Đọc tin từ mấy hôm nay qua nhiều nguồn, tôi chỉ dừng ở cái tiêu đề. Không dám đọc tiếp vì cảm thấy một nỗi ê chề, tủi hổ. Không là người bị xúc phạm, nhưng tôi cũng là một người đã làm nghề dạy học, là đồng nghiệp của người bị làm nhục. Và đến hôm nay, sau thời gian không ngắn, tôi mới dám tìm hiểu chi tiết.

Trong nghề dạy học, việc thầy cô giáo bị xúc phạm không phải là cá biệt. Xưa thì ít, có thể nói là hiếm. Nhưng nay nói là “phổ biến” không rõ có ai phản đối? Được  gọi là thầy nhưng hiểu  biết đựng không đầy cái lá mít (vì làm thầy bất đắc dĩ), tư cách so với anh mõ làng xưa chẳng  biết ai hơn ai, làm sao được học trò và cha mẹ họ vì nể. Nhưng một khi xã hội còn kỷ cương, phép nước được tôn trọng, dù có coi thường nhưng học trò hay cha mẹ họ cũng chỉ dám đàm tiếu kín đáo hoặc thể hiện quá cái cười, qua ánh mắt. Nếu quá bức xúc, họ chỉ có thể  trút giận bằng sức mạnh và hiện tượng thầy cô giáo bị đánh đập đã xảy ra. Họ dùng vũ lực (hay lời nói để lăng mạ) nhằm trút giận. Đó là sự tức giận nhất thời, chốc lát không kiềm chế được.

Nhưng chuyện bắt cô giáo quỳ, mà quỳ tới 40 phút, thời gian tương đương một tiết học e rằng trên thế giới chưa từng có. Nếu ai  biết đã có những chuyện tương tự, xin vui lòng cho mọi người được rõ. Bởi vì, đây là hành động làm nhục. Người ta đấm đá, dùng tay chân là việc xúc phạm tới thân thể, do trong khoảnh khắc không kiểm soát được cảm xúc khác hẳn việc bắt quỳ, lại trong thời gian dài thì đó là sự sỉ nhục có tính toán, được cân nhắc. Sự khinh bỉ đã không phải trong chốc lát.

Hơn nữa, chuyện này lại không diễn ra ở những nơi khuất nẻo, vắng vẻ. Nó diễn ra trước mặt  biết bao là người từ nhiều phụ huynh, đông đảo các thầy cô giáo và cả Hiệu trưởng, thì không còn là chuyện riêng tư của một người nữa. Đó là sự sỉ nhục với cả nền giáo dục. Phải nhìn nhận sự thật đây là thể hiện sự đánh giá của người dân với cái vẫn được gọi là “sự nghiệp trồng người” ở nước ta.

Không bàn tới việc vi phạm đạo đức, pháp luật, … của một ông có chức có quyền trong ngành tư pháp vì đã có quá nhiều ý kiến. Với tư cách một người đã làm nghề dạy học suốt cuộc đời, tôi cho rằng để chấm dứt những chuyện tương tự, ngành giáo dục, từ từng thành viên  là các thầy cô giáo tới ngài Bộ trưởng phải tự xem lại mình.

Không phải  tự  nhiên các thầy cô giáo bị hành hung, bị làm nhục. Đây chính là do nguyên nhân mà người xưa gọi là “con giun xéo lắm cũng quằn”. Dạy dỗ qua loa, chủ yếu là “đọc chép”, bắt học trò đi học thêm, từ gợi ý đến đe nẹt để có quà trong những ngày lễ tết, … đã trở thành phổ biến. Nhưng từ bao lâu nay, mọi người đã phải chấp nhận, coi là điều tất yếu. Ngay trong sự việc vừa xảy ra cũng đã có bao nhiêu điều đáng phải suy nghĩ:

  1. Một giáo viên bình thường, có chuyên môn, nghiệp vụ bình thường cũng không thể có cách hành xử như vậy với học sinh hư. Người xưa bảo “giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (dạy mà không nghiêm là ông thầy lười) nhưng nghiêm không phải là dùng những cách xúc phạm tới thân thể hay nhân phẩm của học sinh. Thế mà cô giáo này còn được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện thì không biết nếu là giáo viên bình thường (tức là tuyệt đại bộ phận giáo viên) trình độ, năng lực sẽ như thế nào?
  2. Người có nhân cách là người có thể chết nhưng không thể chịu nhục. Cô giáo chịu quỳ suốt thời gian dài lại trước mặt rất nhiều người thì không hiểu nhân cách của cô thuộc loại gì? Giờ đây, nhiều người sống theo phương châm “tiền là quý, quỳ là tiến”. Tôi sợ rằng đã thấy quỳ không phải là nỗi nhục nhã nên cô mới thường xuyên bắt học sinh quỳ, rồi bản thân cũng sẵn sàng quỳ. Và người ta buộc phải nghi ngờ cái danh hiệu giáo viên dạy giổi đã tới với cô bằng con đường nào? (Còn việc cô là đửng viên thì có thể hiểu được).
  3. Thấy giáo viên của mình bị đe dọa mà Hiệu trưởng tìm cách trốn tránh, thấy đồng nghiệp của mình bị lăng nhục mà mọi người thờ ơ (hoặc chí ít là cắn răng chịu đựng) vậy lương tâm, danh dự, tình người của những giáo viên ở đây ra sao? Sách xưa dạy “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không làm chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục). Bao nhiêu phần trăm giáo viên bây giờ giữ được cái chí khí ấy?

