năng cơ bản của làm văn, các cô các cậu mới 14, 15 tuổi sao bình luận được? Nhưng do chăm đọc sách, quan tâm tới những vấn đề của đời sống, được rèn những kỹ năng cơ bản từ khi còn tiểu học, …khiến học sinh thấy không có gì là khó khăn.

Từ khoảng đầu những năm 80, học sinh đổ xô vào làm các bài văn nghị luận xã hội vì các thầy dạy văn chán quá, không ai thiết học. Để chống lại xu hướng này, đề thi Văn chỉ ra các đề nghị luận văn học, bỏ hẳn loại đề nghị luận xã hội. Nhưng cách này không làm cho học sinh yêu môn Văn hơn. Họ đối phó bằng cách học “vẹt” hoặc tiện nhất là đi thi mang theo “phao” cứu sinh. Đi chấm thi môn Văn thời kỳ này chán chưa từng thấy!
Cách ra đề “mở” vừa qua có tiến bộ hơn để chống lại việc thờ ơ với môn Văn: ngoài việc để học sinh phát biểu ý kiến riêng trước những chuyện xảy ra trong cuộc sống, có thể còn yêu cầu trình bày những suy nghĩ về một khía cạnh nào đó, về những tác phẩm, những nhân vật văn học cụ thể đã được học trong nhà trường. Làm những bài kiểu này, học sinh được trình bày những hiểu biết và ý kiến của bản thân không hoàn toàn phụ thuộc vào sách vở hay lời thầy giảng trên lớp. Qua bài làm, người thầy có thể biết được mức độ hiểu biết và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh. Những hiểu biết có thể còn hạn chế do lứa tuổi nhưng những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, nhất là đối với học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông trung học cần phải có đòi hỏi chặt chẽ.

Vừa qua, được đọc một bài kiểm tra của học sinh lớp 10 làm theo dạng đề “mở”.

Câu 1: Thúy Kiều họ gì? 
Trả lời: Thúy Kiều họ Vương.

Câu 2: Vì sao Thúy Kiều phải trao duyên? 
Trả lời: Vì gia đình gặp nạn, Thúy Kiều là chị cả trong gia đình nên phải đứng lên lo liệu, với số tiền của Mã Giám Sinh đưa cho Thúy Kiều cứu cha, mặc nhiên Thúy Kiều phải đi theo Mã Giám Sinh. Nhưng do đã có người yêu là Kim Trọng, quá nặng lòng với mối tình này, Thúy Kiều phải trao duyên cho em mình là Thúy Vân, nhờ cậy em nhận mối duyên này.

Câu 3: Cuộc trao duyên diễn ra như thế nào? 
Trả lời: Cuộc trao duyên này diễn ra căng thẳng và thật bi thương. Thúy Kiều phải cúi lạy nhờ cậy em, đưa ra cái tình cái lý đúng đắn để thuyết phục em mình. Thúy Kiều trao lại hết các kỷ niệm tình yêu của mình với Kim Trọng cho Thúy Vân. Cả kỷ vật tình yêu là kim thoa và bức tờ mây. Lúc này Kiều chỉ còn hai bàn tay trắng và tưởng tượng mình đã chết.

Câu 4: Qua đoạn trích em thấy Kiều là người như thế nào? 
Trả lời: Kiều là người con gái thông minh, sắc sảo, hi sinh mình vì gia đình, có những suy nghĩ uyên thâm, thâm thúy. Là người chịu nhiều tổn thương, đắng cay.

Câu 5: Chép hai câu thơ mà em nhớ nhất. 
Trả lời: “Chiếc thoa với bức tờ mây/Duyên này thì giữ, vật này của chung”.

Câu 6: Nếu ở trong hoàn cảnh của Thúy Kiều (cha và em bị bắt, bị đánh đập dã man trong cơn gia biến), em có lựa chọn nào khác so với cách Kiều đã chọn (bán mình cứu cha, trao duyên cho em) không? 
Trả lời: Nếu là Kiều em sẽ không vội vàng lấy tiền của người khác để cứu cha ngay. Em sẽ cùng Thúy Vân và Vương Quan chia nhau làm việc kiếm thêm tiền hoặc lấy tài năng trời ban của mình áp dụng vào thực tế để kiếm tiền rồi dần dần cứu cha ra. Tuy để cha chịu khổ trong một thời gian nhưng em nghĩ nỗi khổ thể xác của một người cha sẽ không đau lòng bằng nỗi đau tinh thần khi ra khỏi lao ngục không gặp lại con gái mà chính sự ra đi của người con mình để cứu mình thì cha sẽ đau lòng biết bao. Mọi chuyện sẽ không loạn lên, không có trao duyên, không có đau thương bi đát nếu như Kiều không bán thân và cầm tiền của Mã Giám Sinh.

