Sau khi vua  Sùng Trinh chết, bồi đô (kinh đô phụ) Nam Kinh trở thành trung tâm chính trị, không lâu sau, Phúc vương Chu Do Tung cháu của Hoàng đế Minh Thần Tông Vạn Lịch nối ngôi Hoàng đế.

Trước đó, tiểu triều đình ở phương nam cũng tranh quyền đoạt lợi, bao phủ bới không khí cạnh tranh. Đại học sĩ Mã Sĩ Anh là nguời có công trong việc lập Phúc vương cai quản công việc triều chính. Ông ta trọng dụng ác ôn Nguyễn  Đại Thành cầm đầu bọn hoạn quan đã mang nhiều tiếng xấu, phong bừa quan tước, cướp bóc của dân, không coi ai ra gì, chỉ lấy tiền làm đầu để mua bán quan tước khắp nơi toàn chuyện giả danh lừa bịp dân chúng.

Quan Tổng binh trấn thủ Vũ Xương là Tả Lương Ngọc rất căm phẫn Mã Sĩ Anh tham lam vô độ đã đưa quân theo sông Trường Giang tới trừng trị hắn, gọi là “Thanh quân trắc”.

Lúc ấy, Đại tướng triều Thanh là Đa Đạc (2) đưa quân tới gần Dương Châu, nhưng Mã Sĩ Anh lại cử Đại học sĩ Sử Khả Pháp đang trấn thủ Dương Châu đưa quân ra tiền tuyến chặn đánh Tả Lương Ngọc. Sử Khả Pháp cho nguời khuyên Phúc vương:

– Tả Lương Ngọc không dám đối địch với triều đình, nhưng để quân Thanh tới, triều đình sẽ diệt vong.

Phúc vương cũng nói với Mã Sĩ Anh:

– Tả Lương Ngọc tuy đưa quân áp sát Nam Kinh, nhưng xem bản tấu chương của ông ta, ta thấy ông ta không muốn tạo phản. Giờ đây trước hết cần phòng thủ Hoài Nam.

Mã Sĩ Anh trợn hai mắt, kêu lớn:

– Quân Thanh tới thì phải thương lượng giảng hòa, Tả Lương Ngọc tới, ông ấy là đại quan, vua tôi chúng ta liệu còn sống nổi không? Từ nay về sau, ai còn dám nói tới giữ Dương Châu, phải chém đầu.

Nghe thế, Phúc vương cũng  không dám nói gì. Nhà vua đã tỏ rõ đây chính là một Hoàng đế khiếp nhược.

Tháng 4 năm Thuận Trị thứ 2 (1645), quân Thanh tới cách thành Dương Châu khoảng ba mươi dặm. Trong lúc Tả Lương Ngọc đang chống đỡ, tin tức đến tai Sử Khả Pháp, lòng như lửa đốt, ông lập tức cùng mấy nguời tùy tùng lên ngựa, ngày đêm trở về Dương Châu.

Sử Khả Pháp là nguời chính trực, trong sáng. Cùng binh lính ra trận, ông đồng cam cộng khổ với họ, binh lính chưa ăn no, ông không dám ăn cơm, binh lính chưa có quần áo chống rét, ông quyết không mặc áo. Cho nên ông có uy tín rất cao. Sau khi Phúc vương kiến lập chính quyền, Mã Sĩ Anh rất ghen tức với uy tín của sử Khả Pháp nên xúi giục nhà vua đưa Sử Khả Pháp về làm Tổng đốc Dương Châu.

Lúc đó, Đa Sĩ Cổn cũng muốn mượn uy danh của Sử Khả Pháp để bình định đất Giang Nam nên viết thư khuyên hàng. Sử Khả Pháp dứt khoát cự tuyệt, ông viết thư trả lời:

– Ta đã quyết tâm hết lòng tận tụy với nước. Thư khuyên hàng của ông ta không thể nào nghe theo.

Lần này, vội trở về Dương Châu, Sử Khả Pháp lập tức điều binh khắp nơi. Nhưng tướng sĩ trấn thủ các nơi xem ra không chịu nghe lệnh. Chỉ có Tổng binh Lưu Triệu Cơ mang theo hơn hai nghìn quân tới hỗ trợ. Thấy binh lực quá ít, Sử Tư Pháp không có cách nào chống lại quân Thanh, bèn lệnh cho Lưu triệu Cơ đóng chặt cổng thành, chuẩn bị chống giữ.

Sử Khả Pháp thân mang giáp sắt, ta cầm bảo kiếm, tự mình cùng Lưu triệu Cơ lên tường thành chỉ huy. Dân chúng cũng được tổ chức lại, nam thanh niên lên thành chuẩn bị chiến đấu, nguời già cùng phụ nữ đảm nhận việc nấu cơm đun nước, quân dân thành Dương Châu quyết tâm sống chết cùng kẻ địch.

Thống soái Đa Đạc của quân Thanh rất kính trọng Sử Khả Pháp, mấy lần viết thư khuyên hàng. Nhận được thư, Sử Khả Pháp không thèm mở, vứt sang một bên. Thấy khuyên hàng không được, Đa Đạc hạ lệnh dùng đại pháo bắn vào thành Dương Châu, trong thành, quân dân thương vong rất nhiều.

Tổng binh Lưu Triệu Cơ hiến kế với Sử Khả Pháp:

– Trong thành đất cao hơn phía ngoài thành, ta có thể phá sông Hoài Hà, đưa nước chảy vào trận địa của quân địch, chúng nhất định sẽ phải rút quân.

