1. Nhiều người bảo  dạy học là nghề nhàn nhã. Vì thế, khi lựa chọn nghề nghiệp, con gái thường được cha mẹ khuyên chọn nghề này.

Thực ra, nhàn nhã hay vất vả là do tinh thần thái độ của con người khi hành nghề. 30% công chức “sớm vác ô đi tối vác ô về” thì nghề nào chẳng nhàn nhã, kể cả lính cứu hỏa.

Nghề dạy học tuy mỗi tuần chỉ phải lên lớp một số tiết nhất định, nhưng phải có thời gian làm việc ở nhà. Trước đây, nhà nước quy định giáo viên cấp 3 một tuần phải dạy tối đa 16 tiết là do tính toán, cứ một tiết lên lớp cần 2 giờ làm việc ở nhà để soạn bài, chấm bài. Thế là đủ 48 tiếng đồng hồ, tương đương 6 ngày làm việc của viên chức nhà nước. Bậc lương khởi điểm của giáo viên cấp 3 từ năm 1964 là 55 đ/tháng, một tháng phải dạy hơn 64 tiết nên tiền trả cho một tiết dạy tăng giờ là 0,8 đ. (Trước đó, lương khởi điểm là 65 đ, nhưng bị hạ xuống vì nhà nước bảo huyện ủy viên mới được trả lương cán sự 1,  50 đ/tháng  sao giáo viên lương lại cao thế được?)

(Có điều lạ là từ khi qui định viên chức tuần chỉ làm việc 5 ngày, nghỉ 2 ngày cuối tuần, nhưng quy định số giờ dạy của giáo viên vẫn không hề thay đổi, chẳng lẽ đây là một cách tôn vinh nghề dạy học mà người ta vẫn bảo đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”?)

Nhưng quả thật với sinh viên mới ra trường, dạy những năm đầu tiên, 2 giờ làm việc ở  nhà  hoàn toàn không đủ để soạn bài mới cho một tiết dạy, và bài tập làm văn 2 tiết ở lớp không thể chấm hết trong 4 giờ làm việc ở nhà.

Cho nên, trong những năm mới ra trường, bọn chúng tôi hầu như làm việc suốt ngày và cả các buổi tối. Cũng may, khi ấy chưa có gia đình riêng, những nhu cầu của đời sống ở nơi “khỉ ho cò gáy” cũng không thể có điều kiện thỏa mãn, thời gian chỉ để làm việc hoặc đọc sách. Nhưng đời sống bây giờ đã khác nhiều, các bạn mới ra trường nếu không chuyên tâm, có lòng say mê nghề nghiệp chắc khó làm tốt được công việc.

Đó là chưa nói tới những việc “không tên” luôn nảy sinh. Cái tuổi “nhất quỷ nhì ma…” khiến lớp học luôn có  nhiều chuyện bất ngờ, làm mất không ít thời gian của giáo viên.

Rồi ngoài làm công việc chuyên môn, người giáo viên còn cần có thời gian đọc sách (một việc không thể thiếu của những người được coi là “có học”). Không đọc sách cập nhật với sự phát triển của khoa học, kiến thức sẽ “mòn” dần, thậm chí sẽ lạc hậu với chính ngay học sinh của mình.

Nhiều thầy cô bây giờ ngoài những giờ lên lớp còn đi dạy thêm. Dạy thêm là một công việc phù hợp và có ích cho cả thầy và trò (tôi phân biệt với hành vi “trấn lột” của những kẻ bất lương). Nhưng nếu không biết tiết giảm để có thời gian đọc sách thì cũng nên xem xét lại.

Nhưng nghề dạy học có một thuận lợi là chủ động được thời gian. Ngoài những tiết lên lớp theo thời khóa biểu và một vài buổi họp hành, người giáo viên không cần phải làm việc theo giờ giấc nhất định. Giờ làm việc của mọi người ở cơ quan, anh có thể làm việc nội trợ, đưa đón con đi học, hoặc bất cứ việc gì khác. Thời gian làm việc có thể dành vào buổi tối. Cho nên, phụ nữ làm nghề dạy học có nhiều thuận lợi trong công việc nội trợ và chăm sóc con cái, phù hợp với thiên chức làm vợ, làm mẹ.

