Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là hai vị tướng nổi tiếng thời Chiến Quốc, họ vốn là bạn học, học tập binh pháp của Quỷ Cốc Tử (1). Nghe nói Tôn Tẫn là đời sau của đại tướng Tôn Vũ nước Ngô, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Tôn Tử binh pháp”, tài năng trên Bàng Quyên.

Bàng Quyên ở nước Ngụy, làm tướng quân của Ngụy Huệ Vương (2). Ông ghen ghét tài năng của Tôn Tẫn cao hơn mình, lừa Tôn Tẫn tới nước Ngụy, vu cho Tôn Tẫn làm phản, khép Tôn Tẫn vào tội “tẫn” (3), thích chữ vào mặt, muốn Tôn Tẫn đến chỗ chết. Tôn Tẫn tóc tai rũ rượi, giả điên giả dại, nhét cả phân lợn vào miệng mới qua được lúc khó khăn. Từ đó Tôn Tẫn lưu lạc đầu đường góc phố.

Sứ giả của nước Tề đến nước Ngụy, Tôn Tẫn kín đáo tìm gặp. Sứ giả nước Tề biết đây là người tài năng, bèn đem giấu ông trong xe ngựa, bí mật đưa ông về nước Tề.

Tề Uy Vương gặp Tôn Tẫn, cho rằng được gặp gỡ quá muộn, lập tức phong cho Tôn Tẫn một chức quan. Tôn Tẫn nói:

– Tôi một chút công lao cũng không có, sao dám nhận chức tước? Rồi Bàng Quyên khi biết tin tôi đến nước Tề, lại ghen ghét. Chi bằng tôi không lộ mặt, khi nào đại vương cần đến tôi, tôi nhất định sẽ hết sức.

Tề Uy Vương đồng ý.

Mấy năm sau, Ngụy Huệ Vương cử Bàng Quyên đi đánh nước Triệu. Được mấy trận, sức quân Triệu không thể chống đỡ, liền cầu cứu quân Tề. Tề Uy Vương cử Điền Kỵ làm chủ tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, ngồi trên một cỗ xe, làm công việc tham mưu. Điền Kỵ đưa quân tới nơi quân Triệu đang bị vây, Tôn Tẫn nói:

– Cho người can ngăn chỉ có thể ở bên mà khuyên giải, không thể vung nắm đấm để giải quyết. Nếu chúng ta biến thực thành hư, tình hình sẽ lập tức thay đổi, vấn đề tự nhiên sẽ như chẻ tre. Hiện nay quân Ngụy đang mang quân đánh nước Triệu, quân đội tinh nhuệ nhất định đang ở cả bên ngoài, ở trong nước chỉ còn lại quân già yếu, nếu ngài nhanh chóng mang quân đánh vào kinh đô Đại Lương của nước Ngụy, chiếm đường giao thông quan trọng, đánh vào những nơi họ phòng thủ trống trải, nhất định họ sẽ phải rút quân từ nước Triệu về cứu viện. Lúc ấy, chúng ta sẽ có thể làm một việc được nhiều đích: giải vây cho nước Triệu, lại khiến quân Ngụy mỏi mệt vì di chuyển, có thể thừa thế để công kích.

Điền Kỵ nghe theo kế sách này, quân Ngụy quả  nhiên bỏ kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, liều mạng quay về. Điền Kỵ giữa đường đánh chặn quân Ngụy, khiến quân Ngụy tan tác như hoa trôi giữa dòng. Đây chính là câu chuyện “vây Ngụy cứu Triệu”.

Hơn mười năm sau, Bàng Quyên mang quân Ngụy đánh nước Hàn. Quân Ngụy đánh đâu thắng đấy, chẳng mấy chốc đã đánh đến kinh đô của nước Hàn. Nước Hàn cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương lại cử Tôn Tẫn làm quân sư, đưa quân đi cứu Hàn. Tôn Tẫn lại dùng mưu kế cũ, không trực tiếp đi cứu Hàn mà đem đại quân tiến công nước Triệu. Bàng Quyên biết quân Tề đem quân đánh Ngụy, vội mang quân về cứu. Đâu ngờ, đại quân người ngựa mới về đến biên giới nước Ngụy quân Tề đã rút lui. Bàng Quyên tức giận cho quân đuổi theo, quyết một trận sống mái với quân Tề. Bàng Quyên lệnh cho quân Ngụy ngày đêm tiến gấp, đuổi đến Mã Lăng của Hà Bắc.

