Năm 2006, khi ông Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, không ít người quan tâm đến thực trạng giáo dục nước nhà đã vui vẻ chờ đợi một sự đổi thay cho giáo dục, sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ, bê bết đã kéo dài trong nhiều năm.

Lúc đó, mọi người đều đồng tình với quyết tâm của vị tân Bộ trưởng “chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, mặc dù chưa thật tán thành với cách gọi tên những căn bệnh mãn tính trong giáo dục. Trong học kỳ đầu tiên, nhiều người chờ đợi sự mạnh tay của các cấp quản lý, còn những kẻ vốn quen ma mãnh để trục lợi, đông nhất là tầng lớp Hiệu trưởng thì một mặt im lặng chờ đợi thăm dò động tĩnh, một mặt không ngớt giễu cợt, công kích quyết tâm của Bộ trưởng vì những quyết tâm của ông làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Sau 2 năm, Bộ trưởng phải “bó giáp quy hàng”, nhường cái ghế nóng cho người khác. Nguyên nhân thất bại của ông Nhân có nhiều. Nhưng nguyên nhân đầu tiên là do ông đã không dám gọi đích danh cái bệnh trầm kha trong giáo dục là bệnh dối trá.

Thích thành tích không thể coi là bệnh (mặc dù người thích thành tích cũng có đôi chút không bình thường về tâm lý). Người thích thành  tích cùng lắm có thể coi là người háo danh, người thích chơi trội còn cái ý thích ấy không những không gây hại mà  còn có lợi cho cả cái chung và cái riêng. Nếu nhiều người thích thành tích chắc chắn mọi thứ sẽ không ngừng phát triển, sản xuất thì có năng suất cao, giáo dục có chất lượng tốt, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng có kết quả đáng mừng….

Nhưng căn bệnh mà ông Nguyễn Thiện Nhân không thể có cái tên như thế.

      Đích thực nó là bệnh dối trá.

    Cái dối trá đầu tiên nằm ở trong những lời tuyên bố của các  quan chức ngành giáo dục. Cứ nghe báo chí phản ánh một vấn đề gì, các vị đều sẵn sàng ngay lập tức lớn tiếng: sẽ xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không né tránh, … Nhưng từ đó tới nay, đã có ai bị xử lý vì thi cử gian dối, vì lạm thu, vì dạy thêm học thêm, …? Các vị chỉ nói để an dân, để tỏ ra ta có trách nhiệm, chứ ngay khi mở miệng phát ngôn những lời này các vị đã chắc sẽ không có gì xảy ra.

Bước chân vào mỗi trường, người ta thấy ngay từ cổng khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu!” Chưa ở đâu và chưa bao giờ, sự dối trá thể hiện rõ như cái câu khẩu hiệu này. Nói là “vì học sinh” nhưng thực ra chỉ vì tiền. Mọi hoạt động của nhà trường nay đều nhằm tới việc thu tiền mặc dù nhà nước đã chi tới 20% ngân sách hàng năm. Theo tính toán mới đây của ông Dương Xuân Thành,  mỗi năm, các gia đình Việt Nam đã đầu tư vào cho con em mình tới 6 nghìn tỷ đồng  ngoài cái ngân sách đó. Chương trình một năm học bắt đầu từ ngày 5 tháng 9, nhưng việc học đã diễn ra từ trước đó nhiều tuần lễ để thu tiền, còn thời gian dành cho việc học theo qui định của Bộ không biết để làm gì. Nói là không có khoản thu nào ngoài quy định, nhưng vào đầu năm học, cha mẹ học sinh phải è cổ tự nguyện đóng góp không biết bao nhiêu khoản tiền. Từ tiền đồng phục, nay thêm đồng phục mùa đông, đồng phục thể dục, …Những đóng góp này cao gấp nhiều lần mức đóng góp theo quy định. Nói vì học sinh nhưng giờ dạy trên lớp, kiến thức được để dành cho các buổi học thêm và tất nhiên để thu tiền. Muốn vào trường chuyên, lớp chọn, trường điểm không thể không có tiền. 

Đó là cái dối trá thứ hai.

