Trong những đức tính tốt đẹp của người tử tế, tôi thích nhất đức Khiêm. Ban đầu, đức Khiêm được coi là một đặc trưng của người quân tử. Sử Ký nói “Quân tử dĩ khiêm thoái vi lễ” (Người quân tử lấy cung kính, nhường nhịn làm lễ). Với tinh thần ấy, Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa chữ “Khiêm” là “kính, nhún nhường”; Thiều Chửu giải nghĩa khiêm là “nhún nhường, tự nhún mình, không dám khoe”; Trần Văn Chánh thì cho rằng Khiêm là “Nhũn nhặn, nhún nhường, nhún mình, khiêm tốn”; Nguyễn Quốc Hùng cho Khiêm là “Kính trọng người khác – Nhún nhường, tự cho mình là kém cỏi”.

Giải thích cho tôi vì sao trước đây, rất nhiều người đã lấy tên “Khiêm” đặt cho con, dịch giả cuốn “Mai hoa dịch số” lật ngửa bàn tay, khum khum như hình cái bát con, nói: “Sách xưa có câu “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”. Khiêm là khiêm tốn, khiêm ty, khiêm hư nghĩa là lún xuống thấp, mà đã lún xuống thấp thì có ích như cái bát không, nước sẽ chảy vào. Vậy là thụ ích. Mãn là đầy, là tự cho là đủ. Chiêu là vẫy gọi, là tự mua lấy, tổn thì ngược lại với ích, nghĩa là hao mất, là thua thiệt”.  Bên cạnh tính tự trọng rất cao, luôn cứng cỏi, không chịu cúi mình trước cường quyền, bạo lực, luôn như cây tùng, cây trúc trước phong ba, người quân tử còn rất khiêm nhường trước mọi người trong cuộc sống. Từ là một đức tính của người quân tử của Nho gia, ông cha xưa đã tiếp thu đức tính đáng trân trọng này và coi đó là  một  phẩm chất không thể thiếu của người tử tế.

Nhờ đức “Khiêm” luôn coi mình là người kém cỏi về mọi mặt, người tử tế luôn biết thận trọng giữ mình từ những điều nhỏ trong đức hạnh, mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, … đều cẩn trọng. Chỉ riêng lời nói, cách xưng hô, người tử tế cũng luôn thận trọng và khiêm nhường. Còn nhớ khi chúng tôi đã học tới cấp 3, nhiều thầy giáo già mái tóc bạc phơ luôn gọi học trò chúng tôi là “anh, chị” xưng tôi (tôi chưa được bất cứ một thầy giáo nào kể cả thầy có con học cùng lớp với tôi xưng “thầy”) với thái độ tôn trọng (chứ không phải chỉ khi có điều không vừa ý), cũng giống như nhiều bậc cha chú trong họ đều gọi các cháu đã trưởng thành bằng “anh/chị” thay cho cách gọi bằng “cháu” khi còn thơ bé. Thứ tự trước sau của từng từ ngữ nhiều khi cũng được cân nhắc, không nói “Tôi và anh” mà luôn nói “Anh và tôi”, cái “tôi” bao giờ cũng khiêm nhường đứng sau người khác, dù người ấy có ít tuổi, có vị thế chưa bằng mình. Thận trọng, khiêm nhường nên những lời nói của người tử tế thường không hàm hồ, không nói lấy được, họ hiểu “nhất ngôn dĩ xuất tứ mã nan truy”. Càng quyền cao chức trọng, hành vi lời nói càng cẩn trọng, đắn đo. Sự thận trọng trong lời nói, việc làm chính là biểu hiện của lòng tự trọng, để không phải ân hận vì những điều đã làm, đã nói. Vì luôn thấy mình kém cỏi nên thay vì nói “điều này thì tôi không giỏi lắm”, người tử tế thường nói “điều này tôi chưa am hiểu” hoặc “điều này quả thực tôi chưa rõ”. Và biết là mình “chưa am hiểu”, “chưa rõ” nhiều chuyện lắm trong khi “bể học vô bờ” nên người tử tế luôn chăm chỉ học hỏi mọi nơi, mọi lúc với hy vọng những hiểu biết của bản thân dần bớt đi những khiếm khuyết. Và chính nhờ vốn hiểu biết về mọi mặt không ngừng được bổ sung hàng ngày nên phẩm hạnh của họ cũng luôn được gìn giữ đúng như một câu châm ngôn “nhân bất học bất tri lý”.

Khiêm nhường, không bao giờ dám coi là mình đã hoàn thành bổn phận với gia đình, với xã hội, người tử tế luôn cô gắng thể hiện sự chu đáo ở mức cao nhất trong quan hệ với mọi người, tận tụy nhất trong những công việc được phó thác. Thái độ chu đáo nhiều khi cũng chỉ có thể dừng ở lời thăm hỏi, khuyến khích nhưng ít nhất, cũng tỏ sự quan tâm, tỏ cái áy náy không yên của người giàu lòng thương yêu, biết quan tâm tới người khác. Cũng chính vì lý do đó, người tử tế rất dị ứng với những lời khen ngợi, những danh hiệu ồn ào đang trở thành mốt thời thượng. Bên cạnh lòng tự trọng, không thể đặt mình đứng ngang hàng với những kẻ vô liêm sỉ, thái độ khước từ những danh hiệu, huân huy chương, … của một số người vừa qua chính là biểu hiện đức độ của những người tử tế rất đáng trân trọng.

