Tưởng nhớ nhà báo, nhà văn Vũ Cận

 

Đúng ra tôi phải gọi bằng Cậu, nhưng Ông Bà ngoại tôi vẫn bảo con cháu trong cách xưng hô, không phân biệt nội ngoại cho thân (vì bên Nội của gia đình tôi cũng nhiều người thân với  người bên Ngoại, từ bậc Ông Bà đến các con cháu sau này). Chú là em thứ hai của Mẹ tôi, lại cùng ở Láng, gia cảnh Chú có hơn nhà tôi chút ít nhưng cũng thuộc cảnh nghèo cả. Tuổi mấy anh em chúng tôi và các con Cô Chú cũng sàn sàn, nhiều đứa học cùng trường, cùng lớp nên đã thân lại càng thân. Có gì Cô Chú cũng chia sẻ. Cô là bác sĩ, Mẹ tôi hay yếu đau nên thường được Cô chăm sóc, thuốc thang.  Hôm Mẹ tôi mất, lúc khâm liệm, phát tang, Cô Chú đứng trước linh cữu, thắp hương, Chú kêu lên, giọng thổn thức: “Chị ơi! Cả đời chị khổ! Em lạy chị!” Chưa đầy mười tiếng nhưng chứa chất bao nhiêu nỗi niềm thương cảm, xót xa của người em với người chị không được nhiều may mắn. Hai mươi bốn năm rồi, tôi vẫn rưng rưng nước mắt mỗi khi nhớ lại.

Chú cao lớn hơn cả trong mấy người con của Ông Bà tôi. Mẹ tôi bảo trước kia, khi còn đi học, mỗi sáng đi bơi về, Chú có thể ăn hết cả đĩa xôi đậu đen. Chú học giỏi nên được vào học trường An-be Xa-rô, trường dành cho con Tây và quan lại cao cấp, mặc dù Ông tôi chỉ là một viên chức bình thường.

Còn nhớ hồi ở Phú Thọ năm 1954, Chú từ Trung Quốc về, cao lênh khênh, từ sân bước vào nhà toàn phải cúi vì mái hiên thấp. Chú mang theo một ít  mì chính dĩ nhiên là của Trung Quốc. Hôm ấy, Bà tôi nấu canh cua, bỏ một tý mì chính vào (chắc chỉ dính chút ít nơi đầu đũa), sao mà ngọt thế!!!

Tôi chọn nghiệp văn cũng là do Chú. Năm tôi học lớp 10, chuẩn bị thi đại học, Chú đã dịch nhiều tác phẩm và được xuất bản. Chuyện xứ Bu-cô-vin, Mùa xuân ở Xa-ken, Gót sắt, … Đọc những sách Chú dịch, mê quá. Rồi cái năm 1962 là năm ra đời bao nhiêu tiểu thuyết dài hơi của Việt Nam. Quả là từ sau cách mạng, văn học ta lần đầu được một mùa bội thu, lúc ấy cứ nghĩ thế, mãi sau mới biết toàn của giả. Những Mở hầm của Nguyễn Dậu, Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi, Phất của Đồ Phồn, Sóng gầm của Nguyên Hồng…, rồi thơ, của Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, … Chú được các tác giả tặng và đều đưa tôi đọc. Lúc này, Chú có viết tiểu thuyết. Mới được một hai chương, Chú đã gọi tôi lên gác, nơi làm việc của Chú, đọc cho nghe. Cuốn sách ấy không hiểu sao không thành, nhưng hấp dẫn tôi ghê lắm. Thế là quyết định thi Sư phạm Văn. Thôi thì không có tài viết văn thì dạy Văn vậy!