     2. Làm nghề nào, làm việc gì cũng đòi hỏi lương tâm. Nhưng có hai nghề, mình cho là đòi hỏi  lương tâm rất cao. Đó là nghề chữa bệnh, chăm lo đến sức khỏe, đến mạng sống và nghề dạy học, nghề chăm lo tới sự hiểu biết, tới cuộc sống tinh thần của con người. Chỉ cần người thầy thuốc bất cẩn một chút, một mạng người sẽ không còn, chỉ cần người thầy giáo thiếu nhậy cảm, một tâm hồn trẻ thơ bị tổn hại và không biết có được hàn gắn không trong cuộc đời của bé. Có lẽ chính vì thế nên người xưa mới gọi những người làm hai nghề này là “thầy”: thầy thuốc và thầy giáo.

Một người thầy thuốc, hết giờ làm việc, vẫn không yên tâm vì  người bệnh, phải quay lại  bệnh viện sau khi đã trở về nhà (khi ấy chưa có điện thọai tiện lợi như hôm nay), một người thầy giáo áy náy vì phát  hiện ra một sơ xuất trong bài giảng, chỉ mong sớm gặp học sinh để “đính chính”, trăn trở vì đã có một ứng xử không thật phù hợp với một học sinh có lỗi, và tìm cách để sửa sai ngay khi có thể… đó chính là biểu hiện của lương tâm, không cần phải chờ khi có “công to việc lớn” gì. Có lương tâm, người thầy sẽ làm tốt mọi chuyện, không cần phải nghe những lời thuyết giảng, không cần phải cam kết, không cần phải có kỷ luật,  không cần phải được biểu dương khen thưởng bằng đủ những cái hão huyền. Người có lương tâm, lỡ có sai sót trong ứng xử với học trò cũng dễ được tha thứ, thông cảm.

Lương tâm không ai không có. Nhưng nếu không biết gìn giữ, cũng như bao cái khác, nó cũng sẽ mai một. Mỗi ngày, nhìn những việc trái lương tâm mà không suy nghĩ, rồi dửng dưng, coi đó không phải việc của  mình, chẳng bao lâu, chính bản thân mình sẽ làm những việc trái lương tâm. Nhiều thầy thuốc để cho người  bệnh chết  vì không có phong bì, vì thiếu tiền viện phí, thầy giáo tìm cách trù úm học sinh không chịu học thêm, để dành kiến thức cho các buổi dạy thêm là những biểu hiện khi lương tâm đang dần trở về số “không”. Kỷ luật nghiêm minh có thể giúp phần nào cho con người, nhưng chỉ có bản thân mình mới giữ và biết được lương tâm của chính mình còn hay mất, còn được bao nhiêu.

Làm xói mòn lương tâm hiệu quả nhất là lòng tham. Mà như nhà văn Nguyễn Khải nói, lòng tham là một trong ba tật xấu không ai không có. Lòng tham lại vô đáy, cho nên trong thời buổi lòng tham đủ loại được “kích cầu” thì lương tâm bị rẻ rúng không phải là chuyện lạ.

Thầy giáo hay thầy thuốc cũng là con người, nên chẳng ai không có  lòng tham.  Lòng tham không thể tiêu diệt, nhưng có thể tiết chế, có  điểm dừng. Người không biết tiết chế lòng tham không nên chọn hai nghề này. Thầy thuốc, thầy giáo muốn giữ được lương tâm tương đối trong sạch để hành nghề cần biết vừa lòng với cuộc sống bình dị, nghĩa là chỉ nên dừng ở mức  “ăn no mặc ấm”. Không có nhu cầu “sành điệu”, không thích “oách” sẽ khiến cho gánh nặng cơm áo nhẹ bớt.

