Nghề dạy học cũng như nhiều nghề khác, đòi hỏi những phẩm chất riêng biệt. Thiếu nó, người thầy chắc sẽ “giữa đường đứt gánh” hoặc trở thành “bất dắc dĩ”. Tôi cho rằng, ngoài tâm huyết người thầy giáo còn cần sự thành thực. Truyền thụ kiến thức, gieo và chăm bón những hạt giống của những phẩm chất tốt đẹp cho con người, thiếu sự chân thành, không thể có kết quả.
Trong các môn học, Văn và Sử là những môn học rất gần với những cái mà nay người ta hay gọi là “sự nhạy cảm (nôm na có thể hiểu là: nếu nói tới mà không biết “giữ mồm giữ miệng” thì sẽ rắc rối lắm, đừng có dại mà “dính” vào). Ta coi giáo dục phục vụ chính trị, văn chương nghệ thuật hay lịch sử cũng là để phục vụ chính trị. Để phục vụ chính trị này, rất nhiều khi cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ đã không được tôn trọng. Cũng không thể trách gì người soạn sách, không soạn như thế, ai người ta thuê anh viết! Nhưng một người thầy có lương tâm không nên và không thể dối lừa học sinh. Tôi có một đồng nghiệp, anh rất “kỵ” việc dạy các học sinh lưu ban (năm ngoái đã học anh, năm sau, phải ở lại lớp lại ngồi vào lớp anh dạy) anh nói, chỉ vì rất xấu hổ nếu học trò nghe anh nói lại những điều đã từng nói năm trước, họ sẽ có cảm giác anh chẳng khác gì con vẹt, (khi ấy máy ghi âm còn hiếm lắm). Mà nói điều mới trăm phần trăm thì thật là không sao làm nổi! Nhưng người thầy cũng đang nằm trong cái cơ chế này, cũng cần có công ăn việc làm để tồn tại và chắc chắn cũng là con người nên họ cũng không thể tránh được những nỗi sợ dù nhiều khi cũng chỉ là “vẩn vơ” (Hồi mới ra trường, sau một thời gian đã thân thiết, một người thuộc bậc đàn anh trong nghề đã rỉ tai tôi rằng trong các lớp thường đều có những học sinh là tai mắt của công an, anh khuyên tôi nên cẩn trọng khi nói năng dù bất cứ ở đâu, không biết điều anh nói đúng sai đến mức độ nào). Học trò chán Văn hiện nay có một nguyên nhân là do nhiều điều các thầy giảng nhưng bản thân các thầy không tin, các thầy ngợi ca nhưng bản thân chưa cảm nhận như thế.. Vì thiếu niềm tin nên lời thầy chỉ là những lời phát ra từ những rung đông rất cơ giới từ dây thanh đới, nó thiếu sức hấp dẫn của những cái vô hình nhưng rất quan trọng là niềm tin, là sự say mê từ đáy lòng.
Năm 1992, trong buổi gặp gỡ với những người đã ra trường sau 22 năm, một học sinh mà tôi rất quý mến từ ngày anh còn trên ghế nhà trường đã hỏi tôi: “Hồi dạy chúng em, thầy có nói những gì mà bản thân thầy không tin không?” Tôi đã trả lời ngay:
– Những ngày ấy, bản thân tôi còn rất ấu trĩ, không tránh khỏi nhiều điều ngộ nhận, tới nay, ngày càng thấy mình thật là ngờ nghệch. Nhưng tôi đã nói với các em bằng tất cả niềm tin của mình giống như rất nhiều người khi ấy. Còn bây giờ, những điều ấy không còn đúng đắn, thực tế cuộc sống đã khiến chúng ta hiểu biết hơn. Đó là quá trình tới gần với chân lý”. Trong những năm tháng còn lại đứng trên bục giảng, câu hỏi ấy của người học sinh cũ càng luôn luôn nhắc nhở tôi phải nói những lời chân thật với những người đang gọi mình là “thầy”. Tất nhiên, không phải đã trọn vẹn, nhưng xin trao đổi một vài kinh nghiệm với các bạn còn đang theo nghề.
