Hòa Thân là sủng thần của Càn Long, đảm nhận chức Quân cơ đại thần (1), Nội vụ phủ đại thần, Thượng thư bộ Hộ, Nghị chính đại thần, Nội các đại học sĩ, …Con của ông ta lại kết hôn cùng con gái của Càn Long nên quyền hành càng vô hạn, bao trùm cả triều đình, đúng là dưới một nguời, trên muôn nguời. Nhưng thiên hạ chưa biết rằng tiệc rượu vui mấy cũng sẽ tàn, Hòa Thân cũng sẽ có ngày thất thế.
Hòa Thân là nguời Chính hồng kỳ, tộc Mãn Châu. Ban đầu, ông ta cũng chỉ là một chân Hiệu úy hộ kiệu cho Hoàng đế mỗi khi nhà vua xuất hành. Sách ông ta đọc không nhiều, nhưng có trí nhớ tốt. Một lần, Hoàng đế Càn Long xuất cung, ngồi trên kiệu duyệt đọc các tấu chương của các tỉnh. Tấu chương của Tứ Xuyên báo cáo nói nông dân ở đó làm phản, kẻ cầm đầu đã bỏ trốn.
Đọc đến đây, vua Càn Long rất tức giận, nói:
– Con hổ trong cũi, con rùa trong hộp, ai dám để mất?
Các quan xung quanh không hiểu Hoàng đế nói gì, không ai dám lên tiếng. Hòa Thân lập tức nhớ tới một câu trong Luận ngữ, suy nghĩ một lát rồi đáp:
– Hoàng thượng nói, các quan viên giữ đất chẳng phải có trách nhiệm sao?
Càn Long thấy Hòa Thân thông minh, nhớ sách, rất vui, luôn để ông ta ở bên mình. Trên đường đi, nhà vua hỏi tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân. Hòa Thân cứ tình thực trả lời, vua Càn Long rất vừa ý, liền đề bạt cho làm Tổng quản nghi trượng.
Dần dần, Hòa Thân đảm nhận thêm nhiều chức, nắm đại quyền trong triều. Từ đó, ông ta dần trở thành tham lam vô độ, hoành hành ngưng ngược, chà đạp lên cả pháp luật. Các đại thần dù là Mãn hay Hán, bất luận có tội gì chỉ cần có lễ hậu cho ông ta, chờ khi nào Hoàng đế vui vẻ, ông ta sẽ nói đỡ, tội to thành tội nhỏ, việc nhỏ thành không có gì. Ai không chú ý lễ lạt chu đáo, chờ lúc Hoàng đế cáu giận, ông ta sẽ thêm mắm thêm muối nói những lời gièm pha.
Hòa Thân nắm toàn quyền thu nhập tài chính của quốc gia, lại phụ trách cai quản cả tài chính của tông thất. Của cải quốc gia và Hoàng thất, ông ta đều tự ý mang về nhà. Mọi thứ quý báu hay đồ chơi tinh xảo các nơi tiến cống lên Hoàng đế đều qua sự kiểm tra của Hòa Thân, thích cái gì ông ta lấy cái đó, những thứ còn lại mới đưa vào Hoàng cung.
Một lần, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trưởng quan tối cao của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây) Tôn Sĩ Nghị (2) tới Bắc Kinh đang ở cửa cung sắp yết kiến Hoàng đế Càn Long vừa hay gặp Hòa Thân ở đó. Hòa Thân soi mói, thấy trên tay Tổng đốc cầm một cái gì đó, liền hỏi:
– Ngài cầm cái gì thế?
Tôn Sĩ Nghị nói đây là cái lọ đựng bột thuốc lá. Ông ta cầm lấy xem. Cái hộp đựng bột thuốc lá làm từ một khối ngọc quý. Cái hộp trông như một cái trứng chim sẻ to, điêu khắc rất tinh xảo, óng ánh, trong suốt. Hòa Thân khen không ngớt lời, không muốn dời khỏi tay, nói:
– Cho tôi có được không?
Nghe thấy, Tôn Sĩ Nghị vô cùng kinh ngạc, lúng túng:
– Cái này đã tâu với Hoàng thượng là sẽ dâng nguời. Thật quả không dám…
Không đợi cho Tổng đốc nói hết, Hòa Thân cười nhạt:
– Chẳng qua tôi cũng nói chơi với ông đó thôi.
Mấy hôm sau, Hòa Thân cho Tôn Sĩ Nghị xem cái hộp đựng thuốc lá của mình. Tôn Sĩ Nghị nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên, vì đây chính là cái hộp ông ta đã dâng biếu Hoàng đế. Hòa Thân nói đây là do Hoàng thượng thưởng cho. Trong lòng Tôn Sĩ Nghị đầy nghi hoặc, sau nghe nhiều nguời nói, Tổng đốc mới biết cái hộp đó không phải Hòa Thân được thưởng mà tự ông ta lấy trộm từ trong cung.