Thích ăn ngon mặc đẹp, thích cửa cao nhà rộng, thích võng lọng nghênh ngang chưa chắc đã là điều xấu, nhưng những ý thích ấy không phù hợp với người làm nghề thầy thuốc và thầy giáo.

Mỗi người có những sở thích khác nhau, có lẽ đó gọi là cái “tạng” của mỗi con  người. Nhiều khi những sở thích này ngoài ảnh hưởng của gia đình, của môi trường sống, do tự rèn luyện còn do Trời phú. Chẳng có sở thích nào là cao quý hay hèn kém. Nhưng rõ ràng mỗi sở thích phù hợp với mỗi nghề trong cuộc sống. Người làm nghề thầy giáo cần sự thầm lặng, cần có đời sống nội tâm, nhu cầu vật chất có thể khiêm nhường nhưng nhu cầu tinh thần, lòng ham hiểu biết  là vô hạn. Có thế mới truyền được ngọn lửa ham học, ham hiểu biết cho học sinh. Làm nghề dạy học mà không ham đọc sách, lười nghĩ suy, luôn bị kích động  bởi  những xu hướng thời thượng, chạy theo những cái hư danh hão huyền làm sao nêu  gương tốt cho lớp trẻ.

Quả là người thầy nhiều khi phải băn khoăn lựa chọn “lương tâm hay lương tháng” trong khi lương tháng không đủ chi những nhu cầu tối thiểu. Để giữ phẩm cách, không hổ thẹn với lương tâm người thầy, nhiều người lựa chọn một nghề khác nghề dạy học để tăng nguồn thu nhập. Tiền bạc kiếm được ít hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn, nhưng lương tâm thanh thản, giữ lấy cái đức, tích phúc cho con cháu về sau. Xem ra, lại “kinh tế” hơn dạy thêm theo kiểu ép buộc.

     3. Trong kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, những truyện có đối tượng bị giễu cợt chê trách là người làm nghề dạy học không ít. Tôi chưa có điều kiện làm thống kê, nhưng có thể nói nó chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong các truyện  như Thầy đồ liếm mật, Thầy đồ ăn vụng chè, Bánh của tao đâu, Đường lên giời,  Để thầy giữ thay,…khuôn mặt của các ông thầy hiện lên khá thảm hại. Nó có cường điệu theo đặc trưng của truyện cười, nhưng trong đó có không ít phần sự thật.

Những người đi học xưa, không ít người xuất thân từ những gia đình chưa có truyền thống học hành. Trừ một số không nhiều thành đạt do sự nỗ lực phi thường, nhiều người “giữa đường đứt gánh” do năng lực có hạn, do khả năng kinh tế của gia đình eo hẹp và nhiều những lý do khác. Những người này rơi  vào địa vị “dở ông dở thằng”, quay về với con trâu cái cày thì tiếc nuối vì dù sao cũng đã có tí chút chữ nghĩa thánh hiền, nhưng tiếp tục “đi lên” thì hết khả năng. Mà thi cử xưa rất chặt chẽ, không thể mua bằng mua chức như bây giờ. Họ chọn công việc dạy học cho những người có nhu cầu để sinh nhai. Thế là thành thầy –  thầy đồ. Một số gia đình phần lớn là nông dân ở các làng quê, cũng gọi là “có chút của ăn của để” muốn cho con cái ngay từ lúc tóc còn để trái đào chút ít chữ nghĩa, mong thoát khỏi kiếp con trâu đi trước, cái cày theo sau, hy vọng  rồi sẽ tới ngày   “vinh quy bái tổ” để bước vào cuộc đời “mũ cao áo dài”, “nghênh ngang võng lọng”.

