Kháng chiến toàn quốc 1946, gia đình tôi về quê nội (Làng Phượng Dực, huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội). Sau đó, trong mấy năm cứ chạy quanh chạy quẩn, khi thì Nhật Tựu, lúc thì Tùng Quan, Chợ Đại, … đều là vùng Hà Nam quanh quê tôi.
Bố vốn là viên chức, bây giờ để kiếm sống, lúc thì chữa xe đạp cùng với bác Bào bên họ ngoại, khi thì cùng với bác Cả mở hàng ăn. Mẹ thì bán vải ở chợ Đại cùng với bà ngoại, cô Dung. Đến năm 1950, Pháp đã hoàn thành việc chiếm đóng vùng đồng bằng. Nhiều người đi tản cư với ý nghĩ chắc chỉ dăm bữa nửa tháng đã quay về Hà Nội (lúc ấy gọi là “dinh tê”). Những ai không muốn sống trong vùng Pháp kiểm soát chỉ có thể chọn một trong hai hướng. Hoặc là vào vùng Thanh Hóa, Nghệ An, hoăc là lên Việt Bắc. Gia đình bên ngoại tôi vốn có lòng yêu nước ghét Pháp. Từ trước năm 1945, ông ngoại đã tham gia những hoạt động mang tính chất tiến bộ ở làng; Cô Đạt, chú Cận còn trong tuổi mười tám đôi mươi đã tham gia những hoạt động bí mật của Việt Minh nên không chịu trở về Hà Nội sống trong vùng tạm chiếm (tên gọi vùng Pháp kiểm soát). Cả nhà đã chọn Việt Bắc. Có lẽ vì ở Tuyên Quang có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bà thông gia với ông bà ngoại, vẫn gọi là bà Châu (ông là tri châu thời Pháp, chết trong Tổng khởi nghĩa năm 1945 ở Tuyên Quang. Hồi cải cách ruộng đất, ông bị coi là bị Việt Minh bắn chết vì làm tay sai cho Pháp, Nhật, bà bị quy là địa chủ, đem đấu tố, chú Liu lúc ấy là Trưởng ty Thông tin văn hóa Phú Thọ, trong lúc đang “đăng đàn diễn thuyết” thì bị trói đưa về Tuyên Quang đấu tố.. Chẳng hiểu sao, sau này ông lại thành liệt sĩ vì kẻ bắn ông không phải là ta mà là địch, nó bắn ông vì phát hiện ra ông có cảm tình với cách mạng. Rồi ông được bằng Tổ quốc ghi công. Thật chẳng biết thế nào mà lần!). Còn ở Phú Thọ, chú Liu lúc ấy là chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính huyện Hạ Hòa, cô Đạt cũng làm việc ở đấy.
Lúc ấy, gia đình tôi đang ở vùng Kim Bảng, Hà Nam. Ngày nay, từ Kim Bảng, Hà Nam lên Phú Thọ hay Tuyên Quang chắc cũng không cần đến một ngày, dù chỉ đi bằng xe máy, nhưng lúc ấy là cả một hành trình gian nan. Đường đi hầu hết là đường rừng, đường mòn, nhiều khi phải lội theo cả một đoạn suối dài, còn leo dốc thì thường xuyên, hết dốc cao đến dốc thấp, rất hiếm khi có được đoạn đường bằng phẳng. Có khi gặp cây đổ ngang đường, những người cùng đi phải chặt hạ hết các cành cho quang rồi trèo qua thân cây mà đi. Buổi tối thường ngủ nhờ nhà dân, phần lớn là nhà sàn của người Mường, người Dao, trâu bò nhốt dưới gầm sàn, rất hôi hám, có khi dừng chân bên một ngôi miếu hoang giữa rừng. Cũng may là đi khá đông người. Có gia đình tản cư như gia đình tôi, có những nhóm người đi buôn (mang hàng hóa ở vùng Pháp kiểm soát như đá lửa, thuốc chữa bệnh, muối ăn, … lên bán ở vùng tự do (vùng do ta kiểm soát), có cả những tốp cán bộ đi công tác, bộ đội hành quân, … Trong khó khăn, việc giúp đỡ lẫn nhau đã khiến cho quan hệ giữa những người xa lạ trở nên thân tình hơn bao giờ hết.
