Việc học thêm hiện nay của học sinh có thể nói như một “bệnh dịch” đang được lan truyền rộng rãi. Hầu như không có học sinh nào không đi học thêm, kể cả ở bậc tiểu học.

Ngay với những học sinh đang trong tình trạng “ngồi nhầm lớp” thì cách học thêm phổ biến hiện nay cũng không thể giúp hình thành và củng cố những kiến thức cơ bản.  Muốn theo kịp bè bạn trong lớp, những học sinh này phải có sự nỗ lực phi thường và sự giúp đỡ đặc biệt

Trong thời gian còn dạy học, tôi đã không  ít lần khuyên một số học sinh khá không cần  tiếp tục học sau khoảng một tháng trực tiếp dạy. Quả là bể học thì vô bờ, nhưng các em khi đã đủ vững vàng để tự học, đã biết làm bài, diễn đạt đã thành thạo, lập luận đã chặt chẽ, câu cú đã nghiêm chỉnh, … thì nên tự học, vừa đỡ tốn thời gian để học bao điều hay  khác vừa tự rèn được những phẩm chất cần thiết. Lời khuyên ấy đã không ít lần gây khó chịu cho những người tổ chức lớp, nhưng lương tâm người thầy khiến tôi không thể làm khác.

Còn với những học sinh trung bình cũng vậy, chẳng cần gì mà cứ phải đi học thêm!

 

Cho con đi học thêm, nhiều bậc cha mẹ như trút được gánh nặng, vì họ nghĩ việc học hành của con mình đã có người giúp đỡ. Đó lại là những người có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Nhưng họ đã rất lầm. Không có ai giúp cho con mình tốt hơn bản thân mình. Người đi dạy thêm cho dù có lương tâm cũng xác định việc làm của mình có mục đích kinh tế, và họ làm việc này nhằm phục vụ nhiều người, trong khi con mình, một con người cụ thể có những yêu cầu riêng.

Cái hại trước hết là khi coi học thêm là tất yếu, học sinh sẽ mất đi tính tích cực trong học tập. Tất cả mọi thứ đều có sẵn, kiến thức cần hệ thống đã có thầy làm giúp, bài tập không giải được đã có thầy giải hộ, …Không tự tìm hiểu, thiếu tính tích cực, kiến thức không chắc, không bền. Phải tự hệ thống hóa, kiến thức ấy mới được nhớ lâu, phải tự giải bài tập (cùng lắm chỉ được gợi ý), lần sau mới có thể giải được các bài tập tương tự. Những năm trước đây, học sinh không “học thêm” nhưng kiến thức thường rất chắc chắn, vững vàng, chính vì họ đã phải học tập một cách chủ động, tích cực. Không có những đặc tính này,  học sinh dần trở nên ngại suy nghĩ, thiếu kiên trì trong việc tìm cách giải quyết những vấn đề trong học tập trước mắt và trong cuộc sống sau này.

Nhìn thấy con cái đi học thêm hết lớp này sang lớp khác, các bậc làm cha mẹ nhiều khi rất yên tâm (còn hơn là nó ở nhà chúi mũi vào cái máy tính với  trò chơi điện tử hay bao nhiêu trò nguy hiểm khác). Nhưng con bạn có nhu cầu học hay không, chúng có học thật hay chỉ có mặt ở lớp, ghi chép vội vàng và máy móc, rồi khi  bước ra  khỏi lớp là “chữ thầy đã trả thầy”. Các bậc làm cha mẹ cũng cần nhớ rằng, con cái các vị rất biết chiều lòng những người đang đặt bao hy vọng vào bản thân mình. Biết cha mẹ thích những ông thầy nghiêm khắc và tài giỏi để con mình được dạy dỗ và rèn cặp, mỗi khi nói về thầy, chúng đều làm ra vẻ “lắc đầu lè lưỡi” khiếp sợ, và trầm trồ thán phục về sự uyên bác. Nhưng hình như  không phải khi nào những điều ấy cũng là sự thật! Chúng nhiều khi chỉ cốt làm cho cha mẹ yên tâm để chúng được thỏai mái, thoát khỏi sự kiểm soát của những người luôn luôn lo lắng vì chúng mỗi khi đi học thêm. Cái lối học “được chăng hay chớ” ấy tiềm ẩn một nguy hiểm: ngay từ khi còn ít tuổi, học sinh không biết thế nào là học tập nghiêm chỉnh, học thì phải như thế nào. Nếu những thói quen này có từ khi còn học cấp trung học cơ sở thì có thể chắc tới 90% những học sinh này khó có thể học vững vàng khi lên trung học phổ thông. Và khả năng vào đại học là vô cùng ít ỏi.