Thầy dạy học thường được đón về, gia chủ nuôi thầy ăn, ở  hàng ngày, thầy dạy dăm đứa trẻ cùng trong họ tộc. Hàng năm , vào dịp lễ tết hay khi thầy về thăm gia đình, gia chủ đỡ thầy chút ít tiền ăn đường. Cuộc sống  dù có hơn cảnh chân lấm tay bùn nhưng thu nhập còm cõi khiến các thầy không còn giữ được phong thái của người quân tử “thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (ăn không cần no, ở không cần yên) như vẫn  được dạy trong các sách vở thánh hiền. Nhất là khi ăn ở cùng gia đình học trò (xưa không có phòng ở riêng) thầy không tránh khỏi những lúc sơ xuất, cử chỉ hớ hênh, tùy tiện trong sinh hoạt. Thế là các thầy rất dễ trở thành đối tượng cho tiếng cười dân gian.

Nghe những câu chuyện tiếu lâm này, đố ai dám bảo người Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nếu không phải là những người có thói quen nói lấy được, nói mà không cần người nghe phản ứng  thế nào.

Sau khi đã vượt qua trình độ ban đầu, tạm gọi như bây giờ là “đọc thông viết thạo”,  học trò cần “nấu sử xôi kinh” với những người thầy có trình độ cao hơn để được học các loại kinh sách, thơ phú vô cùng  phức tạp. Các thầy dạy lúc này không thể là những người học hành dở dang. Học trò tìm tới các thầy  là các ông Cử, ông Nghè. Có người sau khi đỗ đạt, nối nghiệp gia phong, ở nhà dạy học, bốc thuốc. Có người đã từng làm quan nhưng vì chán cảnh quan trường, cáo quan về quê, nhưng vẫn chưa nguôi mộng giúp đời. Các thầy dạy học không phải vì miếng cơm manh áo mà vì hoài bão cao cả muốn có người nối theo cái chí của mình, muốn làm phúc cho người, muốn để phúc cho con cháu. Gánh nặng cơm áo không đè lên đôi vai của các thầy, đã có gia sản của cha ông để lại, hoặc vợ các thầy  tỏ cái tài tháo vát của các bậc nội tướng trong gia đình gánh đỡ. Các thầy chí thú với việc dạy học và các thú vui tao nhã cầm kỳ thi họa. Học trò hoàn toàn không phải nộp tiền. Chỉ tới ngày lễ tết họ mới có chút quà tỏ lòng kính trọng, biết ơn. Nhờ thầy, họ đỗ đạt, trở thành người giàu sang. Thầy đã đổi đời cho họ. (Mà cà cuộc đời họ chỉ có vài ba người thầy là nhiều). Thế nên mới nói tới công ơn, mới có chuyện “sống tết chết giỗ”. Tất nhiên, số thầy như thế không nhiều. Đó là những người thầy được tôn vinh thành những Chu Văn An,  Nguyễn Bỉnh Khiêm, …mà chúng ta thường ngợi ca.

Thầy giáo của chúng ta  hiện nay có dáng dấp của những ông thầy nói ban đầu. Dạy học để hưởng lương, được gọi bằng “thầy” nhưng năng lực còn nhiều hạn chế (do nguyên nhân chủ và khách quan), lương không đủ sống, khiến các thầy bộc lộ nhiều khiếm khuyết khó chấp nhận về cả tài lẫn đức. Nhưng người  ta (kể cả nhiều thầy) lại cứ muốn học trò biết ơn, ca ngợi như đối với các thầy đã bỏ công dạy dỗ hoàn toàn vì chữ “chí”, chữ “nghĩa”, chữ “phúc”. Bi kịch là ở chỗ ấy!