Thứ ba là dối trá về chất lượng. Lên lớp toàn trăm phần trăm, học sinh tiên tiến chiếm gần hết lớp, thi đỗ cũng gần trăm phần trăm, nhưng tình trạng học  sinh ngồi nhầm lớp không phải là cá biệt. Học tới lớp 5 lớp 6 vẫn chưa biết đọc. Hoc sinh tiên tiến lớp 9 vẫn không làm nổi một phép chia đơn giản. 7 năm học tiếng Anh nhưng không nói, viết nổi một câu trong giao tiếp thông thường. Để có được cái tỷ lệ làm đẹp mặt các cấp lãnh đạo, cả thầy và trò đua nhau gian dối khi kiểm tra, khi thi cử. Trong kỳ thi mang tiếng kỳ thi quốc gia, phao thi rải trắng trường thi khiến cho tất cả những người còn chút liêm sỉ phải xấu hổ (trừ quan chức ngành giáo dục). Và từ sau cái vụ tại một trường ở Sài Gòn năm vừa qua  sau khi biết sẽ không thi môn Sử, họ lại học nhau cách giải thích “đó chính là những tờ rơi quảng cáo chứ không phải “phao thi””.

Chính vì không dám nêu đích danh cái tên dối trá nên ông Nguyễn Thiện Nhân đã thất bại, các nhóm lợi ích  lợi dụng giáo dục để làm giàu đến nay như đã “nhờn thuốc” càng lộng hành, càng đẩy giáo dục vào tình trạng rối loạn không thể kiểm soát nổi.

Tất nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân thấy bại còn vì không phải chỉ có mỗi ngành giáo dục dối trá.

Gần đây, nhiều ngành, nhiều địa phương cũng đổ cho những biểu hiện xấu của ngành mình, địa phương mình đều  có nguyên nhân là “bệnh thành tích”. Phải dám nói thẳng, đó là bệnh dối trá. Ai cũng biết người ta dối trá nhưng vẫn cứ ra vẻ tin là thật. Và ai cũng dối trá nhưng cũng cố gắng tỏ chân thật khi phát ngôn.

Không chỉ trúng bệnh, sao bốc được thuốc, sao khỏi được bệnh?

15 BÌNH LUẬN

  1. Tay NTN chỉ được cái nói phét là giỏi. Cứ mỗi lần làm ko nổi một việc gì là y như rằng ông ta được thăng lên một chức cao hơn . Rõ chán !

  2. Theo em nghĩ, “sự dối trá” xãy ra và trở thành thói quen (văn hóa) bắt nguồn từ quan niệm lấy sự trừng phạt để răn đe khi làm sai thay vì khuyên nhủ. Nói trong phạm vi gia đình, một đứa bé lần đầu khi làm vỡ cái chén, cha mẹ la mắng rất dữ để lần sau nó phải cẩn thận hơn, không dám tái phạm. Lần sau, nó sẽ nói láo để khỏi bị mắng, và cứ thế tạo thành thói quen. Ngày xưa, em tự hỏi, tại sao các nước Châu Á phát sinh ra nhiều nhà độc tài hơn Tây Phương, có lẽ là do nền giáo dục “quân, sư, phụ”, dưới cấm cãi trên, nền giáo dục thiếu khoan dung mà ra.

  3. Thời Phong Kiến ,thời Pháp Thuôc,thời VNCH ở miền Nam chuyễn
    dối trà trong Giáo Dục rât hiếm .Chuyện Lê Quý Kiêt con Bảng Nhãn Lê Quý Đôn đổi Quyển ( Bài Thi)để được đỗ đầu thay vì đỗ thứ nhì(Mẹ của Kiệt sắp xêp,Lê Quý Đôn lhông biết)Chuyện bị phát giác cả 2 thi sinh bí án .Lê quý Đôn cũng bi giáng cấp ví
    day con không nghiêm.

