Anh hơn tôi có dễ gần hai chục tuổi, khi tôi mới “tập tọng” ra trường được vài năm, thì anh đã có con học lớp 7, trên đầu, tóc bạc đã nhiều hơn tóc xanh. Nhưng lúc ấy, quan hệ giữa những người cùng làm việc ở cơ quan khá bình đẳng. Với ai cũng xưng “tôi”, chỉ có tùy người nhiều hay ít tuổi mà gọi “anh”, “chị” hay “bác”.
Cách xưng hô ấy đảm bảo điều kiện cần để những người còn ít tuổi có thể thẳng thắn thể hiện mình. Tôi gần gũi (không dám nói là thân) không chỉ vì anh quê ở Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) gần quê tôi, mà vì do có học trường Pháp trước đây, cho nên cách nói năng, ứng xử của anh với mọi người, ngay khi nói chuyện “đường lối chính sách” cũng không máy móc, cứng nhắc như nhiều “đồng chí” đảng viên khác. Một thời gian sau khi về trường, anh thường xưng hô “cậu, tớ” với tôi cho thân mật. Sự gần gũi giữa anh và tôi ban đầu, chỉ là từ một chuyện tình cờ.
Hồi ấy trường tôi dạy đang sơ tán ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (cái xã giữa đồng bằng Bắc Bộ mà trồng rất nhiều dừa), mỗi người ở nhờ một nhà dân. Hôm ấy, anh đến nhắc tôi về một thay đổi trong lịch dạy để khỏi quên lên lớp (vì anh là Hiệu phó phụ trách công tác chuyên môn). Thấy tôi đang ngồi học tiếng Pháp (tự học bằng một giáo trình in rô-nê-ô của cô em gái gửi cho), anh đọc thành tiếng một đoạn. Tôi giật mình vì hóa ra nhiều từ trước đây mình đã đọc sai, hoặc có những từ chưa biết cách đọc còn phải “để trống” vì chưa biết hỏi ai. Tôi hỏi, anh vui vẻ giải đáp những thắc mắc của tôi, giảng giải thế nào là “h câm”, thế nào là “nối âm”, … Rồi cả hai ngồi nói chuyện. Anh bảo đang học những lớp đầu của bậc thành chung thì cách mạng. Tiếng Pháp thì chưa dám nói là thạo nhưng cũng biết chút ít (cái chút ít mà anh nói ấy thật đáng nể vì anh có thể đọc được sách). Thế là từ hôm ấy, thật là may mắn, tôi đã tìm thấy một ông thầy (thầy ở ngay bên cạnh mà không biết), mỗi khi chuyển sang học bài mới, tôi đều đến nhờ anh đọc cho nghe vài lần những từ mới và bài text.
Đến nhà anh ở, tôi mới phát hiện anh có cái đài bán dẫn. Anh bảo của chú em đi học ở Liên Xô gửi cho. Lúc bấy giờ, cái đài là phương tiện duy nhất để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần. Có cái đài là nghe được tin tức, ca nhạc, đọc truyện đêm khuya, tiếng thơ, …Thế là thỉnh thoảng rỗi rãi, tôi lại đến nghe đài, thường là vào buổi phát thanh thời sự và buổi ca nhạc, sau giờ cơm chiều đến trước giờ làm việc buổi tối. Dĩ nhiên không phải toàn nghe đài. Khi nào nghe những đoạn không mấy hấp dẫn thì lại nói chuyện. Một hôm, vừa nghe xong hợp xướng “Tiếng hát biên thùy” của Tô Hải, anh bảo rất thích nghe hợp xướng. Thế là hai anh em ngồi nói chuyện về các hợp xướng. Từ những bản hợp xướng không dàn nhạc đệm mới phát triển từ khi chiến tranh như Sông Lô, Du kích sông Thao, …, rồi Hoàng Hà đại hợp xướng của Trung Quốc, …bỗng anh hát lên một giai điệu. Tôi lắng nghe, rồi chợt reo lên:
– Giao hưởng số 9!
Anh cười tỏ ý mãn nguyện, bảo tôi:
– Cậu cũng khá đấy nhỉ!
Rồi anh hỏi tôi:
– Cậu có thích nghe nhạc cổ điển không?
Tôi sáng mắt lên:
– Ở đâu?
Anh chỉ tay vào cái đài đang để trên bàn:
– Ở đây chứ ở đâu!
Tôi bảo:
– A, tôi biết rồi, buổi nhạc giao hưởng chiều chủ nhật hàng tuần. Nhưng ngày chủ nhật, anh về thăm gia đình, mang cái đài về cho vợ con nghe cùng. Ở đây lấy đài đâu ra mà nghe? Anh cười khoái chí:
– Không cần chiều chủ nhật. Tớ mời cậu nghe luôn.
Rồi anh cầm cái đài lên, dò tìm sóng. Trong phút chốc, tôi đã nghe âm điệu quen thuộc của bài “Dòng sông Đa-nuýp xanh” của J. Xtrao, một bản nhạc mà tôi vốn yêu thích. Tôi reo lên:
– A, Đa-nuýp blơ!
