Năm 1644, ở Tây An, Lý Tự Thành chính thức kiến lập chính quyền, quốc hiệu Đại Thuận. Sau đó, Lý Tự Thành đưa hơn một trăm vạn quân khởi nghĩa vượt sông Hoàng Hà, chia làm hai đường thẳng tiến tới Bắc Kinh. Quân khởi nghĩa thế như chẻ tre, chỉ tới tháng 3 năm ấy đã hội quân ở Kinh đô. Toàn bộ ba đại doanh (1) tinh nhuệ của quân triều đình trấn giữ kinh đô đều đầu hàng.
Quân khởi nghĩa tiến vào Bắc Kinh, tối hôm sau, vua Sùng Trinh lên núi Môi Sơn (nay là Cảnh Sơn, Bắc Kinh), trông bốn bề, chỉ thấy lửa cháy ngút trời, biết là tình hình nguy cấp, nhà vua trở về cung, hy vọng quan quân có thể bảo vệ cho mình. Nhưng đợi mãi, chẳng thấy hình bóng một ai. Tới lúc này, nhà vua mới biết ngày cuối cùng đã tới, nên trở lại Môi Sơn, dưới gốc hòe ở Thọ Hoàng đình, tự sát. Vương triều Minh sau 277 năm thống trị Trung Quốc tuyên cáo diệt vong.
Quân khởi nghĩa Đại Thuận tiến công Bắc Kinh, Đại tướng Lưu Tông Mẫn (2) là nguời đầu tiên đưa quân tiến vào thành, sau đó, Đại Thuận vương Lý Tự Thành đầu đội mũ, mặc áo màu xanh, trên mình tuấn mã, hùng dũng tiến vào Tử Cấm thành. Dân chúng Bắc Kinh như trong ngày hội, treo đèn kết hoa đón chào nghĩa quân.
Chính quyền Đại Thuận một mặt ra sức an dân, kêu gọi mọi người an cư lạc nghiệp, một mặt trừng phạt Hoàng thân quốc thích nhà Minh cùng bọn tham quan ô lại. Lý Tự Thành giao cho Lưu Tông Mẫn và Lý Qua cưỡng chế các nhà quyền quý phải giao nộp toàn bộ tài sản đã cướp bóc của dân lành, nếu chống lại sẽ bị xử tội chết. Những Hoàng thân quốc thích bị dân chúng oán ghét cũng bị chém đầu.
Một đại quan liêu là Ngô Tương cũng bị Lưu Tông Mẫn tịch thu gia sản. Khi tới khám xét, có nguời tố cáo với Lý Tự Thành, Ngô Tương có nguời con là Ngô Tam Quế là quan Tổng binh của triều Minh ở Sơn Hải Quan, trong tay có mấy mươi vạn đại quân. Nếu Ngô Tam Quế đầu hàng, chính quyền Đại Thuận sẽ bớt đi một sự uy hiếp từ bên ngoài.
Thấy đây là một cân nhắc hợp lý, Lý Tự Thành yêu cầu Ngô Tương viết cho con trai một bức thư, khuyên Ngô Tam Quế đầu hàng quân khởi nghĩa.
Ngô Tam Quế vốn được triều đình cử tới cửa ải ở Ninh Viễn làm nhiệm vụ phòng thủ quân Thanh. Khi quân khởi nghĩa tới gần Bắc Kinh, vua Sùng Trinh liên tiếp ra lệnh cho Ngô Tam Quế đưa quân về ứng cứu, đối phó với quân khởi nghĩa. Khi về tới Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế thấy Bắc Kinh đã bị quân khởi nghĩa đánh phá. Sau mấy ngày, nhận được thư khuyên hàng của Ngô Tương, Ngô Tam Quế còn đang do dự. Đầu hàng quân khởi nghĩa, dĩ nhiên ông ta không muốn; nhưng nếu không đầu hàng, quân khởi nghĩa dũng mãnh thiện chiến, binh hùng tướng mạnh, làm sao ông ta có thể là đối thủ? Lại thêm, ở Bắc Kinh, ông ta còn có nguời thân, tài sản, làm sao giữ được. Suy xét mãi, cuối cùng ông ta quyết định trước khi đầu hàng Lý Tự Thành, chi bằng cứ về Bắc Kinh xem xét tình hình đã!
Ngô Tam Quế đưa quân tới Loan Châu, khoảng cách tới Bắc Kinh ngày càng gần. Gặp một số nguời từ Bắc Kinh chạy ra, Ngô Tam Quế tìm đến họ, hỏi han, nghe nói cha là Ngô Tương đã bị bắt, gia sản đã mất sạch, ông ta nghiến răng căm giận; rồi lại nghe nói nguời nguời đàn bà mà ông ta yêu quý nhất là Trần Viên Viên cũng đã bị quân khởi nghĩa bắt đi, ông ta càng nổi giận, lập tức hạ lệnh rút về Sơn Hải Quan, toàn bộ tướng sĩ thay khôi giáp màu trắng, nói là sẽ quyết chết để trả thù cho vua Sùng Trinh.
Biết Ngô Tam Quế không chịu đầu hàng, Lý Tự Thành quyết định mang hơn hai mươi vạn đại quân tiến công Sơn Hải Quan. Ngô Tam Quế vốn đã khiếp sợ quân khởi nghĩa, nghe được tin này hồn bay phách lạc. Không còn kể gì đến khí tiết dân tộc, Ngô Tam Quế viết một phong thư, cho nguời lập tức tới xin quân Thanh tới giúp đỡ trấn áp quân khởi nghĩa.
