Khi con bị ép “học thêm”, các bậc làm cha mẹ thường cam chịu, vì không muốn đứa con “bé bỏng” của mình bị trù úm. Thậm chí, có người thầm nghĩ: “Thôi, “thí” cho nó!” để xong chuyện, nhưng trong lòng đầy uất ức.

Nhưng các vị nên nhớ, xử lý như vậy có rất nhiều cái hại. Trước hết, con bạn sẽ phải “đi học” mà chẳng có hiệu quả gì. Không những mất tiền oan, dần nó sẽ quen với lối “được chăng hay chớ”, không nghiêm túc trong học tập. Sau nữa, con bạn sẽ trở thành người nhu nhược, đành cam chịu cái xấu, cái ác nó hà hiếp. Khi lớn lên, con bạn sẽ trở thành người như thế nào?

Vì thế, khi gặp trường hợp này, bạn hãy suy nghĩ, tìm cách để không chấp nhận. Thậm chí, cách tiêu cực nhất  là đến ngày lễ tết, chịu tốn kém có món quà “kha khá”đến thăm hỏi, vẫn có lợi hơn là cho con đi học thêm trong những trường hợp này. Mặc dù để có “món quà kha khá” có khi tốn kém hơn, nhưng lại có lợi hơn trong việc giáo dục con.

      Xin kể lại một chuyện chống cưỡng bức học thêm.

      Năm ấy, tôi giúp cho một cháu ôn thi môn Văn. Chỉ là giúp thôi, do quen biết. Thỉnh thoảng, cháu đến hỏi tôi những gì cháu chưa hiểu ở lớp học thêm hoặc  tự học, nhờ tôi chấm bài cháu tự làm ở nhà (điều mà rất ít lớp học thêm có thể làm được mặc dù đây là công việc vô cùng cần thiết). Một hôm, cháu phàn nàn với tôi ở lớp cháu học, cô giáo dạy Lý cứ bắt đi học thêm bằng cách ra bài kiểm tra rất khó, chỉ có ai đi học thêm mới làm được. Những chuyện như thế này tôi đã nghe không ít, nhưng chưa có cách nào để chống lại.

Suy nghĩ một hồi, tôi vào Google tìm số điện thoại của trường P. (trường mà cháu học). Tôi gọi đến trường, xin gặp HIệu trưởng. Người nhận điện thoại nói Hiệu trưởng đi vắng, tự nhận là Hiệu phó. Tôi trình bày:

– Tôi có cháu học lớp 11 X. của trường. Cháu về nói ở lớp, cô giáo dạy Lý bắt học sinh học thêm bằng cách ra đề kiểm tra khó, chỉ có cháu nào đi học thêm mới có thể làm được. Tôi đề nghị nhà trường kiểm tra và nếu có thì chấn chỉnh để giữ uy tín cho các thầy cô giáo, giữ niềm tin của các cháu vào nhà trường.

Đầu dây đằng kia hỏi:

–         Tên của cháu bác là gì ạ?

–         Tôi không thể nói được. Xin lỗi cô, tôi phải giữ an toàn cho cháu tôi chứ!

–         Bác góp ý thì chúng tôi xin tiếp thu. Nhưng để có thể nói được với cô giáo thì phải có chứng cứ. Bác có chứng cứ gì không?

–         Nếu cần nêu chứng cứ thì tôi sẽ đưa ra với Sở Giáo dục, với báo chí, phát thanh, truyền hình. Đây là tôi nói với nhà trường để nhà trường nhắc nhở cô giáo đó. Nếu tình hình vẫn không thay đổi tôi sẽ nêu chứng cứ.

Đầu dây bên kia im lặng một lát, rồi nói:

–         Xin cám ơn bác, tôi sẽ báo cáo việc này với Hiệu trưởng.

Ít lâu sau, tôi hỏi, cháu ấy bảo:

–         Hồi này bình thường rồi bác ạ.

Thế là câu chuyện chỉ cần giải quyết bằng một cuộc điện thoại, chắc chỉ mất nghìn bạc (cước điện thoại bàn trong 5 phút).

Cho nên, nhiều khi cha mẹ học sinh cứ sợ bóng sợ vía, đành im lặng, thế là họ có dịp làm càn. Mà họ còn khinh mình nữa ấy chứ! Toàn dân cũng gọi là có học có hành mà bị người ta “đè đầu cưỡi cổ” như thế vẫn cam chịu! Họ cũng sợ dư luận lắm chứ!

1 BÌNH LUẬN

Trả lời Nguyễn Văn Đại Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here