  4. Bệnh dối trả băt nguồn từ Liên Xô nó đồng hành với
    Chủ Nghĩa Cộng Sản đi khắp nơi.Ông LêNinlà Tổ Sư Đối Trá
    “Nến Dân Chủ của Liên Xô bắng triệu lần của Tư Bản”
    Ở ViêtNam đâu chỉ có Bộ Giáo Duc ,tất cả các Bộ ,tất cả các dịa phương đều đối trả .Ông Võ Văn Kiêt năm 75 nòi “Chỉ có Mỹ thua
    Nhân Dân Viết Nam thắng”
    Quân Cán Chính VNCH đem lương thực 10 ngay để HọcTâp ,thưc tế Học Tập có nghĩa là TÙ ,10 ngày có nghía từ 3 năm đến 15 năm

  5. Bài tuyệt hay. Phê đúng điều nà tôi ghét nhất “dối trá” Trước tiên là “hứa hão”…

  6. Theo cháu dối trá đã được “ý thức hệ rồi bác ạ”. Cháu đã từng phỏng vấn nhà văn Chu lai ” Tôi là con người tôi phải thương tôi, thương gia đình tôi, thương bạn bè tôi trước khi có đồng chí đồng bào. Tất cả các cuộc cách mạng giải phóng con người và xã hội loài người bắt đầu từ nguyên nhân “lợi ich”. Ấy vậy hiến pháp nước mình lại lòi ra một tổ chức chỉ lo cho dân cho nước mà không biết đến lợi ích của tổ chức mình. Loạn nó bắt đầu từ đây bác ạ!

  7. Thầy ơi,bao giờ cho đến ngày xưa,cái ngày mà không phải chép và học văn mẫu ấy,cái ngày mà học văn và làm văn giúp con người tự tạo cảm xúc thật của mình qua tác phẩm sau khi được thầy hướng dẫn.Và thi là thi không gian lận.Em không thể quên được ngày bọn em thi vào Đại học,thi trong hầm với ngọn đèn dầu tù mù,muỗi nhiều quá,giám thị bỏ ra ngoài hết,ấy vậy mà các sĩ tử thi khối C vẫn đứa nào làm được thì cặm cụi làm,đứa nào không làm được thì gục xuống bàn đánh một giấc vô tư.Cái thời ấy,những con người ấy,sống chân thật và giản dị.

  8. Nói về sự giả dối xưa nay ai chẳng ghét cay ghét đắng.Ấy vây mà không biết tự bao giơ người mình lại sống chung với giả dối?!Cái nay đích thị không phải do đế quốc, phong kiến để lại.Chỉ biết rằng có dễ đến gần nửa thế kỷ nay người ta đã có câu:”Thật thà thẳng thắn thời thua thiệt”và”Lỗi lâm,lừa lọc lại lên lương”!.Đó được coi như là sán phẩm của thời đại,khiến các nhà giáo dục và đạo đức phải kêu lên rằng có sự đảo lộn về giá trị?hoặc một hiện tượng đứt gãy về văn hoá?.Một dân tộc từng tự hào với 4000 năm văn hiến mà đến đỗi mọi giá trị đều lộn ngược vậy phải xem lai cái nền tảng ấy như thể nào? Đã đến lúc chúng ta cần chỉ ra cội nguồn của sự suy thoái này từ đâu.

  9. Không hiểu là dối trá đến bao giờ thầy ạ, không thể chấp nhận được ở thời đại này nữa. Chồng cháu thi B1 tiếng Anh để lấy điều kiện đi học nghiên cứu sinh nhưng thực chất là chạy tiền, đi học là để luyện đề sẵn, mẹo thi.
    Cái Bộ giáo dục này vừa dốt vừa nát

  10. Dối trá thực ra khong chỉ có trong ngành GD ! Đó là một trong những thủ đoạn cùng với đa nghi là hai thủ đoạn mà Tào Tháo áp dụng để đoạt vương quyền nhà Hán , ông bạn láng giềng khai hoá cho ta cái này,chứ dan Việt mĩnh xưa nay thật thà như đếm có thế này đâu ? Đó chỉ là thủ đoạn đánh giặc nằm trong hai kế sách của Tôn Tử : kế hư hư- thực thực nghi binh và không tin ai cả ( luôn xem là kẻ thù) nhằm cảnh giác ! Trong cuộc sống hoà bình ,những phương châm sống như vậy thì còn lấy đâu ra niềm tin và sức mạnh ?

  11. Mọi người đều biết đó là bệnh dối trá trong giáo dục nhưng nói tránh đi là bệnh thành tích nhưng họ ngu đâu biết nói tránh cũng là dối trá thậm chí còn nặng hơn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here