Đã một thời, tôi cũng như nhiều người cho rằng đó là con rùa. Vốn là thời còn đi học, mỗi trưa thứ 7, tôi phải ra Bờ Hồ mua “các” tàu điện (một loại vé tuần, rẻ hơn mua vé hàng ngày dành cho người đi lại thường xuyên) bán ở chỗ nhà “Hàm cá mập” bây giờ. Vào tiết Thu, hầu như hôm nào cũng thấy rùa nổi. Hồ Gươm lúc bấy giờ là nơi tụ tập rất nhiều trẻ con lang thang, đứa bán báo, bán kem, đứa câu tôm, câu cá. Mỗi khi rùa nổi, trẻ con cùng những người từ xa về Hà Nội mới hiếu kỳ đứng xem, khi nào thấy cái đầu nổi rõ trên mặt nước thì reo hò, bọn trẻ có đứa ném đá, ném gạch (xung quanh bờ hồ bấy giờ chưa được lát hay đổ bê tông nên những thứ tương tự nhiều lắm). Còn những người lớn sinh sống ở Hà Nội thì chẳng mấy ai quan tâm . Nó là con rùa, có gì lạ mà phải xem! Không phải người ta không biết truyền thuyết về con rùa đòi gươm của Lê Lợi. Nhưng ai cũng biết, đó chỉ là truyền thuyết, cũng như truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Yết Kiêu, Dã Tượng, … chỉ có tác dụng dạy trẻ con thời thơ ấu chứ chẳng có ai “điên” mà tin là thật! Đó là những suy nghĩ của những người tử tế xưa nay.

         Có lẽ cái con rùa ấy đã chết rồi và nó đã được đặt trong hòm kính ở đền Ngọc Sơn. Việc lưu giữ hình hài của con rùa tôi nghĩ là việc làm hợp lý, nhằm cho người ta thấy một con rùa to khác thường, một điều lạ (chưa hẳn là kỳ lạ) trong thế giới tự nhiên.

         Khoảng ba chục năm trở lại đây, khi con người khủng hoảng niềm tin, lao vào thờ cúng thánh thần, đi chùa đi chiền không phải vì muốn cái tâm thanh thản mà để thỏa mãn cơn khát giàu sang phú quý, chuyện con rùa mới được nhắc lại với đủ mọi sự hoang đường nhảm nhí, rồi thậm chí người ta tôn nó thành “cụ”, thành hồn thiêng sông núi khiến nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng phải quan tâm.

          Số nhà khoa học khẳng định “rùa Hồ Gươm” cùng loài với giải Thượng Hải chiếm số đông. Các nhà khoa học nước ngoài, thuộc các chương trình bảo tồn rùa của quốc tế hoạt động ở Việt Nam, sau quá trình nghiên cứu, cũng khẳng định “rùa Hồ Gươm” là giải, cùng loài với cá thể giải Thượng Hải, hiện chỉ còn 2 con ở Trung Quốc. Dù có là loài giải khổng lồ thì đó cũng chỉ là con giải. Mà cái con giải này thì tôi đã không lạ thời  kháng chiến chống Pháp sống ở Phú Thọ.  Nơi tôi ở có một cái đầm lớn, thông với sông Hồng. Người dân địa phương nói dưới đầm, có con giải lớn bằng cái nong (không biết họ tin là thật hay chỉ nói để dọa bọn trẻ con không được xuống đầm nghịch ngợm?). Và con giải này chính là con ba ba, những con ba ba chắc đã sống lâu đời.