     4. Xưa, hai nghề bốc thuốc (chữa bệnh) và dạy học thường là cha truyền con nối. Trong những gia đình làm hai nghề này, đứa trẻ mới sinh ra đã chịu ảnh hưởng của ông cha về đủ mọi phương diện. Từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ điệu bộ, tới những hiểu biết, kinh nghiệm, rồi kho tàng tư liệu, bí quyết, …được tiếp thu từ nhỏ. Ngày qua ngày, từng chút từng chút một,  dần nên người. Có nhiều cái như vô hình, khó nói thành lời để dạy bảo, nhưng  “mưa dầm thấm lâu”, bao cốt cách, hiểu biết, sự từng trải của cha ông được truyền cho con cháu mà không có người thầy nào dạy được. Truyền nghề không phải chỉ qua những lời giảng, truyền qua từng miếng cơm ăn, ngụm nước uống. Rồi khi thành thầy thuốc hay thầy giáo, lại tích lũy, tìm tòi, học hỏi để truyền cho thế hệ sau. Cứ thế, xã hội dần có những người thầy vừa có tài, lại vừa có tâm, có đức. Đời nào cũng muốn gìn giữ nếp nhà, giữ và phát huy truyền thống gia đình. Người ta gọi “con nhà nòi” là thế.

Trước những năm 60 của thế kỷ trước, việc chọn nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông tương đối vô tư. Chọn nghề nào thường do ý thích chủ quan,  có thể do năng lực, do truyền thống gia đình. Hoàn toàn không có phong trào hay sức ép. …

Vào năm học lớp cuối cấp, chúng tôi được nhà trường cho đi tham quan một số nơi để có hiểu biết tham khảo trước khi nộp đơn thi tuyển. Lúc ấy, Hà Nội mới có 5 trường đại học, ngoài trường Y thành lập từ đầu thế kỷ, hai trường Tổng hợp và Sư phạm có từ trước, hai trường mới thành lập là Bách khoa và Nông nghiệp. Tới Viện Giải phẫu,  nghe giới thiệu các bộ phận  cơ thể con người qua những cái xác ướp trong bể phooc-môn, nhiều đứa nghe mà không dám nhìn, nên về sau, chỉ những người  có cha mẹ làm trong ngành dám thi vào trường Y để nối nghiệp. Rồi sang Trâu Quỳ, thăm những thửa ruộng thí nghiệm, những khu  chăn nuôi, thấy các kỹ sư nông nghiệp cũng chân lấm tay bùn say sưa trên cánh đồng, trong chuồng trại,  để có thể hình dung phần nào nghề nông. Để có hiểu biết về các ngành nghề do trường Bách khoa đào tạo, chúng tôi được đưa tới các nhà máy trong khu Cao – Xà – Lá (3 nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá mới xây dựng ở khu Thượng Đình) …Còn nghề Sư phạm, chẳng phải đi đâu, những tấm gương sống của các thầy các cô đã  cho chúng tôi những trực quan vô cùng sinh động. Thế là việc lựa chọn nghề nghiệp cũng  có chút ít  hiểu biết tránh được cái mơ hồ, thậm chí ảo tưởng. Mỗi người  lựa chọn đều xuất phát từ những gì mình yêu thích,   không bị chi phối bởi những cái ngoài nghề nghiệp như  số lượng tuyển nhiều hay ít, học xong có việc làm hay không (vì lúc ấy, hầu như không có chuyện sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm, miễn là chấp hành sự phân công). Thậm chí, lương bổng cũng không mấy ai quan tâm, chỉ khi nhận quyết định phân công sau khi tốt nghiệp mới biết mình sẽ được hưởng lương bao nhiêu mỗi tháng. Sự vô tư ấy khiến chúng tôi lựa chọn nghề nghiệp hoàn toàn tự nguyện, điều cần thiết để nuôi dưỡng lòng say mê, điều kiện không thể thiếu  khi hành nghề.

Nhưng từ những năm cuối thập kỷ 60, đời sống kinh tế khó khăn đã khiến học sinh có những tính toán thực dụng khi lựa chọn. Rất nhiều học sinh xin thi vào các trường Thương nghiệp, không được đại học thì trung cấp. Chỉ vì người làm trong ngành thương nghiệp lúc ấy đảm bảo cuộc sống tương đối đầy đủ cho cả gia đình. Ngoài việc được  mua hết các loại tem phiếu còn được đặc cách mua nhiều loại hàng hóa mà người ngoài ngành chỉ có cán bộ cao cấp mới dám nghĩ tới.

