Năm ấy, trường tôi dạy có thể gọi là trúng số độc đắc. Liên bang Nam Tư  (khi ấy chưa tan rã, còn là một quốc gia hùng mạnh, đã sáng lập ra Tổ chức các nước không liên kết, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ rất nhiệt tình) viện trợ cho nhân dân ta toàn bộ thiết bị cho một trường trung học phổ thông, mọi thứ từ cái lớn đến nhỏ nhất là cái xô đựng rác bằng nhựa. Bộ Giáo dục cho tỉnh tôi tiếp nhận. 

Các trường cấp 3 khi ấy hầu hết còn là tranh tre nứa lá. Mỗi trường may ra được cái văn phòng và dăm ba lớp học là những căn nhà cấp 4, tường xây mái ngói. Trường tôi may mắn được đầu tư từ lâu, sau nhiều năm tạm dừng vì thiếu tiền rồi tiếp tục, rồi lại tạm dừng vì thiếu vật liệu, lại tiếp tục,… tới ba bốn lần, vừa hoàn thành một ngôi trường được coi là hiếm có khi ấy. Một khu lớp học 3 tầng đủ cho 18 lớp cùng với một khu nhà hành chính 2 tầng có nhiều phòng còn chưa biết sử dụng làm việc gì. Thế là trường tôi được tiếp nhận lô hàng viện trợ chỉ vì có nhà cửa đàng hoàng đủ điều kiện bảo quản và sử dụng những thứ quý giá đó. 

Giáo viên thay nhau theo xe tải, xuống cảng Hải Phòng nhận những kiện hàng to tướng, nặng trịch. Về trường, lúc “khui” những thùng hàng ra mới thấy thế giới khi ấy họ hiện đại quá mà mình thì mù tịt. Trừ có những bàn, ghế các loại biết kê vào từng lớp, từng phòng làm việc, bảng biết treo lên tường mỗi lớp, còn thì mọi thứ đều không biết nó là cái gì, đừng nói sử dụng ra sao. Đi theo mỗi thứ máy móc, thiết bị đều có bản hướng dẫn, nhưng bằng tiếng Nam Tư chẳng ai biết. Một số anh em biết chút ít tiếng Pháp đành mò mẫm, rồi đoán thử, có cái trúng nhưng nhiều cái đành đợi Ty (Sở bây giờ), Bộ cho người lên hướng dẫn. Nhưng những cái máy chiếu, thiết bị thí nghiệm vật lý, hóa, học thì mãi mấy năm sau mới “mò” ra cách dùng. 

Tôi dạy Văn, chẳng có thiết bị máy móc gì chuyên ngành. Nhưng vì phụ trách văn nghệ của trường nên sung sướng vô cùng vì trong lô hàng viện trợ có một chiếc ăc-cooc-đê-ông. Xưa nay, văn nghệ hát hò toàn “chay tịnh”, chỉ có hát suông, đến múa cũng đành có một tốp bên ngoài hát theo, kiểu như múa sạp thì hát theo “xòn xòn xòn đô xòn”…. Bây giờ có cái đàn, văn nghệ khởi sắc hẳn. Trong trường có hai người tạm gọi là biết sử dụng, tôi thì do tự học, một chị là giáo viên Toán từ nhỏ đã được học chơi pi-a-nô nên cũng không khó khăn lắm để làm quen. Nhưng đều là nghiệp dư, để đệm cho một tiết mục, cả hai đều mất rất nhiều thời gian mò mẫm, tập tành. Một lần, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam lên thu thanh mấy tiết mục hát của học sinh nhà trường để phát vào chương trình “Khắp nơi ca hát”, có một anh đệm ác-cooc-đê-ông. Chính là cái đàn của trường tôi, hàng ngày tôi vẫn dùng, nhưng tiếng đàn dưới đôi tay của anh ấy sao hấp dẫn kỳ lạ. Chỉ giận là mình không có điều kiện để theo học.

Thì may quá, hôm ấy, ông Hiệu trưởng đi họp về, cười vui vẻ, nói với tôi:
– Cậu thật là may nhé. Ty Giáo dục thấy bên Ty Văn hóa nói văn nghệ trường mình khá lắm nên cho một giáo viên mới tốt nghiệp trường Sư phạm thể dục nhạc họa. Cô này học khoa nhạc hẳn hoi. Văn nghệ của cậu phen này tha hồ thi thố.