Anh cười hỏi tôi:
– Cậu cũng biết bài này à?
Tôi gật đầu. Cả tôi và anh đều lặng người, miên man thả hồn trôi theo dòng sông ở một phương trời xa tít tắp nhưng vô cùng quen thuộc. Lâu lắm vẫn chưa thấy dứt, tôi ngạc nhiên hỏi anh:
– Cứ mãi thế này à?
Anh cười cười, bảo tôi:
– Cậu có thể nghe suốt ngày suốt đêm, nhưng đáng tiếc là chỉ có bài này thôi.
Rồi anh giải thích cho tôi:
– Đài tiếng nói Việt Nam có một trạm phát sóng dự bị, hình như đặt ở khu vực chùa Thầy để phòng khi đài phát chính bị phá hoại. Để đảm bảo trạm phát sóng này có thể sử dụng bất kỳ lúc nào, người ta phải thường xuyên phát sóng, và bản nhạc này đã được lựa chọn làm nội dung khi đài hoạt động. Một phát hiện rất có giá trị. Thế là từ đó, những lúc rảnh rỗi, tôi lại sang nhà anh, chỉ để nghe “Dòng sông Đa-nuýp xanh” của J. Xtrao. Nghe đến mức, bản nhạc dài chừng mười phút ấy, tôi đã thuộc lòng.
Đến khi đã hiểu nhau hơn, một hôm anh lại “bí mật” hỏi tôi: – Cậu có thích nghe nhạc cổ điển nữa không?
Tôi không nén được sự tò mò, hỏi anh:
– Ở đâu?
Anh hạ giọng, bảo tôi:
– Nhưng tuyệt đối không được nói với ai đấy nhé! Tin cậu lắm tớ mới nói đấy!
Tôi lập tức hứa ngay. Anh thì thầm bảo:
– Ở đài Sài Gòn. Hàng ngày vào lúc 1 giờ sáng, có buổi nhạc giao hưởng. Mà “nó” phát liền một tiếng cơ chứ không chỉ ba mươi phút như đài mình, ngày nào cũng có, không cần đợi chủ nhật.
Tôi chưa kịp sung sướng đã vội thất vọng nói với anh:
– Vào cái giờ ấy, sao mà sang nhà anh nghe được?
Mới thấy quả là bất hạnh khi không có được cái đài! Một lúc sau, anh bảo tôi:
– Thôi thế này, tớ cũng biết là cậu mê lắm nên thỉnh thoảng tớ sẽ cho cậu mượn mang đài về nhà nghe.
Tôi khấp khởi mừng thầm suốt đêm, cứ trằn trọc, suy tính kế hoạch mượn đài nghe nhạc cổ điển. Nhưng rồi tôi thôi, không dám mượn nữa vì nhiều lẽ. Trước hết 9, 10 giờ tối, đi tới nhà anh, ngại lắm. Đường nông thôn, tối tăm, chẳng có đèn đóm gì, làng này lại rất nhiều ao. Lỡ mà sa chân xuống thì lôi thôi. Rồi cái đài là cả đống tiền, lỡ nó hỏng thì làm sao? Hơn nữa, cậu con trai nhà tôi ở lại làm xã đội. Nhà có ba gian, tôi ở gian bên này, cậu ấy và thằng em ngủ gian bên kia, cách nhau chỉ hơn hai mét. “Nó” mà phát hiện ra tôi “nghe đài địch” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm sau, tôi sang chơi nhà anh, cám ơn anh có nhã ý nhưng rồi từ chối. Nghe tôi nói xong, anh gật gù:
– Cậu nói cũng phải. Thôi, thế này. Hôm nào muốn nghe, sang đây ngủ cùng với tớ. Mùa rét, hai anh em ngủ càng ấm. Nhưng việc nghe nhạc cổ điển từ đài Sài Gòn chỉ thực hiện được đâu có hai ba lần. Vì không có đồng hồ báo thức, đêm nào muốn nghe phải thức đọc sách, hay soạn, chấm bài chờ đợi nên mất giấc ngủ, ảnh hưởng đến công việc hôm sau. Rồi còn sức khỏe nữa. Tôi thì còn trai trẻ, nhưng anh đã nhiều tuổi. Nhưng năm mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ cái tâm trạng háo hức chờ đợi khi nghe một đoạn khá dài Giao hưởng số 5 của Bêt-tô-ven nhạc hiệu buổi phát thanh này.
Bỗng một hôm, tôi sang chơi vừa để nghe nhạc, vừa học tiếng Pháp, anh nghiêm giọng bảo tôi:
– Thôi, từ giờ tớ “đếch” bảo cậu tiếng Pháp nữa đâu!
Tôi giật mình, không biết mình đã có điều gì khiến anh phật ý. Chưa kịp hỏi, anh đã giải thích:
– Hôm nọ, tớ đang bảo cậu tiếng Pháp, tay Đ. nó đến chơi. Thế là nó mang ra cuộc họp chi bộ nó phê bình. Nó bảo tớ tuyên truyền tiếng của bọn đế quốc thực dân. Cả chi bộ đua nhau phê phán tớ tối tăm mặt mũi. Tay bí thư nó còn đe nếu còn tiếp tục sẽ báo cáo lên huyện ủy.
