Hôm nay, trên trang Chúng tôi là giáo viên,  bạn phàn nàn,  bộc lộ sự “uất ức” (chữ bạn dùng)  vì “Trên trang chúng tôi là giáo viên mình cũng đã đọc được rất nhiều bình luận của các bạn có cả trong ngành và ngoài ngành nói những điều mà xúc phạm đến đến nghề giáo nào là “giáo viên ép học sinh học thêm, giáo viên móc tiền từ túi người dân, giáo viên vẽ ra các loại quỹ để thu tiền của học sinh….”..và bạn tự hào vì “giáo viên là những con người đang thầm lặng cống hiến cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước”.

Là một người đã làm nghề dạy học suốt 40 năm, và tới nay vẫn luôn yêu nghề, mình vô cùng thông cảm với những bức xúc của bạn. Nhưng xin  trao đổi với bạn thế này:

  1. Mình thấy trên đời này, không có nghề nào là không cần thiết. Mỗi người một việc, góp phần nhỏ bé của mình phục vụ mọi người (và cũng được người khác phục vụ) để duy trì và thúc đẩy xã hội phát triển. Có người bảo: chỉ một ngày không có người quét rác không biết xã hội sẽ như thế nào? Đúng thế! Nhưng nếu một ngày không có thầy thuốc, một ngày không có thầy giáo, …thì sao? Cho nên đừng bao giờ cho rằng nghề nào là cao quý, nghề nào là quan trọng trừ trường hợp định lừa phỉnh nhau hoặc định “tự sướng”.  Và những người lao động lương thiện trên đời này dù công việc gì cũng đều làm việc một cách thầm lặng. Từ các nhà khoa học với các công trình đoạt giải Nô-ben, những anh lính ngoài đảo xa hay trên biên cương bốn mùa mây phủ, rồi những người công nhân phơi mình dưới cái nắng đổ lửa làm nên những cây cầu, những con đường, … họ đều thầm lặng. Hình như không thầm lặng chỉ có mấy ông làm nghề đánh trống, thổi kèn đám ma.

Khi mới vào nghề, mình vẫn thích “Bài ca sư phạm”, một bài hát của sinh viên Sư phạm vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bài hát có câu:

Giơ bó đuốc xua tan bóng đêm mờ tối

Mở đường người dân đi tới…

Người thầy giáo chỉ làm công việc “giơ bó đuốc” soi đường cho một số người. Còn việc đi tới, họ cần cơm ăn áo mặc, cần những con đường mà họ lựa chọn, cần nghị lực vượt qua khó khăn, cần biết bao thứ khác. Chúng ta chỉ làm được một công việc rất khiêm nhường như thế thôi.

Và cũng không nên quên, chúng ta làm để được trả lương. Các thầy xưa dạy chữ Nho cho các cử nhân, tiến sĩ đều dạy miễn phí, dạy để làm phúc đấy!

  1. Bạn nói rằng rất nhiều giáo viên không dạy thêm, không ép học sinh học thêm, không thu đủ những thứ tiền không tên, …

Bạn nói hoàn toàn không sai. Dạy thêm chỉ là công việc của những giáo viên dạy mấy môn được coi là chính học sinh cần để  thi đại học. Trong một trường, số giáo viên dạy các môn này chiếm bao nhiêu phần trăm? Trong số giáo viên có rất nhiều người dạy các môn như Sử, Địa, Giáo dục công dân, Sinh vật, …không thể dạy thêm, nhưng do họ là người có  tư cách, không ép học sinh đi học thêm bằng đủ mọi “chiêu thức” hay họ không có cơ hội? Nếu có cơ hội, họ có làm những việc có thể gọi là “đồi bại” như thế không? Ban Giám hiệu ra lệnh,  bày đặt ra nhiều việc để thu tiền của học sinh, giáo viên chỉ là người thừa hành. Bạn nói cũng không sai, nhưng giáo viên đã có phản ứng như thế nào, hay cũng chỉ “ngậm miệng…..” vì người thu tiền cũng có một số phần trăm trong đó?

Cũng như nhiều ngành khác, những biểu hiện tiêu cực, những con người hư hỏng, thậm chí bị lưu manh hóa trong ngành ta bây giờ không còn ít đâu bạn ạ. Cả một  bầy đấy. Người ta có phê phán, thậm chí mạt sát cũng không oan đâu. Mình đã  ở trong nghề, không lạ gì! Và chúng ta, mình cũng như bạn không thể vô can.