    Phấn khởi quá đi chứ! Văn nghệ trường tôi mặc dù là nghiệp dư nhưng cũng đã nhiều lần thi hội diễn cấp tỉnh, lần nào cũng được giải thưởng. Mấy anh ở phòng văn hóa thông tin thích lắm, luôn luôn hỗ trợ coi là hạt nhân của phong trào văn nghệ địa phương. Bây giờ lại có người có học có hành đàng hoàng thì…phải biết!

Nhưng khi cô giáo viên tốt nghiệp khoa âm nhạc ấy về được một tháng thì chúng tôi chán hẳn. Ban đầu, cô ấy nói biết chơi ghi-ta. Nhưng ôm cây đàn lên, không thể ai biết cô ấy chơi bài gì. Giáo viên âm nhạc mà dạy hát cho học sinh cũng không biết. Tôi cũng chưa từng được nghe cô ấy hát bài nào (cùng là giáo viên cả, tôi đâu có quyền kiểm tra!) Rồi cô ấy lại có con nhỏ, không thể tập văn nghệ với học sinh vào buổi tối. Ông Hiệu trưởng chán quá, trả lại cho Ty. 

      Cấp trên lập tức cử cho trường tôi một nam giáo viên cũng tốt nghiệp khoa âm nhạc của cái trường Thể dục – Nhạc – Họa ấy. Anh này đã nhiều tuổi, vốn là bộ đội giải ngũ rồi đi học. Nghe tin, chúng tôi mừng lắm. Nam giới, lại đã từng bộ đội chắc xốc vác, từng trải, có thể làm được nhiều việc cho phong trào. Hôm đầu tiên ngồi bàn công việc với tôi, anh ấy nói kế hoạch rất ghê. Tôi nghe mà “nở ba khúc ruột”. Tay này rất mê văn nghệ mà cũng có nhiều dự định táo bạo. Dân “nhà nghề” có khác! Tôi hỏi, có biết chơi ác-cooc-đê-ông không? Anh ấy bảo: “Có, tôi học ở trường đàn này mà!” Tôi mừng quá, đề nghị nhà trường giao cho anh ấy giữ cái đàn.
Nhưng tới hôm duyệt tiết mục chuẩn bị hội diễn, nghe anh ấy đệm đàn mà tôi không hiểu đệm kiểu gì, hát một đàng, đàn một nẻo, nhìn những ngón tay lướt trên phím rất ngượng nghịu, nhất là tay trái. Hai người bọn tôi đều chịu, vì chưa tập trước. Tôi hỏi:
– Sao ông bảo học ác-cooc-đê-ông?
– Thì em học thật mà! Nhưng 3 năm ở trường làm gì có đàn mà tập?
Tôi chán nản bảo:
– Hay là ông đệm ghi-ta đi!
Anh ấy bảo:
– Ghi ta thì em không học.
Vô cùng thất vọng, tôi hỏi:
– Thế ông chơi được đàn gì?
Anh ấy cười cười bảo:
– Em chỉ biết chơi mỗi một loại đàn.
– Đàn gì?
Anh ấy ghé vào tai tôi (vì lúc ấy có một vài giáo viên và học sinh nữ), nói nhỏ:
– Đàn … bà!
Ối giời đất cha mẹ ơi! 

Sau Hiệu trưởng phải cử ông ấy dạy thể dục vì chẳng lẽ để ông ấy chơi không?

Đây là hai sản phẩm của cái được gọi là trường Sư phạm Thể dục – Nhạc – Họa Trung ương của Bộ Giáo dục mà tôi được tiếp xúc. Sau tìm hiểu, tôi mới được biết, ông Hiệu trưởng của cái trường ấy vốn là một giáo viên tiểu học thời Pháp. Trong ba môn học do ông đào tạo, môn duy nhất mà ông thành thạo là “thể dục buổi sáng”. Còn họa thì ông không biết, mà nhạc thì ông cũng không thích nghe lắm!

Hồi còn nhỏ, mỗi lần nghe tôi nói một cái dự định gì có vẻ viển vông, Bố tôi lại cười, có đôi chút giễu cợt, nhắc nhở:
– Chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay bổng!
Nghe Bố “cảnh cáo”, tôi dĩ nhiên phải lập tức xem lại ý định để tránh mất thời giờ vô ích. Càng lớn lên càng thấm thía lời dạy của Bố.