          Khi chưa được nhìn những tấm ảnh chụp, tôi cũng như nhiều người đều quen hiểu cái con vật thỉnh thoảng nổi lên hay nằm phơi nắng dưới chân Tháp Rùa là con rùa. Nhưng khi đã được nhìn những tấm ảnh chụp, thậm chí cả những đoạn video,  không hiểu sao người ta vẫn còn giữ niềm tin ấy. Không am hiểu khoa sinh vật học nhưng cứ theo những hiểu biết thông thường của tôi thì rõ ràng đó là con ba ba. Nó không thể là rùa vì cái mai láng bóng. Đó là những điều tôi tiếp thu được từ những người dân chất phác vùng Phú Thọ, Yên Bái ven sông Hồng, nơi có nhiều loài vật này cư trú. Theo họ, rùa có mai cứng, ít  thịt, chẳng mấy ai tìm bắt để ăn, còn ba ba có mai mềm và cái riềm xung quanh. Những con ba ba sống hàng trăm năm có hình dáng to khác thường được  gọi là con giải. Đó chính là đối tượng săn bắt vì chúng  rất nhiều thịt, có con nặng tới tạ rưỡi.

Thế mà vì sao một con ba ba lại biến thành  con rùa?  Con ba ba (xưa thì hiếm vì chỉ có thể bắt trong tự nhiên, nay thì “đầy” vì người ta đã nuôi được trong ao nhà) thường được chế biến  thành món ăn mà các quý ông ưa thích lại được tôn thành “Cụ” để biết bao người ngưỡng mộ, thành kính?

        Nó là do cái tâm lý khát thần tượng của con cháu vua Hùng. Một khi luôn luôn chờ đợi ngóng tìm thần tượng thì thần tượng sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu. Từ kết quả nghiên cứu của nhà khoa học “loài này thường được tìm thấy ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ…” thành ngay chuyện “Cụ”  (chữ “Cụ” viết hoa nhé!) có gốc từ Thanh Hóa, quê hương Lê Lợi. “Nhà Rùa học” lại “phát minh” ra chính con ba ba đã có công xóa dấu vết cho người anh hùng áo vải khi phải trốn tránh kẻ thù ở Lam Sơn bất chấp loài ba ba chỉ có thể sống dưới nước. Chưa lâu, lại có “nhà khoa học” nghiên cứu  “Cụ”  chính được tay Lê Lợi thả xuống hồ, … rồi lại có “ngài trí thức” nói chính “Cụ Rùa” này đã nổi lên đòi gươm của vua Lê Thái Tổ, … và như thế, tất nó đã sống 700 năm, … Cứ theo cái trí tưởng tượng vô cùng phong phú của các bậc “tài danh”, con ba ba vốn được ưa chuộng trên bàn nhậu trở thành  “hồn thiêng sông núi”. Không có gì lạ nếu đã thấy người Việt Nam chúng ta đã từng suy tôn Lệ Rơi, Bà Tưng và các ngôi sao Hàn Quốc cùng trăm thứ “ba lăng nhăng” khác.

       Cái tâm lý ấy lập tức được lợi dụng để huyễn hoặc, được kích thích để ngày càng phát triển khiến con người trở nên “mụ mị” ngoài việc cầu cúng, lễ bái ,… không còn biết điều gì khác. Điều này có lợi cho ai, hẳn không khó khăn gì để nhận ra.

      Đông đảo người  cuồng tín mong đợi, lại được những người có tiền và có quyền tiếp tay, một bọn  người bất lương lập tức đổ xô vào trục lợi. Một kẻ được coi  là “nhà khoa học”, không biết đã chi tiêu hết bao nhiêu tiền để gọi là nghiên cứu nhưng qua bao nhiêu năm dòng dã, vẫn không biết cái gọi là “cụ rùa” ấy là “đực” hay “cái”, tiêu chí đầu tiên cần biết về một động vật. Cũng chẳng thấy có kết luận khoa học nào hơn,  chỉ thấy ông ta gieo rắc những huyền thoại đủ loại để mê hoặc con người ở mọi nơi, mọi lúc. Con ba ba vừa chết, đã có biết bao dự án “ăn theo”, nào là bảo quản lâu dài như một biểu tượng của đời sống tâm linh, nào là đưa con ba ba từ Đồng Mô về để tiếp tục lưu giữ thần tượng, để hình ảnh “cụ rùa” sống mãi…

        Nếu con ba ba này trở thành một xác ướp phục vụ nghiên cứu khoa học thì tôi không dám phản đối (vì chắc chắn nó sẽ có giá trị hơn những xác ướp khác), nhưng nếu người ta định biến nó thành một biểu tượng tâm linh thì nên nhớ ở Việt Nam hiện nay đã thừa mứa những biểu tượng loại này rồi. Người dân nước ta cần tỉnh táo, còn định mê muội đến bao giờ nữa?