Tôi tần ngần, không biết chia sẻ với anh thế nào. Đúng là anh đã “làm phúc mà phải tội”.
Lát sau, anh nói tiếp:
– Đã có lần, có anh nó thấy tớ với cậu nghe nhạc, cái bài Dòng sông Đa-nuýp xanh ấy, nó cũng đem ra chi bộ phê phán. Nó bảo nhạc gì mà chẳng thấy “chống Mỹ cứu nước”, chẳng thấy “sẵn sàng, đảm đang” gì cả. Đúng là nhạc của địch. Tớ phải thề sống thề chết đây là nhạc “của Liên Xô” đấy, nhưng do đài phát thanh của ta phát. Nhưng họ cũng chưa tin đâu. Nhưng lần này chuyện tiếng Pháp thì không thể nói gì được nữa.
Tôi nghe anh nói mà thương cho anh, thương cho mình và thương cho biết bao người khác nữa. Ôi giời đất ơi, chi bộ ơi là chi bộ!
Thế là từ đấy, ở nhiều nơi, thấy tôi cũng là người đứng đắn, có tinh thần trách nhiệm với công việc, trong lý lịch ghi nhiều người trong gia đình cũng là đảng viên, người ta cứ đến vận động tôi đi sinh hoạt cảm tình đảng (tôi vẫn nói đùa là “rủ” vào đảng), tôi đều phải từ chối. Dại gì mà lại tự chui vào “rọ”!
Tháng 6.2013
Một thời khốn khó, không chỉ về đời sống vật chất. Nhưng chính vì thế mà những kỷ niệm như thế này sẽ còn đọng mãi trong ta.
Ông Hồ Chí Minh,Ông Giáp ,Ông Đồng biết tiếng Phap ,học chương trính Pháp ,có băng do Pháp câp sao lại câm ngưới
khác được có kiên thưc như mình .DLV trả lời đi.
ông HC
Hồi mới tiếp quản, sách tiếng Tây trong nhà đem đốt hết. Hoá vàng các cụ Victor Hugo ,Charles Baudelaire, Balzac, Alexandre Dumas…vì SỢ xe 997 hoặc Sidecar đến mời đi ” nghỉ mát ” !!!
Hồi em còn cấp I (64-68)thấy các anh cấp 2 (không thấy các chị)học tiếng Nga,tiếng Trung. Không hiểu sao năm 73 người ta lại dạy tiếng Anh ở cấp III khi dang đánh nhau với người Mỹ. Nhưng năm 78, 79 gì đó đụng độ với Tàu người ta lại dừng ngay việc dạy tiếng Trung. Tối tăm vô kể! đánh nhau với nó thì không thèm học tiếng nó!
Dạo em huấn luyện đi B cùng tiểu đội chủ yếu là trai Nam Định. Chúng nó sành điệu lắm, tuy phần đông chỉ học hết cấp II rồi thôi học. Mấy đứa chơi ghita rất khá và thường tấu các bản ccổ điển ngoài các bản do Văn Vượng, Tạ Tấn biên soạn. Trung đội phó lán kề bên là sinh viên tòng quân nên không nói năng gì. Cán bộ đại đội cũng không phản đối. Nhưng trên đường vào B, lính hát Guantanamera bị chính trị viên tiểu đoàn stop. Anh bảo chỉ hát Giải phóng miền Nam hoặc đại loại như thế cho dễ hiểu.
Thời của em lùi về ngày độc lập, trí thức hay gần là trí thức (các học sinh, sinh viên)đều là loại đáng ngờ. Kể cả những người như Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của… Tập nhật ký của bs Đặng Thùy Trâm (hàng thấp nhất: đơn vị cơ sở)cũng có nói điều này. Những lần bộc bạch của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng khẳng định nhận định trên.
Khổ thế đấy, bây giờ nước mình nát bét về văn hóa cũng do là đưa cái bọn hạ lưu ít học lũ bần cố nông ,công nhân lên làm lãnh đạo. Cái loại hạ đẳng ấy mà nói chuyện văn chương, âm nhạc hội họa nghệ thuật còn không bằng con lợn. Chính trị thì chỉ biết hô khẩu hiệu…. Nói chung chính quyền bây giờ phải cấm tiệt bọn hạ đẳng có lý lịch thành phần công nhân hay bần cố nông vào Đảng rồi làm lãnh đạo thì đất nước ta mới mong khá lên được.
Tôi rất “chịu” lối viết của bác: rõ ràng, dứt khoát nhưng nhẹ nhàng…Thấm lắm!
Tôi đọc DƯƠNG ĐÌNH GIAO mà thấy như minh đang sống lại thời xưa . Tôi hơn anh G. vài tuổi nhưng thấy giống anh nhiều, nhất là tâm trạng . Tôi thích lăm,gần như không bỏ sót bài viết của anh .Cảm ơn anh G. nhưng nhiều tuổi rồi, không biết còn đọc anh được bao lâu và bao bài nữa