Vương triều Minh đến cuối đời Thần Tông đã bộc lộ tất cả mọi xấu xa. Những hủ bại trong triều không thể nào nói hết, từ trong nội cung được bảo vệ nghiêm ngặt cũng xuất hiện biết bao điều lạ lùng, triệu chứng của bại vong đã từ nội bộ Hoàng cung lộ ra, thời cuộc cứ phát triển từng bước, vương triều Minh đã càng tới lúc không còn thuốc chữa.
Ba đại nghi án nổi tiếng triều Minh trong đó có “Đĩnh kích án” phát sinh vào cuối đời Minh Thần Tông là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ cuộc tranh chấp ngầm trong nội bộ Hoàng cung mà thủ phạm chính là Minh Thần Tông, do có những tình ý riêng trong vấn đề lựa chọn Thái tử, nhà vua đã dẫn tới vụ án chấn động này.
Khi ngoài 20 tuổi, Minh Thần Tông đã có nguời con trai đầu tiên là Chu Thường Lạc, nhưng đây là nguời con do một cung nhân sinh ra, lại không được Thần Tông yêu quý, cho nên, nguời cung nhân này chỉ được phong Cung phi. Năm năm sau, Trịnh phi của vua Thần Tông cũng sinh một nguời con trai là Chu Thường Tuân, trái với lẽ thường, Thần Tông lập tức thăng Trịnh phi làm Quý phi. Lệnh vừa ban ra, trong cung dư luận đã ồn ào, đại thần trong triều đều cảm thấy lạ lùng. Sự không công bằng này của Hoàng đế đã gây nên những ý kiến khác nhau, có nguời chủ trương muốn tìm cách thay đổi quyết định bất thường này.
Cách mà các đại thần sử dụng là dâng thư lên Hoàng đế, muốn nhà vua ngay lập tức sách phong (1) Thái tử. Chu Thường Lạc đã 5 tuổi, có thể được phong Thái tử, các đại thần muốn cái gốc của quốc gia được đảm bảo, họ muốn bảo vệ quy tắc phong kiến lập trưởng lập đích để tránh nảy sinh việc phế trưởng lập ấu sau này.
Trong lòng không vui, Minh Thần Tông từ chối, nói Hoàng tử còn nhỏ, chưa vội sách phong. Trả lời qua loa không được, Minh Thần Tông dùng kế giết gà dọa khỉ, tìm một nguời nhiều lời nhất trừng phạt, đưa Hình bộ chủ sự (2) Tôn Như Pháp đến nơi xa xôi là Triều Dương, Quảng Đông. Ai ngờ, do việc này, Hoàng thượng và các đại thần trở nên căng thẳng, các tấu chương xin lập Thái tử dâng lên Hoàng thượng mãi không dứt tới mức Thần Tông phải hứa để tới năm sau sẽ suy nghĩ những kiến nghị của các đại thần.
Nhưng mùa đông đã qua, rồi đã hết mùa xuân… mùa thu đã ở trước mắt, vẫn chưa thấy nhà vua có động tĩnh gì về việc này. Các đại thần bắt đầu nhắc Hoàng thượng thực hiện lời hứa trước đây. Nhưng nhà vua lại thay đổi lý do:Ai dám nói Hoàng hậu sau này không thể sinh con trai? Cần phải chờ đợi, nếu đúng là Hoàng hậu không thể sinh đích tử, khi ấy lập Trưởng tử cũng chưa muộn. Minh Thần Tông đã tìm được một cách khác để trì hoãn, xem việc lập Thái tử có thể đợi thêm thời gian nữa.
Vướng mắc giữa nhà vua và các đại thần về việc lập Thái tử vẫn chưa được giải quyết đến năm Vạn Lịch thứ 14 (1586) lại được nhắc lại, xôn xao mãi tới năm Vạn Lịch thứ 29 (1601), Chu Thường Lạc đã 20 tuổi, quá tuổi của một nguời thành niên, Minh Thần Tông mới không thể làm cách nào khác, đành lập con trai cả làm Thái tử, việc tranh chấp Thái tử đã đến hồi kết thúc.
