Thời Ngụy Văn Hầu ở ngôi, nước Ngụy có một nhà chính trị rất nổi tiếng, là Tây Môn Báo. Ông thông minh, tài giỏi, tích cực cùng Lý Khôi vận động cải cách chính trị, rất được Ngụy Văn Hầu tín nhiệm.

Tây Môn Báo về nhậm chức huyện lệnh ở Nghiệp Thành. Khi ông vừa tới Nghiệp Thành, chỉ thấy đồng ruộng bỏ hoang, chợ búa tiêu điều, tất cả đều là cảnh tượng hoang vu, bèn mời các vị phụ lão tới hỏi nguyên do. Vốn ở đây có một dòng sông lớn gọi là sông Chương. Mỗi năm vào mùa hạ, nước lũ cuồn cuộn, nước ngập mênh mông thành tai họa. Ở đây có một truyền thuyết mê tín nói rằng: cai quản sông Chương là thủy thần Hà Bá, hàng năm đều muốn lấy một cô gái đẹp. Nếu gả gái đẹp, thần sẽ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; nếu không theo yêu cầu, thần sẽ nổi giận, nổi sóng, tạo gió, dìm hết nhà cửa, phá hoại hoa màu. Để được Hà Bá phù hộ, hàng năm vào mùa xuân, bà mo lần lượt chọn con gái từng nhà, nộp cho Hà Bá.

Có nhà nào lại muốn đưa con gái mình vào chỗ chết? Vì thế các nhà cứ lần lượt bỏ đi. Cứ thế, người càng ngày càng ít, đất đai trở thành hoang hóa. Thế mà mỗi năm để cho Hà Bá lấy vợ, dân làng phải bỏ ra mấy trăm vạn bạc, số tiền này đều vào túi bọn cường hào trong thôn và bà mo. Tây Môn Báo nghe xong, lòng rất tức giận, ông suy nghĩ rồi nói:

– Khi nào làm việc hỉ cho Hà Bá, cho ta biết, ta cũng sẽ đến chúc mừng Hà Bá.

Đến ngày đưa dâu cho Hà Bá, quan lại các cấp, thân hào các nơi, lý trưởng, nha dịch đều đến, xa gần cũng tới mấy trăm người, không khí rất náo nhiệt. Việc đưa dâu được cử hành rất long trọng. Hôm ấy, Tây Môn Báo cũng tới dự, các quan sứ vội đưa bà mo đến chào. Tây Môn Báo nhìn thấy đó là một bà già đã khoảng bảy mươi tuổi. Hơn hai chục nữ đệ tử trang điểm, cầm cành hoa phấp phới đi sau. Nhìn cảnh đó, Tây Môn Báo rất tức giận, nhưng phải cố nén, nói:

– Bà đồng làm ơn đưa Hà Bá phu nhân lại cho ta xem nào!

Các đệ tử đưa một cô gái nước mắt đầm đìa tới. Tây Môn Báo nhìn rồi nói:

– Hà Bá là quý thần, tìm vợ cho ngài phải là cô gái đặc biệt xinh đẹp, cô này vẻ đẹp thường quá, ta thấy chưa được. Nhờ bà mo vất vả, thay ta tới báo cáo với Hà Bá, nói ta là Huyện lệnh sẽ tìm cho ngài một cô gái có vẻ đẹp khác thường, ngày kia ta sẽ cho đưa tới.

Nói xong, hạ lệnh cho binh lính ôm chặt lấy bà mo, vứt xuống sông.

Người đứng xung quanh ngây ra. Tây Môn Báo không tỏ vẻ xúc động, đứng bên sông ra vẻ chờ đợi. Chờ đến nửa ngày vẫn không thấy động tĩnh gì, mới chậm rãi nói:

– Xem ra bà mo tuổi cao, chậm chạp quá, đi gặp Hà Bá mà nửa ngày rồi chưa thấy trở về. Nhờ các đệ tử đi giục cho nhanh.

Nói xong, ông lệnh cho binh lính mang hai đệ tử     vứt xuống sông. Chỉ thấy hai cô này chới với một lúc rồi không thấy gì nữa. Một lát sau, tỏ ra không thể chờ đợi thêm, Tây Môn Báo nói:

– Thầy mo, đệ tử đều mà nữ, có thể bị coi thường, nhờ các vị thân hào chịu vất vả một chút.

Các thân hào ngày thường vẫn tác oai tác quái, giờ chỉ muốn chạy trốn. Tây Môn Báo quát binh lính lôi mấy vị thân hào vứt xuống sông, còn ông vẫn tỏ ra cung kính chờ đợi hồi âm. Bọn thân hào, quan chức, lý trưởng thất sắc, lo sợ đến lượt mình. Lát sau, Tây Môn Báo lại nói:

– Chắc mấy vị thân hào tuổi đã cao…

Nói chưa dứt lời, mấy quan trẻ tuổi đã run lẩy bẩy, biết số phận đã đến lượt mình, cùng quỳ xuống, dập đầu lạy như tế sao, luôn miệng xin “tha mạng”.

Thấy bộ dạng nhếch nhác, dân chúng được một trận cười. Lúc đó, Tây Môn Báo mới quay lại, nói với mọi người:

– Mọi người xem, nước sông cứ cuồn cuộn chảy, chảy mãi, không ngừng. Hà Bá ở đâu? Họ vô cớ bịa đặt ra chuyện này để bóc lột mọi người, hãm hại phụ nữ, tội lớn vô cùng, thật là hận không thể vứt cả bọn xuống sông.

Một số kẻ biết là có tội, ấp úng, nói:

– Tất cả đều do bà mo cả, xin quan lớn tha tội.

Tây Môn Báo nghiêm khắc cảnh cáo:

– Từ nay về sau, ai còn nói đến việc Hà Bá lấy vợ sẽ cử người ấy làm mối, cho đi gặp Hà Bá.

Sau đó, ông bắt lính trả lại toàn bộ của cải đã bị tước đoạt cho mọi người. Đám đệ tử hầu hạ cho bà mo cũng cho về làm ăn lương thiện. Trò mê tín lấy vợ cho Hà Bá bị dẹp bỏ. Những người chạy trốn cũng dần dần trở về quê hương.

Tây Môn Báo nhận thấy cần phải khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, nếu chỉ bài trừ mê tín thì chưa đủ mà còn phải trừ được lũ lụt, chấn chỉnh thủy lợi. Ông đích thân đi quan sát địa hình, phát động quần chúng xây dựng mười hai con kênh hai bên bờ sông. Như vậy, không chỉ phân được nước lũ, trừ diệt úng ngập mà còn dẫn nước tưới cho ruộng đồng cho người dân canh tác thuận lợi. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here