Học tập là một quá trình chuyển hóa tri thức của mọi người trở thành hiểu biết của riêng mình. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, không ai có thể “học hộ”. Muốn học được cần có thời gian tự học. Chỉ có tự học, nghiền ngẫm, vận dụng kiến thức vào các bài luyện tập mới có thể dần biến kiến thức thành của riêng mình. Học thêm khiến học sinh mất quá nhiều thời gian. Ngoài 6 buổi học ở trường, nhiều học sinh hiện nay trung bình mất  3- 4 buổi học thêm (có học sinh còn mất tới 6, 7 buổi). Thực tế một buổi học thêm thường chỉ khoảng một  giờ ba mươi phút. Nhưng thời gian đi lại, chờ đợi nhiều khi còn nhiều hơn thời gian thực học. Và việc đi lại, chờ đợi này cũng mỏi mệt không kém so với việc học. Phần lớn học sinh đều trong tình trạng di chuyển hết từ nơi học này sang nơi học khác,  thậm chí thời gian nghỉ ngơi, phục hồi cũng không có, lấy đâu ra thời gian và sức lực để tự học, để  nghiền ngẫm những điều đã học ở các lớp học thêm. Vì thế,  dù học nhiều lớp, nhiều thầy nhưng không có  bao nhiêu hiệu quả hoặc hiệu quả không tương xứng với những tốn kém về thời gian, tiền bạc.

 Những học sinh chiếm vị trí thủ khoa trong các kỳ thi đại học nhiều năm qua đã cho ta thấy học thêm không hẳn  là cần thiết. Những thủ khoa này hầu như đều là những học sinh không có điều kiện đi học thêm, thậm chí những điều kiện học tập tối thiểu cũng không  đủ. Nhưng họ có cái mà nhiều học sinh không có, đó là quyết tâm và lòng kiên nhẫn để tự học. Họ có khả năng ngồi một mình với một cuốn vở nháp dưới ngọn đèn thâu đêm để tìm cách giải một bài tập. Không có người giúp đỡ chưa chắc đã là điều dở, chính đó là hoàn cảnh để họ tự rèn luyện và khi tìm được lời giải một bài toán sau nhiều đêm suy nghĩ, một nguồn động viên không thể gì thay thế đã tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua không ít những khó khăn trước mắt. Thường con nhà nghèo học giỏi hơn con nhà giàu là vì thế!

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bậc cha mẹ: Với những đứa con là tương lai, hy vọng của mình, các vị không tiếc tiền bạc. Tiền bạc hết lại có thể kiếm ra, thậm chí còn có thể kiếm ra nhiều hơn số tiền đã đầu tư cho con. Nhưng tuổi trẻ của những đứa con ấy, cái tuổi có thể tiếp thu tốt nhất tri thức làm tiền đề cho sự thành đạt mà các vị hằng mong mỏi là có giới hạn. Cái tuổi vô cùng đáng quý ấy trong cuộc đời con người một khi đã qua đi,  không bao giờ có thể trở lại.

14 BÌNH LUẬN

  1. Chào Bác
    Vợ,Chồng cháu cũng không muốn cho con đi học thêm.(Vì cháu cũng có suy nghĩ giống như ý Bác)
    Nhưng khổ nỗi,không học thêm chỉ một tháng là con cháu không thể hiểu bài trên lớp.(Con cháu cũng có học lực tương đối)
    Cho nên chúng cháu vẫn cứ phải cho con đi học thêm.Dù con cháu mới đang học tiểu học và hoàn cảnh cũng chẳng dư giả gì(cả về thời gian đón,đưa đi học cùng kinh tế nữa ạ)
    Bác có biện pháp nào khắc phục?Bác làm ơn chỉ giúp cho cháu.
    Chúng cháu xin cảm ơn bác.

    • Cám ơn bạn đã quan tâm tới bài viết. Về chuyện này học thêm của các cháu đang học tiểu học, mời bạn đọc thêm một số bài tôi đã viết về giáo dục trên blog này.

