Mình không ở Đà Nẵng, chỉ đi qua. Nhưng ấn tượng về một thành phố có quy hoạch đàng hoàng, được quản lý tương đối chặt chẽ khá rõ. Dọc các con đường phố lớn, đều có lời nhắc cấm hàng rong, ăn xin (chỉ buồn cười là còn có cả “giả ăn xin”, không biết nghĩa là sao?). Và quả thật không thấy (chứ không như ở Hà Nội, khẩu hiệu cấm đoán đầy đường nhưng người bán hàng rong, bám theo khách du lịch còn nhiều hơn cả khẩu hiệu). Vì thế, đường phố thoáng đãng, người đi bộ có thể đi trên hè mà không bị vướng chân. Mà lạ, qua Đà Nẵng ba lần, không thấy công an, cũng không thấy cảnh vượt đèn đỏ. Nhưng cũng có thấy người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Những khu phố mới, đường phố rộng rãi, chia làn, giữa là bồn hoa, cây cảnh. Hoa được chăm chút, đủ màu sắc chứ không chỉ có thảm cỏ, cây cối với màu xanh hơi nhàm chán như đường phố ở Hà Nội. Nhớ cách đây 10 năm, trong chuyến Xuyên Việt, khi về qua Đà Nẵng, thấy những đường phố đang xây dựng rộng thênh thang, giữa là đường cống ngầm, xe ô tô có thể chạy được. Như thế sao có ngập lụt, có cảnh đường biến thành sông.

Dọc theo bãi biển, nhiều khu biệt thự, khách sạn cao cấp sang trọng. Còn rất nhiều khu đất trống chuẩn bị xây dựng. Vẫn chỉ là cát trắng và cỏ hoang nhưng đường phố đãđược hoạch định. Đầu mỗi đường đều có cột bê tông, trên đó có biển tên phố đàng hoàng. Như thế, sẽ tránh được cảnh “nhà không số phố không tên” sau này. Nhiều tên phố khá hay: Vàng Anh, Phương Trang, Thanh Thủy…

Nhưng cũng nhiều cái tên chẳng ra thế nào. Tên người mà chán ngắt! Có ông, vừa ở tù ra, viết hồi ký kể chuyện trong tù. Sách in hơn hai mươi nghìn bản mà còn phải có phiếu phân phối mới mua được. Tuyên truyền khắp nơi. Mình cũng được mời đi giới thiệu mấy lần (không được tiền, chỉ được bồi dưỡng bằng “vinh dự”). Vài năm sau, có ông cũng ở tù ra, bảo ông ấy “chém gió” đấy! Thế là chẳng ai nhắc gì đến cuốn hồi ký ấy nữa. Thế mà tên tác giả của nó vẫn được dùng để đặt tên phố. Rồi có ông “ra đi” vì “thượng mã phong” cùng một nhân viên thuộc cấp, tên cũngđược dùng đặt tên phố, lại một ông, chẳng biết khi sống ăn ở thế nào, lúc chết, công ty môi trường đô thị thỉnh thoảng cứ phải mang xe chở nước làm vệ sinh phần mộ, thế mà tên cũng được dùng đặt tên phố.

Anh nào ở những cái phố này thì thật vô phúc. Cứ nghĩ nhiều đường phố ở nước ta có khi chỉ vì cái tên phố mà rồi chẳng ai dám mua nhà. Cả đời, hàng ngày qua lại, cứ nhìn thấy cái biển tên phố; bạn bè hỏi, phải nói cái tên phố ấy, khéo mà chết mất. Thôi, tránh trước cho khỏe!

Nhớ một quyết định quan trọng của Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc họp tháng 3 năm 1949 (trước khi thành lập nước 7 tháng), “không lấy tên những người lãnh đạo đặt tên cho các địa phương”. Nên Bắc Kinh cũng như các thành phố ở Trung Quốc ngày nay tránh được cái nạn này. Cái hay của họ thì chẳng thấy học!

Một trong những cái phúc của mình là con đường nơi mình ở được mang cái tên giản dị và thân thuộc từ bao đời: đường Láng. May mắn hơn khối người đấy chứ nhỉ? Không biết thế có A. Q. không?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here