Tôi là hàng cháu, kém Chú tới 16 tuổi, nhưng vẫn được Chú coi như người có thể chia sẻ. In được cuốn sách mới nào, ngoài sách biếu Bố Mẹ tôi, Chú đều cho tôi một quyển, có lời đề tặng rất thân tình và bao hàm nhiều ẩn ý sâu sắc. Có những chuyện bất đồng quan điểm từ thời kỳ nghị quyết 9 (chống xét lại, 1963), Chú cũng tâm sự. Nhớ một buổi chiều mùa hè năm 1963, tôi còn đang đi học, Chú đi làm về, lặng người, kéo tôi ra một chỗ, khẽ bảo: “Ông Dương Bạch Mai chết rồi, cháu ạ”. Chú cho tôi biết ông cùng với các ông Hoàng  Minh Chính, Ung Văn Khiêm, Đặng Kim Giang, …là  những người bất đồng quan điểm, bị quy chụp dữ lắm sau Nghị quyết 9. Nhờ Chú, tôi hiểu thế nào là “tình đồng chí” của các  đảng viên với nhau, tôi bắt đầu có ý thức  suy nghĩ có thể không cần giống những ý kiến chính thống. Những suy nghĩ kiểu này khiến cho tôi gặp không ít rắc rối sau này, nhưng tôi luôn biết ơn Chú, người đã dạy tôi sống sao cho cứng cỏi, dám sống trung thực với mình. Có những thời kỳ căng thẳng, mấy anh “phó tóm” (từ Chú hay dùng chỉ nhân viên an ninh), hay tới “thăm viếng”, Chú phải mang một số tài liệu bây giờ gọi là “nhạy cảm” đưa tôi giữ, trong đó có bản thảo Chú dịch cuốn “Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam” (“Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam”) của G. Bu-đa-ren, một người bạn Pháp của Chú. Cuốn sách bằng tiếng Pháp, Chú đã dịch xong, đánh máy trên những trang giấy không được trắng, chỉ còn những đoạn tác giả trích dẫn  các báo của Việt Nam lúc ấy còn để trống. Chú bảo tôi giữ lấy, sau này khi nào điều kiện cho phép, vào thư viện, mượn báo lưu trữ, tìm nguyên văn những đoạn ấy,  nếu in ra được thì tốt. Sau khi Chú mất, không khí chính trị có cởi mở hơn, tôi đã vào Thư viện Quốc gia, làm một thẻ nghiên cứu để làm việc này, nhưng sau đó, biết cuốn sách đã có người dịch nên tôi không tiếp tục nữa.

Một lần, Chú đọc cho tôi nghe bài thơ Chú mới làm nhân chuyến đi công tác vào miền Trung (hình như trước chiến tranh phá hoại):

Đoàn tàu gõ nhịp trên đường sắt

Dây điện chim giăng bản nhạc tình,

Tựa cửa nhìn ra lòng bay bổng,

Ngô lúa quay tròn điệu múa xanh,

Không hiểu sao, tôi thích bài thơ này quá! Hơn nửa thế kỷ rồi vẫn thuộc. Cứ khi nào ngồi trên tàu hỏa, hay thậm chí nhìn thấy xe hỏa đều nhẩm lại.

Chú có tấm lòng nhân hậu, khoan dung, lúc nào cũng có nụ cười hóm hỉnh với tất cả mọi người. Các cháu học hành tiến bộ, Chú luôn động viên, khen ngợi nhưng chỉ có thể “thưởng chịu” vì sao có thể đủ tiền thưởng cho tất cả các cháu? Ngay với những con vật nuôi, Chú cũng có sự chăm sóc khác thường. Thỉnh thoảng đến thăm Chú, thường thấy sau mỗi bữa cơm, Chú hay giành phần cho chó, cho mèo ăn. Chú chăm chút, nhặt nhạnh chút thức ăn thừa (khi ấy lấy đâu ra nhiều thức ăn thừa), vót vét bát to đĩa nhỏ từng mẩu xương, từng mẩu cá còn sót,  cẩn thận trộn bát cơm cho chúng như chăm chút cho những người bạn, những đứa con. Chú thường nói với mọi người: “Đã nuôi nó thì phải cư xử với nó cho tử tế chứ!”

Chú thường cho tôi đọc những tài liệu, những cuốn sách “cấm” mà Chú có từ nhiều nguồn. Có buổi tối mùa rét, đã quá 9 giờ, Chú còn tới nhà gọi tôi, đưa cho một cuốn sách, Chú bảo: “Chú mượn được, vừa đọc xong, cháu cố đọc đêm nay, sáng mai Chú đi làm qua sẽ lấy để trả.” Đêm ấy, mất điện, tôi phải thăp đèn dầu đọc. Đến gần 5 giờ sáng thì đọc hết cuốn sách. Đó là cuốn “Hoa xuyên tuyết” của Bùi Tín mới in ở Pháp. Những câu chuyện, những cuốn sách, những tài liệu phô-tô-co-py Chú đưa cho đã khiến tôi phần nào thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của một anh giáo làng. Càng hiểu cuộc sống, càng thấy mình không thể có lối sống a dua, bầy đàn, càng cố làm một người lương thiện.