1. Trước hết, tôi luôn tự nhắc, cái gì mình không tin nhưng không thể nói khác thì tuyệt đối không nói, không bao giờ đề cập tới những chuyện ấy. Có những bài phải dạy trên lớp, thực chất nó chỉ là ca dao hò vè diễn ca chuyện chính trị thì phải tìm cách bỏ qua. Những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều văn thơ được chọn vào sách giáo khoa có rất ít phẩm chất nghệ thuật, nhiều bài thơ tới nay nhắc lại vẫn không thể tránh được ngượng ngùng. Nhưng dường như vẫn chưa vừa lòng vẫn hàm lượng chính trị trong sách giáo khoa, hàng năm những cuốn “Phụ lục” lại được ra mắt để nói như ngày nay là cập nhật thời sự văn học. Nhớ năm 1966, có một bài thơ (quên mất tên) mở đầu bằng hai câu:
Mười năm về trước chúng ta,
Ra đi tập kết xa nhà xa quê…
(Cũng phải nói thêm, tác giả của hai câu thơ này có không ít bài hay và nay đã được chọn vào sách để lớp trẻ học). Với những bài như thế, chẳng lẽ vẫn phải lên gân với học sinh rằng nghệ thuật sinh động, vần điệu đặc sắc? Nói thế thật chẳng khác nào lừa người nghe. Tôi thường phải chọn cách “đánh trống lảng”. Nghĩa là tiết học ấy vẫn dạy, vẫn ghi tên bài trên bảng (để học sinh ghi tên bài dạy vào Sổ đầu bài cho các cấp kiểm tra khi cần thiết). Nhưng thời gian chủ yếu dành để kiểm tra miệng (bù cho các tiết dạy bài có nhiều điều để nói, không làm được việc này), hoặc dạy các kỹ năng làm văn, chữa câu sai, từ ngữ, chính tả.
2. Với những gì sách nói chưa đúng thì khéo léo tìm cách nói lại, hoặc gợi ý để học sinh tìm hiểu thêm. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong sách giáo khoa Văn 12 mới đưa vào sử dụng , bài đầu tiên “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, phần tiểu sử, có nói đại ý, ông được Tổ chức UNESCO tôn vinh là “anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”. Bây giờ, sau hơn hai mươi năm, ta có thể nói với nhau, điều đó là bịa đặt. Nhưng khi ấy, nhất là với học sinh phải nói sao để tôn trọng sự thật, để người thầy không phải xấu hổ vì làm ngơ trước sự dối trá mà vẫn giữ được thân? Tôi đã phải nói: điều này hình như sách giáo khoa có đôi chút nhầm lẫn (cẩn trọng nên phải đề phòng bằng cách nói “hình như”), việc công nhận Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới mới chỉ là đề nghị của nước ta, còn chắc UNESCO đang nghiên cứu. Cách nói này tránh được “búa rìu”, dù chưa nói hoàn toàn sự thật, nhưng ít nhất cũng để học sinh có suy nghĩ, hy vọng họ sẽ tìm hiểu thêm. Tất nhiên, mỗi năm có thể có cách nói không giống nhau. Có lần tôi vừa cười vừa bảo: “Cái này là các ông soạn sách hơi giàu trí tưởng tượng” Học trò hỏi vì sao thầy nói như vậy. Tôi cười, trả lời, “các em nên về hỏi internet”. Có năm, biết một học sinh trong lớp bố là cán bộ giảng dạy khoa Văn trường Sư phạm, trước lớp, tôi nhờ em về hỏi bố xem đúng sai thế nào. Hôm sau, em trả lời: “Bố em chỉ cười, không nói gì!” Cũng chỉ cần thế!