Thoáng chốc đã qua 14 năm, ngày 4 tháng 5 năm Vạn Lịch thứ 43 (1615), trong Hoàng cung xuất hiện một sự việc kỳ lạ gọi là “Đĩnh kích án”, trở lại với việc tranh lập Thái tử, mà chuyện ngày càng trở nên gay gắt.
Xẩm tối hôm đó, ở cửa Tư Khánh cung (3), nơi ở của Thái tử đột nhiên xuất hiện một nguời đàn ông tay mang một cây gậy. Hoạn quan giữ cửa Lý Giám quát hỏi, nói chưa dứt câu đã bị một gậy, máu chảy lênh láng. Nguời đàn ông này không nói thêm lời nào xông vào nơi ở của Chu Thường Lạc, khi vào tới hành lang mới bị các nội quan xông tới bắt giữ. Hắn là Trương Sai, một tay anh chị, nguời Kế Châu (nay là huyện Kế, Thiên Tân).
Hôm sau, Ngự sử bảo vệ Hoàng thành thẩm vấn Trương Sai xong, thấy hắn ăn nói lộn xộn, rất khó để hiểu được điều gì nên coi là hắn điên. Quan Ngự sử vội lấy khẩu cung rồi khép hắn vào tội chết.
Không ngờ, ngục quan sinh nghi, thấy Trương Sai có thể vào được trong cung, mà lại tới được nơi ở của Thái tử, tất phải có nguời chỉ dẫn; lại thấy hắn thân thể khỏe mạnh, hoàn toàn chẳng có gì là biểu hiện của nguời điên, khi đưa cơm vào ngục cho hắn, nói:
– Anh phải khai cho thành thật, ta sẽ cho anh ăn uống. Không chịu nói gì, nhất định sẽ chết đói!
Trương Sai không chịu được cơn đói, nghe thế, bèn khai thành thật rằng có một Thái giám bảo anh ta vào trong cung, cứ thấy nguời là đánh, có bị thương hay chết cũng không làm sao. Một Thái giám khác đưa gậy cho anh ta, dẫn đường cho từ cửa phía đông của Hoàng cung đi vào, chỉ rõ phương hướng. Nói xong, Trương Sai thở dài:
– Phúc của Thái tử thật lớn!
Ngục quan thấy vụ án này liên quan đến Thái giám, biết là việc quan trọng, không dám che giấu, đem những lời cung khai của Trương Sai tấu lên Minh Thần Tông, muốn Hoàng thượng ra lệnh thẩm vấn Trương Sai để làm rõ vụ án này.
Sự việc thế là tiến triển thêm một bước, Minh Thần Tông cũng không muốn kết thúc qua loa bèn hạ chỉ giao cho 18 viên quan ở bộ Hình thẩm vấn Trương Sai. Trương Sai đã khai cung từ trước, chỉ đem sự việc nói rõ hơn, chỉ ra nguời sai đánh là Thái giám Bàng Bảo, còn nguời dẫn đường là Thái giám Lưu Thành. Nguời mà họ bảo Trương Sai đánh là Thái tử Chu Thường Lạc. Nếu đánh được Thái tử, Trương Sai sẽ được thưởng ruộng đất, đến khi ấy thì không còn phải lo ăn lo mặc gì nữa.
Đến lúc này mọi việc mới ầm cả lên. Hai Thái giám Bàng Bảo và Lưu Thành đều là nguời trong cung Trịnh Quý phi, triều thần bèn nghĩ ngay tới chuyện chẳng qua là do việc lập Thái tử, ai cũng nói Trịnh Quý phi muốn hại chết Thái tử, để cho con trai mình là Chu Thường Tuân đang ở Đông cung, món nợ cũ chưa trả được nay lại dấy lên.