Rồi một thời kỳ, học sinh đua nhau thì vào các trường đào tạo công an. Gần đây, các trường ngoại ngữ, các trường thuộc ngành kinh tế, tài chính, …không còn là say mê nữa, phần lớn chỉ còn nghĩ tới khả năng tìm việc và thu nhập cao.

Ngành Sư phạm chỉ được ưu tiên lựa chọn một thời gian ngắn trong thời kỳ theo học không phải đóng học phí. Nhưng thực tế gánh nặng cơm áo của các thầy cô là cái gương nhãn tiền khiến học sinh không mặn mà gì với nghề này khi lựa chọn. Ai cũng biết viên chức nhà nước hưởng lương như nhau, nhưng các ngành, các nghề còn có nhiều khoản thu nhập ngoài lương nhiều hơn cả lương, nghề dạy học thì chẳng có gì. Dần ai cũng thấy không nên đánh đổi khoản tiền học phí trong bốn năm học bằng sự nghèo túng cả đời. Mà chi phí trong những năm học đâu chỉ có tiền học phí. Cho nên trường Sư phạm mặc dù luôn được đề cao nhưng không chọn được nhiều học sinh có năng lực thực sự. Nhiều người vào nghề với những huyễn hoặc nào là  “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, nào là “hy sinh thầm lặng”, nào là “người lái đò chở khách qua sông” để sau đó bị vỡ mộng.  Nhiều người lại chọn nghề  dạy học vì quan niệm đó là công việc phù hợp với phụ nữ, công việc đó có nhiều thời gian dành cho nội trợ và nuôi dạy con cái. Chỉ cần một suất làm việc nhà nước cho có danh phận, còn người chồng tương lai sẽ chịu trách nhiệm về khoản  thu nhập cao, …Không ai nói với những thầy giáo tương lai rằng đó là nghề mà tài giỏi như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phải chấp nhận cuộc sống “Thu ăn măng trúc đông ăn giá” và phải luôn đề cao giá trị tinh thần, luôn tự nhủ “phú quý tựa chiêm bao”. Không ít người khi thi vào các trường sư phạm đã nghĩ tới khoản thu nhập  dạy thêm cao ngất ngưởng của các ông thầy nổi tiếng. Cho nên, trong nhà trường hiện nay, tình trạng   có những  người thất vọng trước thực tại khắc nghiệt, nhiều người làm việc cầm chừng chỉ ở mức không bị phê phán, chờ đến hẹn lại tăng  lương, không ít người tìm mọi cách để dạy thêm, …có tí chức quyền thì tìm đủ mọi cách kiếm chác trên đầu học trò, … không phải là việc lạ. Tất cả đã có tính toán khi lựa chọn nghề nghiệp.

Với những  con người như thế, ngành giáo dục phát triển, có thành tựu mới là chuyện lạ.

Tôi không dám vơ đũa cả nắm. Chỉ mong những hiện tượng tôi nói trên không phải là số đông

     5. Suốt những năm còn đi học, chẳng ai nói với tôi về lòng kính trọng, biết ơn với các thầy cô giáo. Cha mẹ không nói. Nhà trường lại càng không. Nhưng chúng tôi không ai dám có biểu hiện bất kính với các thầy. Vì sự kính trọng với những người nhiều tuổi là phẩm chất đã được dạy dỗ ngay từ khi mới chập chững biết đi. Với xóm giềng, thậm chí với người đi ngoài đường cũng thế. Coi các thầy ngang hàng với cha mẹ, với chú bác cô dì, … sao  không kính trọng được? Mà trước mắt chúng tôi, các thầy cô đều mực thước, đúng đắn, không có gì để đàm tiếu. Còn về lòng biết ơn? Nhà trường và các thầy không bao giờ nói tới (tính khiêm nhường, một phẩm chất không thể thiếu ở những con người tử tế không cho phép người ta tự đề cao mình, càng không bao giờ dám bảo người khác phải hàm ơn mình.. Ngay các bậc sinh thành, có công sinh ra, nuôi dạy  cho ta lớn khôn  nên người cũng có bao giờ nói đến công ơn?) Phải đến khi trưởng thành, nhìn lại những chặng đường mình đã qua, nhìn lại con người mình, mới thấy điều gì mình đã có được do thầy dạy dỗ, phẩm chất nào có được là do noi gương thầy, thói quen nào được thầy dìu dắt.  Lúc ấy, mới thật sự biết ơn. Và cái ơn ấy xuất phát từ đáy thẳm tâm hồn chứ không phải do ai gợi ý, hướng dẫn nên  mãi mãi không quên.

