Ban phụ huynh là cách gọi chung những  tổ chức của cha mẹ học sinh trong hệ thống giáo dục hiện nay. Ở từng lớp có Chi hội, cả trường và thành phố có Hội.

Thời tôi đi học, cũng đã có những buổi họp phụ huynh học sinh vào cuôi học kỳ và cuối năm. Trong những buổi họp ấy, thầy giáo chủ nhiệm thông báo cho cha mẹ học sinh tình tình học tập và đạo đức của con em mình. Mỗi lần có họp phụ huynh là nhiều đứa lo lắm, vì sợ những “bí mật” của mình vẫn được che giấu bị thầy giáo tiết lộ cho bố mẹ biết. Có đứa phải chuẩn bị tinh thần ăn đòn. (Đòn thật chứ không phải đùa đâu!). Những buổi họp như thế đúng là cần thiết, vì đó là dịp để nhà trường và phụ huynh trao đổi, phối hợp với nhau trong việc giáo dục học sinh.

Mọi việc vẫn cứ như thế diễn ra suốt cho đến gần đây.

     Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế của đất nước khủng hoảng. Đời sống người dân nói chung, đặc biệt là tầng lớp cán bộ viên chức nhà nước sa sút. Các cơ quan, xí nghiệp còn nghĩ được nhiều “kế” kinh doanh, sản xuất làm “kế hoạch 3”, rồi “ba lợi ích”, có nơi sẵn phương tiện vận tải trong tay, tổ chức chuyên chở gạo từ miền nam  ra bắc bán lấy tiền chênh lệch, có nơi tổ chức làm xà phòng nước, làm gạch men chất lượng thấp, … Nhưng giáo viên thì chịu. Có cho sản xuất cũng chẳng biết làm gì cho ra sản phẩm. Chỉ có giấy và bụi phấn. Mà lúc ấy, giấy và phấn cũng thiếu. Giấy thì đen nhẻm, và ráp, viết rất hại ngòi bút (bút bi chưa phổ biến), phấn thì bở bùng bục vì không phải làm bằng thạch cao. Học sinh những người ham học còn phải dùng giấy đã viết, ngâm vào nước vôi để tẩy sạch vết mực cũ, dùng lại giấy một lần nữa. Còn loại học sinh lười biếng thì mọi môn được viết chung trong một quyển vở.

Thầy thì “kiếm ăn” bằng đủ mọi cách, có người bán bánh mì, có người bán nước, có người chạy chợ, mua đậu, mua lạc, … từ quê  đi bán  bên lề chợ (miễn là chỗ bán phải xa trường, sợ học trò trông thấy). Tôi nhớ có một cặp vợ chồng giáo viên (thời gian này, người ta bảo “hai vợ chồng mà một người là giáo viên thì thành thương binh, còn cả hai cùng là giáo viên thì thành liệt sĩ). Anh có bố trước làm ở ga Hà Nội. Về hưu, ông được cơ quan ưu tiên cho mở một quán nước trong sân ga vì lương hưu không đủ sống. Chẳng hiểu quán nước phát đạt thế nào, nhưng ông bố ưu tiên cho anh mỗi tuần được bán nước 2 đêm thay ông. (chỉ 2 đêm thôi, còn ngày phải đi dạy học). Cả tuần, vợ chồng anh chỉ mong chờ tới hai cái đêm này. Có lần, anh “bật mí” với tôi “mỗi tuần có 2 đêm mà bằng lương cả tháng của hai đứa chúng em đấy bác ạ!”

Mỗi lần Tết đến thật tủi thân khi nhìn thấy mấy người em, tuổi ít hơn mình, thâm niên công tác ngắn hơn mình, nhưng được cơ quan chia, bán cho không biết bao nhiêu thứ (vì các cơ quan đều có quan hệ rộng rãi và chặt chẽ với nhau). Còn trường  học thì… Trước Tết hàng tháng, nhà trường  đã tìm mọi cách liên hệ, xin các hợp tác xã được mua một con lợn (thường là do chủ nhiệm hợp tác xã hoặc bí thư đảng ủy có con đang học ở trường nể mặt, bán cho). Trước khi nghỉ Tết, con lợn năm sáu chục cân hơi được mổ, chia làm năm sáu chục “mô” trên một tấm ni-lông. “Mô” nào cũng có miếng thịt, khúc xương, đoạn lòng, mẩu sườn, … nghĩa là có tất cả mọi thứ trong “cơ quan đoàn thể” của một con lợn. Mỗi anh một “mô” chỉ được già nửa cân đem về, ai cũng hoan hỉ lắm. Tết đấy!