  2. Tôi học từ lớp 6 đến lớp 12 trong khoảng thời gian 1976-1981. Thời gian này đối với những gia đình nông dân nghèo thì “không học không chết, không có gì ăn mới chết”. Nhưng tôi rất thích học và dĩ nhiên là tự học.Nhờ tự mình phải suy nghĩ làm bài tập nên tôi hiểu rất sâu các định lý toán học, bản chất các phản ứng hóa học ở cấp phổ thông.
    Tôi có góp ý với bạn Khoa là bạn nên dành thời gian học cùng với con ở nhà. Qua cách bạn nói tôi nghĩ con bạn đang học vẹt, tức là cháu không hiểu, không biết cách giải quyết vấn đề.Khi bạn học cùng con, bạn sẽ biết cháu đang không hiểu ở đâu, lúc đó mình sẽ ôn lại cho cháu. Tôi nghĩ nếu bạn học cùng con thì chỉ trong 1 tháng bạn sẽ thấy cháu tiến bộ đáng kể.

  3. Cháu chào bác ạ. Cháu được biết các bài viết của bác qua chị Mai Pham. Cháu rất thích và cảm phục tinh thần nhà giáo chân chính của bác.
    Con gái cháu từ lớp 1 đến năm nay là vào lớp 5 ở cả trường công lẫn tư không hề đi học thêm buổi nào, mà cũng có sao đâu bác. Cháu nghĩ một phần do bố mẹ cứ “sợ” này “sợ”.
    Cháu xin phép được xin bài này của bác về trang nhà ạ.

    Cháu cảm ơn bác ạ.
    NGuyễn Phương Chi

  4. Chào ông giáo làng! Tôi cũng là giáo làng , cũng đã về hưu được 5 năm .Tôi rất đồng ý với ÔNG về tình trạng dạy thêm ,học thêm bây giờ ở nước mình ,tôi rất buồn cho đất nước hôm nay .Ông GIÁO LÀNG à ! Tôi chắc chỉ là đàn em của Ông nên tôi cũng chỉ dám nhận là giáo làng mà thôi , với tư cách là nhà giáo cũng được học hành dăm ba chữ nhưng cũng có hàng vạn học sinh nhưng chưa để cho các em học sinh nao phàn nàn về nhân cách.Ngày nay tất cả đã dột nát từ trên xuống dưới,người ta đã đặt đồng tiền lên trên tất cả ông nghĩ xem còn bộ nào ,ngành nào không vì TIỀN chứ đừng nói đến ngành giáo dục.Tôi biết ông có tài ,có trí và uyên thâm lắm nhưng thôi ông ạ !tất cả nó là cái GỐC, cái bản chất của XÃ HỘI TA bây giờ ông có nói bao nhiêu CẤP TRÊN cũng chẳng thèm nghe ,còn các cháu của ÔNG bây giơ nó cũng TÚNG THIẾU ,CÚNG LÀ BÁT CƠM MANH ÁO CHO CON MÀ THÔI ÔNG Ạ! giáo làng xin chào ông chúc ông mạnh khỏe giúp ích nhiều cho đời.

  5. Chào giáo Thứ!Vấn đề mà bác nêu lên cũng là trăn trở của lão Hạc này.Nhưng bây giơ học thêm là học chính,còn học trên lớp là học thêm.Nếu không cho con đi học thêm thì con hoc kém thầy cũng không vui.Mà ở nhà cũng chẳng biết làm gì bây giờ bọn trẻ thiếu sân chơi lắm.Lão Hạc tôi những mong và kỳ vọng vào những người có tâm huyết với sư nghiệp trồng người như Bác Hồ đã kỳ vọng “Đưa dân tộc ta tới đài vinh quang sánh vai các cường quốc năm châu”
    Lão Hạc

