Năm 361 trước CN, Tần Hiếu Công tại vị. Ông muốn thay đổi bộ mặt của nước Tần, hạ lệnh chiêu nạp hiền tài: “không kể người nước ta cũng được, người nước ngoài cũng được, chỉ cần có biện pháp làm cho nước Tần mạnh lên, sẽ được phong làm đại quan, thưởng cho một nửa đất đai cả nước”.
Vệ Ưởng Tôn, tên là Ưởng, vốn là một quý tộc của nước Vệ sa sút, cho nên người ta gọi ông là Vệ Ưởng. Ông thấy nước Vệ nhỏ yếu, không đủ để phát triển tài năng của mình, bỏ đến nước Ngụy. Lúc đó, ở nước Ngụy cũng có một số môn khách không được trọng dụng. Vệ Ưởng đang lúc bất đắc chí, bỗng nghe Tần Hiếu Công chiêu mộ người tài, quyết tâm rời nước Ngụy tới nước Tần.
Vệ Ưởng tới nước Tần, nhờ người giới thiệu, gặp Hiếu Công, đem đường lối và biện pháp làm cho nước Tần quốc phú binh cường nói cho Hiếu Công nghe. Ông nói:
– Một quốc gia muốn giàu mạnh tất nhiên phải coi trọng sản xuất nông nghiệp, như thế, dân chúng sẽ có ăn có mặc, quân đội mới có đầy đủ lương thảo; để huấn luyện được quân đội, để có binh khỏe ngựa béo, còn phải thưởng phạt công minh, nông dân sản xuất giỏi, tướng sĩ thiện chiến, dũng mãnh đều cần khuyến khích và khen thưởng, với những người sản xuất kém, ra trận sợ chết, phải trừng phạt. Làm như thế, đất nước sao không thể giàu mạnh được?
Hiếu Công nghe rất hứng thú, đến bữa quên cả ăn. Cuối cùng, Hiếu Công quyết định biến pháp, cải cách chế độ cũ, thực hiện pháp lệnh mới theo Vệ Ưởng đề xuất.
Nghe tin này, các đại thần, quý tộc đều cùng nhau phản đối. Không ít đại thần khuyên Hiếu Công phải thận trọng, không thể nghe và tin Vệ Ưởng như thế. Hiếu Công trong lòng rất tán thành chủ trương của Vệ Ưởng, nhận thấy không biến pháp thì không thể đưa nước Tần giàu mạnh lên, nhưng thấy số người phản đối rất nhiều, lại thấy khó khăn, liền triệu tập các đại thần để họ cùng thảo luận cái lợi hay cái hại của biến pháp.
Cam Long là nhân vật chủ yếu phản đối biến pháp, ông ta nói:
– Chế độ ngày nay là do tổ tông truyền lại, quan lại thực hiện đã quen, dân chúng cũng đã thành tập quán, không thay được! Thay đổi sẽ loạn!
Vệ Ưởng phản bác:
– Từ cổ đến nay, pháp và lễ không nhất thành bất biến, chỉ cần có lợi cho đất nước, thay đổi cổ pháp, cựu lễ có gì là sai?
Vệ Ưởng kể ra những sự thực từ cổ đến nay, nói rõ sự cần thiết phải biến pháp, khiến cho các đại thần này không thể nói thêm gì nữa.
Hiếu Công nghe Vệ Ưởng nói, gật gù, thấy các đại thần phản đối biến pháp đều bị bác bỏ, rất vui, nói với Vệ Ưởng:
– Tiên sinh nói rất đúng, tân pháp không thể không thực hiện.
Nói rồi, phong cho Vệ Ưởng chức Tả thứ trưởng (1), giao cho ông đại quyền thực hiện tân pháp lệnh, để ông đem phương án biến pháp chế định. Rồi vua tuyên bố:
– Ai còn phản đối biến pháp, sẽ trị tội người ấy.
Nghe thế, các đại thần không còn ai dám hé răng.
