Nghiêm Phục, tự Kỷ Đạo, nguời Nam Đài, Phúc Kiến, sinh năm 1854. Gia đình ông là một gia đình Trung y truyền thống, ông nội, cha đều là Trung y, không những y thuật cao minh mà đối với con người đều rất thiện lương, thường làm những việc cứu nhân độ thế, miễn phí cho nguời nghèo, vì thế, từ lâu đã được gọi là “Nghiêm bán Tiên”.

Từ nhỏ, Nghiêm Phục được giáo dục lương thiện, sau đó được tiếp thu học vấn đầy đủ ở nhà trường. Nhưng năm 14 tuổi, sau khi cha mất, gia đình không đủ tiền để ông tiếp tục theo học. Không còn cách nào, ông bèn dự thi vào Mã Giang học đường (1) ngôi trường được ăn ở miễn phí. Sự lựa chọn này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Nghiêm Phục.

Trong các môn học, ông được học Anh văn, đại số, kỷ hà, điện từ học, địa chất học và các môn khoa học khác, những môn học này đều do nguời phương Tây mang tới. Thông qua học tập, ông không chỉ nắm vững lý luận của khoa học cận đại mà tư tưởng ngày càng lý tính, càng văn minh, những điều đó trở thành cơ sở tốt cho sự phát triển về sau. Sau khi tốt nghiệp với thành tích cao, Nghiêm Phục gia nhập hải quân, trở thành sĩ quan hải quân. Năm 1877, chính phủ Thanh quyết định lựa chọn những nhân tài trong hải quân đưa sang Anh quốc học tập, nắm vững những kỹ thuật hải quân tiên tiến để trở về xây dựng hải quân Trung Quốc. Những thành tích xuất sắc trong học tập khi ở Mã Giang học đường cùng với những biểu hiện tốt khi làm việc ở hải quân khiến ông may mắn được lựa chọn cử tới học tập ở Học viện hải quân Hoàng gia Anh. Trong tời gian du học ông không chỉ gian khổ học tập những kỹ thuật liên quan đến hải quân mà còn đặc biệt chú ý quan sát quốc gia tư bản chủ nghĩa phương Tây, ông thường tới du lịch ở Luân-đôn, Pa-ri, đồng thời cũng rất chú ý để hiểu rõ tư tưởng, văn hóa của xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây. Chính trong thời gian này, Nghiêm Phục lần đầu tiên được tiếp xúc với tư tưởng Tiến hóa luận của Đác-uyn. Tiếp theo Đác-uyn, nhà bác vật học  Hơc-xli  đã phát triển Tiến hóa luận, ông cho rằng tất cả các sinh vật đều cạnh tranh để tiến hóa về phía trước, chỉ có các sinh vật nào chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó mới có thể tiến hóa và sinh tồn, nếu không tất sẽ bị đào thải, vĩnh viễn bị tiêu diệt. Đây cũng chính là điều sau này Nghiêm Phục đã khẳng định “Vật cánh thiên trạch, thích giả sinh tồn”. Hơc–xli  đã thể hiện quan điểm của ông trong cuốn sách mang tên “Tiến hóa luận và luân lý học”. Thời gian ở Anh quốc, Nghiêm Phục đã đọc rất kỹ cuốn sách này, cảm thấy tư tưởng, nhận thức có nhiều điểm tương đồng, với tác giả của nó, ông vô cùng kính phục.

Sau hai năm học tập ở Anh quốc, theo lời của Giáo sư Cực Nhu ở ngôi trường cũ, Nghiêm Phục kết thúc thời gian học tập tại Anh quốc, trở về trường, bắt đầu cống hiến cho sự nghiệp bồi dưỡng nhân tài cho hải quân. Sau đó không lâu, Lý Hồng Chương thành lập Bắc Dương thủy sư học đường nằm trong cơ cấu phụ thuộc hải quân Bắc Dương, là nơi bồi dưỡng nhân tài cho lực lượng hải quân lớn nhất Trung Quốc bấy giờ. Lý Hồng Chương đã sớm nghe tên tuổi Nghiêm Phục, biết ông tinh thông nhiều loại kỹ thuật hải quân bèn đưa ông từ Phúc Châu về đây phụ trách toàn bộ công tác giáo học của Bắc Dương thủy sư học đường. Từ đó, ông làm việc ở đây trong suốt hai mươi năm. Ông đã cống hiến toàn bộ đời mình cho sự nghiệp bồi dưỡng những nhân tài cho hải quân, hy vọng có thể xây dựng một đội ngũ hải quân có thứ hạng cao để bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, cống hiến cho đế quốc Thanh.

Nhưng sự thực lại rất khắc nghiệt, năm 1894, làn gió trên thế giới thay đổi bất thường, được sự ủng hộ của Anh, Mỹ, Nhật Bản khiêu khích chính phủ Thanh, sau đó phát động chiến tranh Giáp ngọ với Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh ấy, sự hủ bại của chính phủ Thanh cùng với sách lược sai lầm của Lý Hồng Chương đã dẫn tới sự kiện toàn bộ hải quân Bắc Dương bị tiêu diệt, quân Nhật chiếm được Liêu Đông và khu vực Sơn Đông khiến Trung Quốc phải ký “Trung Nhật Mã Quan điều ước”, đồng thời, Trung Quốc phải mất hai trăm vạn lạng bạc trắng, còn phải cắt đất Đài Loan, đứng trước nguy cơ mất nước diệt chủng.