 Trước tình cảnh ấy, một số trường có sáng kiến khai thác khả năng của cha mẹ học sinh vì biết nhiều người trong số họ cũng có những quyền  nhất định trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhờ họ, có thể tìm được công việc để giáo viên làm thêm. Nhiều nhất là làm gia công: may quần đùi, làm hộp dầu cù là, hộp đựng bánh kẹo, rồi dán túi ni-lông, … Tiền công tất nhiên là rẻ mạt, nhưng nhận được cũng không phải chuyện dễ dàng. Ai cũng tự an ủi “bói rẻ còn hơn ngồi không”.

Nhân những ngày lễ tết, nhiều phụ huynh cũng “cám cảnh” cho các thầy cô giáo, có những món quà cho các thầy cô, dù ít ỏi nhưng họ cũng muốn phần nào chia sẻ, an ủi những người mà họ đang gửi gắm con em. Những việc này thường mang tính chất tự phát.

Thế là một số trường học tập cách tổ chức các phong trào quần chúng của đảng, chuyển từ tự phát sang tự giác, đề xuất việc thành lập một tổ chức của các cha mẹ học sinh để phát huy cái “thế mạnh” này. Chả là “ba cây chụm lại thành hòn núi cao” mà!

Đứng trước hàng nghìn cha mẹ học sinh để vận động hỗ trợ, quyên góp quà cáp cho giáo viên trong những ngày lễ tết thì chẳng ai có gan “muối mặt”. Nhưng từ khi có Ban phụ huynh, việc này đã có Ban phụ huynh lo. Cùng là cha mẹ học sinh cả, nói với nhau tiện hơn. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, các Ban phụ huynh trở thành cánh tay nối dài của Ban giám hiệu. Muốn gì, cần gì, các vị trong Ban giám hiệu chỉ cần nói nhỏ với Ban phụ huynh là xong.

Làm cha mẹ, có con đi học, quan tâm đến con nhưng chẳng mấy ai thích “cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thích “ôm rơm nặng bụng” để tham gia cái tổ chức này. Nhưng cuộc đời nó không đơn giản như thế. Có những người rất thích “ôm rơm”, rất khoái “vác tù và”. Đó là mấy vị có con hư. Con thì khó dạy quá, dạy mãi vẫn không được. Cứ thỉnh thoảng lại bị cô giáo thầy giáo mời đến, kể tội. Thật là xấu hổ. Thôi thì tham gia vào Ban phụ huynh, làm cánh tay nối dài của nhà trường để chiều theo ý của thầy cô,  chờ đợi sự nương tay, nể mặt của thầy cô, của nhà trường. (Tất nhiên, cũng có những người con chăm ngoan học giỏi, nhưng vì muốn những sự tốt đẹp, thuận lợi cho con mà tham gia, nhưng số ấy không nhiều).

Thế là đầu năm, học sinh chuẩn bị đến trường, ông Hiệu trưởng qua nhiều nguồn thông tin, tìm một người tin cậy để cử làm Hội trưởng. Ông này phải là người tuyệt đối tâm đắc với Hiệu trưởng. Ông này cùng với các chi hội trưởng từng lớp thành Ban phụ huynh của trường. Rồi từng lớp có Ban phụ huynh của lớp mình. Để có vẻ hợp lý và hợp pháp, người ta thường khoác cho Ban phụ huynh  cái chức năng “giúp thầy cô chủ nhiệm “phối hợp với cha mẹ học sinh làm tốt công tác giáo dục con em”. Chức năng to lớn như thế sao có thể bãi bỏ?

Nhưng chẳng ai còn lạ, chức năng chính là giúp nhà trường thu tiền.

      Tiền hàng năm được quy định một nửa giữ lại ở lớp, một nửa nộp cho nhà trường. Ban của lớp lo quà lễ, Tết cho các thầy cô dạy ở lớp. Ban của trường lo quà cho Ban Giám hiệu, nhân viên văn phòng và…. Nhà trường muốn gì, hay nói đúng hơn là thầy Hiệu trưởng muốn gì, cô giáo chủ nhiệm muốn gì mà không được!  

Còn các khoản thu khác thường diễn ra như thế này: gần tới đầu năm học, sẽ có công ty, cửa hàng, … đến “kích cầu”, họ chào hàng, ra giá, thỏa thuận phần trăm hoa hồng. Sau khi “cân đối” mọi thứ, Hiệu trưởng gợi ý cho Trưởng ban phụ huynh để mang ra “bàn bạc” tập thể rồi quyết định.