Vệ Ưởng rất nhanh chóng chế định các phương án biến pháp. Hiếu Công hoàn toàn đồng ý. Vệ Ưởng sợ pháp lệnh mới chưa có uy tín, dân chúng chưa tin, thực hành không nghiêm, ông có cách: Cho người dựng ở cửa phía nam thành một cây gỗ dài ba trượng, bên cạnh, dán một cáo thị: “Ai mang được cây gỗ này tới cửa Bắc thành, thưởng cho người ấy mười lạng vàng”.
Không lâu sau, xung quanh cây gỗ đông đặc những người. Mọi người trong lòng nghi ngờ, thì thầm:
– Cây gỗ nặng không quá trăm cân, khiêng đi đâu có khó khăn gì lắm, sao lại thưởng nhiều vàng như thế? Hay là có cái bẫy gì chăng?
Kết quả là không có ai dám mang. Vệ Ưởng thấy không ai khiêng, nâng phần thưởng lên năm mươi lạng. Mọi người lại càng nghi ngờ, không biết trong cái “túi hồ lô” của vị Tả thứ trưởng này đựng thứ thuốc gì?
Nhưng có một người đàn ông to khỏe rẽ đám đông, bước lên phía trước, nói:
– Tôi sẽ thử xem!
Rồi vác cây gỗ đi.
Rất nhiều người ồn ào nhìn theo, còn hiếu kỳ đi theo đến cửa Bắc thành. Tới nơi, đã thấy quan Tả thứ trưởng chờ ở đó. Ông khen ngợi người đàn ông:
– Tốt, anh đã tin và thực hện mệnh lệnh của ta, đúng là một người dân tốt!
Sau đó, đem năm mươi lạng vàng đã chuẩn bị sẵn thưởng cho người ấy. Sự việc rất nhanh chóng được truyền đi. Mọi người đều nói với nhau:
– Tả thứ trưởng nói sau khi đã tính toán kỹ, đã nói là làm. Mệnh lệnh của ông ấy không phải là lời nói tùy hứng.
Năm 356 trước CN, Tân pháp lệnh của Vệ Ưởng được công bố. Nội dung chủ yếu của nó có:
Thứ nhất, tăng cường trị an xã hội. Thực hành “liên tọa pháp”, tổ chức lại dân chúng, năm nhà phiên chế thành một “ngũ”, mười nhà thành một “thập”, đảm bảo tương hỗ, giám sát lẫn nhau. Một nhà phạm tội, chin nhà phải tố giác, nếu không cả mười nhà đều bị tội. Người tố giác hay người giết được kẻ địch đều được thưởng, che giấu kẻ xấu hay đầu hàng kẻ địch bị trừng phạt như nhau. Đi ra ngoài, phải mang theo bằng chứng, không có bằng chứng không cho ngủ lại.
Thứ hai, khuyến khích phát triển sản xuất. Dân chúng nỗ lực sản xuất, lương thực, vải vóc làm rất nhiều, có thể được miễn trừ lao dịch cho cả nhà; lười biếng, trễ nải nghề nông và thương nghiệp, vợ và con gái phải hàu hạ nhà quan. Gia đình có từ hai con trở lên, người thành niên, phải chia tách gia đình (phân gia), mỗi người phải nộp thuế, nếu không sẽ phải nộp hai suất thuế.
Thứ ba, khuyến khích giết giặc lập công. Quan chức lớn nhỏ đều lây tiêu chuẩn lập công lớn nhỏ trong quân sự. Công lao lớn được phong quan tước cao; xe cộ. quần áo, ruộng đất, nhà cửa, nô tì, ban thưởng cũng tùy vào công lao lớn nhỏ mà định: trong quân sự chưa có công lao thì dù có tiền cũng không thể có cuộc sống xa xỉ, dù là quý tộc cũng chỉ được đãi ngộ cuộc sống của bình dân.