Thấy biện pháp này có thể khiến quân địch rút lui, nhưng nó cũng làm hại tới dân chúng, Sử Khả Pháp bèn nói:

– Không dùng được cách này. Kẻ địch tuy có thể bị ngập, nhưng dân chúng cả một vùng rộng lớn sẽ phải chịu tai họa, ta sao có thể nhẫn tâm mà làm được?

Quân Thanh gia tăng sức ép, quân dân trong thành ngoan cường chống cự. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, lại không có quân hỗ trợ, biết sự chống đỡ không thể kéo dài, Sử Khả Pháp hạ quyết tâm sống chết cùng thành Dương Châu. Ông viết thư gửi mẹ và vợ, biểu thị tấm lòng quyết trung với nước, rồi dặn dò bộ tướng Sử Đức Uy:

– Ta chết đi, ngươi hãy chôn ta bên cạnh mộ Hoàng đế Thái Tổ. Nếu không được thì chôn ta trên núi Mai Hoa ở ngoài thành Dương Châu.

Tới ngày thứ bảy, phía tây bắc thành có một tiếng nổ lớn giống như núi sập, tường thành bị pháo phá tan một mảng.

Quân Thanh từ bên ngoài như nước lũ băng vào. Tướng sĩ trong thành cùng quân Thanh giao chiến, đánh giáp lá cà trên đường phố, trong trận huyết chiến, Lưu Triệu Cơ bị giết.

Quân dân trong thành ngoan cường chiến đấu, không chịu đầu hàng. Tất cả đều hy sinh. Sử Khả Pháp cũng bị bắt.

Bắt được Sử Khả Pháp nhưng quân Thanh không dám coi thường, lập tức đưa ông lên lầu thành gặp Đa Đạc. Vừa thấy Sử Khả Pháp, Đa Đạc đã vội bước tới thi lễ, rất trân trọng, nói:

– Tôi đã ba lần mời nhưng đều bị ngài từ chối. Hôm nay, tiên sinh đã tỏ lòng tận trung với nước, xin nhờ ông thay tôi cai quản đất Giang Nam.

Sử Khả Pháp không thay đổi giọng nói:

– Tôi là đại thần của triều Minh, đâu dám nghĩ tới vinh thân phì gia mang tội với  hậu thế. Đầu có thể rơi nhưng thân không thể quỳ.

Đa Đạc nén giận, nói:

– Đúng là trung thần, ta sẽ để ông được mãn nguyện.

Sử Khả Pháp mỉm cười:

– Thân thể ta có thể thành trăm ngàn mảnh ta cũng cam lòng. Chỉ xin có một điều, đừng giết hại dân chúng.

Nói xong, ông đập đầu vào tường, chết vì nghĩa lớn.

Đa Đạc không thực hiện mong muốn của Sử Khả Pháp, hắn cuồng loạn báo thù dân chúng trong thành. Trong hơn chục ngày, mấy mươi vạn nguời bị giết hại. Trong thành, thây chất như núi, máu chảy thành sông. Dương Châu vốn là nơi phồn hoa nay biến thành một tòa thành chết. Đây chính là cái mà lịch sử gọi là “Dương Châu thập nhật”.

Sử Khả Pháp mất, chính quyền của Phúc vương mất đại thần duy nhất có năng lực, có uy tín. Từ đó, các lộ binh liên tiếp đầu hàng quân Thanh hoặc chỉ “án binh bất động” hoặc rút chạy về phía nam. Quân Thanh tiến quân như chẻ tre rất nhanh chóng, tiến đến sát Nam Kinh.

Phúc vương ra lệnh đóng chặt tất cả các cổng thành, sau đó cho gọi Lê viên tử đệ (3), cùng vua trong thành ăn chơi hưởng lạc suốt ngày đêm. Đến canh hai, Phúc vương huơ tay, giải tán hết đám Lê viên đệ tử, cùng với hơn chục Thái giám bỏ đi qua cửa Tế môn. Mã Sĩ Anh hoảng hốt, sai mấy đứa con vơ vét thêm một  ít của cải rồi cũng bỏ chạy. Ngày hôm sau, quân Thanh mở được cổng thành, các đại thần Triệu Chi Long, Tiền Khiêm Ích quỳ gối dâng thành, quân Thanh chiếm được Nam Kinh vô cùng thuận lợi. Phúc vương bỏ chạy không lâu cũng bị quân Thanh bắt; Mã Sĩ Anh cũng đầu hàng, sau cả hai đều bị giết. Chính quyền của Phúc vương duy trì chưa được một năm đã diệt vong.

Sau đó, nhiều nơi ở phương nam xuất hiện các chính quyền khác nhau, Lỗ vương ở vùng Giang Chiết, Đường vương ở Phúc Kiến, Quế vương ở Vân Quý, … Những chính quyền này cũng đoản mệnh, trước sức tiến công của quân Thanh, không lâu sau cũng tan rã.

 

Chú thích:

  • Đa Đạc (1614 – 1649), con thứ 15 của Thanh Thái Tổ. Năm 1646, được vua Cao Tông khen “Bình quốc chư vương chiến công chi tối”.
  • Sử Khả Pháp (1602 – 1645), nguời Dạng Phủ, Hà Nam (nay là Khai Phong, Hà Nam). Từng làm Sử bộ chủ sự, Hữ tham nghị, Hữu kiểm đô ngự sử, Nam Kinh Binh bộ thượng thư…
  • Lê viên tử đệ: nơi huấn luyện nghề ca vũ phục vụ trong cung đình có từ đời Đường.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here