Hai phía sa mạc hoang vắng, có hai làng. Để đến được làng đối diện, có hai con đường, một là đi vòng qua sa mạc, cần phải đi mất hơn hai mươi ngày; một đường đi tắt qua sa mạc, chỉ cần có ba ngày. Nhưng đi tắt qua sa mạc là vô cùng nguy hiểm. Phần lớn những người đã thử đi, đều bỏ mạng trên sa mạc vì mất phương hướng.
Một bậc trí giả đi qua đây, mách với người trong làng: họ nên cứ cách nửa dặm, trồng một cây dương, thẳng đến làng bên kia.
Ông nói:
– Nếu những cây dương này có may mắn sống, dân hai làng sẽ cứ theo dưới bóng dương mà qua lại; nếu chúng không thể sống, các ông cũng sẽ có những cái cột mốc đánh dấu con đường, chỉ cần mỗi người đi qua trồng một cây non, miễn là đừng để gió cát trên sa mạc vùi lấp.
Nắng gió sa mạc khiến toàn bộ những cây dương non này dần chết hết, nhưng chúng đã biến thành những cột mốc.
Men theo những cột mốc ấy, người hai thôn có thể qua lại an toàn thời gian rất dài.
Mùa hè năm đó, có một nhà sư đi khuyến giáo muốn đến làng đối diện. Mọi người nhờ ông ta:
– Ông có thể men theo những cây dương khô mà đi, nhờ ông đem những cây dương nhỏ này cắm xuống bên những cây khô đã mục nát, để cho những cột mốc chỉ đường này khỏi bị hủy hoại.
Nhà sư mang theo bình nước và một ít lương khô lên đường. Trên đường đi, ông quả thấy không ít những cây dương khô đã bị gãy vì mục nát. Nhưng ông ta lại nghĩ: “ Ta chỉ đi có lần này, việc ấy nào có quan hệ gì đến ta.” Không quan tâm gì đến những cây dương đã khô, những cây dương mang theo ông ta cũng vứt đi.
Trong lúc nhà sư đi, sa mạc vốn tĩnh mịch bỗng nổi lên một trận cuồng phong, cát bay đá chạy, rất nhiều cây dương bị cát vùi lấp, nhiều cây dương thậm chí không còn dấu vết, nhà sư không còn nhận ra hướng đi, ông ta mất tích trong sa mạc.