Lý Thời Trân (1518 – 1593) là nhà y dược học nổi tiếng của Trung Quốc đời Minh, đồng thời, cũng là một trong những nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Lý Thời Trân sinh ở Kỳ Châu (nay là Kỳ Xuân, Hồ Bắc), ông nội và cha đều là thầy thuốc. Cha ông là Lý Ngôn Văn, có nhiều nghiên cứu về dược thảo. Từ nhỏ, Lý Thời Trân đã chịu ảnh hưởng của cha, thường cùng với các bạn nhỏ trong làng lên núi, tìm kiếm các loại thảo dược. Ngày tháng qua đi, ông đã có thể nhận biết và thông thạo các loại cây cỏ dùng làm thuốc, cũng có thể biết từng loại cây cỏ đó chữa được bệnh gì. Những hiểu biết về y dược của ông ngày càng phong phú.

Nhưng trong những năm tháng ấy, làm một thầy thuốc bình thường không được xã hội xem trọng. Lý Ngôn Văn bản thân là thầy thuốc nhưng lại muốn con trai chăm chỉ học hành để tham gia vào các kỳ thi do triều đình tổ chức. Do sự định hướng của  cha, năm 14 tuổi, Lý Thời Trân dự thi tú tài, nhưng sau đó, khi tham gia những kỳ thi ở bậc cao hơn, liên tiếp ba lần ông đều bị trượt. Mọi người đều thấy ông thật đáng thương, nhưng ông không vì thế mà thất vọng, nguyện vọng của ông vẫn là làm một nguời thầy thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Từ nhỏ tới khi lớn lên, Lý Thời Trân đã đọc được nhiều sách về y dược, trong đó có nhiều ghi chép về y dược qua các triều đại, trong đó có Bản thảo (1) ghi chép các tên thuốc, dược tính, hiệu quả của từng loại ông đều nắm vững. Trong khi thực hành, ông phát hiện, có nhiều loại cây cỏ mà trong Bản thảo không thấy ghi chép, cũng có những ghi chép sai lầm, có loại được ghi thành hai, có khi hai loại ghi thành một, có khi không phân biệt thảo hay mộc, vàng thau lẫn lộn. Những nhầm lẫn, không rõ ràng này có thể dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng cho nguời bệnh.

Láng giềng của Lý Thời Trân có một đứa trẻ, rất thích ăn những thứ linh tinh, lâu dần thành bệnh, mặt vừa vàng, vừa thũng, mọi người ai cũng nói có bệnh nhưng không biết chữa trị thế nào. Qua mấy ngày, ông thấy sắc mặt đứa trẻ hồng hào trở lại, đã có thể chạy chơi rất vui vẻ, bệnh đã có vẻ như hoàn toàn khỏi. Rất kinh ngạc, Lý Thời Trân hỏi chú bé đã dùng loại thuốc gì. Nguời nhà đều nói chẳng có thuốc gì cả, chỉ có một hôm, đứa trẻ đi chơi ở ngoài, ăn một loại quả dại, về nhà nôn một trận, thế là bệnh khỏi.

Lý Thời Trân lập tức gọi đứa trẻ tới, bảo nó dẫn đi tìm thứ quả đó. Cây mọc trên vách núi, ông thấy thứ quả đó trông như quả sơn tra, chỉ có điều to hơn sơn tra một chút. Ông quan sát kỹ, mang mấy quả về đưa cho cha xem và nói:

– Trong Bản thảo xưa, không thấy nói tới quả này, nhưng nó là thứ chữa được bệnh tích thực rất tốt.

Nguời cha tán thành với ý kiến của con, nói:

– Cũng không có gì lạ, Bản thảo gần nhất được ghi chép từ đời Tống, mấy trăm năm đã qua đi, hiểu biết của con người đã thêm lên rất nhiều, những điều ghi chép đó giờ đây không còn đầy đủ nữa.

– Vậy tại sao không biên soạn một bộ Bản thảo mới, ghi chép tất cả những  điều đã phát hiện mấy trăm năm nay, sửa chữa những sai lầm trong ghi chép của nguời xưa?

Nghe con hỏi, nguời cha trả lời:

– Đây là một công việc rất khó khăn, cần phải có sự tham gia của các thầy thuốc cả nước mới có thể hoàn thành.