Pháp lệnh mới chỉ vừa thực hiện đã gặp nhiều trở lực. Một số quý tộc, tôn thất không lập công không thể có quan tước, chỉ được đãi ngộ cuộc sống bình dân bị mất nhiều đặc quyền, sau khi thực hiện pháp lệnh không thể làm theo ý muốn nên điên cuồng công kích. Sau đó, thái tử cũng phản đối tân pháp, đồng thời, cố ý phạm pháp,. Vệ Ưởng không tiện trừng trị thái tử, đưa thầy của thái tử ra trị tội. Việc này chính là mầm tai họa của Vệ Ưởng sau này.
Mấy năm sau, nước Tần giàu mạnh lên. Nông dân đều nỗ lực sản xuất để mong tân pháp miễn trừ lao dịch; binh sĩ đều dũng cảm giết giặc mong được thăng quan, tăng cấp.
Hiếu Công thấy tân pháp lệnh của Vệ Ưởng chế định có hiệu quả rõ rệt, liền thăng cho ông làm Đại lương tạo (2). Đồng thời cử ông mang quân đi đánh nước Ngụy. Vốn nước Ngụy vô cùng giàu mạnh, đến lúc này đã suy yếu, không còn là đối thủ của nước Tần, sau đó kinh đô An Ấp (nay ở gần huyện Hạ, Sơn Tây) cũng bị quân Tần đánh chiếm. Ngụy đành phải xin hòa với Tần. Vệ Ưởng chiến thắng trở về.
Tiếp đó, trong nước lại có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện tân pháp lệnh. Chủ yếu là: kinh đô từ Ung Thành (nay là huyện Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây) dời đến Hàm Dương ở phía đông để tiện phát triển về Trung Nguyên, chia cả nước thành 31 huyện, trung ương trực tiếp cử huyện lệnh, huyện thừa đến cai trị; trị tội huyện quan không xứng đáng, bãi bỏ chế độ tỉnh điền (3), khuyến khích khai hoang, ai khai khẩn được hưởng, cho phép tự do mua bán ruộng đất, thống nhất đơn vị đo lường. Những tiến bộ này có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất. Sau khi tân pháp thực hiện được mười năm, nước Tần trở thành quốc gia hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Tần Hiếu Công vô cùng sung sướng, sau đem đất Thương cùng 15 thành trấn phong cho Vệ Ưởng, biểu thị sự cảm tạ. Từ đó vè sau, người ta gọi Vệ Ưởng là Thương Ưởng.
Qua mấy năm, Tần Hiếu Công bị bệnh chết, thái tử nối ngôi là Tần Huệ Văn Vương. Huệ Văn Vương không quân mối hận với Thương Ưởng, cùng những người phản đối tân pháp bịa đặt tội danh, nói Thương Ưởng âm mưu tạo phản. Thương Ưởng đành phải bỏ trốn, nhưng chạy đâu cho thoát, không có gia đình nào dám chứa chấp ông vì căn cứ vào tân pháp, không được chứa chấp người có thân phận không rõ ràng, nếu không liên tọa phải nhận sự trừng phạt. Thương Ưởng đã tự trói mình, dành thở dài. Không lâu sau, ông bị bắt và đem ra xử “tứ mã phanh thây”.
Chú thích:
Tả thứ trưởng: Tên một tước đời Tần Chiến Quốc, cấp thứ 10 trong 20 bậc. Thứ trưởng ý nói “chúng lệnh chi trưởng”, phong cho người có nhiều quân công đời Tần.
Đại lương đạo: tên một tước, cấp thứ 16 trong 20 bậc, là tước vị của quý tộc cao cấp, thường phong cho người lập rất kế sách cho nhà vua và chỉ huy quân tác chiến.
Tỉnh điền: chế độ ruộng đất ở thời Thương, Chu. Do việc chia phần đất như hình chữ “tỉnh” mà thành tên.
Tứ mã phanh thấy: một hình phạt thời cổ đại, đem chân tay phạm nhân buộc vào bốn cỗ xe ngựa, sau đó cho ngựa kéo về bốn hướng, người bị xé thành nhiều mảnh.