Nhớ hồi 2003, đi xuyên Việt. Hôm ấy ngồi uống cà phê hình như ở Kon-tum. Cửa hàng khá đông khách, phần lớn là thanh niên. Họ đang mở một cái CD ca nhạc. Nhìn lên thấy cô nào cũng ăn mặc thiếu vải, mình nói với hai anh bạn đi cùng :

– Ăn mặc kiểu gì thế này? Quần với áo!

    Nói nhỏ thôi, thế mà những người ngồi mấy bàn xung quanh quay sang nhìn mình như người ngoài hành tinh. Một ông cỡ trung niên bảo: “Ông này quê quá! Nghệ sĩ ai người ta mặc quần áo! Phải gọi là trang phục!”

  Thế là từ đó, mình không dám xem các chương trình ca nhạc. Ở nhà hát thì dĩ nhiên rồi, vừa không có thời gian, vừa “lích kích” chẳng có gì để đáng phải chịu sự phiền phức như mua vé, gửi xe, lấy xe, rồi bao sự khó chịu trong nhà hát do khán giả phần lớn là những người nhiều tiền bạc gây ra. Ngay những chương trình ca nhạc phát trên truyền hình kể cả Sao Mai điểm hẹn mà mọi khi rất mê, hồi này cũng chẳng xem nữa. Xem ti-vi, thấy mục này là mình chuyển kênh hoặc tắt máy để tiết kiệm điện.

    Là vì ca nhạc bây giờ, người ta hát thì ít mà diễn thì nhiều. Ca nhạc là nghệ thuật âm thanh, để nghe. Nghe  giọng của người hát, nghe nhạc phối khí, hòa âm. Ca nhạc bây giờ là để xem. Một người diễn chưa đủ, còn phải huy động cả một “lô xích xông” người cùng diễn. Thôi thì diễn bằng đủ mọi cách, mọi thứ: quần áo màu mè với những mốt không biết còn có thể gọi là quần áo nữa hay không, rồi cái mặt ca sĩ thì hiện đủ các cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố” như diễn kịch câm,  rồi múa may quay cuồng, có khi vung tay đá chân như xem võ thuật,  có cô hễ lên sân khấu là nhắm tịt cả mắt lại, không biết không thèm nhìn khán giả hay để biểu lộ sự sâu lắng? Nghĩ trong bụng thế thôi, chứ chẳng dám nói với ai. Sợ là mình kém hiểu biết, không đủ nhạc cảm để nghe, sợ là trào lưu thời đại mà mình chưa đủ tầm để thưởng thức. Nói ra, người ta cười cho là nhà quê thì “dơ”. Đành tìm các bài hát của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời trước đây, nữ như Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Huyền, Bích Liên, Tường Vi, Lê Dung, Ánh Tuyết… nam như Trung Kiên, Quang Hưng, Quý Dương, … Cũng may,  muốn sưu tầm các bài hát do các nghệ sĩ nổi tiếng này cũng không khó lắm. Quả thực, mình cho rằng, khó có ai vượt qua được những giọng hát vàng ấy.

    Hôm qua, đọc mấy ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, mới thấy hóa ra nhận xét của mình không sai. Mà ông này nói thì mình tin lắm (không phải vì hợp với ý mình) mà vì những bài hát, bản đàn do ông sáng tác và biểu diễn mình đã từng được nghe. Việt Nam ta, khó tìm được người vừa sáng tác vừa biểu diễn như ông. Không phải chỉ có ca khúc, còn có khí nhạc, thể loại hình như người ta cho rằng nhiều nhạc sĩ bây giờ không có khả năng sáng tác (bản nhạc còn chẳng đọc nổi thì sáng tác nỗi gì!)

   Thế ra, bao lâu này, người Việt Nam ta đang thưởng thức cái gì? Có phải là âm nhạc không?

    Mình nhớ lại những năm còn ít tuổi, kinh tế  khó khăn lắm, được ăn no mặc ấm đã là may mắn. Nhưng học sinh, sinh viên (nhiều khi túi rỗng tuếch) mua vé vào xem ở Nhà hát lớn không có gì khó khăn lắm. Có giao hưởng, (xem giao hưởng còn được  phát một tờ giấy in rô-nê-ô giới thiệu về bản nhạc), nhạc kịch (cùng với Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là Ep-ghê-ni Ô-niê-ghin của Nga,  Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên, rồi các vở kịch nói kinh điển như Ôtenlô, Âm mưu và Tình yêu, Nila, cô gái đánh trống trận, Câu chuyện Iêc-kut, Chuông đồng hồ điện Krem-lin, …Tuổi mới lớn, được thưởng thức những buổi trình diễn các vở diễn, bản nhạc sang trọng đã được cả thế giới khẳng định khiến thị hiếu thẩm mỹ được nâng cao. Sao nay, kinh tế phát triển, nhà hát không ít, thiết bị hiện đại, các buổi biểu diễn được tổ chức liên tục với giá vé không phải dành cho đại chúng, nhưng sao chất lượng nghệ thuật lại thấp đến như thế nhỉ? Nếu chưa thể tổ chức biểu diễn những tiết mục kinh điển , nhằm nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng, thì vai trò hướng dẫn thị hiếu nghệ thuật của Bộ Văn Thể Du, của Hội nhạc sĩ  ở đâu? Hơn 700 tờ báo trong đó không ít báo văn hóa văn nghệ, cả trăm cái đài phát thanh và truyền hình khắp cả nước, để làm gì? Hay các vị còn mải giữ “mối tình đoàn kết keo sơn” với những người làm nghề biểu diễn này?

     Cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã giúp khán thính giả cả nước nhận ra mình đang được “thưởng thức” cái gì, không vì cái “tình đoàn kết keo sơn” để  mở rộng tầm mắt cho mọi người. Đó cũng là trách nhiệm thiêng liêng của người nghệ sĩ chân chính.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bây giờ lớp trẻ bị ảnh hưởng theo xu hướng. Các bạn trẻ toàn nghe những loại nhạc loạn xạ ấy nên ko cảm nhận được thế nào là âm nhạc đích thực. Nếu các bạn trẻ mà thường xuyên nghe nhạc của Tuấn Ngọc, Quang Lý, Trọng Tấn hay của các ca sỹ mà bác kể thì các bạn ấy sẽ nhận biết được cái nào hay cái nào dở. Tiếc là với cái công nghệ lăng xê thần tượng hiện nay đã làm hỏng cảm thụ âm nhạc của lớp trẻ và đã giết chết nền âm nhạc thực thụ.

Trả lời Tony Ngo Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here