– Thế thì nguời xưa đã làm như thế nào? Lý Thời Trân lại hỏi.

– Do triều đình làm cả, chỉ có triều đình mới đủ sức làm điều ấy.

– Sao chúng ta không xin triều đình? Lý Thời Trân còn nhỏ, nhiệt tình như lửa đốt, không hình dung ra hết những khó khăn của công việc.

– Chúng ta làm sao gặp được triều đình để xin?

Đúng rồi. Chúng ta làm sao gặp được triều đình để xin. Lý Thời Trân đã hiểu. Nhưng ông lại nghĩ, Bản thảo đã có từ thời Trần ((557-589) là triều đại thứ tư và cuối cùng trong số các triều đại thuộc Nam triều thời kỳ Nam-Bắc triều ở Trung Quốc, cuối cùng bị nhà Tùy tiêu diệt. Chú thích của nguời dịch), như vậy lúc ấy, tất phải có nguời biên soạn.

Từ đó, trong lòng ông luôn bị ám ảnh bởi trách nhiệm này, trong khi hành nghề hay đọc sách, ông càng lưu tâm tới những tài liệu có quan hệ với Bản thảo và đều ghi chép lại cẩn thận. Đây chính là những công việc bắt đầu biên soạn cuốn Bản thảo của Lý Thời Trân.

Một lần, con của Sở vương ở Vũ Xương bị một chứng bệnh kỳ lạ. Sở vương phủ tuy cũng có y quan, nhưng không biết cách chữa. Đứa trẻ là con yêu của Sở vương, suốt ngày Sở vương gần gũi. Có nguời nói với Sở vương, chỉ có đại phu Lý Thời Trân mới có thể chữa được bệnh này. Sở vương vội cho nguời tới mời Lý Thời Trân tới Vương phủ. Nhìn sắc mặt đứa trẻ, Lý Thời Trân xem mạch và biết bệnh của Tiểu vương là do bệnh từ tràng vị dẫn tới. Ông bắt đầu dùng thuốc điều trị tràng vị. Tiểu vương uống thuốc, sau ít ngày, bệnh khỏi hẳn. Sở vương vô cùng vui mừng, mấy lần muốn lưu Lý Thời Trân tại Sở vương phủ khoản đãi. Chưa được bao lâu, triều đình có lệnh trưng cầu nhân tài, để tỏ tấm lòng với Hoàng đế, Sở vương liền tiến cử Lý Thời Trân với Y viện (2) ở Bắc Kinh. Nhưng Thái y viện gồm phần lớn những ông quan thiếu bản lĩnh, họ không mấy quan tâm đến nghề nghiệp, suốt ngày chỉ quan tâm đến chuyện  thay các đạo sĩ trong Hoàng cung, tìm thuốc luyện tiên đan mong Hoàng đế được trường sinh bất lão. Lý Thời Trân được giao những công việc vặt vãnh bình thường, ông hai lần viết báo cáo đề nghị tu chính lại Bản thảo nhưng cả hai lần, bản tấu của ông đều chìm trong đống công văn, không một lời đáp. Một lần, Lý Thời Trân được cử tới làm một việc khản cấp, rất may những nguời lãnh đạo Y viện đều có mặt, ông đã trình bày đề nghị của mình. Nhưng các vị lãnh đạo chẳng quan tâm gì đến, chỉ trả lời như cái máy:

– Làm sao ông lại có cái ý kiến lạ lùng như vậy? Chẳng lẽ Bản thảo cũ chưa đủ để ông dùng hay sao?

Lý Thời Trân kiên nhẫn giải thích, chính vì Bản thảo cũ không đủ dùng, mấy trăm năm qua, đã có không ít loại thuốc mới được tìm ra, cấp thiết phải được bổ sung. Hơn nữa, Bản thảo cũ cũng có những sai sót, cần phải chỉnh sửa. Nhưng không muốn nghe ý kiến của Lý Thời Trân, họ vội vàng gạt đi:

– Sách vở của nguời xưa là hoàn mỹ hoàn thiện, sao ông cứ muốn sửa chữa kinh điển của cổ nhân?

Lý Thời Trân vẫn bình tĩnh, đáp:

– Học vấn là do nguời từ đời này qua đời khác tích lũy mà có, kinh điển của cổ nhân cũng phải được phát triển, có Bản thảo cũ sẽ có Bản thảo mới, nếu không phải chăng học vấn sẽ gián đoạn?