  6. Chào thầy,
    Con xin tự nhận là học trò của thầy, dù chưa bao giờ được thụ giảng.
    Đọc lời của thầy, con thấy thật tâm đắc. Là người cha của hai đứa con thông minh, chăm chỉ, con thấy thật bất công khi các cháu phải chạy xô để học thêm biết bao buổi một tuần. Lại càng xót hơn khi các cháu phải hoàn thành số lượng bài tập khá khổng lồ so với những đứa trẻ 9-10 tuổi. Theo con, HỌC quan trọng hơn cả là hiểu và nhớ được kiến thức. Từ nhỏ, các cháu cần phải rèn luyện được phương pháp học tập đúng, và tinh thần ham học. Thử hỏi nếu mỗi ngày các cháu phải nai lưng 6-7 tiếng đồng hồ làm hết bài tập này đến bài tập khác – để “hoàn thành chỉ tiêu”. Rồi lại 3-4 tiếng học thêm và di chuyển. Thì liệu việc học tập có còn là tình yêu, sự ham thích hay không? hay chỉ là “cố gắng hoàn thành” để “vui lòng người lớn”? Học tập với đại bộ phận học trò chăm ngoan, đã trở thành gánh nặng, liệu có ai ham “gánh nặng”, thưa thầy?
    Con rất lo lắng cho các cháu, nhưng cả một thể chế – xã hội. Sức ép đè nặng lên các cháu, thầy cô, và gia đình…. Liệu có ai dám mạnh dạn cho con nghỉ chơi, giảm bớt bài tập, bỏ học thêm ở lớp (trong khi các bạn nó đang hàng ngày rèn luyện để đạt những điểm cao nhất, với những bài giảng ở lớp học thêm na ná như đề kiểm tra tuần tới)?

  7. Nói gì thì ngày mai nắng cũng sẽ lên và mặt trời vẫn mọc.Hạnh phúc là mỗi ngày ta mỉm cười với nó .Tất cả rồi “gió sẽ cuốn đi” mà.Nếu thấy việc học là mục đích tiến thân thì học thêm có hề chi mà nói nhỉ.Xin đừng vơ đũa cả nắm để …buồn cho lũ trẻ còn rất trắng trong.Thiên tài không đợi tuổi nhưng kém cỏi phải học thêm là điều tất yếu.Thời xưa chọn chúa mà thờ chọn thầy mà học ..vì người còn quá ít.Bây giờ người đông của ít biết chọn sao đây?

  8. Thưa thầy,tôi ko biết Tiếng Anh ở thành phố và tỉnh thành dạy thế nào nhưng ở xã vùng quê của tôi,học sinh Tiểu học gần như ko biết gì cả.Cha mẹ thì ít học làm sao chỉ con học được.

  9. Không học thêm thì gv phải đè nó ra bắt mà học. 100% hs phải học. Chuyện diễn ra ở THPT Vân Tảo đấy.

  10. Học đại học bên Úc, trung bình khoảng 20 -30 giờ 1 tuần, phần lớn thời giờ là tự học (SVVN du học dành thời gian này để đi làm kiếm tiền). Lớp học chỉ khoảng 15 SV (trừ giảng đường), thầy giáo chẳng bao giờ giảng theo trong sách (dù 1 môn bao giờ cũng có nhiều sách tham khảo), giảng chung quanh đề tài môn học, rồi a-lê-hấp về tự học, tự nghiên cứu rồi làm kiểm tra. Không hiểu bài? Nhà trường và GS tạo nhiều điều kiện để giúp, gặp riêng thầy, email, gọi điện thoại hay tham khảo thư viện, thảo luận với bạn, v.v…và không bao giờ được nghĩ mình ngu hơn thầy, chỉ nên nghĩ vì mình chưa biết thôi, hãy sẵn sàng tranh luận với thầy những gì mình thấy vô lý, mà thầy cũng thích như vậy.
    Có lẽ sự khác biệt giữa phương pháp GD VN và Úc là: tại Úc, từ lớp thấp nhất đến lớp cao nhất, người thầy bao giờ cũng khuyến khích HS nói, phát biểu, tranh luận, đặt câu hỏi,v.v…trong lớp (chứ không phải nói chuyện riêng) càng nhiều càng tốt và rất ít phải đem bài tập làm ở nhà. Không có câu hỏi nào, đề tài nào bị xem là “ngu ngốc” hết.

  11. Bài viết hay lắm thầy. Tự học thể hiện ý chí. Học thêm thể hiện sự trông cậy. Tự học là tự trang bị cho mình những thứ chính mình cần. Học thêm là người nhờ khác trang bị cho mình, nhưng nhiều khi những trang bị đó lại không hợp với mình. Tuy nhiên, học thêm đôi khi cũng có ích nếu thay vì truyền đạt, người thầy “gợi ý” để mình “tự mở”.

Trả lời lão Hạc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here