Khác với thưởng thức ca nhạc, cái quan trọng cần cảm nhận là âm thanh (tiếng đàn, giọng hát), ngưới ta cần dùng “tai”,  “thính giác”,  còn với tường thuật các trận bóng đá  dù trực tiếp hay gián tiếp người ta cần “xem”, cần tập trung vào “thị giác”. Biểu diễn ca nhạc mà  các ca sĩ phải lạm dụng trang phục, hình thể chỉ chứng tỏ giọng hát “xoàng”. Còn khi tường thuật bóng đá, các bình luận viên cần biết vị trí của mình để đừng lạm dụng khiến các khán giả phải “đinh tai nhức óc”.  Có lần, tôi đã nói chuyện chỉ thích nghe, không thích xem (chuyện nghe hát) Hôm nay xin chuyển qua chuyện chỉ thích xem, không thích nghe. Đó là chuyện xem truyền hình bóng đá.

Ở ta, truyền hình bóng đá trực tiếp (trong nước và quốc tế) có từ khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Giải vô địch thế giới đầu tiên được truyền hình là Espana – 1982. Lúc ấy, tivi hiếm lắm, nhà nào có tivi, tủ lạnh đã được coi là giàu có. Thường chỉ có loại 12, 15, 17 inh. Sang lắm mởi có đến 21 inh. Có nhà cái tivi có 9 inh, xem đá bóng, cầu thủ chạy trên sân mà nhìn cứ như mấy con lăng quăng trong  bể nước. Nhưng chỉ có tivi vẫn chưa đủ. Điện những năm ấy thiếu vô cùng, nhà nào cái bóng đèn cũng đỏ quạch, nhìn được cả dây tóc.      Muốn xem được tivi còn phải có cái survoteur để tăng điện áp. Survolteur mà công suất nhỏ sẽ bị nhà bên cạnh họ có cái công suất lớn hơn “hút” hết điện (đấy là cách giải thích khi ấy). Thế là “phèo”! Cho nên phải sắm cái survolteur 15, 20 ampe. Có nhà sung túc “chơi” hẳn cái 30, 40 ampe mới chắc ăn. Sắp đến giờ phát (khoảng 1, 2 giờ sáng), ngoài đường, xe đạp đi lại như mắc cửi. Từ Bạch Mai lên Giảng Võ, từ Cầu Giấy xuống Kim Liên, Trung Tự, … đều là đến nhà người quen để xem bóng đá nhờ. Có nhà đông người tới xem quá, phải mang tivi ra ngoài hè. Người đứng kẻ ngồi. Có khi đang xem, lại mất điện. Chờ một lát vẫn chưa có, nhiều người phải đi tìm chỗ khác  xem tiếp. Vui đáo để! Cái tờ Văn hóa – Thế thao của Thông tấn xã Việt Nam cũng ra những số đầu tiên dịp này.  3, 4  giờ sáng trận đấu mới kết thúc. Thế mà khoảng 8 giờ sáng đã có báo, có ảnh, có bình luận đàng hoàng. Cơ quan nào cũng phải tới 10 giờ mới bắt tay vào việc vì đầu giờ còn mải bình luận bóng đá, còn đọc Văn hóa -Thể thao. Đấy là còn chưa kể anh nào cũng “phờ phạc” vì thức đêm.

    Nhớ lại những ngày ấy mới thấy bây giờ sướng thật. Nhà nào cũng có tivi, toàn loại “hoành tráng” cả. Điện thì ê hề. Còn phát thì bao nhiêu kênh, bao nhiêu giải. Hai ngày cuối tuần thì cứ phải nói là có thể xem suốt đêm.

    Trước hết, xin chân thành cám ơn các nhà đài cả nước, từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, ngành nghề khác nhau đã bỏ nhiều tiền bạc, công sức giúp những người theo “Túc cầu giáo” mọi miền được theo dõi ngay lập tức các trận trong các giải bóng đá ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi lần ngồi ở Hà Nội hay bất kỳ nơi nào trên đất nước ta, xem một trận bóng đá ở nước Anh hay Braxin, Đức hay Tây Ban Nha… truyền hình tại chỗ đều cảm thấy sự kỳ diệu của khoa học kỹ thuật hiện đại và cảm kích trước nhiệt tình của nhà đài (những người có mặt bình luận trực tiếp thấy được trên màn hình và những người thầm  lặng  tác nghiệp không có dịp xuất hiện).

    Tuy thế, để công việc của các bạn có hiệu quả hơn, dành được cảm tình của người hâm mộ hơn, xin có một vài đề nghị:

  1. Xem bóng đá, dù trực tiếp trên sân cỏ hay qua máy thu hình, người xem đều có nhu cầu xem là chính. Những đường bóng đẹp mắt, những pha tranh chấp quyết liệt, những cú sút “búa bổ”, những màn bay lượn của thủ môn, …vô cùng hấp dẫn người xem. Những âm thanh thiết yếu nhất muốn  nghe có lẽ chỉ là những tiếng reo hò cổ vũ, những tiếng hát hò tán thưởng, những tràng vỗ tay không dứt, … Những âm thanh ấy khiến người xem như được ngồi trên khán đài, hòa chung không khí với mấy chục nghìn khán giả trên sân. Còn những lời của các bình luận viên sẽ  có tác dụng khi biết hạn chế ở mức độ nhất định.

