Tôi không có thói quen gọi những người phụ nữ ít tuổi hơn mình bằng “cô”, nếu không do quan hệ huyết thống. Đơn giản vì trong tiếng Việt, từ “cô” thường đi liền với “em”. Gọi “cô” là ngầm có ý bảo người ta kém mình. Nhưng người ta có thể kém mấy tuổi, chắc gì nhiều thứ người ta đã kém? Cho nên “Cô Minh” ở đây có ý chỉ “Cô giáo Minh”.

Trước khi về hưu một tháng, Cô là Hiệu trưởng mời tôi lên trao đổi. Hiệu trưởng ít hơn mấy tuổi nhưng là người tôi vẫn tôn trọng. Cô xuất thân con nhà tử tế, hết lòng với công việc và không vụ lợi, làm lãnh đạo nhưng vẫn thích đọc sách. (Theo quan sát của tôi, điều này là đặc biệt hiếm đấy! Các “sếp” thường dành thời gian cho bia rượu, vì dù thù tạc với đối tác nào cũng sẽ “ra vấn đề”, còn sách thì… “chán chết!”) Thỉnh thoảng vẫn hỏi: “Hồi này có sách gì mới không anh?”

Nghe nói là tìm để đọc. Buồn cười có hôm mới sáng sớm, đã thấy Cô qua nhà tôi, hỏi mượn sách,  không có yêu cầu cụ thể cuốn gì, chỉ bảo cho mượn cuốn gì cũng được, mà phải dầy dầy cơ. Tôi thấy lạ, hỏi:
– Sao mượn vội vàng thế?

Cô  cười cười, hạ giọng, bảo:

–         Hôm nay phải đi học chính trị  một tuần. Ngồi nghe mấy ông tuyên giáo nói ngọng giảng nghị quyết, chán lắm. Em tính mang quyển sách đi tranh thủ đọc cho đỡ phí thời gian.

Chính vì thế nên ở trường, nhiều khi tôi đã định “ngang” nhưng nể nên lại thôi!

Gọi là trao đổi nhưng cũng không có gì nhiều. Chỉ thỏa thuận với nhau: Tôi sẽ dạy nốt một tháng cho hết năm học, đỡ phải bàn giao. Là do cho tiện công việc, chứ tôi cũng chẳng thiết làm thêm mà nhà trường cũng không thiếu người.

Trước khi về, Hiệu trưởng bảo:

– Sở có quy định ai khi về hưu đã tăng lương được 2 năm, sẽ được tăng lương trước hạn một năm. Anh làm cái đơn, đưa cho em để bảo cháu kế toán nó làm thủ tục.

Tôi  cám ơn, rồi cũng cho qua. Tôi  chúa ghét cái trò làm đơn. “Chúng nó” là cái gì mà mình phải xin xỏ?. Nhà nước có rất nhiều quy định làm hạ thấp phẩm giá con người. Thời thực dân phong kiến, cấp trên thấy cấp dưới mẫn cán, tận tụy thì nâng lương, khen thưởng, đề bạt, chuyển từ miền ngược về miền xuôi, … chẳng bao giờ bắt viên chức phải làm đơn. Điều ấy  chứng tỏ họ quản lý con người rất chặt chẽ. Ai có công, có tội thế nào biết cả. Thưởng phạt công minh, kịp thời. Nay muốn ban ơn, muốn người nhận được tý chút bổng lộc phải hàm ơn nên bắt phải viết đơn, nộp hồ sơ tự kể lể “công lao” của mình để xét. (hay là cốt làm thế để ai muốn phải chạy chọt?) Nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc nhân dân, ưu tú, …giải thưởng nọ giải thưởng kia, tuốt tuồn tuột đều thế cả. Thế mà người ta cũng đua nhau mà làm đơn. Thậm chí có ông làm đơn, làm hồ sơ tới 4 lần xin cái danh hiệu ưu tú vẫn không được, lại còn nói rất thành thật rằng: “Tôi đã rất kiên trì, mặc dù làm đơn tới 3 lần vẫn không được nhưng tôi vẫn làm thêm lần thứ 4.” Đúng là cái đồ mặt thớt!

Họ không hiểu con người tử tế không bao giờ tự cho những việc mình đã làm là đủ, là tròn trách nhiệm, không khi nào tự kể lể công lao, nói hay nói tốt cho mình, tự cho mình là “xuất sắc”, “ưu tú”. Người tử tế, người có giáo dục là người phải luôn lấy chữ “khiêm” làm đầu. Khiêm từ cách bố mẹ đặt tên cho con, khiêm trong cách ứng xử với mọi người, khiêm trong cách ăn mặc nói năng, khiêm trong cách chi tiêu tiền bạc…Và ngoài đấng sinh thành, đừng có “muối mặt”  đi xin ai, phải tự làm mà sống. Làm được bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu. Không phải xin xỏ ai cái gì cả! Chẳng biết nhận được cái danh hiệu ấy rồi thì lòng tự trọng còn lại được bao nhiêu.

