Sau cái vụ không cho học sinh chép bài dự thi “Tìm hiểu…” nhân dịp kỷ niệm …, hơn chục năm, trường không phân công cho mình làm chủ nhiệm, với lý do “để ông dạy có lợi cho học sinh hơn”. Mình hiểu, như thế các ông ấy cũng đỡ bị “phá đám” khi làm những điều phản giáo dục nhằm chiều lòng cấp trên nên chẳng phản ứng gì.

Ba năm trước ngày về hưu, muốn lưu giữ một kỷ niệm cuối cùng trước khi xa cái nghề  đã tự nguyện và gắn bó suốt cuộc đời, mình xin chủ nhiệm một lớp. Cũng có một lý do nữa, nghĩ trong lòng chứ không dám nói ra: trong những năm đứng trên bục giảng, sau  hơn chục năm đầu còn gắn bó, tận tụy, có thể nói quên mình, tới những năm 80 trong cái đà sa sút chung của cả xã hội và nghề nghiệp, mình cũng không còn giữ được cái tâm huyết buổi đầu, thậm chí có những lúc chểnh mảng vì lo miếng cơm manh áo. Mất khoảng chục năm, lương tháng chỉ đủ sống tuần lễ nên bao nhiêu thời gian đều dồn hết để  bươn trải kiếm ăn sao cho cả nhà tồn tại đủ ba tuần còn lại. Có khi mấy tháng không đọc thêm được cuốn sách. Chỉ còn cố giữ giờ lên lớp cố dạy cho tròn bổn phận, cũng may bài soạn đã thuộc, nhưng cũng chỉ là trong đầu có sẵn cái gì phát ra cái ấy chẳng khác gì cái máy ghi âm với những cuốn băng đã cũ. Có khi còn phải nghỉ cả dạy vì việc làm thêm kiếm tiền đang dở dang. Từ khoảng đầu những năm 90, đời sống có khá hơn dù mới chút ít, làm thêm kiếm tiền cũng không phải chuyện đơn giản. Lúc này bắt đầu hiểu câu trong Đạo đức kinh “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (biết đủ thì không chịu nhục, biết dừng thì không gặp nguy) để an phận với cuộc sống đạm bạc. Thời gian dành cho học trò dần nhiều hơn nhưng vẫn không thoát khỏi cái ân hận, muốn có thời gian phần nào chuộc lại những lầm lạc đã qua, muốn sống lại với cái tâm huyết thuở mới bước chân vào nghề.. Nguyện vọng được chấp nhận, có lẽ vì ông hiệu trưởng cũng sắp nghỉ hưu.

     Được phân công chủ nhiệm lớp 10A5, một lớp bình thường như hơn chục lớp khác. Có khá nhiều kỷ niệm.

 

Mới vào đầu năm học, trường đã đưa ra chủ trương may đồng phục mùa đông (những năm trước chỉ có đồng phục mùa hè). Mình đang phản đối, nói rằng nhiều gia đình học sinh khó khăn lắm thì đã thấy lớp trưởng thu tiền cả lớp đem nộp. Hóa ra biết mình không đồng tình, trong khi mọi việc đã thu xếp xong cả, văn phòng bèn tới trực tiếp phổ biến cho cả lớp. Mà học sinh lại có vẻ hào hứng lắm, chẳng cần biết cha mẹ sẽ khó khăn ra sao. Hóa ra mới có chục năm mà lớp trẻ đã thay đổi nhiều quá! (Mãi sau này, học trò mới tâm sự: nhiều đứa nhà cũng nghèo lắm, cũng thương cha thương mẹ lắm, nhưng chẳng lẽ bạn có mình lại không có, chẳng lẽ lại mang tiếng “con nhà nghèo” với chúng bạn?). Sau, văn phòng còn bảo mình ký nhận tiền phần trăm bồi dưỡng do chuyện may đồng phục. Không thể không nhận vì ai cũng nhận cả, đành đưa cho lớp  trưởng, bảo “thầy góp vào quỹ lớp”. Mà nghiệm ra một điều, đối với học sinh, người thầy phải rất sòng phẳng chuyện tiền nong. Cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tham gia những hoạt động chung của cả lớp từ liên hoan cuối năm, đi tham quan du lịch, … trò đóng bao nhiêu, thầy cũng góp bấy nhiêu. Góp ngay trước lớp cho mọi người chứng kiến. Những việc tuy nhỏ nhưng cũng khiến học sinh có thể sợ, có thể không thích, thậm chí có thể ghét, nhưng không được để họ coi thường.

