Đầu thu năm 2002, tôi đến chơi nhà một người  bạn thân ở  Đ., cách Hà Nội khoảng hơn hai chục cây số. Trước vùng này thuộc Hà Tây, bây giờ thuộc Hà Nội.

Sau một tuần trà, anh dẫn tôi đi thăm nhà anh em, họ hàng quanh xóm trong khi ở nhà chuẩn bị cơm nước. Qua chợ, một cái chợ quê lâu ngày tôi không có dịp ghé, vài nhà trồng phong lan, cây cảnh, … rồi  anh đưa tôi đến thăm nhà người em trai. Căn nhà cấp 4 ba gian tuyềnh toàng, nhưng bên trong thấy đồ đạc giường tủ bàn ghế khá đầy đủ và đẹp.  Trước nhà là một mảnh sân và khu vườn cũng không rộng lắm. Người em đang hí hoáy sửa cái quạt điện, thấy có khách vội mời vào nhà. Trong khi chủ nhà pha nước, bạn tôi giới thiệu:

– Anh giới thiệu với chú, đây là anh Giao, bạn anh dạy học ngoài Hà Nội.
     Vừa nghe thế, anh ngẩng đầu lên, nhìn tôi không mấy thiện cảm và buông ra một câu làm tôi rất bất ngờ:

– Em chẳng biết các bác dạy dỗ thế nào mà học trò thì lười chảy thây ra lại còn toàn nói dối.

    Tôi “choáng” quá! Anh bạn tôi vội “chữa cháy”:

– Xin lỗi anh, chú ấy đang có chuyện “bức xúc”.

    Chị vợ thấy có khách,  đang cho gà vịt ăn ngoài vườn cũng chạy vào, còn  đang thập thò bên ngoài vội  can chồng:

– Ấy, sao bố nó lại nói thế!

Rồi rỉ tai vài câu gì đó, anh chồng chậm rãi nói :

– Các bác ngồi chơi!

rồi đi ra ngoài. Chị vào ngồi rót nước tiếp khách, vẫn chưa hết vẻ ngượng ngùng. Để xua tan không khí nặng nề, tôi vui vẻ hỏi chị:

– Chắc vợ chồng có chuyện gì?

    Anh bạn tôi gạt đi:

– Không, vợ chồng chú ấy có chuyện gì đâu! Đây là chuyện thằng con!

Tôi vội hỏi thăm:

– Có chuyện gì thế? Cháu nó đau ốm sao?

    Chị vợ lúc ấy đã thấy nghẹn ngào, như tìm được người sẻ chia, bắt đầu kể lể. Chuyện của chị ấy lúc khoan lúc nhặt, nhiều khi lại xen vào những chuyện này chuyện khác, nhiều khi chẳng có liên quan gì đến nhau. Để không làm mất thời gian của mọi người, tôi xin tóm lược lại cho gọn:

  –  Vợ chồng em làm nghề nông, được  hai thằng con trai. Hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chịu khó, chồng em anh ấy lại tháo vát, khéo tay nên đời sống cũng tạm đủ ăn. Tám năm trước, thằng con lớn của em học hết lớp 9 nhưng thi không đủ điểm vào lớp 10. Vợ chồng em nhờ vả, chạy chọt mãi để cho nó được học lớp 10 mà không được. Bác tính cả hai vợ chồng ngày trước cũng chỉ được ông bà chúng em  cho học hết cấp 2 nên muốn “con  hơn cha là nhà có phúc”. Chúng em định cho cháu đợi sang năm thi tiếp, nhưng nó không chịu. Nó bảo con không thích đi học. Thế là nó tự mầy mò tìm người học nghề mộc tận trên Thạch Thất. Bây giờ cháu nó vẫn làm thuê cho người ta trên ấy.  Nó thì yên rồi, tay nghề cũng khá, bây giờ đã thành thợ chính, bàn ghế giường tủ này là của cháu nó đóng đấy bác ạ. Nó bảo chờ thêm vài ba năm nữa, nó tích cóp thêm ít vốn rồi về mở xưởng riêng. Sau đó sẽ nghĩ đến chuyện làm nhà. Phải làm được cái nhà, rồi mới tính đến chuyện vợ con. Năm nay mới có 23 tuổi, vội gì!”