Nếu ra theo kiểu cũ, đề sẽ có dạng quen thuộc: Phân tích đoạn trích (hay tâm trạng của Thúy Kiều qua đoạn) Trao duyên (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Học trò sẽ có rất nhiều cuốn sách tham khảo làm sẵn bài viết này để chép vào giấy nộp cho thầy. Người thầy chấm bài sẽ trong tình trạng dở khóc dở cười. Vì trước hết, khó có thể phê phán về nội dung cũng như hình thức, nhất là với không ít học sinh có chữ viết ngay ngắn, thậm chí còn đẹp. Nhưng cho điểm khá hay giỏi thì không thể yên tâm vì rõ ràng đây đâu phải là bài làm của học sinh. Họ chỉ có công chép nguyên văn thôi. Thầy đành cho 5, 6 điểm, vì nội dung như thế, văn viết không sai chính tả ngữ pháp sao có thể cho điểm dưới trung bình? Học sinh cũng không thắc mắc, vì thế là đạt yêu cầu rồi, nhất là với những học sinh không có ý định thi môn Văn trong kỳ tuyển sinh đại học.

Đề bài này có những ưu điểm của dạng đề “mở”, yêu cầu học sinh phải học, phải nắm được những nội dung cơ bản của đoạn trích, có như vậy mới trả lời được các câu hỏi. 
Nhưng đề bài này theo tôi còn những hạn chế:
1. Bài làm chắc trong 2 tiết, có tới 6 câu hỏi sợ quá vụn vặt, nhất là câu đầu tiên.

  1. Truyện Kiều là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, có tới 3.254 câu lục bát. Trong đoạn trích, đề bài chỉ yêu cầu học sinh thuộc 2 câu. Vậy sau khi học xong Truyện Kiều ở cấp phổ thông trung học, học sinh sẽ thuộc được bao nhiêu câu? Học “vẹt” là lối học nhồi nhét, là một tệ nạn cần thanh toán. Nhưng việc thuộc những áng thơ văn đã được sàng lọc qua thời gian là điều vô cùng cần thiết. Với Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm,… có thể với lứa tuổi niên thiếu, học sinh chưa hiểu hết nội dung, những từ ngữ cổ hoặc những điển cố. Nhưng họ sẽ học được cách diễn đạt tinh tế, tiếp thu được cái tinh hoa của tiếng Việt qua âm thanh, nhịp điệu, từ ngữ, …Việc tiếp thu cái tinh diệu của tiếng Việt là điều không thể thiếu trong các tiết giảng Văn. Hơn hai trăm năm đã trôi qua, tư tưởng nhân văn cao cả của Tiên Điền chắc không phải là độc nhất vô nhị, nhưng tiếng Việt ông đã sử dụng trong tác phẩm vẫn còn là đỉnh cao khó vượt qua và là những tấm gương sáng, những khuôn mẫu cho mỗi người sử dụng tiếng Việt.
  2. Không có câu hỏi nào kiểm tra được khả năng cảm thụ văn học của học sinh, trong khi đây là mục tiêu không thể thiếu khi dạy Văn trong nhà trường. Tất nhiên, không thể yêu cầu học sinh có thể cảm nhận được tất cả nhưng ít nhất cũng phải bộc lộ được phần nào. Cái cần là chọn được câu hay chi tiết thích hợp.
  3. Câu cuối chắc là câu quan trọng nhất. Nhưng rất tiếc thiếu một đòi hỏi chặt chẽ đã khiến học sinh có thể trả lời đơn giản và quá ngắn gọn như với câu hỏi ở môn Lich Sử hay Sinh vật. Thường để giúp học sinh bộc lộ chất văn, người ta kèm theo yêu cầu một dung lượng (độ dài) nhất định, như “khoảng một trang”, “khoảng 30 câu”…Như vậy, dù phần viết này không dài, học sinh vẫn phải có kết cấu cần thiết cho một bài văn, có đầy đủ ba phần mở, thân và kết; có hệ thống luận điểm khi trình bày ý kiến riêng, có các phân tích hay kiến giải cần thiết. Năng lực này sẽ giúp cho họ viết được các bài luận văn, hay nghiên cứu khi học lên các cấp học cao hơn hoặc thực hành trong cuộc sống.
    Với các bài làm ở lớp, học sinh hoàn toàn được trình bày những hiểu biết, những ý kiến riêng không theo một khuôn mẫu nào. Nhưng khi trả bài, người thầy cần cho học sinh biết, đó chỉ là cách hiểu của ngày hôm nay khi cuộc sống đã có những thay đổi rất nhiều so với hai trăm năm trước. Nguyễn Du không phải là kém cỏi khi để cho Kiều phải chấp nhận bán mình chuộc cha, vì: trước hết, Kiều không hề biết chuyện mình phải bán mình vào lầu xanh. Có việc này vì Kiều và gia đình cô hoàn toàn bị mụ mối và anh chàng họ Mã lừa gạt. Trong xã hội Kiều đang sống, việc hôn nhân do tình yêu hoàn toàn là mới mẻ, và đây chính là một biểu hiện rất tiến bộ của Nguyễn Du. Việc lấy chồng do cha mẹ xếp đặt, do mối lái, phải làm phận lẽ mọn hay thậm chí làm tỳ thiếp với người phụ nữ khi ấy không phải là cá biệt. Và trong xã hội ấy, người con gái nhà danh giá (dù có chỉ “thường thường bậc trung”) ngay từ khi còn nhỏ cũng chỉ chuyên lo chuyện “công dung ngôn hạnh” để chuẩn bị làm bổn phận của người vợ, người mẹ. Họ không có khả năng và xã hội cũng không chấp nhận những người như họ có thể kiếm được việc gì để kiếm sống. Cho học sinh hiểu điều ấy, không hạn chế những kiến giải của họ mà còn giúp họ hiểu hơn tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của nó.