Mấy tuần sau, cô kế toán bảo tôi:

– Chú ơi, cô Minh (Cô Hiệu trưởng) bảo cháu nói chú viết cái đơn xin tăng lương. Chú viết rồi đưa cháu lên Sở giải quyết cho chú.

Mình cười, bảo:

– Chú cám ơn cháu, cám ơn cô Minh, chú không làm đâu, cháu không cần phải bận tâm.

– Sao chú lại không làm ạ?

– Cháu thử tính xem. Một bậc lương mỗi tháng được hơn trăm nghìn. Trăm nghìn ấy lại chia bình quân trong 60 tháng. Chú về hưu lại được có 75% của số tiền ấy. Cháu tính thử mỗi tháng chú có thêm được chục nghìn không? Thêm được ngần ấy tiền thì có đáng để  làm đơn không?

Cô kế toán cười, bảo tôi:

– Thôi, thế tùy chú.

Tưởng thế là xong. Mấy hôm sau, cô ấy lại nhắc:

–         Cô Minh bảo cháu nhắc chú làm cái đơn đấy!

–         Thôi, thôi, đừng quan tâm việc ấy nữa. Chú đã nói rồi mà!

Một hôm, đang ngồi uống nước, cô kế toán  mang tờ giấy đưa cho tôi, bảo:

–         Cái đơn cháu in ra đây rồi, chú ký giúp cháu.

Mình đọc, đó là cái đơn xin tăng lương trước thời hạn. Mình hỏi:

–         Thế cháu  tưởng chú  không biết làm đơn à?

Cô ấy nhăn nhó bảo:

–         Khổ quá! Cô Minh bảo chắc chú ngại viết. Thế thì in sẵn ra, chỉ cần chú ký thôi.

Tôi nghiêm giọng, bảo:

–         Chú đã giải thích vì sao chú không viết rồi, chứ không phải chỉ vì chú ngại. Cháu bảo cô Minh chú không ký đâu!

Rồi tôi bỏ đi.

Hai hôm sau, cô kế toán lại mang cái đơn in sẵn, giọng gần như khóc:

– Chú ơi, chú ký giúp cháu. Cô Minh bảo cháu “có mỗi cái việc như thế mà không làm được thì còn làm được việc gì nữa”. Mà cháu thì đang trong thời gian thử việc.

Lưỡng lự một chút, nghĩ,  đó cũng là một việc làm tử tế của người ta. Vả lại, nghĩ cũng thương cho cái cô kế toán này chịu cảnh “trên đe dưới búa”. Thôi,  ký cho xong chuyện.

Hôm tới chào Cô Minh trước khi về hưu, Cô ấy cười cười, bảo:

– Chắc cái việc làm đơn khiến anh khó chịu lắm. Thôi, em xin lỗi anh, chẳng qua em thấy chẳng giúp gì được các anh trước khi về hưu nên phải làm thế. Thêm được đồng nào hay đồng ấy, anh ạ!

Thế mà cái con người tử tế ấy lại không gặp may mắn. Sau đó có chưa đầy năm, Cô ấy  mất. Vì bệnh tim.

Bây giờ, cứ mỗi tháng ra “cây” ATM rút tiền lương hưu, khi đếm lại số tiền máy vừa “nhả” ra, lại thầm nghĩ:

– Trong này có mấy nghìn nhờ Cô Minh đây!

 

                                                                                                        Tháng 8.2013

14 BÌNH LUẬN

  1. Bọn em là một trong những khóa cuối cùng mà cô Minh làm hiệu trưởng. Vẫn nhớ mãi dáng hình mảnh khảnh nhẹ nhàng, nụ cười rất hiền của cô. Mong cô an nghỉ..

  2. Ôi trời,thầy viết cảm động quá. Người tốt ra đi đột ngột như để lại luyến tiếc cho nguoi. Thầy là người may mắn đó,vì thầy làm việc dưới quyền người tử tế,họ sẽ quý trọng người tử tế.
    Kẻ thủ đoạn và mưu mô nó sẽ ghét thầy,có thể thầy còn bị trù úm vì nó nhìn ra sự khác biệt. Nó sợ và không ưa người nhìn ra bản chất nó.

    • Bác quá may mắn được làm việc yên ổn dưới quyền một người tử tế. Có người lãnh đạo gặp phải kẻ dưới quyền như bác nó “đì”chết. Chỉ là người có nhân cách mới tôn trọng người khác có nhân cách. Nếu không, nó bảo: “thằng kia nó chửi mình, nó khinh mình”. Thế là tai họa với “sếp” rồi!
      Bác có nhớ chuyện “Số phận một con người” (Solokhop) không? Tên trưởng trại tù binh, sau khi nghe tù binh khẳng khái nhận tội, cho ông uống 3 cốc vodka liền. Ông uống hết và đứng nghiêm chờ nó bắn. Nó bảo: “Mày là người lính dũng cảm. Tao cũng là người lính. Tao kính trọng những người dũng cảm, và vì sự dũng cảm của mày, tao tặng mày cuộc sống”. Bọn dưới quyền đã vơ bánh mỳ và thịt muối trên bàn cho người tù mang về chỗ.

