Bộ Giáo dục nắm rất vững quy trình chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp PTTH hàng năm. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ đã tổ chức họp báo.
Về kỷ luật kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng “ý thức chấp hành quy chế của thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi tiếp tục được nâng cao. Cả nước, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 11, không có giám thị vi phạm quy chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như một số cán bộ, giáo viên còn chưa thực hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ coi thi và có biểu hiện thiếu sâu sát trong khi làm nhiệm vụ. Tại một số HĐCT, việc phân công nhiệm vụ cán bộ coi thi, bố trí phòng thi đối với các môn có ít thí sinh dự thi chưa thực sự khoa học”. Nghe những lời tổng kết không kém phần chính xác và đầy đủ cả ưu và khuyết điểm, nếu đọc kỹ Quy chế kỳ thi đặc biệt phần Khen thưởng và kỷ luật, ai cũng có thể hiểu, kỳ thi đã diễn ra quá nghiêm túc. Trong tổng số 910.831 học sinh dự thi mà chỉ có 11 học sinh vi phạm kỷ luật bị đình chỉ thi thật là một con số quá nhỏ nhoi, hoàn toàn không đáng kể.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng: “Cho đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi”
Và tất nhiên, với đánh giá không chỉ định tính mà còn định lượng, trước công luận, Quý Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Không biết trước sự nghiêm túc hiếm có của kỳ thi Bộ Giáo dục có nên lập hồ sơ để ghi tên vào kỷ lục Ghi-net?
Hơn chục ngày sau, kết quả kỳ thi được công bố trên các phương tiện truyền thông. Trên trang FB cá nhân, một ông Hiệu trưởng ở Hà Nội đã có thông tin kết quả mỹ mãn của kỳ thi nhưng cũng không giấu nổi thái độ giễu cợt: “Năm nay Hà Nội có 92 trường đỗ 100%, năm ngoái đâu chỉ chưa đến 30 trường, những năm trước còn ít nữa. Được cái là năm sau cao hơn năm trước, phù hợp với sự đi lên của giáo dục trong cả nước!”
VnExpress cũng đưa tin: “Hàng loạt tỉnh thành đã lần lượt công bố tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, hầu hết các tỉnh đều có tỉ lệ tốt nghiệp tăng so với năm trước, trong đó có những tỉnh tăng từ 10-18% ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lai Châu… là những tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ có tỉ lệ tốt nghiệp trên 99%. Lai Châu là một trong những tỉnh vùng sâu, vùng xa ở khu vực phía Bắc, chỉ có trên 2.500 thí sinh dự thi năm nay nhưng cũng là một tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp đứng đầu cả nước với 99,72% hệ THPT và 95,46% hệ GDTX đỗ tốt nghiệp”.
Thực trạng của nền giáo dục ở nước ta hiện ra sao chắc ít người lạ, nên thi cử nghiêm túc như thế mà kết quả lại “cao ngất trời xanh” chỉ khiến nhiều người, nhất là những người thầy có lòng tự trọng phải xấu hổ. Ngay sau kỳ thi, những phóng sự, những clip, những bức ảnh đã được công bố để phủ nhận nhận xét của Bộ Giáo dục về tình trạng nghiêm túc trong kỳ thi.
Không học Liên đoàn bóng đá Việt Nam hỏi lại một cách đắc ý “chứng cứ đâu?” để bịt miệng mỗi khi có ý kiến chỉ trích những tiêu cực trong các giải bóng đá trong nước, Bộ Giáo dục đã có những cách giải đáp “sáng tạo” hơn nhiều. Trước tình trạng phao thi xả trắng xóa sân trường sau mỗi buổi thi, Bộ cho rằng đó là những tờ giấy nhằm mục đích tiếp thị của các công ty hay các trung tâm luyện thi. Ngay trước những chứng cớ rõ ràng như clip mà thầy Đỗ Việt Khoa đã ghi lại được ở trường PTTH Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Thứ trưởng của Bộ cũng đã không ngại ngần cho rằng đó là hiện tượng bình thường. Xin mời các bạn xem những bức hình thầy Khoa đã công bố để xem hành vi của các thí sinh trong ảnh có thể coi là bình thường không trong một kỳ thi. Nó có thể bình thường với đông đảo học sinh ngày nay khi nền giáo dục đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nếu nó lại bình thường với một người có trọng trách trong ngành giáo dục, có thể thấy cái ngành vẫn được coi là quốc sách hàng đầu của đất nước, cái nghề vẫn được coi là vinh quang hơn cả trong những nghề cao quý đã bước vào hồi mạt hạng.
Trước thực trạng gian dối tràn lan và triền miên trong ngành giáo dục nói chung và trong các kỳ thi đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp PTTH nói riêng, đã có nhiều ý kiến đòi hỏi bãi bỏ kỳ thi này. Số người đòi hỏi do thiếu hiểu biết về sự cần thiết của kỳ thi chắc cũng có nhưng không phải là số đông. Hầu hết những ý kiến đòi hỏi cũng không phải chỉ vì kỳ thi đã tiêu tốn những khoản tiền quá lớn mà đem lại những kết quả không tương xứng. Rất nhiều người có ý kiến nên bãi bỏ kỳ thi này chủ yếu vì nếu cứ để tình trạng gian lận như hiện nay, chẳng khác nào Bộ Giáo dục đã mặc nhiên công nhận gian lận là một biểu hiện bình thường không thể thiếu, quay cóp là độc quyền của thí sinh trong thi cử ở nước ta, dối trá là một “đặc sản” của giáo dục Việt Nam, hoàn toàn đi ngược lại với những chuẩn mực của các nền giáo dục văn minh, tiến bộ trên thế giới từ nhiều nghìn năm nay từ khi nó mới ra đời.
Chẳng lẽ sắp bước vào cải cách giáo dục, với phương châm chú trọng dạy người, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức và điều hành những kỳ thi như thế này? Bộ có ý định dạy cái gì cho con em chúng ta?
Liệu với cách thi cử ấy, chương trình, sách giáo khoa sắp được thay đổi có tác dụng gì trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho các thế hệ học sinh Việt Nam?
Và với cung cách thi cử này, liệu nền giáo dục của chúng ta sẽ đi tới đâu?
Tại sao chia sẽ bài của thầy không được?
Bây giờ không giả dối, thì chỉ mỗi chuyện lo cơm ngày 2 bữa cũng chật vật – bất kỳ ai cứ nghiêm túc xét từ bản thân mình ra sẽ cảm nhận được nhận định này có chính xác hay không.