       Còn tôi xin các “nhà khoa học” hãy để cho con ba ba ở Đồng Mô yên phận sống ở đó. Đưa nó về hồ Hoàn Kiếm để làm gì? Các vị định biến nó thành một “cụ rùa” khác chăng? Định tiếp tục lừa mị nhân dân chăng? Hay đơn giản, chỉ để tiêu tiền? Bắt được nó trong cái hồ Đồng Mô rộng mênh mông không phải chuyện dễ, đưa một con ba ba lớn từ xa về không đơn giản. Và nó có thích nghi với môi trường mới? Hay dăm bữa nửa tháng sau, nó lại sinh bệnh, tiền của lại đổ vào bao nhiêu cho đầy các túi tham.

      Con chó, con mèo ta nuôi trong nhà chẳng may chết đi, những chủ nhân của chúng ai cũng tiếc thương. Con ba ba này chết chắc cũng khiến nhiều người nuối tiếc. Có người tiếc vì sự ra đi của thần tượng, cũng không ít kẻ tiếc vì mất đi cái “mỏ” tiền.

       Nhưng thôi, hãy để nó chết như một sinh vật đúng quy luật của Tạo hóa cùng với những huyền thoại của một thời!

27 BÌNH LUẬN

  1. Một bài thật thuyết phục bởi lập luận rất chặt chẽ và khoa học,cảm ơn bác Duong Dinh Giao !

  2. ” Con chó, con mèo ta nuôi trong nhà chẳng may chết đi, những chủ nhân của chúng ai cũng tiếc thương. Con ba ba này chết chắc cũng khiến nhiều người nuối tiếc. Có người tiếc vì sự ra đi của thần tượng, cũng không ít kẻ tiếc vì mất đi cái “mỏ” tiền.

    Nhưng thôi, hãy để nó chết như một sinh vật đúng quy luật của Tạo hóa cùng với những huyền thoại của một thời!”
    Rất hay và sâu sắc. Cảm ơn Thầy rất nhiều.

  3. Nhớ lại ngày con tôi còn nhỏ ,có lần tôi kể chuyện sự tích hồ Gươm cho con nghe . Con tôi rất thích thú và hỏi lại -Mẹ ơi sao con rùa lại biết nói hả mẹ Tôi trả lời như trong cổ tích -Vì đó là rùa thần con ạ Lập tức tôi bị một trận mắng của chồng Sao em lại có thể dạy con tin theo những điều hoang đường ấy được .Anh nghĩ từ chuyện được kiếm tới chuyện trả lại kiếm đều là kế sách của Nguyễn Trãi và Lê Lợi thôi .Từ đó hai vợ chồng thống nhất chỉ kể cho con nghe về những tấm gương hiếu học ,về người tốt ,việc tốt .

    • Nhẽ ra bị chửi thế thì chồng của chị bị “hâm”. Bởi vì sự tích (hoặc cổ tích) thì bao giờ cũng vẽ vời thần thánh với các loại thú vật biết nói. Trời Tây khoa học cũng lắm nhưng các cổ tích vẫn có huyền bí, vẫn có thú biết nói. Chẳng ai thắc mắc vì sao, bởi ai cũng biết “làm gì lại như thế”.

      Chị đã bị chửi lãng nhách.

  4. Rùa Hồ Gươm Chết, Tại Sao?

    Rùa Hồ Gươm đã chết
    Nguyên nhân là tại sao?
    Yêu cầu phải làm rõ
    Chết bởi nguyên nhân nào?