Thân vương Đa Nhĩ Cổn Phụ chính triều Thanh nhận được thư cầu cứu của Ngô Tam Quế, thấy cơ hội đã tới, lập tức trả lời đồng ý. Sau đó, ông ta đích thân đưa mười mấy vạn quân Thanh, ngày đêm tiến thẳng tới Sơn Hải Quan.
Quân Thanh chưa tới Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế đã mang theo hơn năm trăm thân binh ra tận ngoài cửa quan đón tiếp Đa Nhĩ Cổn. Vừa thấy Đa Nhĩ Cổn, Ngô Tam Quế đã lập tức khom lưng quỳ gối xin giúp báo mối thù của riêng mình. Đa Nhĩ Cổn lập tức bằng lòng như thuyền thuận theo dòng nước. Đưa Đa Nhĩ Cổn nhập quan, Ngô Tam Quế lập tức thết đại tiệc, giết ngựa trắng, trâu đen, tế trời lễ đất, xác lập đồng minh.
Đại quân của Lý Tự Thành từ phía nam mới tới Sơn Hải Quan, hơn hai mươi vạn quân, dựa vào hình thế nhìn trời biển mênh mông không thấy bến bờ. Đa Nhĩ Cổn vốn là kẻ xảo trá, từ trong thành nhìn ra thấy trận thế của nghĩa quân chặt chẽ, biết đây là đối thủ không dễ đối phó bèn cử Ngô Tam Quế mang quân làm tiên phong, đưa quân Thanh bố trí mai phục phía sau, còn bản thân mình cùng với mấy tướng lĩnh quân Thanh từ trên núi quan sát.
Trận đánh bắt đầu, Lý Tự Thành trên mình ngựa chỉ huy chiến đấu. Ngô Tam Quế mang quân ra khỏi thành, từ hai cánh, quân khởi nghĩa bao vây khiến quân của Ngô Tam Quế không sao thoát ra được. Quân Minh tả xung hữu đột phá vòng vây; quân khởi nghĩa dũng mãnh xung sát, tiếng reo hò, tiếng binh khí va chạm kinh thiên động địa.
Đang trong lúc hai bên giao tranh quyết liệt, không ai ngờ, từ phía biển một trận cuồng phong nổi lên, cát đá bay mù mịt khiến mọi người tối tăm mặt mũi, rồi trời đất tối tăm, không thấy nguời đứng trước mặt. Đa Nhĩ Cổn thấy đúng là thời cơ, lệnh cho quân mai phục xuất kích tiến công quân khởi nghĩa. Quân lính của Lý Tự Thành không có sự chuẩn bị trước, cũng chưa hiểu rõ quân địch, tâm lý hoang mang, trận thế trở nên hỗn loạn, tới khi gió dứt, trời quang mới có thể nhìn thấy rõ ràng đối thủ thì đã muộn.
Lý Tự Thành từ trên núi phát hiện quân Thanh đã nhập quan, muốn củng cố thế trận chuẩn bị chống đỡ, nhưng vì không kịp nên đành phải ra lệnh rút lui. Đa Nhĩ Cổn và Ngô Tam Quế đưa quân tiến vào, quân khởi nghĩa thất bại thảm hại.
Lý Tự Thành chỉ huy quân sĩ vừa đánh vừa rút. Ngô Tam Quế dựa vào thế của quân Thanh, đuổi theo từ phía sau. Khi về tới Bắc Kinh, quân khởi nghĩa đã suy yếu đi nhiều.
Tới Bắc Kinh, Lý Tự Thành vào đại điện ở Hoàng cung cử hành lễ lên ngôi, tiếp nhận các quan triều kiến. Sáng sớm ngày hôm sau, nhà vua chỉ huy quân đội rút khỏi Bắc Kinh về Tây An.
Ngày thứ ba sau khi Lý Tự Thành dời Bắc Kinh, Đa Nhĩ Cổn đưa quân Thanh giễu võ giương oai tiến vào thành. Tháng 10 năm 1644, Đa Nhĩ Cổn đưa vua Thuận Trị từ Thẩm Dương tới Bắc Kinh, coi đây là quốc đô của nhà Thanh. Từ lúc này, vương triều Thanh chính thức mở đầu sự thống trị ở Trung Quốc.
Năm sau, quân Thanh chia làm hai đường tiến đánh Tây An. Một đường do A Tế Cách, Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ chỉ huy, một đường do Đa Đạc và Khổng Hữu Đức chỉ huy. Lý Tự Thành lãnh đạo nghĩa quân chống lại quân Thanh ở Đồng Quan. Sau những trận chiến đấu quyết liệt, Lý Tự Thành buộc phải rút khỏi Tây An về Tương Dương. Mấy tháng sau, ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, Hồ Bắc, nghĩa quân bị một nhóm địa chủ vũ trang tập kích, Lý Tự Thành hy sinh.
Từ sau khi Lý Tự Thành rút về Bắc Kinh, Trương Hiến Trung xưng đế ở Tứ Xuyên, quốc hiệu Đại Tây, tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Thanh. Năm 1647, quân Thanh tiến công Tứ Xuyên. Trong cuộc chiến đấu ở núi Phượng Hoàng, Tây Thống, Xuyên Bắc, Trương Hiến Trung trúng tên tử trận. Hai cuộc khởi nghĩa cuối cùng thời kỳ cuối vương triều Minh thất bại.
Chú thích:
- Tam đại doanh: Minh Thành Tổ chia quân là ngũ quân, tam thiên, thần cơ tam đại doanh.
- Lưu Tông Mẫn (? – 1645), nguời Lam Điền, Thiểm Tây. Từ năm 1642, theo Lý Tự Thành làm Tướng quân.
- Đa Nhĩ Cổn (1612 – 1650), con thứ 14 của Thanh Thái Tổ (Nỗ Nhĩ Cáp Xích), cũng gọi Cửu Vương.