Xưa dân gian đã có câu:

Mỗi người thì có một nghề,

Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.

Ai có nghề đấy, phục vụ lẫn nhau, xã hội là thế. Người nọ mang ơn người kia vì mình có thể  giúp người khác việc này, nhưng đã có rất nhiều người giúp mình trong bao nhu cầu đòi hỏi của     đời sống. Người ta sẽ tự hàm ơn khi được một người giúp đỡ vô tư.

Nhưng bây giờ, người ta hay nói chuyện ơn quá. Làm nghề dạy học, mỗi lần nghe Hiệu trưởng, nghe giáo viên nói đến ơn huệ với học sinh, phát xấu hổ. Trong khi không biết có bao nhiêu phần trăm thầy cô lên lớp chỉ có một việc đọc cho học sinh chép, bài kiểm tra dồn tới cuối học kỳ trả một thể, một tập bài của lớp chỉ chấm trong vòng mươi phút vì chỉ cần nhìn tên học sinh mà cho điểm,…Rồi còn cảnh dùng đủ mọi cách ép học sinh học thêm, …Nhiều cha mẹ học sinh nghe chắc cũng thấy không được thuận tai, nhưng chẳng lẽ con đang học, biết nói làm sao. Đúng là ơn huệ gì đâu! Chẳng qua là ăn lương nhà nước thì phải làm tròn phận sự, mà phải dạy hết sức mình mới xứng. Vì ngoài việc được hưởng đồng lương dù ít ỏi lấy từ tiền thuế của nhân dân, người thầy còn được cha mẹ học sinh “thưa gửi”, đặt toàn bộ niềm tin vì góp vào  tương lai của đứa con họ. Đừng chê lương ít mà tắc trách. Nếu thấy đồng lương rẻ mạt quá, chịu không nổi thì tốt nhất đi tìm việc khác. Làm việc dạy học,   dạy con người ta mà vô trách nhiệm là làm việc hại người trong khi  nhà nào bây giờ cũng chỉ có một hai đứa con, người ta gửi gắm hết hy vọng vào đó. Mỗi khi nghe chuyện nói tới những đứa trẻ vì cha mẹ quá tin vào nhà trường mà hư hỏng hoặc không thể  tiếp tục học lên theo nguyện ước của cha mẹ mà áy náy. Mất của còn làm lại được, cơ hội học hành bị bỏ qua, cuộc đời con người thế là lỡ dở.

Báo chí, truyền thông nói nhiều đến chuyện ơn huệ khiến cho một số người  lầm tưởng việc học sinh và cha mẹ họ phải quà cáp, thăm viếng mình là chuyện tất yếu, là trách nhiệm của họ, còn mình thì cứ nghiễm nhiên “tọa hưởng kỳ thành”. Cô giáo thì bóng gió chỉ thích “hoa đồng tiền”, có thầy nói thẳng “cứ phong bì cho tiện”. Ngày lễ ngày Tết mà không có cái phong bì thì “mặt nặng mày nhẹ”, “đá thúng đụng nia” với học sinh. Cho nên, có những cha mẹ học sinh, khi con đang học thì quà cáp ngày lễ ngày tết chu đáo, đầy đủ, thậm chí trên mức bình thường, nhưng chỉ cần con ra khỏi trường là nhìn thấy thầy, cả cha mẹ lẫn con cái đều ngảnh mặt đi. Họ coi thường, thậm chí họ có khinh cũng là điều không lạ. Nghĩ đến việc này tôi lại nhớ đến nhân vật anh cu Lộ trong truyện ngắn “Tư cách mõ” của Nam Cao.