 Sau khi về hưu, Chú thường bảo tôi vào buổi chiều, ra câu lạc bộ Ba Đình uống bia và trò chuyện với những người bạn của Chú. Quả thật, dù rất thích, nhưng cái nợ cơm áo không cho phép tôi tới đó thường xuyên. Chú thường  làm những bài thơ thế sự, in thành nhiều tập, cho bạn bè và những người thân đọc. Tôi hiểu chẳng qua, Chú muốn chia sẻ nỗi lòng của một người luôn ưu tư về thời cuộc, trong khi lý tưởng mà Chú theo đuổi từ những năm chưa đến tuổi thành niên trước cách mạng   còn xa vời vợi. Bao nhiêu trăn trở, suy tư trước  những ngang trái, những nghịch cảnh những bất công của  đời sống trong lòng Chú cần giãi bày với mọi người khi không thể kìm nén. Tập thơ cuối (Vườn xưa), Chú bảo tôi viết lời Tựa. Tôi đã mang tất cả khả năng của mình để làm việc mà Chú tin cậy giao phó, nhưng quả thật chưa vừa ý.

Năm 1998, một hôm, Chú rất vui khoe với tôi, người bạn Chú là họa sĩ Phan Kế An đã tìm cho Chú một mảnh đất ở Đường Lâm. Chú vẫn hằng mơ ước có ngôi nhà trong một mảnh vườn nhỏ, sống một cuộc đời thanh bạch,  đảm bảo cho mình không bị cuốn vào dòng đời đang xô bồ với bao nhiêu rác rưởi bèo bọt. Tôi cũng đang có ước muốn như thế. Hai Chú cháu đã hẹn nhau lên Đường Lâm. Nhưng cái xe máy “cà tàng” của tôi chưa cho phép thực hiện chuyến đi ấy. Chú ra đi, ước muốn chưa thành. Hôm nay, hàng ngày sống ở “ngôi nhà mơ ước” (mơ ước của cả hai Chú cháu) ở một làng quê xa chốn đô hội, tôi vẫn hằng nhớ  Chú. Giá như Chú sống thêm chỉ hai năm thôi, Chú cháu tôi đã được toại nguyện.

Cả đời, Chú đã sống trung thực với chính mình, không bị bao phù hoa cám dỗ, không bon chen tranh cạnh, đúng như trong một bài thơ, Chú đã viết:

Chỉ ham sống làm ta

Hội hóa trang chóng mặt

Ta xếp bằng dưới đất

Buông rèm nhìn từ xa.

 

Tháng 6.2013

9 BÌNH LUẬN

  1. Anh Giao ơi ! Đọc bài anh viết,em đã khóc và vẫn đang khóc vì nhớ vì thương bố Cận ! Lúc nào đó,em sẽ chép lại bài thơ cuối cùng Bố em viết trước khi ra đi mãi mãi để anh đọc .Cảm ơn anh !

  2. Em cảm ơn anh. Chắc ở nơi xa ấy, bố em hẳn rất hài lòng vì cả cuộc đời của ông đã không hề phí hoài. Chúng em đã được ông dạy nên người và luôn theo gương ông sống trung thực với chính mình.

  3. Dạo này chú lãng nhiều rồi. Đọc lại mới nhớ Giao đã gửi bài này cho chú và chú cũng đã gửi cho bác Bùi Tín vì bác vừa là bạn của chú Cận, trong bài lại nói đôi chút vầ cuốn Hoa Xuyên Tuyết .

  4. Dọc bài Giao viết nhắc lại những kỷ niệm với Chú Cận, cô dã và dang khóc dây. Giao ơi, họ nhà mình toàn những người tử tế, cũng nên phải tự hào dấy cháu ạ. Cô

  5. Đọc bài này của anh Giao,lại thấy nhớ thương Bố Mẹ quá.Hôm qua(4/5 âm lịch) là ngày giỗ Bố,mới đây mà đã 16 năm Bố đi xa rồi. Nhìn lại những bức trướng của bạn bè Bố 16 năm trước” SỐNG THẬT MÌNH,SỐNG ĐẸP” “TIỄN ĐƯA TRANG THỨC GIẢ,THƯƠNG NHỚ BẠN TÀI HOA”. Mới thực sự thấy ” TỔN THẤT NÀY THẬT LỚN LAO,ĐAU THƯƠNG NÀY LÀ VÔ HẠN”

Trả lời Ba Lan Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here