Cả 3 năm học, mình đều tổ chức cho cả lớp những chuyến đi xa có ngủ qua đêm, điều mà ai cũng e ngại vì sợ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, nhưng là điều mỗi học sinh rất thích thú. Lần đầu tiên đi Yên Tử, mình chỉ nói  với học sinh: “Thầy biết ý thích của các em có nhiều lắm. Thầy cũng rất muốn làm nhiều điều tốt đẹp thỏa mãn những mong muốn chính đáng của các em. Nhưng phải bảo nhau nghe lời dặn dò, hướng dẫn, giữ gìn đừng để xảy ra việc gì đáng tiếc. Nếu có chuyện không hay, tất nhiên chẳng bao giờ thầy dám đưa các em đi chơi thế này nữa!” Thế là cả 3 năm, 3 chuyến đi khá thú vị mà không xảy ra chuyện gì. Trước mỗi chuyến đi, mình đều đặt ra những câu hỏi rất cụ thể để học sinh tự tìm hiểu (trước khi đi và tìm hiểu ở nơi đến). Ai chấp nhận thì tham gia. Nhớ lần đi Bản Lác (Mai Châu), mình dặn ai không trả lời được 5 câu hỏi (dễ dàng tìm trên “Gu-gồ” hoặc bản đồ du lịch) sẽ không được lên ô tô xuất phát. Và ai không trả lời được 5 câu hỏi tiếp theo (tìm hiểu trên đường đi , ở bản Lác và nhà máy thủy điện Hòa Bình) sẽ không được lên xe trở về. Thế là cả lớp cùng  nhau trao đổi rất sôi nổi. Trên đường đi, không có cảnh ngủ gà gật, trêu chọc vô bổ mà bảo nhau quan sát, chuyện trò với nhau để hiểu biết thêm những chặng đường, những đèo dốc, những địa danh đi qua. Một chuyến đi có hai ngày nhưng ngoài việc giúp cho học sinh có thêm những kỹ năng sống (như cách gọi bây giờ), còn thêm nhiều hiểu biết về địa lý, lịch sử rất bổ ích.

Cũng là nhờ may mắn, ba năm qua rất nhanh mà không xảy ra sự gì đáng tiếc.

 Năm cuối, bước vào thời gian ôn tập sắp đi thi, một hôm, đang giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, bà trưởng ban phụ huynh tới xin gặp lớp trưởng và bí thư chi đoàn, rồi thấy trao đổi rất lâu ngoài hành lang. Mình cũng đã đoán biết, cuối giờ, hỏi có chuyện gì. Học sinh tỏ ra lúng túng. Mình nói ngay:

–         Thầy biết rồi, chắc bác ấy đến bàn việc quà cáp cho các thầy các cô dịp cuối năm chứ gì!

Thấy hai cô cậu cười, mình nói tiếp:

–         Thế này nhé! Việc các em và cha mẹ lo  tặng quà cho các thầy cô vào dịp cuối năm trước khi ra trường cũng là điều hợp lý, nhưng làm sao cho đơn giản, đừng để đóng góp nhiều, vì hoàn cảnh mỗi người trong lớp không giống nhau. Riêng thầy, thầy xin các em mua cho thầy một cái cây để trồng trên mảnh vườn của thầy mà sắp tới ta sẽ qua khi cùng nhau đi Ba Vì. Như vậy, các em vẫn có quà cho thầy mà đỡ tốn kém; thầy được nhận quà, quà giữ được lâu dài mà không phải áy náy vì chuyện tiền bạc. Các em có thể dễ dàng mua cây ở chợ Bưởi, cây gì cũng được.

 Cũng may là cả ban phụ huynh và học sinh đều chấp nhận nguyện vọng của mình. Hôm đi Ba Vì, buổi tối, cả lớp về nghỉ đêm ở Ao Cò, khu vườn mình chuẩn bị về ở sau khi nghỉ  hưu.  Bọn trẻ trong lớp đã trồng cho một cây ngọc lan. Dăm năm sau, cây bắt đầu trổ hoa mỗi dịp đầu mùa hè, khi cây hoa phượng trồng lối cổng vào cũng sắp khoe sắc đỏ. Trong đời dạy học, cũng đã không ít lần được học sinh hoặc cha mẹ họ tặng quà, nhưng đây là món quà mình gìn giữ được lâu nhất và tin rằng nó sẽ còn mãi cùng năm tháng..

Mười năm trôi qua như một cơn gió thoảng. Từ một cái cây cao khoảng hơn gang tay, qua mười năm, cây ngọc lan nay đã cao tới hơn ba mét và năm nào cũng rất sai hoa. Từ ngày “về vườn”  (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng), bên nhiều loài hoa khác tự trồng, mỗi buổi sớm cùng với tiếng hót ríu ran của đủ loại chim trong vườn, mình được đắm mình trong hương hoa, lắng mình trong cái thơm thảo của tình cảm với nghề nghiệp đã theo đuổi suốt cuộc đời.

 Năm nay, nhân bảy mươi tuổi, hôm qua, không quản đường xa và mưa gió, vợ chồng một người học trò cũ ( là bạn “Phây” bây giờ), lặn lội từ Hà Nội lên Ao Cò tặng mình một trang blog vừa thiết kế mà các bạn ấy gọi là “mảnh đất online để giúp thầy gieo trồng những bài viết, giúp nhiều người đọc các bài viết ấy”. Người xưa gọi đây là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Mong ước từ bao năm nay đã được thực hiện. Xin cám ơn thịnh tình của hai bạn Phạm Nhật Thắng và Nguyễn Minh Hiền. Chúc hai em luôn nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Nhân đây xin giới thiệu với mọi người trang blog w.w.w.onggiaolang.com. Mình sẽ đưa toàn bộ các bài viết trên FB từ lâu nay, cùng với gần nghìn trang sách đã dịch từ ngày “nhàn cư” lưu giữ trên trang blog này, mời các bạn ghé thăm. Thời gian tới là thời kỳ “chuyển giao công nghệ” chắc chắn còn nhiều sơ xuất, mong các bạn lượng thứ và chỉ bảo trước những sai sót không thể không có..

                                                                                                   28.04.2014

2 BÌNH LUẬN

  1. Môt thầy giáo đáng kính trọng,đầy năng lượng và nhiệt huyết.Em kĩnh chũc thầy luôn khỏe mạnh để viết được nhiều bài học quý giã cho đời.

Trả lời Vũ Xuân Túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here