Luôn đổi mới là việc không thể thiếu trong giáo dục nói chung và dạy Văn nói riêng. Mỗi thử nghiệm không phải luôn luôn có tác dụng tích cực. Ra đề Văn theo lối “mở” rõ ràng tốn thời gian và công sức hơn, đòi hỏi người thầy có năng lực chuyên môn vững vàng hơn ra đề theo lối cũ. Sau một thời gian, học sinh có thể lại tìm cách đối phó để việc học được dễ dàng chiều theo sự lười biếng là bản tính cố hữu của con người. Thầy thì luôn muốn trò phải học, ngược lại, trò luôn muốn học càng ít càng tốt. Cho nên, cách kiểm tra, cách thi luôn luôn phải thay đổi. Những đổi mới tiếp theo sẽ khiến việc dạy học, việc kiểm tra theo sát những bước đi của đời sống, ngày càng tốt hơn, hay hơn, đáp ứng những yêu cầu rất đa dạng của nhà trường.

Đó chính là sức sống bất tận của một nền giáo dục tiến bộ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Hi hì con tui cầm nguyên tập bào văn mẫu học thuộc lòng, tui nói con học văn kiểu gì vậy ? Câu trả lời là cô con bắt học thuộc ! Bó tay

  2. Em cũng đồng ý với bác Duong Dinh Giao, đề thi trên “mở” theo hướng thụ động. Theo em bài văn dạng mở là bài văn không bắt buộc HS phải suy nghĩ như thế này là đúng như thế kia là sai, hay ngược lại, mà tùy theo suy nghĩ, nhận thức riêng của mỗi HS (có thể chủ quan và sai – theo quan điểm của ông thầy) và để HS tự rút ra kết luận của mình. Thầy, cô không chấm điểm hay phê phán dựa trên “quan điểm, tư tưởng, nhân sinh quan” của HS mà dựa trên cách hành văn (vì đây là bài văn), cách diển đạt suy nghĩ của mỗi HS. Thí dụ, cuộc đời của Thúy Kiều gian truân vì phải bán mình chuộc cha nhưng nếu việc bán mình đó không làm cho TK gian chuân như trong truyện thì em nghĩ trong hoàn cảnh tương tự như vậy, việc bán mình có nên không? Nếu không thì tại sao và nếu nên thì tại sao? Em nghĩ, thầy cô sẽ rất thích thú khi đọc những câu trả lời và các em sẽ rất thích thú được nói lên suy nghĩ của mình.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here