Cách đây ba năm, thằng thứ hai nhà em cũng học lớp 9,  thi cũng không được vào lớp 10. Chúng em buồn quá. Nhưng may, lúc ấy đã có trường dân lập. Ban đầu cũng chẳng hiểu trường dân lập  là thế nào. Sau thấy người ta bảo: cũng chẳng khác gì trường quốc lập. Thầy hiệu trưởng là  hiệu trưởng của trường cấp 3 vừa về hưu, giáo viên đều là các thầy các cô trường cấp 3 cả, chỉ khác là lớp học phải  nhờ mấy cái gian nhà kho của hợp tác cũ thôi. Thế là chúng em xin cho cháu vào học dân lập. Biết là tốn kém đấy nhưng vì cứ muốn “con hơn cha là nhà có phúc” , chả lẽ con người ta đi học mà con mình lại không, nên hai vợ chồng bảo nhau phải cố. Thằng anh sau 5 năm đã thành nghề, bây giờ đi làm đã có lương, bảo: “con đã không học được cấp 3 rồi, cứ cho em  đi học, con sẽ đỡ thêm.” Thế là chúng em xin cho đi học.

    Ban đầu đã nghĩ là tốn, nhưng không ngờ nó lại tốn thế , bác ạ. Thôi thì tiền xây dựng trường đầu năm, tiền học phí hàng tháng, tiền học thêm ở trường, học thêm ở trung tâm, tiền gửi xe, tiền nước uống, tiền thuê lao công quét dọn, tiền đóng góp ngày lễ, ngày Tết, ngày 20 tháng 11, tiền dã ngoại du lịch, tiền photo đề thi, tiền đề cương đáp án,  trăm thứ tiền…Mỗi tháng tiền học của nó cũng tốn đến gần tạ thóc. Nhưng chúng em cũng yên tâm vì thấy năm nào cũng được giấy khen, cũng được  tiên tiến.

   Chị chỉ lên khoảng tường trống bảo: chỗ này là chỗ nhà em dán 6 cái giấy khen của nó đấy. Nhưng hôm nọ nhà em điên quá xé hết rồi.

Tôi xen vào:

– Sao lại xé?

– A, là vì vừa rồi đi thi đại học, khi người ta gửi giấy báo điểm về, cả ba môn cộng lại mà chỉ được có 2 điểm bác ạ. Đầu tiên ai cũng không tin, sợ người ta nhầm. Nhưng đi hỏi thì người ta bảo “nhầm thế nào được!” Chúng em mới ngồi lại hỏi nó:

– Sao năm nào mày cũng được giấy khen, được tiên tiến mà đi thi ba môn chỉ được có 2 điểm.

Nó giải thích:  

– Đi học được tiên tiến vì cứ mỗi khi gần đến bài kiểm tra, thầy đều bảo trước đề bài, giải sẵn cho, chúng con chỉ việc chép vào vở,  đến khi kiểm tra thì nhìn vào đấy, chép vào giấy đem nộp. Kiểm tra hàng ngày thì đứa nào bị điểm kém thầy đều “treo”, lần sau kiểm tra lại. Thế thì gì chẳng được tiên tiến! Nhiều đứa nó chép “siêu”, nó còn được giỏi cơ!

Nhà em mới quát nó:

– Mày nói láo. Sao tao thấy thằng Trung con nhà Chức vẫn phải thi lại cơ mà!

Con em nó bảo:

– Vâng, nó phải thi lại nhưng đấy là các thầy “dọa” thôi. Đứa nào dốt quá thì các thầy bắt thi lại. Nhưng chỉ cần nộp tiền, học một tuần, thầy cũng dạy cho làm cái đề sẽ thi lại, cứ làm đi làm lại. Một tuần mà chỉ có mỗi cái đề ấy thôi. Thế là chẳng đứa nào phải ở lại lớp cả. Chỉ có đứa nào vẫn không biết chép hoặc hư quá thì các thầy bắt chuyển trường. Nếu đồng ý chuyển đi trường khác thì các thầy “tha” cho,  nghĩa là làm lại học bạ, coi như “được lên lớp.

Nhà em quát:

– Mày nói láo thế nào chứ! Cái loại học trò ấy thì ai người ta nhận?