Thất bại trong chiến tranh Giáp ngọ và “Mã Quan điều ước” khiến Nghiêm Phục xúc động. Ông nhận ra rằng sự nỗ lực trong bao nhiêu năm của mình, giấc mơ xây dựng hải quân không thể cứu được đất nước Trung Quốc, sự ngu muôi vô tri của quốc dân, sự hủ bại của thể chế quốc gia khiến toàn bộ xã hội lâm vào cảnh lạc hậu và bế tắc, đó chính là căn nguyên Trung Quốc bị ức hiếp. Lúc này, Nghiêm Phục vừa công kích những kẻ có hành vi tiếp tay bán nước, chủ trương chống lại bọn xâm lược, vừa tìm cách kích thích nhân tâm nguời Trung Quốc thay đổi các phương pháp, tư tưởng  ngu muội, lạc hậu. Lúc này, Khang Hữu Vi là nguời đứng đầu phái Duy tân đang ra sức tuyên truyền trong cả nước biến pháp duy tân, tuyên truyền tư tưởng và quan niệm tiên tiến của Tây phương. Nghe tới những chuyện này, Nghiêm Phục như trong đêm tối, dần phát hiện được ngọn đèn soi sáng, ông quyết định dấn thân vào cuộc vận động biến pháp. Ông đã có nhiều phát biểu ủng hộ biến pháp thông qua các bài viết và lời nói nhằm tạo thế cho biến pháp.

Cũng trong thời kỳ này, Nghiêm Phục đã nhiều lần tiếp xúc với học giả nổi tiếng đương thời là Ngô Nhữ Luân (3). Có lần, Ngô Nhữ Luân đã hỏi Nghiêm Phục:

– Anh có cho rằng biến pháp duy tân thực sự cứu được Trung Quốc không?

Nghe câu hỏi, Nghiêm Phục đã trả lời một cách kiên định:

– Tất nhiên là như thế. Trung Quốc đã lâm vào hoàn cảnh hiện nay, nếu không học tập các quốc gia tiên tiến phương Tây sẽ chịu vong quốc, diệt chủng.

Nghe trả lời, Ngô Nhữ Luân gật gật đầu, nói:

– Tôi cũng đồng ý với cách nhìn của anh. Nhưng nguời Trung Quốc từ nghìn vạn năm nay vẫn tin tưởng vào chế độ và những gì của của Tổ tông, anh thấy thay đổi cách hiểu ấy có dễ không, anh cần để cho đại chúng hiểu được nguyên nhân của biến pháp là gì, biến pháp cấp thiết như thế nào, có như thế mới có thể đưa nước ta trở thành cường quốc.

Nghiêm Phục nghe xong càng thấy sự cần thiết để quốc dân biết nếu không biến pháp sẽ chỉ có thể đi vào con đường diệt vong.

Qua một thời gian suy nghĩ, ông cuối cùng nhớ tới cuốn sách “Tiến hóa luận và luận lý học” của Hơc-xlây , tuy tác giả chủ yếu nói tới sự sinh tồn của giới tự nhiên, nhưng thông qua đó, có thể mở rộng ra xã hội loài nguời; xã hội loài nguời cũng đầy những sự cạnh tranh, chỉ có chiến thắng trong những cuộc cạnh tranh ấy mới có thể không ngừng tiến lên, không bị xã hội đào thải. Ông quyết định lập tức phiên dịch cuốn sách này sang Trung văn để quảng bá tư tưởng này. Ngô Nhữ Luân cũng thể hiện sự đồng tình, đồng ý giúp Nghiêm Phục việc sửa chữa. Đến năm 1896, Nghiêm Phục đã hoàn thành công việc, ông đặt tên cho cuốn sách là “Thiên diễn luận”. Sau khi được Ngô Nhữ Luân sửa chữa, cuốn sách được in ấn và phát hành.

“Thiên diễn luận” được xuất bản đã dẫn tới chấn động trong tư tưởng nguời Trung Quốc, làm nổi lên phong trào Tiến hóa luận, kích thích tư tưởng nguời Trung Quốc, đề cao được nhận thức, càng kích thích giới thanh niên. Ông trở thành một dịch giả nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

 

Chú thích:

  • Mã Giang học đường: một trường học ở Phúc Châu, trường hải quân đầu tiên của Trung Quốc do Tả Tông Đường sáng lập năm 1865.
  • Tiến hóa luận: Qua quan sát và nghiên cứu lâu dài, Đac-uyn cho rằng trên thế giới, sự vật đều biến hóa và phát triển, con người cũng như vậy.
  • Ngô Nhữ Luân (1840 – 1903) nguời Đồng Thành, An Huy, đỗ Tiến sĩ thời Đồng Trị, thầy dạy Tăng Quốc Phiên, có quan hệ mật thiết với Lý Hồng Chương. Tổng giáo tập Kinh sư đại học đường.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hiện nay Thanh Niên cung như toàn dân ViêtNam
    Quan va Dân Viêtkhông biết đên “Hịch Tướng Sĩ ” “Bình Ngô Đại Cao ” “Bản Điều Trần của Nguyên Trường Tộ ,Phong Trào Duy Tân
    Đông Kinh nghĩa Thuc.
    Không HỌC tải sao Nhật Bản ,Hàn Quốc ,Singapore,ĐaiLoan ho Tiến mà LÚI

    cáo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here