    Do tù túng trong ao?
    Ăn xác mèo thủa nào.
    Có mắc bệnh đường ruột
    Bởi ăn bẩn không nào?

    Môi trường sống thế nào?
    Sình bùn nhiều, hôi thối.
    Rùa sống bao năm trời
    Ngấm vào thân, có thể?

    Hay là do thời thế
    Tuổi tác lại quá già.
    Sống cô đơn, buồn quá
    Rùa giã từ nhân thế?

    Hay là do ê chề
    Nhục khi thấy cháu con,
    Chí ‘Sát Thát” không còn.
    Rùa già không thiết sống?

    Hay hồn Lê Chiêu Thống
    Đã nhập vào lũ nào?
    Rùa già biết, nghẹn ngào
    Tìm Diêm Vương trình báo?

    Đại hội rực cờ đào
    Rùa già chết, tại sao?
    Nhân Quả linh ứng báo
    Đấu đá cướp Long bào?

  5. Công trạng con ba ba này còn là nhờ có nó mà có ông được phong các loại học hàm học vị là dáo xư, phó dáo xư hay thạc xĩ, tiến xĩ các cáo này nọ ông giáo Duong Dinh Giao à

  6. Chào bác, chuyện con giải ở cái đầm trên phú thọ, có phải ở Đầm Lao, hiện ở thanh hà, thanh ba, phú thọ ko bác. Hồi bé cháu cũng nghe bà kể như bác nói. Hình như có thời gian bác cũng ở trên thị xã Phú Thọ ạ?

  7. Đây là con Giải theo như cách gọi của cư dân vùng trung du cũng như thượng du Sông Hồng. Cách nhạn dạng là loài vật này có cổ sát yếm màu đỏ, mai bóng như baba. Nếu là rùa nó phải giống như tiêu bảm đang để trong đền Ngọc Sơn (mai gồ cao, chia múi như quả bóng đá…).

  8. Xưa em thường theo bố đi soi rùa vào ban đêm ở khe, suối. Rùa không có phần diềm ở xung quanh mà chỉ Ba ba mới có. Thông tin này chuẩn luôn.

  9. Thật ra thì cục đất sét – chính xác là đất sét. Nhưng qua bàn tay của con người, nó trở thành tượng, rồi có người đưa vào nơi trang nghiêm nó trở thành TƯỢNG , người này người kia chấp tay khấn vái, thờ lạy. Quan trọng nhất AI là người nắn nó thành TƯỢNG. Quanh ta, có nhiều TƯỢNG như vậy lắm và nó đã quên rằng mình vẫn chỉ là cục đất sét.

    • Đã dốt lại còn thích bàn. Cục đất sét được nắn thành tượng, và có người xì-xụp cúng vái, hương khói trước nó cũng đâu phải đang lậy cục đất ấy mà là biểu tượng của nó.

      Nhẽ nào gia đình cụ không có bàn tờ tiên tổ. Mà như thế trước vị bài, trước hình hoặc lưu niệm gia tiên kẻ vái lậy đang làm điều quởn là lạy miếng gỗ hoặc tấm giấy. Vì tựu trung vật chất cũng chỉ là những thứ đó.

      The United States of America có trưng cờ, và người dân đặt tay trên ngực hát “Star-spangled Banner” là để chào miếng vải ?

  10. Khi được tôn kính thì nguòi ta gọi môt nguòi làm nghề dạy học là THẦY…hay cao hơn nữa là đức thánh văn KHỔNG TỬ…còn đã không tôn trọng… thì DỨC KHỔNG TỬ cũng xuất thân từ 1 con vượn nguòi mà thôi…

  11. Nếu con ba ba này trở thành một xác ướp phục vụ nghiên cứu khoa học thì tôi không dám phản đối (vì chắc chắn nó sẽ có giá trị hơn những xác ướp khác)!

  12. nếu bảo ăn thịt con 33 này mà bách niên giai lão sống lâu muôn tuổi thì có lẽ mỗi vị….nên làm một miếng còn đâu mang đáu giá bán cho bọn nhà giầu để nấy tiền ủng hộ dân nghèo còn hơn là ướp xác.