 

 

9 BÌNH LUẬN

  1. Hơn 40 năm theo đuổi nghề giáo, mình nghiệm thấy hai điều :
    – Một là, nghề giáo cho ta nhận biết đâu là ĐIỂM DỪNG cho những ham muốn của mình, kể cả những ham muốn chính đáng.
    – Hai là,càng có thâm niên trong nghề, càng nhận thấy nghề dạy học là rất khó.
    Vì thế, mình rất hoan nghênh bài viết của ông Giao.

  2. “Thích ăn ngon mặc đẹp, thích cửa cao nhà rộng, thích võng lọng nghênh ngang chưa chắc đã là điều xấu, nhưng những ý thích ấy không phù hợp với người làm nghề thầy thuốc và thầy giáo.”
    “Đừng chê lương ít mà tắc trách. Nếu thấy đồng lương rẻ mạt quá, chịu không nổi thì tốt nhất đi tìm việc khác.”
    Lại được “tìm thấy mình” trong bài viết này. Cảm ơn Thầy Giao

  3. Một hôm mình đi chợ, và nghe hai bà bán hàng hỏi nhau đã chuẩn bị tiền đám giỗ cho mấy ông thầy bà cô chưa, chợt thấy mắc cở, từ đó mình dị ứng với ngày 20/11. Trong ngày 20/11 mấy em học trò cũ 20,30 năm về trước ghé lại thăm thầy, thì mình lại cảm thấy ấm áp vô cùng. Ngày xưa đi học, đâu có ngày 20/11 nhưng học trò luôn kính trọng thầy cô, mặc dù không tránh khỏi những trò nghịch ngợm chọc phá thầy cô, nhưng nói chung trong con mắt học trò lúc đó thầy cô vẫn là những hình mẫu đáng tôn kính, đáng ngưỡng mộ.

  4. Họ có được phụ huynh, học sinh và xã hội đối xử ra gì đâu mà chẳng chán…nhớ năm 1984 đi mua thịt lợn theo tem phiếu về cho vợ và con (vợ GV) đến cửa hàng thực phẩm thấy ghi hàng chữ to tổ bố trên bảng đen treo trước cửa hàng: “Hôm nay phân phối thịt lợn loại ba (tai mũi họng), đối tượng phân phối từ giáo viên trở lên”. Khốn nạn cho giáo viên …đã bị người ta xếp xuống đáy xã hội đương thời..

  5. Cháu rất tâm đắc với bài viết này của bác ạ. Nghề giáo ở đâu cũng được coi trọng, vì nhà giáo được coi là chuẩn mực về đạo đức. Nhưng nghề nào, dù là thủ tướng hay lao công cũng đều cần thiết cho xã hội như nhau. Điều quan trọng không phải anh làm nghề gì, mà là anh làm nghề đó như thế nào.

  6. Ở nước ngoài người ta không chú ý nhiều đến việc dạy trẻ phải biết ơn nhiều thứ như ở ta.Như biết ơn nguời nông dân đã làm ra luá gạo, biết ơn anh bộ đội, bác công nhân, thầy cô giáo, bác sĩ….Nguời làm nghề đổ rác, đưa thư ở Đức , dịp Giáng sinh thường được tặng quà từ các hộ gia đình. Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào.Mỗi nguời chỉ lo làm tốt phận sự của mình trong công việc thôi. Không ai phải chịu ơn ai

  7. Thầy nói rất phải. Cao quý hay ko là do trinh độ và lương tâm làm nghề của mình. Thầy mà dốt thi chả bao giơ cao quý được

  8. Đúng thế cụ giáo!
    Chỉ tiếc là 2 cái nghề nầy, giờ lại bị than phiền là “xuống cấp” dữ nhất trong tất cả các nghề – thật đáng buồn!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here