Cũng có nguời cho rằng, Trịnh Quý phi nếu muốn hại chết Thái tử nào có thiếu gì cách, hoặc là hãm hại, hoặc là đầu độc, việc gì lại phải giao việc cho một tay nhà quê ngờ nghệch, mà chắc gì việc đã thành công? Nhưng những nguời còn nhớ việc Minh Thần Tông không lập Chu Thường Lạc làm Thái tử vẫn cho rằng, chủ mưu việc này nhất định là Trịnh Quý phi.
Còn có nguời cho rằng, con trai của Trịnh Quý Phi là Chu Thường Tuân đã được phong làm Phúc vương, không có chỉ dụ thì không được vào kinh, trong khi Chu Thường Lạc cũng còn có ba nguời em trai, nếu chẳng may Thái tử bị đánh chết, ngôi Hoàng đế cũng không thể nào tới lượt Chu Thường Tuân.
Nhưng triều thần cũng còn nhớ, khi sách phong Thái tử, Minh Thần Tông cũng chỉ làm qua loa, Chu Thường Lạc làm Thái tử, Đông cung cũng không có nhiều thần tử phụ trợ; trong khi Chu Thường Tuân được phong Phúc vương, Minh Thần Tông lại ban thưởng lớn, không kể kim ngân báu vật, còn được bốn vạn mẫu ruộng. Được phong Phúc vương nhưng Chu Thường Tuân còn ở trong cung, mãi tới năm ngoái, Minh Thần Tông mới để cho ra khỏi kinh thành. Sự khác nhau trong đối xử ấy, chẳng nói ai cũng rõ.
Suốt thời gian dài, trong ngoài triều đua nhau bàn bạc, đủ mọi lý lẽ, đủ cách giải thích. Minh Thần Tông không làm cách nào để trấn an, bèn bắt Trịnh Quý phi và Thái tử gặp nhau, nói cho rõ ràng. Trịnh Quý phi vừa khóc vừa tới Đông cung, quỳ trước mặt Chu Thường Lạc trình bày, Chu Thường Lạc cũng quỳ xuống đất. Hai nguời cùng nhau kẻ nói nguời nghe nhưng nguồn gốc dẫn tới vụ án không thể giải quyết, nguyên nhân không thể sáng tỏ. Minh Thần Tông chỉ còn cách ra mặt gây áp lực với các đại thần.
Mấy ngày sau, Minh Thần Tông bỏ thói quen không màng gì đếu triều chính trong nhiều năm, gọi các đại thần đến Tư Ninh cung, nới Thái tử ở, nói với họ:
– Hoàng Thái tử và ba vị Hoàng tôn đều ở đây, họ đều là những con người rất hiếu thuận, Trẫm thấy rất vừa lòng. Một kẻ điên khùng là Trương Sai vào cung đánh nguời, khiến cho triều đình xôn xao bàn luận. Thiên hạ ai không có cha con, các ngươi sao nhẫn tâm ly gián quan hệ cha con của Trẫm?
Nói xong, lập tức hạ lệnh giết Trương Sai, hai Thái giám Bàng Bảo và Lưu Thành cũng bị giết.
Cái gọi là “Đĩnh kích án” khép lại. Từ khi có chuyện lập Thái tử tới “Đĩnh kích án” kéo dài 30 năm. Thời gian ấy đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện. Vương triều Minh như một cây cổ thụ nhưng bên trong của nó đã bắt đầu mục ruỗng.
Chú thích:
- Sách phong: Hoàng đế phong tước cho phiên thuộc, chư hầu, tông tộc, phi tần và các công thần.
- Chủ sự: quan đứng đầu Lục bộ của triều Minh.
- Tư Khánh cung: phía tây nội Long Tông môn, Tử Cấm thành, xây dựng từ thời Minh.