Khang Hữu Vi (1858 – 1927) là một nhân vật có tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ trong lịch sử Trung Quốc, ông cũng là một con nguời tiêu biểu mà qua đó, thế hệ sau có thể hiểu được quá khứ. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời kỳ chuyển đổi cũ mới, Khang Hữu Vi từng là một nhân vật trung kiên trong cuộc vận động biến pháp cuối triều Mãn Thanh, trở thành một ngôi sao trên bầu trời chính trị, suốt đời ông chủ trương quân chủ lập hiến (1), khi cuộc vận động cách mạng của giai cấp tư sản đang nhanh chóng phát triển, tư tưởng của ông không thay đổi, trở thành vật cản cho sự phát triển của lịch sử.
Khang Hữu Vi sinh ở Nam Hải, Quảng Đông, từ nhỏ đã rất thông minh, được sự dạy dỗ của nguời cha, ông chăm chỉ đọc sách một cách có hệ thống. Sách trong ngày chưa đọc xong, ông không chịu đi ngủ. Ông còn chú ý đến nhiều sự việc lớn trong cuộc sống, nói đi đôi với làm, luôn miệng tự hỏi thế nào là Thánh nhân. Thấy ông như vậy, nguời ta thường gọi ông là “Thánh nhân Vi”.
Theo lời của các Thánh nhân, Trung Quốc là “Thiên triều thượng quốc”, ngoại quốc đều là “Di địch”, cũng là những nơi lạc hậu chưa có văn minh. Nhưng từ cuộc sống hiện thực, Khang Hữu Vi thấy những lời của các Thánh nhân nói xưa kia có nhiều điều không chính xác. Đường đường là “Thiên triều thượng quốc”, cớ sao lại bị nước ngoài là những kẻ “Di địch” đánh bại, lại còn phải cắt đất, đem bạc bồi thường? Ông bắt đầu nảy sinh những nghi vấn. Về sau, ông được đọc những cuốn sách giới thiệu về nước ngoài, tầm mắt ông dần được mở rộng. Ông nghĩ: “Ngoại quốc vốn không phải lạc hậu như lời Thánh nhân nói, họ có tàu chiến, có đại pháo, lại còn có lý luận và biện pháp cách cai trị tiến bộ hơn so với Trung Quốc!”
Từ đó, càng ngày ông càng có nhiều hứng thú với việc tìm hiểu nước ngoài. Năm 22 tuổi, Khang Hữu Vi tới Hương Cảng, tận mắt chứng kiến nhiều điều mới lạ, có những ấn tượng tốt đẹp với các biện pháp quản lý xã hội. Vì thế, nhu cầu tìm hiểu các nước phương Tây của ông ngày càng cao.
Khang Hữu Vi lại tới Thượng Hải, ở đó, ông được thấy nhiều sách khoa học kỹ thuật của phương Tây được dịch sang Trung văn, coi đó là những tài sản quý báu, ông mua rất nhiều sách trong đó có những cuốn giới thiệu các công trình kỹ thuật, có nghiên cứu mọi mặt, đồng thời, có nhiều cuốn sách giới thiệu các chế độ xã hội khác nhau.
Cũng từ một số các cuốn sách đó, Khang Hữu Vi biết nước Nga và Nhật Bản vốn cũng là những quốc gia nghèo khổ và lạc hậu. Sau đó, do tự thực hiện các cuộc cải cách, họ nhanh chóng trở nên giàu mạnh. Khang Hữu Vi nghĩ: Nếu Trung Quốc cũng làm giống như nước Nga và Nhật Bản, Hoàng đế chấp nhận những cải cách, lẽ nào Trung Quốc không thể từ suy yếu trở thành giàu mạnh? Nghĩ như vậy, ông vô cùng vui sướng, đêm ngày suy nghĩ tìm các phương thuốc có thể chữa trị được Trung Quốc. Ông quyết tâm tìm bằng được phương thuốc để hoàn thành sự nghiệp lớn này.
Khang Hữu Vi liên tục dâng thư lên Hoàng đế trẻ tuổi Quang Tự, xin nhà vua duy tân biến pháp, nhưng những tấu chương của ông đều bị thế lực thủ cựu che giấu. Đến cuối năm 1897, một phần giang sơn gấm vóc của Tổ quốc bị cắt nhượng cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nước Đức cưỡng chiếm Giao Châu Loan thuộc tỉnh Sơn Đông, nước Nga cưỡng chiếm Lữ Thuận và Đại Liên, nước Pháp giành lấy Quảng Châu Loan, nước Anh bá chiếm bán đảo Cửu Long và Hải Uy Vệ, Nhật Bản cũng đưa Phúc Kiến vào trong phạm vi thế lực của mình. Trung Quốc đã đứng trước nguy cơ nghiêm trọng chưa từng thấy.
