Câu hỏi này luôn được đặt ra sau mỗi kỳ thi trước tình cảnh lộn xộn “không còn ra cái thể thống gì” đặc biệt là trong kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học hàng năm.
Sao lại không làm được? Nhà nước ta có đủ mọi thứ trong tay, có pháp luật, cảnh sát, quân đội, nhà tù, muốn điều gì mà không làm được. Nhưng việc tổ chức thi cử nghiêm túc không cần phải huy động các lực lượng “chuyên chính vô sản” như thế. Chỉ cần những người có trách nhiệm có muốn làm hay không mà thôi. Sau đây là một vài biện pháp tôi xin đề xuất.
1. Học trò gian lận trong thi cử vì họ kém quá, bản thân họ không đủ năng lực để làm bài. Vì sao cũng Việt Nam ta, trước đây,. gian lận trong thi cử rất ít, còn nay thì như nấm mọc sau mưa? Chính vì tình trạng học trò ngồi nhầm lớp. Học đến lớp 6 lớp 7 mà vẫn chưa biết đọc, học đến lớp 12 mà một cái hằng đẳng thức đáng nhớ cũng quên, thì làm sao không gian lận!
Cho nên, phải làm sao chấm dứt cảnh ngồi nhầm lớp. Ngay một lúc thì không làm được. Vì cho học sinh ở lại lớp nhiều quá trong một năm sẽ ảnh hưởng đến nhiều chuyện. Nhưng có thể dần dần. Thí dụ trong năm học tới, ngay từ lớp đầu cấp, không cho học sinh yếu kém lên lớp. Chỉ có những học sinh có trình độ trung bình được lên lớp trên. Như vậy, trong 3 năm, các cấp học sẽ không còn học sinh yếu kém. Toàn những học sinh có trình độ trung bình đi thi, họ chẳng cần phải gian lận.
2. Tình trạng gian lận chủ yếu do những người chịu trách nhiệm tổ chức thi cử. Đó là các Hiệu trưởng. Nói thi cử là do Bộ, Sở, tổ chức nhưng thật ra trừ việc ra đề thi, còn lại là do mấy ông Hiệu trưởng. Ngay từ khi ở trường, họ đã biết phẩm chất, năng lực của từng giáo viên để cử đi coi thi, chấm thi. Họ là những người làm Chủ tịch hội đồng coi thi, chấm thi, rọc phách, lên điểm, …, những công việc quyết định sự thành bại của việc thi cử. Người cầm đầu đứng đắn, nghiêm túc, cấp dưới mấy ai dám “bậy bạ”. Nhưng khổ nỗi, tư cách của mấy hôm Hiệu trưởng nay đã xuống cấp một cách ghê gớm. Các ông có thể làm những việc mà người bình thường còn chút liêm sỉ như tôi không dám kể ra đây. Việc gian lận chủ yếu là từ mấy ông này. Làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, ông nào trong tay cũng một “lá sớ” dài loằng ngoằng ghi họ tên, số báo danh, số phòng thi của những thí sinh “cần lưu ý đặc biệt”. (Danh sách này thường do trường sở tại đưa, ông Chủ tịch đã nhận để đổi lấy chuyện “cơm bưng nước rót” và mọi sở thích được thỏa mãn trong mấy ngày ông phải xa gia đình làm nhiệm vụ nơi đất khách. Tất nhiên ông cũng có những cái “sớ” vì những quan hệ riêng tư). Ông “trao đổi” với Thư ký (là người “tâm phúc” do ông chọn lựa) bố trí những người có thể tin cậy vào coi ở những phòng thi ấy. Thế là ông “đầu têu” cho các giám thị khác làm những điều khuất tất. Một khi người coi thi đã dễ dãi với những thí sinh trong diện đặc biệt ấy thì sao còn nghiêm túc được với những thí sinh khác? Phòng thi như cái chợ là vì thế. Nhân dân không cam chịu bất công. Những người không thể nhờ vả được các thầy đã tự phát dấy lên phong trào “toàn dân đi thi” để gọi loa, trèo tường vào ném bài cho con em. Thế là cả trường thi như cái chợ. Ai cũng biết, gian lận ở khâu coi thi là dễ dàng hơn cả. Còn rọc phách, chấm thi, lên điểm, … mỗi việc có những cách gian lận riêng. “Anh hùng nhất khoảnh” mà!
3. Thực hiện kỷ luật nghiêm với những sai phạm. Nghiệp vụ thi cử được quy định khá chặt chẽ để có thể tìm được người phạm lỗi trong cả một chuỗi công việc khi làm nhiệm vụ coi, chấm thi. Hai bài thi giống nhau ở những cái sai, giống nhau ở cả đoạn dài, …có thể truy tìm nguyên nhân. Một học sinh kém mà đỗ điểm cao, cũng có thể tìm được nguyên nhân. Tất nhiên phải mất thời gian. Nhưng nếu tìm được nguyên nhân và kỷ luật thích đáng người phạm lỗi dù vô tình hay cố ý (kỷ luật thích đáng như hạ bậc lương, đuổi việc, … chứ không thể chỉ khiển trách với cảnh cáo như bây giờ, đó chỉ là kỷ luật cho có vì sợ “dứt dây động rừng) sẽ có tác dụng răn đe rất lớn.
Tôi không dám khẳng định trên đây là tất cả những gì có thể làm. Nhưng điều quan trọng là có muốn làm hay không. Nếu không muốn làm vì bất cứ lý do gì, tốt nhất hãy bỏ cái kỳ thi đầy tai tiếng này đi, vừa tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, vừa tránh được một vết nhơ cho nền giáo dục của chúng ta vốn đã có khuôn mặt không mấy sáng sủa.
“Chỉ cần những người có trách nhiệm có muốn làm hay không mà thôi”. Không những trong việc thi cử, mà cả việc chống tham nhũng cũng thế. Chỉ cần những người có trách nhiệm có thật muốn làm không hay thôi.
Thành phố HN ách tắc giao thông cũng không khó giải quyết, chỉ cần người có trách nhiệm muốn làm và công tâm.
Tính trạng xây dựng lộn xộn trong HN cũng không khó giải quyết, chỉ cần người có trách nhiệm muốn làm và công tâm.
…