  3. Hay quá, nhưng chắc cũng lâu rồi hả bác? Giờ mà có người mẫn cán, không phụng sự cấp trên mà đi chăm lo cho cấp dưới như vậy thì….xong rồi!

  4. Một hiệu trưởng sạch, cũng như “rau sạch” ấy mà. Mình cũng có một ông HT như thế. Những “hiệu trưởng sạch” bây giờ hiếm lắm !

  5. “Người tử tế, người có giáo dục là người phải luôn lấy chữ “khiêm” làm đầu.” Hay lắm thầy, người tử tế!

  6. Thưa thầy, em là cựu học sinh tr. THPT Yên Hoà. Em vào trường khoá 78 và cô Minh đang là bí thư đoàn trường. Em cảm ơn thầy gợi nhớ về một nhà giáo em rất quý trọng ạ.
    Kính chúc thầy mạnh khoẻ!

  7. “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt;lươn lẹo luồn lọt lại lên lương”.Người đời đã tổng kết vậy đó thầy ạ.

  8. Em công tác tại Trường cán bộ quản lí GD và ĐT (nay là Học viện quản lí GD) trước khi nghỉ hưu-Nên em đều biết thầy Định,cô Minh.Khi cô Minh về trường em bồi dưỡng-em còn nhớ cô đi xe máy CHALI.Bạn em – sau khi cô Minh mổ tim em cùng thầy Trác-dạy Hóa tại trường đến thăm cô Minh.Những người TỬ TẾ sao hay bị TRỜI bắt đi SỚM vậy?!

  9. Nghề nhà giáo xưa nay vốn là nghề rất bình dị,bởi đó là nghề gần gũi và chăm lo thường xuyên cho đời sống tinh thần của con người. Nhưng đứa trẻ lớn dần theo thời gian và trưởng thành không chỉ về thể chát mà quan trọng hơn chúng thực sự là những con người theo đùng nghĩa là NGƯỜI! Vậy nên trước đây ông cha ta thường nói : Cho con cháu đến trường học lấy dăm ba chữ để làm NGƯỜI. Cuộc sống cho ta biết rằng: để làm được mọi việc không khó lắm; nhưng để làm người cho ra con người chẳng dễ dàng gì! Bới vây nghề dạy học trơ nên được trọng vọng và để xứng đáng với sự tôn trọng đó người thày càng phải giữ gìn phẩm hạnh và phải biết tôn trọng mọi người. Phẩm chất ấy phải trở thành thói quen trong đời sống nghề nghiệp của mình . Thế hệ chúng tôi có những con người như thế,co giáo Minh một người thầy luôn khiêm tốn và khép mình trước đồng nghiệp. Nhưng ẩn sau đó là một nghị lực và sự hì sinh đến quen mình vì đồng nghiệp. Một cô giáo dịu dàng,hiền hậu quán xuyến công việc và tận tâm với không chỉ học trò mà cả bè bạn . Thầy Giao trong bài viết của mình nhắc lại một kỷ niêm nhỏ về cô cho thấy một cử chỉ chân tình và đầy trách nhiệm! Dẫu chỉ là một việc rất nhỏ nhưng thật ấm áp! Chính những cư xử giản dị mà thắm tình đòng nghiệp ấy cô đã để lại trong chúng ta những người đã có cơ hội được làm việc ở trường THPT Yên Hoà về hình ảnh một cô giáo mảnh mai duyên dáng rất gần gũi mọi người. Cô làm hiệu trưởng trong một thời gian ngăn ngủi rồi đột ngột ra đi …..! Nhân đọc lại bài viết của thày Giao ,tôi ghi lại vài dòng cảm xúc để tưởng nhớ về một trong những người thày tận tụy với công việc ,một tấm gương cho chúng ta hôm nay nhân ngày20/11/2016 .

  10. Tôi đã đọc bài này của Thầy Giao từ lâu ,nay đọc lại vẫn thấy một cảm xúc dưng dưng về nhân cách của hai con người ! Thật đáng trân trọng ,một thái đọ trước bạc tiền và lợi lộc . Chẳng phải thầy khong quý đồng tiền ,nhưng đồng tiền dẫu nhiều ít đến với ta phải khong làm thấp kém đi nhan phẩm của mình ! Và việc giúp người khác phải hoàn toàn vì trách nhiệm và quyền lợi xứng đáng của họ ,dẫu lợi ích khong lớn nhưng đó là cả một tấm lòng . Cuộc đời cần nhũng nhân cách đứng đắn và những tấm lòng chân thành biết tôn trọng nhân cách của nhau , đó mới là những con người tử tế .
    Câu chuyện giản dị nhưng cảm động của thầy Giao dẫu chỉ là một kỷ niệm cho chúng ta một hình ảnh đẹp về những nhân cách đứng đắn của những người thầy mẫu mực của trương Yên Hoà trước đây . Mong rằng nhân cách đó còn mãi trong tấm lòng những người thầy hiện nay của trường THPT Yên Hoà một trong những ngôi trương tiêu biểu của Hà Nội .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here