Tất cả những nhu cầu như thay bảng chống lóa, thay đèn huỳnh quang, rồi máy chiếu, máy chụp, đồng phục các loại các kiểu, thậm chí cả điều hòa nhiệt độ cũng do Ban này quyết  cả. Bổ tiền cho từng học sinh, có “dư dôi” chút ít để “dự phòng”. Nhưng thu tiền là  các thầy cô giáo. Nên nhớ là các thầy cô chỉ thu hộ cho Ban phụ huynh thôi đấy nhé! Nhà trường không có thu thêm cái gì ngoài các khoản quy định của nhà nước đâu!

 Phụ huynh nhiều người hoàn toàn  không muốn, có người còn phẫn nộ nhưng không dám phản đối vì sợ mang tiếng là “không biết lo cho con”, là “ki bo”, là “hẹp hòi”. Rồi lại sợ “cả nhà có mỗi đứa con, nhỡ mà nó bị thế này thế khác thì khổ cho con quá!”

    Ngoài Ban phụ huynh ở các lớp, các trường, người ta  còn đẻ ra cái Ban phụ huynh của thành phố. Giữa những năm 90, một vị chức sắc của Sở sắp về hưu. Các ngành các   cấp trung ương khi về hưu, rời chức là họ có ngay các Hội để làm Hội trưởng. Học tập trung ương, thành phố cũng thành lập Hội huynh thành phố, kinh phí hoạt động do quỹ của các trường nộp lên. Dù cả năm chỉ làm được mỗi việc khen thưởng cuối năm cho học sinh cả thành phố nhưng chi phí cho cái bộ máy này không  phải là ít.. Cái Ban này thừa khôn ngoan để đảm bảo cho nó và các Ban phụ huynh ở các trường, các lớp tồn tại và hoạt động. Hoạt động càng mạnh (tức là quỹ lớn) thì Ban của thành phố cũng mạnh theo. Từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên thống nhất, gắn bó keo sơn đúng là “môi hở răng lạnh”. Chỉ có cha mẹ học sinh là cứ è cổ ra mà “tự nguyện” mỗi đầu năm học. 

6 BÌNH LUẬN

  1. Có ông làm hội trưởng cả chục năm, con ổng hết học trong trường lâu lơ lâu lắc rồi. Có lẽ ổng làm tới khi cháu nội ổng vô học luôn.

  2. Thật tiện phải không thầy.. BGH thật biết vận dụng sáng tạo câu thành ngữ “Muốn con hay chữ – Phải yêu lấy thầy”. Ngày xưa thầy dậy chúng em đâu có vậy… Thầy hết lòng vì học sinh thân yêu, thầy không quản ngày đêm dạy giỗ chúng em. Thầy dạy chúng em băn hoá, kỹ năng sống, đạo đức và lý tưởng sống. Bao giờ cho đến ngày xưa Thầy nhỉ..

  3. Đó được gọi là: Xã hội hoá giáo dục mà! Chúng ta chẳng có lúc thực hiện tự phát: Toàn dân tham gia thi cử! Cái này rất được lòng dân! Sau rồi phải thay đổi bởi nhờ đó kết quả thi cử trở nén không đáng tin cậy ! Sử dụng hội phụ huynh kiểu này không biết rồi cha mẹ học sinh còn tin vào tổ chức của mình và nhà trường nữa không ? Bởi đó là công cụ hành chính của trường chứ đâu còn của phụ huynh !

  4. Tôi đã từng bị CHỈ ĐỊNH làm Chi Hội Trường Lớp để đọc báo cào những bản tổng kêt do Nhà Trường soạn thảo và danh sách Tiền Phụ Huynh phải Đóng góp .Ý KIẾN đóng góp thi BGH không lưu tâm( ví du mỗi năm trường đêu lấy quỹ hội để mua máy vi tinh mới thanh lý máy cũ,mua hoa tăng cho Hội PH.mua xe đap ,áo dai,vỡ thương cho HS .Cuối năm còn thưa tiền thay vì chia cho Giáo Viên và Nhân Viên trường tổ chưc d0i Du Lịch ĐàLạt
    Vì những y kiên không hơp nên năm sau tội không đựoc CHỈ ĐINH

  5. Ai cũng biết nhưng cũng chả làm gì được vì tương lai con em mình đang nằm trong tay chúng nó (ban giám hiệu) thầy ạ.

  6. Đúng thế bác.
    1 năm 2 lần họp, chủ yếu thu tiền đóng góp xáy dựng, trường lớp…họ bảo là tự nguyện trên cơ sở xã hội hóa.
    Vì con em mình mà nhiều người phải nhịn.
    Ban phụ huynh nhưng chỉ chăm lo cho ban giám hiệu, thậm chí còn làm “chim mồi” ấn định mức thu, rồi đề xuất đi tham quan, du lịch, hội hè…rất tốn kém.
    Giáo dục làm tiền, nên nó đã hỏng hết rồi…bác ạ.

Trả lời Phùng Hợi Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here