Cho nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ngành giáo dục hãy thay đổi bản thân, phải làm sao các thầy cô giáo đều là những người lương thiện, có nhân phẩm làm tròn trách nhiệm với lớp trẻ. Lúc ấy, những cảnh trớ trêu trò đuổi đánh thầy, cha mẹ học sinh sỉ nhục thầy cô giáo sẽ tự nhiên không còn.

 

Đừng lo những cải cách xa với tốn kém và lãng phí. Hãy lo chuyện tu thân để được học trò và mọi người kính trọng.

 

 

 

7 BÌNH LUẬN

  1. Một khi trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh ra phụ huynh thì mọi thứ mới ổn……

  2. Định không góp ý gì về vụ việc nầy vì nó vượt khỏi sự hình dung của tôi về tình trạng nền giáo dục của nước ta hiện nay nhưng vì mình cũng là giáo viên nay đã trên 70 nên có lẽ cũng xin có một vài ý kiến.Không cần nói tới ông Thuận cha của em học sinh bị cô giáo phạt quỳ vì không còn gì phải phê bình.Nếu là đảng viên thì đảng phải khai trừ,nếu là Luật sư thì đoàn luật sư phải treo áo vĩnh viễn.Còn cô giáo day giỏi nầy thì quả thật có một không hai trong lịch sử nghề dạy học Tại sao cô dám quỳ mà lại quỳ gần một tiết dạy trước mặt một số người mà không hề biết nhục?Tại sao vụ nầy xảy ra cũng đã vài ngày mà giáo viên đồng nghiệp chẳng thấy ai lên tiếng hay đây là cái quỳ đúng qui trình?Tù Phòng Sở đến Bộ GD cũng quá “vô tình” trước một vấn đề hệ trong của nghề dạy học:đó là danh dự của người thầy hay quí vị cho rằng bên phụ huynh đúng và cô giáo sai nên lúc nào cũng từ từ xem xét và trình lên cấp trên để xin ý kiến.Ông giáo làng đã trình bày quá rõ ràng về cái nhục nhã của ngành sư phạm,tôi không nói gì thêm chỉ mong những người còn cầm phấn trắng đứng trước bảng đen hãy can đảm bày tỏ thái độ của mình,chẳng lẽ các đồng nghiệp cho rằng cô giáo sai trái nên quỳ xin lỗi là hợp lý?Đừng xem việc nầy nhỏ , nó là bằng chứng của sự sa đọa đến tận đáy của nền giáo dục VN các bạn ơi!

  3. Thưa thầy, cái chuyện “ con giun xéo mãi cũng quằn” mà thầy nói không chỉ xảy ra trong mỗi ngành giáo dục mà nó xảy ra ở tất cả các ngành. Mà thật ra là mọi người bây giờ ai cũng lợi dụng vị trí của mình để mưu lợi, ra oai, tỏ vẻ bán ơn. Mọi công việc hợp pháp đều bình đẳng, dù là bác sỹ, ý tá, giáo viên, nhà khoa học, nông dân, công nhân vệ sinh … đều đóng góp xây dựng xã hội. Nếu như mọi người đều tự trọng thì sẽ không có gì phải tranh cãi. Đằng này ai cũng nghĩ mình là Abc nên mình có quyền, người nào cần mình người đó phải lụy mình. Thế nên cô giáo thì bắt hs học thêm, vòi vĩnh phụ huynh, nhà trường làm tiền bằng việc đóng góp tự nguyện của phụ huynh; bác sỹ, ý tá sẵn sàng cầm tiền của người bệnh- những người đang gặp nạn và cần sự giúp đỡ. Người người mua quan bán chức, con ông cháu chả thì lại làm công chức sáng cắp ô đi… nhà khoa học nghiên cứu thì có hạn, tiền đề tài chia năm xẻ bảy vì còn phải trích ra lại quả cho cơ quan cấp trên, để chạy tiếp đề tài khác… Thế nhưng đáng buồn hơn là cả xã hội này dường như vẫn đang tiếp tay cho họ.
    Em giờ cũng sắp thôi làm ơn một cơ quan nghiên cứu nhà nước để về trồng rau. Nhưng quả thật, với cái đà này tiền thuế của dân còn mất nhiều nhiều cho các anh khoa học, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và kết quả của các anh chị ấy (đều được học cao cả nhé) thường chả bằng mấy anh nông dân học ít, làm nhiều, dùng mồ hôi nước mắt để cải tiến sản xuất

  4. Thầy viết hay và rất đúng. Ngành giáo dục cần phải chỉnh đốn lại đạo đức nhà giáo và đặc biệt là khấu quản lí quá kém nên mới xảy ra những hiện tượng đau buồn qua… Tại một trường THCS thuộcTP Hà nội có hiện tượng: một cô giáo phạt h.s bằng cácm miệng h.s và bắt h.s quì gối học hoặc bắt h.s kê vở trên nền bục giảng và dán băng dính vào miếng h.s và cô cũng được phong tăng danh hiệu “chiến sỹ thi đưa “và giáo viên chủ nhiêm giỏi cấp thành phố .Thật nực cười cho nền giáo dục VN.
    Chung qui lại do khâu quản lí quá yếu kém từ cấp bộ xuống cấp trường nên chất lương ngành giáo dục mới yếu ,kém và xuống dốc như vậy. Việc cần làm đầu tiên là cải cách, chấn chỉnh lai đạo đức của bộ phận lãnh đao, quản lí các cấp từ bộ, xuống sở, tới trường ở các bậc :đại học,cao đẳng, các trường phổ thông trên cả nước .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here