  13. Đúng ạ em đã xa nhà gần 30 năm nay trí nhớ một số ngôn từ vẫn dừng ở thời đó: không ai gọi là Cụ Rùa. Gần đây thấy khắp nơi gọi là cụ rùa, còn em chỉ quen gọi là Rùa Hoàn Kiếm thôi ạ.

  14. Tôi có câu chuyện “Khúc gỗ mục cười” đã cách đây chừng 20 năm, nay nói lại.
    Một lần vào …chốn linh thiêng, người đàn bà thắp hương vái lạy 1 pho tượng. Khi ngẩng lên bà thấy tượng cười chua chát mỉa mai. Bà lắc đầu ý nói không hiểu.
    Pho tượng “lên tiếng” ta chính là kẻ được ngươi cứu lên từ sông H đầy rác bẩn nẵm xưa đó. Ngươi không nhớ sao?
    Người đán bà lắc đầu ý nói không hiểu.
    Ngươi nhớ lại đi. Lần đó ngươi cũng hành nghề đồng nát như nay đấy.
    Người đán bà lắc đầu ý nói không nhớ.
    Pho tượng nhắc cho: Ngươi thấy ta trôi dạt vệ sông, bùn rêu và nước bẩn bám đầy. Ngươi vớt lên, rũ sạch, đem bán củi. Nhưng số ta hên, được bán cho anh vô công rồi nghề thế là anh ta đéo gọt rồi bôi trát cho như bây giờ đây. Có người bứng vào đây cúng tiến.may thế bây giờ ta gặp lại người đã cứu ta năm xưa. Cảm ơn nhé!

  15. Cám ơn câu nói tỉnh táo trước biển người mụ mị. Mặc dù vẫn bị át đi thôi vì sự mụ mị này đang được nuôi dưỡng bởi bộ máy tuyên truyền đồ sộ, chuyên nghiệp.

  16. Lâu rồi mới tìm được ông giáo làng. Rất thú vị vì nhiều bài, nhiều thể loại.
    Hôm nay đọc bài về cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm.Có một kỷ niệm thú vị chia sẻ cùng tác giả. Năm tôi học lớp nhì chùa Đồng Quang (quận Hoàn Long, vào màu hè thấy mọi người nhốn nháo đi xem rùa. Chúng tôi chạy từ ấp Thái Hà, không đợi tầu điện, đến bờ hồ để xem rùa. Tôi nhớ rùa lên đảo.
    Sau vì thời gian không để ý.Và không thấy rùa lên đảo nữa. Trước năm 2000, tôi có dịp ra đảo. Tôi thấy đảo được kè bằng những cọc bê tông. Tôi đoán chắc vì lý do này mà rùa không bò được lên đảo.
    Năm chuẩn bị kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, có một cuộc Hội thảo quốc tế về nhà Lý và Thang Long. Tôi được một nhà khoa học cho tôi một bài báo của vị đó (hình như học vị phó tiến sĩ)về “cụ Rùa” trong lúc giải lao. Tôi hỏi: Ông có hỏi ông đã ra đảo lần nào chưa. Ông trả lời: chưa, tôi chỉ ở trên bờ thôi.

  17. Cụ giáo viết bài này hay quá. Cụ viết :” Nếu con ba ba này trở thành một xác ướp phục vụ nghiên cứu khoa học thì tôi không dám phản đối (vì chắc chắn nó sẽ có giá trị hơn những xác ướp khác)!

  18. Ngày xưa thời Tây còn cống thông ra sông Hồng ( chỗ Hàng Hoa cũ) mỗi năm mùa nước, sông Hong đều chảy vào hồ nên nước Hồ rất sạch,có nhiều loại cá trắng và rất nhiều rùa cùng baba,nhiều lần chúng bò lên cả mặt đường.Rùa to đã chết từ lâu,còn vài baba mà thôi

Trả lời Trùng-Dương Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here