Mã Lăng địa thế hiểm yếu, núi cao suối sâu. Nửa đêm trời tối như mực, quân Ngụy chậm chạp tiến trên đường núi. Bỗng nhiên có lính cấp báo:

– Con đường trước mặt đã bị quân Tề dùng gỗ và đá lấp kín.

Bàng Quyên nghiến răng hạ lệnh:

– Dẹp bỏ chướng ngại, đêm nay nhất định phải đuổi được quân Tề.

Bàng Quyên đang đích thân chỉ huy quân lính dọn sạch gỗ đá, bỗng chú ý thấy cây cối ở hai bên Mã Lăng đều bị chặt hết, thỉnh thoảng mới thấy còn lại một cây lớn, ông ta thấy rất lạ, tới nơi xem xét. Thấy trên một cây lớn, vỏ cây bị bạt đi, có một hàng chữ mờ mờ. Bàng Quyên lệnh cho quân sĩ đốt đuốc lên soi, chỉ thấy hàng chữ lớn: “Bàng Quyên chết dưới cây này!” Bàng Quyên kêu lên một tiếng, đang định lên ngựa, hai bên núi tên bắn như mưa. Trong chớp mắt, Bàng Quyên và tướng sĩ trúng tên mà chết.

Quân Tề xông xuống núi, dũng mãnh vô song, không gì chống nổi. Quân Ngụy bị đánh, người ngựa tan tác, máu chảy thành sông, toàn quân bị tiêu diệt.

Sau trận này, dũng khí của quân Ngụy không còn, vua Ngụy phải xin cầu hòa với nước Tề. Tề Uy Vương rất vui vẻ, thưởng lớn cho Tôn Tẫn. Tôn Tẫn không muốn nhận thưởng. Ông đích thân viết “Binh pháp Tôn Tẫn” dâng lên Tề Uy Vương, sau đó từ quân về ở ẩn.

 

Chú thích:

Quỷ Cốc Tử: cũng gọi Quỷ Cốc tiên sinh, người thời Chiến Quốc, ở Quỷ Cốc, do đó thành tên, tương truyền là thầy của Tô Tần, Trương Nghi, ông tổ của Tung hoành gia, truyền lại có “Quỷ Cốc tử” (3 quyển).

Ngụy Huệ Vương: tức Lương Huệ Vương, làm vua 369 – 319 trước CN, con của Ngụy Vũ Hầu. Năm 361 trước CN, dời đô từ An Ấp về Đại Lương, từng đào kênh Hồng, xây dựng phía tây Trường thành. Năm 334 trước CN, hội kiến với Tề Uy Vương ở Từ Châu, cùng tôn nhau làm vương, sử gọi là “Từ Châu tương vương”. Sau nhiều lần bị Tần tiến công, thế nước ngày càng suy.

Tẫn hình là một hình phạt thời cổ, tức cắt xương bánh chè, khiến người chịu tội không thể đi đứng được.

Tôn Tẫn binh pháp: còn gọi “Tề tôn tử”. Năm 1972, ở núi Giám Nghi, Ngân Tước, Sơn Đôngkhai quật mộ thời Tây Hán, có thẻ trúc, sau khi chỉnh lý có ba mươi chương. Cuốn sách này bao gồm những trận đánh ddienr hình, quan điểm về chiến tranh, tư tưởng chỉ đạo chiến tranh, tư tưởng trị quân, vận dụng chiến thuật… có giá trị học thuật lớn. 

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin cám ơn rất nhiều ! đã đọc được mạng nầy trên online. giúp nhớ lại những sách truyện ngày xưa,

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here