Nó bảo:

– Bố thì biết gì! Cứ trường nọ nhận học trò hư của trường kia. Bây giờ chẳng thiếu gì trường. Chỉ thiếu học sinh thôi. Quanh mình, hồi con vào lớp 10 mới chỉ có một trường dân lập, bây giờ có 5 trường rồi đấy. Nên học sinh thành thượng đế cả. Còn có trường  nổi tiếng lắm có cả khu nội trú để đón  học trò toàn là người các tỉnh về học. Bố mẹ chúng nó ở các tỉnh giàu lắm. Những đứa nghiện hút, hư hỏng để ở nhà sợ mang tiếng thì chuyển về Hà Nội. Chúng nó đi học còn được bố mẹ mua nhà,  thuê cho ô sin nấu cơm, giặt quần áo! Người ta còn thuê thầy đến dạy từng đứa ở nhà cơ!

 Nhà em lại hỏi:

– Thế sao thi tốt nghiệp điểm thi của mày lại cao thế? 6 môn mà được 43 điểm?

Nó bảo:

– Phát đề thi xong một lúc là có người đưa cho lời giải, mình chỉ cần chép vào thôi.

Em hỏi nó:

– Mày nói thế thì ra bài thi giống nhau hết à? Điểm bằng nhau  hết à?

Nó trả lời:

– Mẹ thì biết gì! Bài giải thì giống nhau nhưng có đứa chép đúng, có đứa chép sai, điểm bằng nhau thế nào được!

Rồi nó còn kể có cái trường gì đấy trên huyện B. đang thi, có một ông mồ hôi nhễ nhại chạy vào hành lang, hỏi:

– Đây có phải phòng thi số 6 không thầy?

Rồi ông ấy chạy vào phòng thi, lớn tiếng hỏi:

– Hùng ơi! Mày ngồi ở đâu hả con?

Một đứa ở dưới vội kêu:

– Bố ơi, con đây!

Ông ấy vội chạy tới giúi cho nó tờ giấy, rồi quay ra. Đến cửa còn quay lại, nói vội:

– Chép xong nhớ đưa cho thằng Hải nhé!

Anh bạn tôi ra ý không bằng lòng:

– Chú thím hay thật, con nó bảo “Bố mẹ thì biết gì” thì phải bảo nó chứ!” Cô em dâu không nói gì, tôi mỉm cười nghĩ thầm: “Đúng thế chứ còn uốn nắn gì nữa. Mà phụ huynh đâu chỉ có vợ chồng nhà này!”

     Quay ra sân đuổi đàn gà bới đống rơm, chị quay vào tiếp: – –

– Nó còn giải thích cho chúng em là cái tiền nộp trước khi đi thi, mấy trăm nghìn mà bố mẹ cứ kêu sao nhiều thế ấy,   các thầy gọi là tiền “chống trượt”. Tiền ấy để “bồi dưỡng” cho các thầy coi chấm thi! Em ngán ngẩm quá, than:

– Thế thì học với hành, thi với cử gì, chỉ là trò lừa bịp cả thôi! Nó lại còn gân cổ lên cãi  em:

– Mẹ thì biết gì! Các thầy vẫn bảo “tất cả vì học sinh thân yêu” mà lại.

Tôi cúi xuống nhìn, nền nhà chị láng xi măng, không chui được! Chị dừng lại một lát rồi tiếp:

– Nhà em bảo không thể trông mong gì vào nó nữa rồi. Sang năm có cho thi lại cũng chẳng nước non gì. Bây giờ phải theo gương thằng anh thôi, kiếm lấy một nghề, cho nó hạn từ giờ đến  cuối năm để  tìm nghề, chúng em cũng đang nhờ mọi người tìm giúp.

Anh bạn tôi ngắt lời:

– Tôi bảo chú thím chẳng nghe. Bây giờ chú sẵn có cái nghề sửa chữa điện đài đấy. Cho nó theo. Cần thì cho ra Hà Đông  học nghề thêm mấy tháng. Hoặc là cho nó theo anh nó, học nghề mộc, anh em nó dìu dắt nhau.

 Anh quay sang nói với tôi:

– Chú ấy tuy chỉ học hết cấp 2 nhưng sáng dạ lắm. Ngoài việc làm ruộng, trong làng ai cần mắc điện, chữa cái quạt, cái máy bơm nước, là chú ấy làm được cả. Lại còn có một bộ loa cho  các gia đình thuê khi có đám cưới đám ma nữa. Thu nhập cũng được đấy!