Khi bình luận trước  hay giữa trận đấu, các bình luận viên nói gì cũng được. Ai thích thì nghe, ai không thích có thể không nghe vì trận đấu còn đang ở phía trước. Nhưng khi bóng đã lăn, các bình luận viên nên kiệm lời, giúp người xem tập trung vào trái bóng. Những lời có tính chất tường thuật (khi cầu thủ trên sân chuyền bóng cho nhau, dẫn, tạt, sút bóng, ném biên, phạt góc…) chỉ cần với người nghe tường thuật qua đài phát thanh. Còn xem truyền hình, người xem đều rõ cả, không cần phải nói. Tôi nghĩ nếu các bình luận viên lúc ấy, có những lời bàn về chiến thuật, về đấu pháp, nhận xét về điểm mạnh, điểm yếu của từng đội, về cách làm trận đấu chuyển biến có tính chất bước ngoặt, …chắc sẽ khiến người xem thú vị hơn. Còn nếu không, các bạn hoàn toàn có thể im lặng. Im lặng là vàng đấy!

  1. Khi cần nói, theo tôi, các bình luận viên nên kiệm lời hơn. Thí dụ, không cần đọc cả họ và tên cầu thủ, huấn luyện viên. Các pha bóng thường diễn ra rất nhanh, có khi chỉ trong vài giây. Đọc tên cầu thủ dài (một số cầu thủ có họ và tên khá dài) khiến lời nói không theo kịp diễn biến trên sân, tiếng bình luận viên và hình trên màn hình không khớp. Và những âm thanh không cần thiết ấy khiến người xem bị ức chế. Các bình luận viên có thể cung cấp cho người xem những tư liệu liên quan đến trận đấu. Chúng tôi biết các bạn đã mất không ít công sức để tìm được những tư liệu này. Nhưng dù có hay đến đâu cũng không  nên nói nhiều  lần trong trận đấu, tránh cảm giác nhàm chán cho người xem. Những lời bình luận, hay tường thuật các bạn nên nói theo cú pháp Việt Nam và sử dụng loại câu đơn, ngắn gọn. Thí dụ: “Chelsea phản công” (thay vì “Phản công dành cho Chelsea”), hay “Walcot đã việt vị” (thay vì “Trọng tài đã nổi còi phạt việt vị dành cho Walcot”). Những lời nói ngắn gọn cũng góp phần khiến người xem cảm thấy tốc độ trận đấu khẩn trương hơn. Cũng như thế, từ xưa, trong bóng đá, người ta đã có từ “sút” (tiếng Pháp: shoot) để chỉ cú đá mạnh, dũng mãnh về phía cầu môn đối phương nhằm ghi bàn. Bây giờ, tôi thấy, các bình luận viên chỉ dùng từ “dứt điểm”, nghe vừa dài, vừa không giữ được cảm giác quyết liệt, mạnh mẽ.
  2. Không biết “nhà đài” có cuộc thi dành cho các bình luận viên có hơi dài nhất không, nhưng tôi có cảm giác nhiều bình luận viên có ý định lập kỷ lục nên  cố kéo dài từ “v.. à…o,..  o.., o,…” hay “không v..à…o, o, o…). Nếu ở một trận đấu hấp dẫn, căng thẳng, chắc không ai để ý, vì nó thể hiện đúng cảm xúc của bình luận viên, cũng như của người xem. Nhưng có những trận thiếu lửa, thậm chí  tẻ nhạt, các bình luận viên cũng diễn cảm như vậy, không tránh khỏi cảm giác “đóng kịch”, thiếu chân thật. Có cảm giác hình như các bình luận viên muốn dùng  lời nói của mình để khuấy động cho trận đấu thêm sôi nổi. Nhưng tôi tin các bạn không thể làm được điều ấy nếu trận đấu thực sự nhàm chán.
  3. Có những thông tin người xem rất muốn biết, mong các bình luận viên cố gắng đáp ứng: Trước mỗi trận đấu, được nghe giới thiệu về thành phố, hay sân vận động sắp diễn ra cuộc giao tranh (trừ những sân lớn, đã được giới thiệu nhiều), về lịch sử của các đội bóng (trừ các đội ở tốp đầu cũng đã quen thuộc). Có nhiều trận, trước khi bóng lăn, các cầu thủ, trọng tài và khán giả đều đứng nghiêm trang như tưởng niệm hay tôn vinh điều gì đấy. Nếu các bình luận viên có tìm hiểu trước, giới thiệu với người xem thì thật thú vị, tránh mất thời gian một phút để kéo dài thắc mắc mà cuối cùng chẳng hiểu vì sao có nghi thức ấy.

 Cái tivi nào cũng có nút MUTE cả. Nhưng thế thì còn nói làm quái gì nữa?!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here