Hòa Thân tham lam, lại chuyên quyền, đương nhiên gặp không ít nguời căm ghét. Có một viên Ngự sử cả gan dâng tấu, nói gia nô Lưu Kim Ích của Hòa Thân có cái nhà quá lớn, không phù hợp với quy chế của triều Thanh. Hòa Thân nghe được tin này cho nguời tới nhà Lưu ra lệnh phá hủy toàn bộ ngôi nhà ngay trong đêm đó. Ngày hôm sau, vua Càn Long cho nguời tới kiểm tra không thấy cái nhà nào không hợp quy chế của triều đình. Kết quả, viên quan Ngự sử ấy phạm tội vu cáo bị cách chức.
Một quan Ngự sử khác một lần đi tuần thành, gặp em vợ bé của Hòa Thân, hắn mượn cớ
ông ta hoành hành ngang ngược, dùng roi đánh rồi đem lửa đốt cháy xe của quan Ngự sử. Thế mà quan Ngự sử cũng không dám nói gì.
Thấy các đại thần e sợ, Hòa Thân càng lộng hành, dám làm tất cả mọi việc hắn thích. Không những dám lấy những đồ vật quý từ trong cung, Hòa Thân còn đại hưng thổ mộc cho riêng mình, nhiều lần trong lúc đêm khuya yên tĩnh, ông ta mặc y phục của Hoàng đế rồi đứng trước gương tự ngắm mà cười thích thú.
Khi vua Càn Long đã già, càng ngày càng hay quên, không còn chú ý tới mọi việc, tất cả đều giao cho Hòa Thân xử lý. Hòa Thân là nguời đầu tiên biết việc ngôi vua sẽ được chuyển cho Gia Khánh. Từ đó, ông ta càng có nhiều mưu mẹo, không ngớt tìm cơ hội để tiếp cận với Gia Khánh. Hòa Thân mang một viên ngọc Như ý (Nguời tộc Mãn coi ngọc Như ý là biểu thị cho cát tường, để chúc mừng) tới yết kiến Tân vương, ngầm muốn bày tỏ công lao của mình. Nhưng bên trong, Hòa Thân vẫn coi thường Tân Hoàng đế, có việc gì, ông ta đều báo cho Thái thượng hoàng.
Thực ra, Hòa Thân không biết được tâm tư của Tân Hoàng đế, ông ta vừa muốn lấy lòng, vừa muốn bản thân vẫn được trọng dụng. Hoàng đế Gia Khánh cũng không tỏ rõ thái độ, thực ra nhà vua còn nhẫn nhịn, chờ tới khi quyền cai trị thiên hạ hoàn toàn trong tay mình.
Tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 4 (1799), Hoàng đế Càn Long mất khi 89 tuổi. Thái thượng hoàng đã mất, chỗ dựa của Hòa Thân cũng không còn. Cái ngày mà vua Gia Khánh chờ đợi cũng đã tới.
Nhà vua ngay lập tức hạ lệnh bãi mọi chức quan của Hòa Thân, kiểm kê nhà của ông ta và bắt ông ta giam vào ngục. Gia sản của Hòa Thân được kiểm kê, ngoài vàng bạc châu báu quý giá có tới hơn 1.000 loại, sa kim có hơn 200 vạn lạng, xích kim có 480 vạn lạng, bạc trắng cơ 940 vạn lạng. Đó là con chưa kể tới rất nhiều cửa hàng vàng bạc, hiệu buôn , hiệu đồ cổ, ruộng đất chưa thể tính thành tiền. Tổng cộng tài sản của Hòa Thân có thể khoảng từ 8 đến 10 trăm triệu lượng, bằng thu nhập của triều đình trong suốt 10 năm.
Hòa Thân bị phá sản, rất nhiều nguời cảm thấy thỏa mãn. Có nguời kiến nghị với nhà vua phải xử tử bằng hình thức lăng trì (3). Nhưng vua Gia Khánh thấy Hòa Thân đã từng là sủng thần của vua cha Càn Long, sợ xử nặng tay không phù hợp nên nhà vua đã hạ lệnh cho Hòa Thân phải tự sát.
Gia tài khổng lồ của Hòa Thân tất nhiên đều để lại cho Hoàng đế Gia Khánh. Cho nên dân gian mới có câu: “Hòa Thân bị tội, Gia Khánh càng giàu”.
Chú thích:
- Quân cơ đại thần: Quan xử lý mọi việc quân cơ, đứng đầu các Đại học sĩ của triều Thanh.
- Tôn Sĩ Nghị (1720 – 1796), nguời Nhân Hòa, Chiết Giang (nay là Hàng Châu), đỗ Tiến sĩ đời Càn Long làm Nội các trung thư. Năm 1786 được bổ Tổng đốc Lưỡng Quảng.
- Lăng trì: tên hình phạt rất tàn bạo. Khi hành hình, cắt da thịt tội nhân cho đến chết.
Thưa bác. Hòa Thân có tư vấn cho Càn Thanh luật “chuộc mình”. Nay các ông nghị đang tham vấn lại cho QH luật này… Bác nghĩ sao…