Người mẹ thở dài đánh sượt, than:

– Khổ quá bác ơi, nhà em nói, em nói, anh nó cũng nói, nhưng nó có chịu nghe đâu! Nó cứ đòi đi học lái xe, nhưng chúng em không đồng ý. Bố nó đi làm bảo nó theo, nó bảo “thế nhỡ điện giật thì làm thế nào! Có mà toi!” Suốt ngày chỉ lang thang trò chơi điện tử, rồi “chát chit”. Bác tính ăn không quen rồi. Suôt ba năm học cấp 3, không phải đụng đến một công việc gì. Ăn xong cái bát cũng chẳng phải rửa, quần áo thay ra cũng có khi bố mẹ giặt cho. Chỉ dành thời gian cho nó học. Học hành đã chẳng ra thế nào rồi, bây giờ làm cái gì cũng ngại, không muốn đụng chân đụng tay vào việc gì cả. Tôi hỏi:

– Thế vừa rồi có chuyện gì?

Chị thẫn thờ:

– Khổ quá, bác ạ! Nhà có xe máy, nhưng từ hôm thi cử như thế nhà em nhất định không cho đi nữa. Nhà em bảo: “Mày đi làm kiếm tiền mua xe mà đi”. Hôm kia, nó lên nhà cậu nó nói dối “Bố cháu bảo cậu cho cháu mượn cái xe đi ra Hà Đông mua cho bố cháu mấy thứ.” Cậu ấy tin,  đưa xe cho nó. Chẳng biết đi đứng thế nào, lao vào con nhà người ta. Người ta thì gãy chân, nó thì gãy tay, mặt mũi sưng húp lên, xe thì hỏng. Bây giờ lại mất bao nhiêu tiền, tiền chữa xe, tiền đền cho người ta, tiền thuốc, tiền viện phí. Ôi giời ôi! Sao tôi khổ thế này!

Bạn tôi hỏi:

– Thế hôm nay nó đi đâu?

Chị thút thít:

– Em phải đưa nó xuống ở tạm dưới bà ngoại. Nó mà ở nhà, lúc nhà em điên lên thì nó chết. Mà cái tay nó thì đang bó bột. Chẳng biết nói gì hơn, tôi đưa mắt cho anh bạn. Chúng tôi cáo từ ra về. Trên đường về, anh hỏi tôi:

–  Nó nói thế có đúng không ông?

Tôi ngậm ngùi, bảo:

– Trẻ con nó không bịa được như thế đâu ông ạ. Mà chúng nó sao đã biết hết được mọi chuyện.

Lúc ngồi ăn cơm, anh đưa tôi chén rượu, vẫn chưa hết áy náy:

–    Chuyện vừa rồi ông bỏ qua nhé! Chú ấy đang nóng!

Tôi vội gạt đi:

–   Bị “chửi” như thế còn là nhẹ đấy,  ông ạ!                                                                                                            

20.5.2013

5 BÌNH LUẬN

  1. Cháu nghĩ các bậc phụ huynh muốn con mình học hành thành tài ,thì trước tiên hãy dạy con mình thành người đã .Một đứa trẻ mà từ nhỏ không được giáo dục chu đáo ,không trung thực ,không có ý chí ,sống không có ước mơ thì dù học ở đâu và dù thầy nào dạy thì cũng thế thôi chú ạ .

  2. Đau hơn thi trượt: “Bây giờ chẳng thiếu gì trường. Chỉ thiếu học sinh thôi.” Rẻ rúng quá.

  3. Dường như chuyện hàng giả đi vào cả giáo dục Phổ thông thầy ạ. Trách ai được đây, bố mẹ phụ huynh quan tâm con cái thế là tốt lắm rồi. Ít nhất con cái họ không bị hư hỏng. Muốn nên người phải nhờ trường lớp. Con họ dốt nhưng vẫn muốn học hành tử tế. Em nghĩ lỗi trước tiên là trường Dân Lập kia dạy cho trẻ em dối trá.

  4. Đọc nhiều bài của Ông Giáo Làng rồi , mà lần này mới được đọc Bài này. Ông viết rất thấm thúy. Hôm nào gặp lại sau. KG NGUYEN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here