Từ mấy chục năm nay, Bộ Giáo dục có quyền, có tiền, …định làm gì là cứ làm, bất kể cái điều kiện để làm (cả phương tiện lẫn con người) đã có hay chưa. Cho nên những sản phẩm của giáo dục Việt Nam ta như phổ cập giáo dục từ tiểu học đến trung học cơ sở, dạy nhạc, dạy họa, dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học, rồi trường trung học, đại học được mở ra khắp nơi, … đều trong tình trạng này cả. Giáo viên âm nhạc hơn bốn mưới năm trước như thế, giáo viên nhiều môn do các trường Sư phạm đào tạo chắc cũng không hơn gì. Cứ xem như chuyện dạy ngoại ngữ “một mình một chợ” mà gần đây ông Bộ trưởng đã thừa nhận thì đủ biết. Ai đời, dạy ngoại ngữ ở cấp PTTH cũng chưa ra gì, thầy cô giáo được đào tạo 4, 5 năm trong trường Đại học vẫn chưa thoát khỏi cảnh “vừa câm vừa điếc”, thế mà đã cả gan dạy cả ở cấp Trung học cơ sở, rồi xuống cả Tiểu học, thậm chí còn dạy cả ở Mẫu giáo nữa chứ. Tốn kém bao nhiêu tiền bạc, thời gian mà chẳng được cái tích sự gì ngoài gây cái cảm giác “ảo” rất “tinh vi” cho biết bao nhiêu   người từ cha mẹ học sinh tới lãnh đạo các cấp.

Nói chữ thì gọi là “duy ý chí”, dân gian thì gọi là “chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay bổng”.
   Cho nên mong Bộ Giáo dục sắp tới có những quyết định phù hợp, đưa ra những mục tiêu vừa tầm với khả năng để tránh những lãng phí chồng chất. 

Từ từ, đừng bay bổng vội khi cái bọng cứt  chưa vỡ…

6 BÌNH LUẬN

  1. tất cả các môn học đều được nhà trường dạy, kiểm tra, thi và cấp bằng Tốt nghiệp, tức những người này có tấm giấy chứng nhận năng lực về kỹ năng nghề mà mình được học. Nhưng chỉ những nghề có đặc trưng “khoe” như ngoại ngữ,nhạc, họa,..thì người khác mới cảm nhận và đánh giá được thì tác giả đề cập trong vài ba bài gần đây rồi. còn những nghề “kín” khác thì kg biết kỹ năng của họ ntn? Tôi ước có một công ty độc lập kiểm tra kỹ năng của học sinh khi “xuất xưởng”. kg để ngành GD vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa chạy theo thành tích, vừa chống thành tích. khỏi tốn hàng nghìn tỷ thi TN phổ thông, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ…,càng lên cao hàng giả càng nhiều , càng gây bức xúc và chính là nguyên nhân gây hại cho xã hội.

  2. Bây giờ đột biến, cánh cứ mọc còn bọng cứt quên..không vỡ nên bay lên mà vẫn mang cả cái bọng cứt đó bác ạ!

  3. Đời thầy nền giáo dục thật đáng buồn, đời cháu cũng chả khá lên đc, đời con của cháu sẽ ra sao đây. Nhưng cháu thấy 2 thầy cô dạy nhạc về trg thầy chắc cũng dốt thật thầy ạ. hjhj. mà lại còn lười và thích ‘chém gió’.

  4. Nghe chuyện buồn cho ngành giáo dục nhạc – họa.
    Chẳng bù ở Ba Lan từ lâu giáo viên dạy nhạc họa ở Nhà trẻ – Mẫu giáo biết chơi đàn piano, trẻ con hát, cô đệm nhạc. Sinh viên nhạc viện ra trường thừa không có việc làm, nhiều người giỏi nhạc quá. Mỗi sinh viên ra trường phải có sáng kiến trên con đường nghệ thuật mới dễ tìm việc làm. Phương pháp Podolski phát triển năng khiếu nhạc của trẻ con từ 3 năm đầu. Bên cạnh hát và nhạc trẻ con lứa tuổi nhà trẻ còn được tiếp xúc hội họa. Phát triển nhạc jazz – dòng nhạc của quá khứ, hiện tại và tương lai đòi hỏi quan tâm từ lứa tuổi đi học.
    Em thấy việc phát triển nhạc họa ở VN còn tự phát không có trong chương trình phổ thông. Trẻ con không được học sẽ mù mờ về nhạc họa, sau này có qua trường sư phạm nhạc họa, hay bây giờ gọi là “sư phạm nghệ thuật” cũng không biết nhạc họa mức độ cần thiết.
    Chừng nào còn đề cao nghệ thuật quần chúng hơn nghệ thuật đích thực, chừng nào còn phát triển tự phát thì nền âm nhạc của VN còn tụt hậu. 50 năm, 100 năm sau cũng không theo kịp các nước láng giềng châu Á.

Trả lời Chi Nguyen Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here