  1. Nhưng đúng như bạn nói, trong nghề của chúng ta vẫn không hết những người có lương tâm trong sạch, vẫn còn những người toàn tâm toàn ý vì nghề nghiệp. Để không bị đánh đồng vào cái bầy sâu kia, tôi mách bạn một vài cách tôi đã làm khi còn dạy học để bạn tham khảo.

Trước hết, với những người chưa biết bạn làm nghề dạy học, bạn đừng nên lộ bí mật. Khi còn làm nghề, mỗi khi tới ngày lễ tết, người ta hay bày ra việc tặng hoa cho giáo viên. Tất nhiên mình không thể từ chối. Nhưng mình  phải cho người khác bó hoa (những nhân viên trong trường thường không được tặng) hoặc cố ý bỏ quên. Vì nếu  mang theo bó hoa trên đường, sẽ không ít người nhìn theo và trong đó chắc chắc sẽ có những ánh mắt không mấy thiện cảm vì người ta nhớ tới việc con cái  họ phải  chịu đủ mọi tai ương ở trường. Chúng ta bị thiên hạ “chửi” nhiều lắm bạn ạ, ngay cả những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mà hàng ngày họ vẫn chào hỏi, vẫn tặng hoa, tặng quà chúng ta nhân những ngày lễ tết. Chỉ có điều họ nói với nhau mà chúng ta không biết thôi.

Và với một số học sinh của ta, hãy cư xử với họ cho ra cách cư xử của người thầy, đặc biệt đừng bao giờ để cho chuyện tiền bạc xen vào  quan hệ thầy trò. Khi đã để cho học sinh có chút nghi ngờ về sự không minh bạch tiền nong, không gì có thể biện minh được đâu. Cuối năm học, dạy lớp cuối cấp, mình thường được giáo viên chủ nhiệm đưa cho cái phong bì, nói ban phụ huynh bồi dưỡng cho các thầy vì phải vất vả ôn luyện cho học sinh sắp đi thi trong khi thời tiết mùa hè oi bức. Mình cũng không thể không nhận. Nhưng rồi phải mang tới lớp, đưa cho lớp trưởng và nói đại ý: Tôi cám ơn sự quan tâm của cha mẹ các em, nhưng tôi tặng các em để góp vào buổi liên hoan cuối năm. Và mình  giải thích: Tôi  nhận cái phong bì này, quan hệ giữa các em và tôi trong ba năm coi như sụp đổ. Vì nếu trong thời gian hơn một tháng còn lại, khi tôi nhiệt tình giảng dạy, chắc không khỏi có người nghĩ “có cái phong bì có khác”. Ngược lại, một hôm nào đấy, tôi mệt mỏi, giảng dạy không được  tận tâm, chắc cũng sẽ có người nghĩ “ đã có phong bì rồi mà còn thế!” Làm sao  tránh được những sự trục trặc về sức khỏe và tâm lý của mình? Cho nên phải phòng xa.

Người xưa nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Cư xử với họ không dễ đâu bạn ạ.

Và khi đã biết cẩn trọng giữ mình, chắc chắn bạn vẫn có những học trò thực sự ngay cả khi bạn đã về hưu hàng chục năm. Chúng ta sẽ đỡ áy náy rất nhiều mỗi khi nghĩ về nghề.

6 BÌNH LUẬN

  1. Thầy giáo này hay quá. Nói đúng ý tôi, vì tôi cũng từng làm giáo viên. Học sinh quý mình hay không thứ nhất là ở nhân cách, nhì mới đến chuyên môn. Ngoài ra, tuy đồng nghiệp có thể có người không ưa, song cư xử vậy họ vẫn không dám coi thường mình?

  2. Bài viết hay nhưng có đoạn này em chưa đồng ý, tại sao phải sợ lộ bí mật, là giáo viên thì cứ nói là giáo viên và sống chuẩn mực để ít nhất thông báo cho mọi người biết rằng vẫn còn những giáo viên chuẩn mực như thế và để chứng minh với mọi người rằng dù không ép học sinh dạy thêm thì giáo viên vẫn có thể kiếm thêm thu nhập bằng nghề phụ (em từng chạy xe ôm, phụ hồ, đi ship hàng … khi còn đi dạy) và nói thẳng ra luôn tôi là giáo viên, chả có gì phải giấu

  3. Hoàn toàn đúng. Thích câu ” Hình như không thầm lặng chỉ có mấy ông làm nghề đánh trống, thổi kèn đám ma.

  4. Cái cao quý ở mỗi con người là khi đã chọn một nghề nào đó mình phải làm tròn chức phận đã được quy định với nghề, mọi hành vi trái với chức phận ấy không nên và không được phép làm. Nếu cố tình làm sai thì hành động đo đáng bị lên án.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here