Cuộc sống, chẳng có cái gì toàn có lợi hay toàn có hại. Hầu hết đều có hai mặt. Ngay các loại thuốc chữa bệnh được bao nhiêu các nhà khoa học nghiên cứu cẩn trọng hết năm này sang năm khác ngoài tác dụng chữa bệnh cũng còn có tác dụng phụ, còn phải có chống chỉ định. Một số việc,  có lợi cho người này nhưng lại có hại cho người khác.

Những người có trách nhiệm chắc chắn biết rõ cái lợi của việc thi cử nghiêm túc. Nhưng sao họ không làm? Tôi chắc vì họ thấy nếu làm như thế “lợi bất cập hại”.

1. Cái hại đầu tiên có thể thấy rõ là rất nhiều “con ông cháu cha”, “đàn em” mà  quan chức các cấp  vẫn “o bế” sẽ không thể qua nổi các kỳ thi để có được mảnh bằng hòng chiếm một ghế trong các cơ quan công quyền. Cứ xem bằng cấp bây giờ rẻ như bèo vì thi cử, sát hạch, bảo vệ quá dễ dãi nhưng vẫn không ít quan chức các cấp phải sài bằng giả (Buồn cười là có cả nhiều  vị ở cấp trung ương, làm nhiệm vụ điều hành công việc của cả nước!) Tôi không có điều kiện làm một cuộc điều tra xã hội học nhưng chắc số lượng bị “rơi rụng” qua các kỳ kiểm tra thi cử nghiêm túc sẽ không dưới 30% – 40% như kết quả cuộc một cuộc thi gần đây do Bộ Nội vụ tổ chức. Cứ xem những nghị định, thông tư, của các bộ, ban,  ngành vừa ban hành có thể thấy những tác giả của chúng có thể vượt rào qua những kỳ kiểm tra nghiêm ngặt hay không.

2. Thi cử nghiêm túc sẽ có tác dụng lựa chọn học sinh, sinh viên. Số lượng học sinh sinh viên sẽ giảm nhiều. Các cơ sở đào tạo từ phổ thông đến đại học, cao đẳng sẽ phải đóng cửa không ít. Tiền thuế của nhân dân sẽ được tiết kiệm chi dùng vào những việc khác có lợi cho dân cho nước nhưng rất nhiều người đang ăn theo các cơ sở đào tạo này (từ những cái phong bì lúc xin mở trường, mỗi khi muốn “xé rào”, ngày lễ tết, khi có việc hiếu việc hỉ, …cho đến những buổi dạy với mức thù lao có khi còn hơn cả ở các nước tư bản giãy chết, những chục phần trăm mỗi khi ban phát  những dự án…) sẽ thất thu. Tức là quyền lợi của các nhóm lợi ích trong giáo dục sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Xin nhớ rằng, đối với một số người (“bộ phận không nhỏ” đấy!), đây là những khoản thu duy nhất vô cùng ngoạn mục ngoài đồng lương không đủ sống do nhà nước trả hàng tháng vì họ đâu có tài cán gì để làm thêm các công việc khác nhằm tăng thu nhập. Cả một đống tiền bỏ ra  để giành một cái ghế thế là “hóa vàng” vì chưa kịp thu hồi vốn, nói gì đến lờ lãi!

3. Thi cử nghiêm túc sẽ tạo ra một lớp người có học vấn thật sự. Những người này sẽ có điều kiện để hiểu thế nào là một xã hội công dân, thế nào là dân chủ, là công bằng,…Người ngu dốt thì khó hướng dẫn nhưng dễ cai trị. Còn những người này, vì có hiểu biết thật sự nên ngoài việc có thể đảm đương được nhiều trọng trách góp phần xây dựng đất nước họ còn là những người có nhân cách rất khó “bảo”. Liệu họ có chấp nhận một xã hội như hiện nay đang tồn tại ở nước ta. Người Pháp trước đây đã tự đào mồ chôn mình ở Việt Nam chỉ vì cho có 5% dân được học hành tử tế đấy!

 

Trong 3 bài, tôi đã trình bày những suy nghĩ về sự cần thiết và khả năng để có thể thực hiện những cuộc thi cử nghiêm túc, nhằm  phần nào cải thiện tình hình giáo dục nước nhà đang vô cùng bê bết, gây nên bao thất vọng và xấu hổ cho nhiều người còn có chút tâm huyết và long tự trọng. Mong được nghe ý kiến của nhiều người đặc biệt các quan chức trong ngành giáo dục đào tạo để rộng đường dư luận.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here