Các lãnh đạo Thái ý viện nổi giận, lớn tiếng:

– To gan!

Những thái độ ấy không làm Lý Thời Trân nản chí, nhưng trong lòng ông, những hy vọng vào Thái y viện đã tiêu tan. Sau khi nắm được các tài liệu, ghi chép, bí phương,… ông cảm thấy việc ở lại Thái y viện không còn ý nghĩa gì nữa. Cùng lúc ấy, ông nhận được thư nhà, biết cha đang ốm, ông bèn cáo từ trở lại quê hương.

Qua bao gian nan mới trở về tới nhà, nhưng nguời cha đã mất. Nguời vợ nói với ông  khi hấp hối cha vẫn còn nhắc tới Bản thảo. Trải qua bao đau khổ và thương tiếc cha, Lý Thời Trân hạ quyết tâm. Đứng trước linh vị cha, ông rì rầm:

– Xin cha cứ yên tâm, triều đình không biên soạn Bản thảo, nhưng con của cha nhất định sẽ biên soạn thành công.

Từ đó, hàng ngày ông đều thức khuya dậy sớm, để lại dấu chân trên bao ngọn núi dòng sông khắp nơi, bắt đầu công việc sưu tập khảo sát chăm chỉ, miệt mài. Qua nghiên cứu cẩn thận, lại qua các y liệu được  kiểm chứng bằng thực tiễn, Lý Thời Trân đưa những tri thức mới vào Bản thảo, sửa chữa những sai sót trong Bản thảo cũ.

Sách cổ ghi chép, ba đậu gây bệnh ỉa chảy. Lý Thời Trân qua nghiên cứu và thực tiễn cho rằng, ba đậu dùng liều lượng lớn mới gây ỉa chảy, nhưng nếu dùng liều lượng vừa phải ngược lại, có thể chữa được bệnh ỉa chảy, điều quan trọng là sự phối hợp sao cho đủ mức. Ông từng dùng ba đậu làm thuốc trị bệnh ỉa chảy cho gần một trăm nguời và đã ghi lại trường hợp này. Mỗi lần đi đâu xa, Lý Thời Trân không cần nghỉ ngơi, những phát hiện mới lập tức được ông ghi chép lại. Ngày qua ngày, năm qua năm, suốt trong 27 năm, Lý Thời Trân đã từ một trung niên trở thành ông già đầu tóc bạc phơ, cuối cùng hoàn thành và để lại cuốn “Bản thảo cương mục” (3) nổi tiếng  cho hậu thế.

Viết xong “Bản thảo cương mục”, điều ông quan tâm nhất là làm sao để cuốn sách được sớm khắc in nhằm phát huy tác dụng của nó, đóng góp vào sự phát triển của khoa học y dược. Nhưng trong suốt một thời gian dài, ông không tìm được nguời có tiền đồng ý làm việc này. Ông đã tới Hoàng Châu, tới Vũ Xương, tới Bắc Kinh và nhiều nơi khác để liên hệ về việc xuất bản nhưng không có kết quả.

Nhưng rồi cuối cùng khao khát bấy lâu  của ông cũng được toại nguyện. Năm 1590, niềm vui lớn đã đến với ông. Được sự ủng hộ của Tàng thư gia Nam Kinh, cuốn sách của ông bắt đầu được khắc in, giấc mơ từ nhiều năm của ông bắt đầu được thực hiện, niềm vui khó nói được thành lời. Đáng tiếc, cuốn “Bản thảo cương mục” được khắc in quá chậm, đến năm 1593, ông không còn được chứng kiến công trình khoa học nổi tiếng của mình được xuất bản khi cái chết đã tới năm ông 76 tuổi.

Sau khi  được ấn hành, “Bản thảo cương mục” được nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Không lâu sau, nó tới Nhật Bản, Triều Tiên, rồi sau được truyền tới châu Âu, được dịch sang tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, có ảnh hưởng rất sâu rộng ở nhiều nước trên thế giới.

 

Chú thích:

  • Bản thảo: tên gọi sách thuốc.
  • Thái y viện:Bắt đầu có từ Kim, phụ trách việc y dược trong cung đình.
  • “Bản thảo cương mục” gồm 52 quyển, cuốn sách viết theo kiểu Bách khoa toàn thư.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here