TRIỀU THANH

(1644 – 1911)

Năm 1644, chú bé 7 tuổi Phúc Lâm (Hoàng đế Thuận Trị) được Hoàng Thái hậu Cát Đặc đưa tới Trung Quốc rồi lên ngôi, đến năm 1912, chú bé Phổ Nghi (Hoàng đế Tuyên Thống) cũng 7 tuổi được Hoàng Thái hậu Long Dụ đưa ra khỏi cung, vương triều Thanh đã thống trị Trung Quốc trong vòng 268 năm.

Giai cấp thống trị triều Thanh đã tổng kết được kinh nghiệm phong phú của những nguời đi trước, áp dụng nhiều biện pháp tích cực để an định xã hội và phát triển kinh tế nên từ các đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã dần tới cực thịnh. Từ đó, đã xuất hiện một quốc gia thống nhất, chính quyền được củng cố, xã hội an định, kinh tề giàu mạnh, văn hóa phồn vinh. Đây chính là thời gian mà lịch sử gọi là “Khang Càn thịnh thế”.

Nhưng trong khi Trung Quốc còn đang trên con đường phát triển của một xã hội phong kiến, thế giới bên ngoài đã có những thay đổi vô cùng to lớn. Từ thế kỷ 15 tới đầu thế kỷ 16, trên bờ Địa Trung Hải phía nam châu Âu, một quốc gia đầu tiên trong làn sóng tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện, sau đó, nhanh chóng cuốn theo toàn bộ đại lục châu Âu. Đến thời Ung Chính triều đình nhà Thanh lại thực hện chính sách “bế quan tỏa quốc”. Vì thế, khoảng cách phát triển xã hội giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng lớn. Trung Quốc đã lạc hậu, sự lạc hậu ngày càng rõ. Năm 1840, xã hội Trung Quốc phát sinh một chuyển biến bước ngoặt. Tháng 6 năm đó, nước Anh ngang ngược làm bùng phát chiến tranh Nha phiến, dùng vũ lực mở toang cánh cửa vào Trung Quốc lâu nay vẫn khép chặt. Không chịu nổi sức ép ấy, năm 1842 chính phủ Thanh phải ký với bọn xâm lược Anh “Điều ước Nam Kinh” ô nhục. Rồi sau đó tới chiến tranh Nha phiến lần thứ hai năm 1856, chiến tranh Trung – Pháp 1884, chiến tranh Trung – Nhật năm Giáp Ngọ 1894 và cuộc chiến tranh của liên quân 8 nước năm 1900. Khoảng cách ngày càng ngắn, những điều ước bất bình đẳng ấy ngày càng gia tăng sức ép bởi những điều kiện hà khắc. Trong vòng nửa thế kỷ, Trung Quốc trở thành một xã hội nửa thực dân nửa phong kiến.

Trước những nguy cơ ngày càng gia tăng cho dân tộc, nội bộ giai cấp thống trị cũng xuất hiện  nhiều cuộc vận động để tự cứu. Những năm 60 của thế kỷ 19 có vận động Dương vụ, sau đó, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu là những nguời lãnh đạo phái duy tân trong cuộc vận động Duy Tân, nhưng cuối cùng tất cả đều thất bại. Từ 1901 đến 1905, chính phủ Thanh đề xuất “Tân chính”, không những không thể cứu vãn được triều Thanh mà ngược lại làm tăng nhanh quá trình sụp đổ. Vận động Duy tân biến pháp Mậu Ngọ đã gieo những hạt giống tư tưởng mới, gặp điều kiện thuận lợi của thế kỷ 20 đã phát triển trở thành cuộc vận động cách mạng lật đổ vương triều Mãn Thanh. Cuối cùng, qua cuộc đấu tranh sáng suốt và gian khổ, những nguời thuộc phái cách mạng tư sản do Tôn Trung Sơn làm đại biểu đã lật đổ vương triều Thanh vào năm 1911, từ đó, kết thúc hơn hai nghìn năm chế độ phong kiến liên tục trong lịch sử Trung Quốc, kiến lập nước Cộng hòa của giai cấp tư sản.

 

BẢNG THẾ HỆ CÁC ĐẾ VƯƠNG

 

Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích     (1616 – 1626)

Thái Tông Hoàng Thái Cực   (1627 – 1643)

Thế Tổ Phúc Lâm                     (1644 – 1661)

Thánh Tổ Huyền Diệp   (1662 – 1722)

Thế Tông Dận Chân                 (1723 – 1735)

Cao Tông Hoằng Lịch              (1736 – 1795)

Nhân Tông Ngung Diễm           (1796 – 1820)

Tuyên Tông Mân Ninh  (1821 – 1850)

Văn Tông Dịch Trữ                  (1851 – 1861)

Mục Tông Tải Thuần                (1862 – 1874)

Đức Tông Tải Điềm                  (1875 – 1908)

Phổ Nghi                                  (1909 – 1911)

 

NIÊN BIỂU SỰ KIỆN LỚN

 

1644 : Quân Thanh nhập quan. Chính phủ Thanh dời đô về Bắc Kinh.

1662 : Trịnh Thành Công thu phục Đài Loan.

1681 : vua Khang Hy bình định  “Tam phiên chi loạn”.

1689 : Trung – Nga ký “Điều ước Ni Bố Sở”.

1690 – 1697 : vua Khang Hy ba lần đánh Cát Nhĩ Đan.

1782 : Biên soạn “Tứ khố toàn thư” lần thứ nhất.

1839 : Lâm Tắc Từ đốt thuốc phiện.

1840 : Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất.

1842 : Trung – Anh ký “Điều ước Nam Kinh”.

1851 : Khởi nghĩa Kim Điền.

1859 : Thái bình Thiên quốc ban bố “Tư chính tân biên”.

1860 : Liên quân Anh – Pháp xâm lược Bắc Kinh, hỏa thiêu Viên Minh viên, ký “Điều ước Bắc Kinh”.

1861 : Từ Hy Thái hậu buông rèm thính chính.

1885 : Đài Loan thành lập tỉnh, Lưu Minh Truyền làm Tuần phủ.

1894 : Tôn Trung Sơn sáng lập Hưng Trung hội.

1898 : Biến pháp Mậu Ngọ. Thất bại, lục quân tử bị hại.

1899 : Vận động Nghĩa Hòa đoàn.

1900 : Liên quân 8 nước xâm lược Bắc Kinh, Thái hậu, Hoàng đế bỏ chạy về Tây An.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here