Chứng kiến những điều đó, trong lòng Khang Hữu Vi vô cùng căm phẫn, ông quyết định một lần nữa dâng thư lên vua Quang Tự, xin nhà vua nhanh chóng thực hiện những biến pháp. Đây là lần thứ năm ông dâng thư lên nhà vua. Trong thư, ông nói rõ: Nếu không có biến pháp, sợ rằng Hoàng đế và các vị đại thần sẽ không còn khả năng cai trị dân chúng.
Bức thư tuy chưa được đưa tới tay vua Quang Tự, nhưng các tờ báo bấy giờ đã đăng, nhờ đó, nhà vua đã đọc bức thư này. Nhà vua cử năm đại thần, tìm gặp Khang Hữu Vi mời tới Quốc sự vụ nha môn nói chuyện. Năm vị đại thần này, có một nguời tên gọi Vĩnh Lộc là thân tín của Từ Hy Thái hậu, nhân vật cầm đầu phái thủ cựu. Ông ta ngồi nghe không nói gì, lát sau lên tiếng dạy dỗ Khang Hữu Vi:
– Ông suốt ngày chỉ thấy nói đến biến pháp, ông có biết không, tổ tông chi pháp là không thể thay đổi!
Khang Hữu Vi phản đối:
- -Pháp do tổ tông chế định là để bảo vệ đất đai của đất nước. Nay đất đai của tổ tông để lại không bảo vệ được, cái “pháp” ấy còn có tác dụng gì? Thời đại đã thay đổi, pháp của Tổ tông không thay đổi phỏng có được hay không?
Vĩnh Lộc nghe xong, chưa tìm được cách đối phó, đành phải im lặng. Khi ấy, một đại thần là Liệu Thọ Hằng cũng lên tiếng:
– Ông nói đi, biến pháp phải bắt đầu từ đâu?
– Đầu tiên là cải cách pháp luật và quan chế. Phải sửa đổi pháp luật, phải cải tổ các bộ của chính phủ. Sau đó, xây dựng đường sắt, cải thiện giáo dục, … Khang Hữu Vi chậm rãi nói.
Đại thần Bắc dương Lý Hồng Chương lại lên tiếng, hỏi:
– Lẽ nào Lục bộ của triều đình đều phải thay đổi? Lẽ nào pháp luật của chúng ta hiện nay đều phải thay đổi?
– Pháp luật đã cũ tất sinh ra những hủ bại. Những pháp quy, quan chế hiện nay đều không hợp thời, cần phải bỏ đi tất cả. Nếu không thay đổi được ngay cũng phải dần thay đổi. Có như vậy, quốc gia mới có thể phú cường.
Khang Hữu Vi nói luôn cách nhìn của mình. Trong năm đại thần, có thầy của vua Quang Tự tên là Ông Đồng Hòa. Nghe chủ trương của Khang Hữu Vi, ông rất tán thành. Hôm sau, ông đã mang tất cả những điều đã nghe được báo cáo với Hoàng đế Quang Tự. Nghe được, Hoàng đế cũng thấy phấn chấn.
Vua Quang Tự là cháu của Từ Hy Thái hậu, khi mới 4 tuổi đã được đưa vào cung trở thành Hoàng đế bù nhìn. Khi đã lớn một chút thực quyền nhà vua cũng không có, thấy nguy cơ chủ nghĩa đế quốc thôn tính Trung Quốc đã ở ngay trước mắt, nhà vua cũng cảm thấy mình không thể giữ im lặng.
