Sự áp bức tàn bạo của Vương Mãng, thêm vào đó, thiên tai liên tiếp đẩy nông dân vào con đường cùng, họ đua nhau vùng lên khởi nghĩa. Phương đông và phía nam đều có hàng loạt các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình.
Năm 17, Kinh Châu ở phía nam mất mùa (1), dân chúng không còn cách nào, phải đến vùng đầm lầy đào củ mã thầy hoang chống đói, người nhiều mà củ mã thầy ít nên dẫn đến tranh nhau. Ở Tân Thị (đông bắc Kinh Sơn, Hồ Bắc ngày nay) có hai người nổi tiếng, một là Vương Khuông, một là Vương Phượng đứng ra phân xử, được nông dân ủng hộ. Mọi người tôn họ là thủ lĩnh.
Vương Khuông và Vương Phượng đã tổ chức dân đói thành quân khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, họ đã tập hợp được mấy trăm người, còn có một số tù nhân trốn trại cũng tìm đến tham gia.
Bọn Vương Khuông đã chiếm núi Lục Lâm (núi Đại Hồng, Hồ Bắc ngày nay) làm căn cứ, đánh chiếm các làng mạc gần đó. Chỉ trong vòng mấy tháng, quân khởi nghĩa đã phát triển đến bảy tám nghìn người.
Vương Mãng cho hai vạn quân bao vây sào huyệt quân Lục Lâm, bị quân khởi nghĩa đánh cho đại bại phải bỏ chạy. Quân Lục Lâm thừa thế hạ được mấy tòa huyện thành, đánh phá nhà ngục, lấy lương thực trong kho các nhà quan chia cho người nghèo ở địa phương. Người nghèo đông đảo tới núi Lục Lâm gia nhập nghĩa quân. Quân khởi nghĩa tăng đến hơn năm vạn người.
Năm sau, núi Lục Lâm không may có dịch bệnh, năm vạn người chết đến một nửa. Một nửa còn lại đành phải dời núi Lục Lâm, sau đó chia thành ba toán quân. Tân Thị binh, Bình Lâm binh (đông bắc huyện Tùng, Hồ Bắc ngày nay) và Hà Giang binh (phần phía tây và dưới Hồ Bắc Trường Giang gọi là Hà Giang). Ba toán quân này đều tự chiếm giữ các vùng đất. Đội ngũ dần mạnh lên.
Trong khi quân Lục Lâm ở phương nam chống lại quân triều đình ở Kinh Châu, quân khởi nghĩa ở phương đông cũng dần mạnh lên. Lang Nha Hải Khúc (huyện Nhật Chiếu, Sơn Đông ngày nay) có bà cụ họ Lữ, con trai bà làm công sai trong huyện, vì người con không chịu tuân theo lệnh của quan huyện đánh đập những người thiếu thuế nên bị quan huyện giết hại. Sự việc này đã làm dư luận dân chúng hết sức phẫn nộ. Có hơn trăm người nông dân muốn báo thù giúp bà và con trai. Họ cùng nhau giết quan huyện rồi cùng bà chạy đến Hoàng Hải, chờ khi có cơ hội sẽ nổi dậy chống lại triều đình.
Lúc đó, một cuộc khởi nghĩa khác do Phàn Sùng lãnh đạo mấy trăm người chiếm Thái Sơn. Khi bà cụ Lữ chết, những người thuộc đội quân này đã gia nhập đội ngũ của Phàn Sùng. Chưa đầy một năm nghĩa quân đã phát triển tới một vạn người. Quân khởi nghĩa đánh chiếm phủ quan, cướp của cải của nhà địa chủ ở Thanh Châu, Từ Châu. Quân của Phàn Sùng rất có kỷ luật, quy định ai giết dân sẽ bị tử hình, ai làm hại đến dân sẽ bị trừng phạt. Vì thế, họ rất được dân chúng ủng hộ.
Năm 22, Vương Mãng cử đại sư Vương Khuông (không phải Vương Khuông trong quân khởi nghĩa Lục Lâm) và tướng quân Liêm Đan mang mười vạn quân đi đàn áp quân khởi nghĩa Phàn Sùng. Phàn Sùng đã có chuẩn bị từ trước, chấp nhận giao chiến với quân triều đình. Để phòng nhầm lẫn giữa quân của hai bên, Phàn Sùng cho quân của mình tô đỏ lông mày. Do đó, quân khởi nghĩa của Phàn Sùng có tên “quân Xích Mi”. Sau những trận giao chiến, quân triều đình thua trận, bỏ chạy đến quá nửa. Vương Khuông bị Phàn Sùng đâm bị thương vào chân, phải bỏ chạy, tướng quân Liêm Đan cũng bị giết trong đám loạn quân. Quân Xích Mi càng đánh càng mạnh, phát triển đến hơn mười vạn người.
Tin về hai đội quân khởi nghĩa ở phía đông và phía nam truyền đi, nông dân các nơi khác cũng nổi dậy. Trên bình nguyên hai bờ sông Hoàng Hà có tới hơn chục cuộc khởi nghĩa nổ ra. Một số địa chủ, quý tộc và cường hào sa sút cũng nhân đó nổi dậy chống lại Vương Mãng.
Ở làng Thung Lăng, quận Nam Dương (phía đông huyện Táo Dương, Hồ Bắc ngày nay), anh em cường hào Lưu Diễn, Lưu Tú sau khi Vương Mãng phế bỏ hiệu của tông thất triều Hán, không dùng người họ Lưu làm quan, trong lòng oán hận, phát động người trong họ và bè bạn bảy tám nghìn người khởi binh. Họ cùng toán quân Lục Lâm liên kết, đánh bại mấy đại tướng của Vương Mãng, thanh thế ngày càng lớn.
Nhưng quân Lục Lâm chưa có sự chỉ huy thống nhất, Các tướng sĩ đều hiểu người ngựa nhiều phải thống nhất hiệu lệnh. Những người thuộc tầng lớp quý tộc địa chủ cho rằng phải có người họ Lưu làm thủ lĩnh. Người họ Lưu trong quân khởi nghĩa rất đông, nhưng có thể chọn ai? Lính Thung Lăng muốn tôn Lưu Diễn, nhưng lính Tân Thị và Bình Lâm sự Lưu Diễn thế lực quá lớn, muốn lập Lưu Huyền là một quý tộc sa sút làm Hoàng đế.. Lưu Diễn đề xuất sau khi tiêu diệt Vương Mãng, thu phục được quân Xích Mi mới lập Hoàng đế cũng bị phản đối. Lưu Diễn thấy lực lượng của mình chưa đủ mạnh, cũng đành phải đồng ý.
Năm 23, tướng sĩ các toán quân Lục Lâm chính thức lập Lưu Huyền làm Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu triều Hán, niên hiệu Cánh Thủy, nên Lưu Huyền xưng là Cánh Thủy Đế. Cánh Thủy Đế phong Vương Khuông, Vương Phượng làm Thượng công, Lưu Diễn làm Đại Tư đồ, Lưu Tú làm Thái Thường biên tướng quân, các tướng lĩnh khác cũng được phong hiệu. Từ đó trở đi, quân Lục Lâm được gọi là quân Hán.
Chú thích:
- Kinh Châu: Một trong 13 châu do Hán Vũ Đế phân.
- Thái sư: đặt từ thời Tây Chu, đại thần tọng yếu giúp vua.
- Cường hào: người dựa vào tài sản, quyền thế ngưng ngược, không cần pháp luật, phần lớn chiếm nhiều ruộng đất, thu tô của dân cày. Thời Đông Hán, thế lực cường hào rất mạnh.