3. Sách giáo khoa Văn và Sử nước ta được viết theo lối có người đã gọi là tư duy kiểu truyện cổ tích. Nghĩa là cái gì cũng hay, cũng đẹp cũng tốt, cũng hoàn thiện, tuyệt mỹ cả. Các tác giả, tác phẩm được đưa vào sách đều toàn vẹn trăm phần trăm, không một chút tỳ vết. Và tất nhiên, người thầy cũng phải dạy theo định hướng ấy. Thế là dù không muốn, người thầy đã mắc vào hai điều cần tránh: một là nói dối, vì cuộc đời không bao giờ có cái gì hoàn thiện như thế; và hai là, tạo cho học sinh một lối tư duy rất có hại, không biết phê phán, không phân biệt dở hay. Tôi luôn chỉ ra những khiếm khuyết và lý giải những điều đó với học sinh bằng những hiểu biết của mình. Sách giáo khoa khen Nguyễn Đình Chiểu chẳng khác gì Nguyễn Du, cũng đều là những tài năng nghệ thuật kiệt xuất cả. Nhưng khi giảng, bên cạnh việc đề cao lòng ham hiểu biết, không coi trọng bằng cấp của Nguyễn Du (chỉ đỗ tam trường thi Hương mà hai lần được cử đi sứ Trung Quốc), tôi gợi ý cho học sinh để họ thấy thái độ trung thành mù quáng với triều Lê của nhà thơ Tiên Điền. Còn với Nguyễn Đình Chiểu, tôi luôn nói với học sinh, nhân cách, khí tiết của Đồ Chiểu vô cùng đáng cảm phục. là tấm gương để mỗi người noi theo. Nhưng thơ của ông có những hạn chế, bên cạnh cái mộc mạc, chất phác cần trân trọng còn nhiều câu chưa được trau chuốt, chưa đủ phẩm chất của nghệ thuật như nhiều nhà thơ khác. Có điều, vì ông sớm bị mù, không thể trực tiếp đọc sách, cũng không thể nhờ ai đọc cho nghe (sách chữ Hán) để tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật ngôn ngữ. Những câu: “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng, Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?”, rồi: “Vợ Tiên là Trực chị dâu, Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”, … chính là kết quả của tình trạng ấy. Nói như thế, không những không làm giảm niềm kính trọng với nhà thơ Nam Bộ còn giúp học sinh phân biệt cái hay và cái dở, thơ và vè.
Một trường hợp khác, “Vợ nhặt” của Kim Lân là một truyện ngắn hay, cùng với việc lớp hậu sinh hôm nay hiểu cái khủng khiếp của nạn đói 1945, nhà văn còn thể hiện khát vọng sống trong những con người đang đói quay đói quắt, họ mơ ước cuộc sống gia đình hòa thuận, đoàn tụ ngay trong những tháng ngày không gian ảm đạm bởi tiếng quạ kêu và mùi tử khí mà những đống rấm trấu không che nổi. Nhưng cái kết của truyện không phải là một cái kết độc đáo và sáng tạo của nhà văn như có người đã cố ý hiểu sai, rồi còn lấy làm đề làm văn cho học sinh ca ngợi. Hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng cùng tiếng trống vang động chẳng ăn nhập gì với cảnh cả gia đình trong truyện cúi gằm mặt xuống bát cháo cám nghẹn ứ và chát xít. Đây chính là kết quả của việc tác giả vận dụng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn được coi là phương pháp sáng tác của nền văn học giai cấp vô sản. Tiêu chuẩn thứ tư trong 4 tiêu chuẩn của phương pháp sáng tác này là phải đưa người đọc hướng tới tương lai. Nếu kết truyện bằng hình ảnh những bát cháo cám, truyện của Kim Lân sẽ chẳng khác gì với cái kết bế tắc “trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị” trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, cũng giống như cái chết trên vũng máu của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Một truyện viết vào năm 1955, đã có sự lãnh đạo của đảng, trong cái cảnh tượng “Xưa là rừng núi, là đêm, Giờ thêm sông biển lại thêm ban ngày” và sắp tiến tới “Núi rừng có điện thay sao, Nông dân có máy làm trâu thay người” sao có thể buồn thảm như vậy. Phải cho học sinh rõ, đây chính là cái hạn chế của một phương pháp sáng tác (mà rất may hơn hai chục năm nay, người ta không còn nhắc tới nữa), là cái khiếm khuyết rất không đáng có của truyện cũng như nhiều tác phẩm khác ra đời trong thời kỳ này.