Ngày 11 tháng 6 năm 1898, vua Quang Tự ban bố “Định quốc thị chiếu”, công khai tuyên bố nhà vua sẽ quyết tâm cải chế biến pháp. Sự kiện này mở đầu cho “Bách nhật duy tân”. Sau đó, vua Quang Tự lại triệu kiến Khang Hữu Vi ở Di Hòa viên. Rất nhanh chóng, nhà vua căn cứ vào những chủ trương của Khang Hữu Vi, công bố nhiều pháp lệnh trong toàn quốc, trong đó, học tập khoa học kỹ thuật phương Tây, phát triển công thương nghiệp trong nước, cải cách những điều khoản hủ bại trong pháp luật Đại Thanh, cho phép quan dân dâng thư đề xuất những kiến nghị, bãi bỏ chế độ khảo thí bát cổ, thiết lập Kinh sư đại học đường ở Bắc Kinh, thành lập các trường tiểu học trong cả nước, …
Khi đó phái Duy tân biến pháp của vua Quang Tự và Khang Hữu Vi chiếm ưu thế, nắm được thực quyền, khiến phe thủ cựu do Từ Hy Thái hậu đứng đầu không nói năng gì. Họ cho rằng, “biến pháp cải chế” của vua Quang Tự chỉ là “trò trẻ nhố nhăng”. Có nguời tới Di Hòa viên khóc với Từ Hy Thái hậu, mời bà về triều để huấn chính. Tây Thái hậu cười mà không nói gì, rồi vừa cười vừa mắng:
– Các nguời ngốc thế, sao phải quan tâm đến những việc vớ vẩn thế? Lẽ nào ta không hiểu biết bằng các người?
Cũng có nguời tới gặp Vĩnh Lộc kể khổ, Vỉnh Lộc nói:
– Cứ để cho họ làm trò trẻ mấy tháng nữa sẽ làm thiên hạ phải công phẫn, tội ác chất chồng sẽ tới ngày tận số, không phải lo lắng.
Tình hình phát triển đến trung tuần tháng 9, khi vua Quang Tự còn đang tới điện Mậu Cần khuyến khích các thần dân tiến cử nguời hiền và đóng góp ý kiến, sắc mặt Từ Hy Thái hậu đột nhiên thay đổi. Vua Quang Tự lập tức biết đại họa đã tới, ngai vàng khó giữ. Để bảo toàn địa vị, Quang Tự phải tạm thời ôm chân Phật, vừa mật chiếu mời Đàm Từ Đồng, Lưu Quang Đệ, Dương Duệ, Lâm Húc có biện pháp cữu chữa, vừa bảo Khang Hữu Vi lấy cớ có việc quan khẩn cấp dời khỏi kinh thành.
Khang Hữu Vi không một chút cảnh giác, còn đang nghi ngờ khi còn ở Thượng Hải. Chính trong khi ông còn chưa hiểu tình hình ra sao, Từ Hy Thái hậu đã hồi cung phát động chính biến, tuyên bố bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 mình sẽ lâm triều “huấn chính”. Rất nhanh chóng, Hoàng đế Quang Tự bị bắt giam, truy nã Tân đảng, tận diệt phái Tân pháp. Sau đó “Mậu Ngọ lục quân tử” (3) bị thẩm vấn rồi bị giết. Biến pháp trong 103 ngày tuyên cáo thất bại.
Được tin tức và sự giúp đỡ của Đại sứ quán Anh, Khang Hữu Vi đã thoát khỏi sự truy bắt của Tây Thái hậu. Từ đó, ông ra nước ngoài, bắt đầu cuộc sống lưu vong. Tư tưởng của ông đã không được thực hiện góp phần vào sự tiến bộ của thời đại, sau đó, ông trở thành Thủ lĩnh của Bảo hoàng hội (4). Ông sống tới năm 1927, khi đã gần 70 tuổi. Ông mất ở Thanh Đảo, Sơn Đông trong cô đơn.
Chú thích:
- So với quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến chịu sự ràng buộc của Hiến pháp, không thể có quyền lực vô hạn, đó là hình thức cai trị của các quốc gia chuyên chế cận đại hướng tới quốc gia dân chủ.
- Tổng lý các quốc sự vụ nha môn: gọi tắt là Tổng lý nha môn.
- Mậu Ngọ lục quân tử: 6 chí sĩ giúp Hoàng đế Quang Tự thực hành các biến pháp Duy tân gồm Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân, Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Duệ, Dương Thâm Tú.
- Bảo hoàng hội: Tên đầy đủ: Bảo cứu Đại Thanh Quang Tự Hoàng đế hội. Thành lập năm 1899 ở Canada do Khang Hữu Vi làm Hội trưởng mưu khôi phục quyền của vua Quang Tự, chẳng trương thực hành chính trị lập hiến. Năm 1907, đổi tên thành Quốc dân hiến chính hội.