Ai cũng kỳ vọng vào con cháu, mong muốn thế hệ sau làm rạng danh cho gia đình, cho dòng họ. Nhưng chữ “khiêm” khiến người tử tế biết “tiết chế” những ham muốn khi đặt tên cho các thành viên trong gia đình mới ra đời. Những cái tên được sử dụng thường chỉ những đức hạnh, phẩm chất tốt đẹp chứ không biểu hiện những ước muốn về hình thức, dáng vẻ. Đơn giản chỉ vì đức hạnh có được do tu dưỡng, luyện rèn, còn vẻ đẹp hình thức, ai có thể đi ngược với Tạo Hóa.

Rất tiếc trong các chuẩn mực đạo đức hiện nay, chữ “khiêm” không được coi trọng, thậm chí còn ngược lại. Xã hội rối loạn, các nấc thang giá trị đảo ngược nhiều khi  chính là do mọi người không chú trọng tới đức khiêm nhường.

Nếu biết chữ “Khiêm”, người ta đã không viết sách để tự ca ngợi, không vỗ ngực xưng là “biển rộng núi cao”;

Nếu biết chữ “Khiêm”, người ta chắc không “cố sống cố chết” giữ cho được cái ghế rồi tùy tiện có những phát ngôn hàm hồ để cho thiên hạ cười mãi không dứt;

Nếu biết chữ “Khiêm”, các “học giả” đã không cho xuất bản những cuốn sách ngoài tầm hiểu biết của bản thân mình để rồi khi đã nằm xuống vẫn không được yên nghỉ;

Nếu biết chữ “Khiêm”, chắc chắn sẽ chẳng có ai bỏ tiền để “chạy” các loại danh hiệu, giải thưởng, huân huy chương hay lấy tên người thân đặt cho các đường phố;

Nếu biết chữ “Khiêm”, chắc khán giả của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”  không phải chứng kiến cảnh những chàng trai trẻ chẳng biết đã vợ con gì chưa xưng hô “thầy/con” với học sinh cả nam lẫn nữ đã tới tuổi trưởng thành.

Và cũng nếu biết chữ “Khiêm” người ta đã không ra sức chen vai thích cánh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng trên đường đời.

6 BÌNH LUẬN

  1. Bác ơi, chữ khiêm trong đầu quan chức thay bằng chữ vong bản rồi, hỏi , thì họ hỏi lại “khiêm” là gì nào?

  2. Muôn có chữ khiêm thì người ta phải có chữ trọng( tự trọng) đã anh ạ. Nhưng thứ đó giờ hơi xa xỉ thì phải

  3. Khiêm nhường chỉ dành cho người già hoặc giành cho người sống nội tâm thôi, ngay ở Mỹ người ta đã dạy cho hs biết 7 phải thể hiện là biết 10, chính vì mà kinh tế Mỹ phải triển đó anh.

  4. He he, nếu biết chữ “Khiêm”, thì người ta lại buộc phải “Nhường”, mà nếu cứ “Nhường”, thì người ta lại… thiệt!
    Chữ “Khiêm” hay chữ “Nhường” thì nó thường trừu tượng và khó hiểu, còn cái sự “Thiệt”, thì nó lại lù lù ngay trước mắt và rất dễ hiểu! – Thế mới nhắng!
    Là vì chẳng ai muốn Thiệt cả, thế nên người ta thường truy ngược lên, để tìm ra nguyên nhân sâu xa của cái sự Thiệt – thế là người ta phát hiện ra ngay được cái sự Khiêm và Nhường – nguyên nhân của Thiệt!
    Và thế là, đời nào mà người ta lại dại, lại chịu Khiêm và Nhường chứ!

  5. Chữ KHIÊM không đưoc các nhà LÃNH ĐAO Đang CSVN quan tâm.
    Những khẩu hiêu “Chủ Nghỉa MAC -LÊ là đỉnh cao của Trí Tuê loài người’.Ông Lãnh Đao nào cũng là HỌC TRÒ KIÊT XUÂT.
    Ông UVTƯ Đảng nào cũng là Giao Sư Tiến Si dù không biêt học trường nào ,môn học gì .
    Có 1 ông vui mừng khi nhận đưoc lời ca tụng
    “SƠN HÀ LINH KHÍ TAI- KIM CỔ NHÂT HIÊN NHÂN

  6. Chữ KHIÊM không đưoc các nhà LÃNH ĐAO Đang CSVN quan tâm.
    Những khẩu hiêu “Chủ Nghỉa MAC -LÊ là đỉnh cao của Trí Tuê loài người’.Ông Lãnh Đao nào cũng là HỌC TRÒ KIÊT XUÂT.
    Ông UVTƯ Đảng nào cũng là Giao Sư Tiến Si dù không biêt học trường nào ,môn học gì .
    Có 1 ông vui mừng khi nhận đưoc lời ca tụng
    “SƠN HÀ LINH KHÍ TAI- KIM CỔ NHÂT HIÊN NHÂN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here