Có thể dẫn ra nhiều thí dụ như vậy. Người thầy dạy Văn, có tấm lòng với văn chương đích thực, yêu nghề và có lương tâm với lớp trẻ sẽ có những thái độ ứng xử thỏa đáng với từng trường hợp cụ thể.
Suốt gần bốn chục năm, luôn như vậy nhưng tôi cũng chỉ bị “thổi còi” có một lần. Chuyện thế này:
Cuốn sách giáo khoa Văn 12 có hình ảnh ngôi nhà sàn trong vườn Phủ Chủ tịch. Hôm dạy bài ấy, tôi hỏi học sinh đã có ai tới tham quan chưa? Người bảo rồi, người bảo chưa. Tôi nói với cả lớp:
– Tôi thì chưa vào đây. Ngôi nhà rất đẹp, ở chắc thích lắm. Nhưng hỏi những người đã tới, ai cũng bảo ngôi nhà này không có “toa-let”. Không biết người ta nói có đúng không?
Những người chưa biết thì chăm chú theo dõi, những người đã tới ai cũng bảo “quả là không thấy”. Tôi mới nói:
– Thế thì tôi nghĩ đây chỉ là nơi bác Hồ thường tới đây nghỉ ngơi, đọc sách, hưởng cái thú đắm mình trong cây cỏ, hoa lá. Làm sao để một ông cụ ngoài 70 tuổi ở trong căn nhà không có cái tối cần thiết với con người thế được!
Mấy hôm sau, tôi được ông Hiệu trưởng mời vào “uống nước”. Ông hỏi tôi:
– Hôm vừa rồi, ông nói gì ở lớp thế?
Hóa ra trong lớp có con ông ấy học, cậu học trò về kể với bố. Tôi rất bình tĩnh trả lời:
– Tôi chưa tới chỗ ấy nên cũng chỉ hỏi để giải đáp một điều tôi chưa rõ thôi.
Chắc thấy cũng khó bắt bẻ, ông Hiệu trưởng chỉ đe:
– Ông ăn nói phải cẩn thận đấy!
Nghĩ bụng, tôi cũng phải đắn đo cân nhắc từng câu từng chữ đấy, ông không phải dạy!
e chào thây !
đầu tiên e rất cảm kích trước tinh thần nói thẳng nói thật của thầy .nói thực tình e cũng rất bất mãn với ht giáo dục nước nhà ,mặc dù đã trải qua 17 năm sống trong vũng bùn
nhưng thày cũng phải thông cảm cho những người đưa đò này.vì chén cơm thôi thày ,nếu ko muốn kết cục như :chí feo ,chị dậu….haiz !
Những bài viết, những câu chuyện ngụ ngôn thầy đưa lên hàng ngày giúp em có lòng tin mạnh mẽ hơn vào những điều tốt đẹp của con người và cuộc đời thầy ạ.
Thời hoc Trung Học lớp9 tôi rất thich nhừng đề thi có tinh
cách hương dẫn học sinh sông như:
“học như bơi thuyền trên dòng nươc ngược,không tiến ắt lùi”
“đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”
“viêc làm ngày hôm nay chớ để ngày mai”
“Tha thứ thì VĨ ĐẠI hơn trả thù
nững châm ngôn ấy có ảnh hưởng suốt đởi học sinh
Bài hay lắm. Nhớ hồi đó có học bài thơ “Đế quốc tù ta ta chẳng tù/Ta còn bộ óc ta không lo” rất khó thuộc và quá dỡ, nhưng không biết tại sao hơn 40 năm rồi vẫn nhớ 2 câu này, hi hi