Năm ấy bố mẹ tôi có ba con, tôi là lớn nhất, mới 6 tuổi. Giác và Thư được bố mẹ cõng, địu, còn tôi tất nhiên phải đi bộ. Đi theo còn có chị Chấn, người giúp việc cho gia đình tôi, chị có một cái bướu trên lưng, nhưng phải gánh một gánh nặng, trên đó là quần áo, chăn màn, nồi xoong, bát đĩa, gạo, muối …nghĩa là cả “gia tài”.
Không hiểu sao mới có 6 tuổi mà tôi đã có thể trải qua một chặng đường dài gian khổ như thế. Mới biết sức chịu đựng của con người là vô hạn. Khi đã bị đẩy đến bước đường cùng thì … Còn nhớ một lần, có anh bộ đội (lúc ấy gọi “anh” dù tuổi còn rất nhỏ chứ không gọi “chú” như bây giờ) thấy tôi bé quá mà cứ phải lũn cũn đi theo người lớn, bèn xốc tôi lên vai cõng sau khi nhờ một người bạn mang hộ ba lô. Chưa kịp bám vào vai anh ấy, tôi đã vội vàng tụt xuống vì mùi hôi hám xộc vào mũi. Có lẽ do trên đường hành quân, lâu ngày không tắm giặt, lại bị ghẻ lở. Từ đó, tôi không bao giờ dám để ai cõng nữa.
Lại nhớ có lần, Bố Mẹ tôi và chị Chấn vì mang nặng, lại không quen đi bộ nên đi rất chậm, trong khi cả đoàn người đã vượt lên trước. Tôi cũng cảm thấy đi chậm quá nên chạy theo họ. Nào ngờ, đuổi mãi vẫn chưa kịp. Trời lúc ấy đã quá chiều. Ở rừng, tối đến rất nhanh. Tôi lúc ấy trong tình cảnh bơ vơ một mình giữa núi rừng, chỉ nghe tiếng các loại côn trùng, tiếng chim kêu, tiếng hú gọi của bầy khỉ, tiếng ếch nhái, càng sợ hãi, đành quay trở lại. Nhưng mãi vẫn chưa gặp được Bố Mẹ. Vừa đi vừa khóc vì hoảng sợ. May quá, lát sau thì thấy Bố Mẹ và chị Chấn đi tới.
Từ khu 3 lên Việt Bắc phải qua đường số 6. Nhìn trên bản đồ, có lẽ đoạn này bây giờ là Lương Sơn, để từ đó lên Trung Hà, Phú Thọ, hoặc Kỳ Sơn, rồi từ đó men theo sông Đà, qua Chẹ tới Trung Hà. Bên này Trung Hà là Sơn Tây, vùng đất do Pháp kiểm soát, bên kia là ta, là vùng tự do. Ngày chuẩn bị vượt đường số 6 thật là hồi hộp. Lúc ấy, Pháp phong tỏa toàn bộ đường số 6 để ngăn cản đường liên lạc giữa đồng bằng và Việt Bắc. Mỗi khi có đoàn cán bộ, dân công từ xuôi lên Việt Bắc đều phải có sự chuẩn bị trước. Bộ đội phải sẵn sàng để yểm trợ, thu hút hỏa lực của địch nếu bị phát hiện, còn mọi người trong đoàn đều phải chằng buộc đồ đạc gọn gàng, sẵn sàng ở những bụi cây ven đường, giữ im lặng tuyệt đối, chờ lệnh. Nghe nói trong đoàn chuẩn bị vượt đường trước đây, có đứa trẻ cất tiếng khóc, người mẹ để giữ bí mật, bảo vệ cho mọi người phải lấy tay bịt miệng, bịt mũi con, lát sau, khi buông tay ra thì đứa trẻ đã tắt thở. Khi nào bộ đội thấy có thể an toàn, ra lệnh tất cả phải vội vàng chạy nhanh qua đường. Đoạn đường chắc không dài, chỉ khoảng trăm mét, nhưng tôi nhớ chuẩn bị cả ngày trong tâm trạng chờ đợi rất căng thẳng và khi qua được bên kia đường ai cũng thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.
Tôi không ngờ chuyến đi này đã dặt dấu chấm hết cho thời thơ ấu của tôi. Trước khi đi, dù trong hoàn cảnh tản cư, ba anh em vẫn được ở cùng bố mẹ. Không được sung sướng như khi còn ở Hà Nội nhưng vẫn chưa phải thiếu thốn. Tôi vẫn nhớ, một lần ở Nhật Tựu, mẹ còn dẫn tôi đi đóng một đôi giày da, lần đầu tiên được thấy những mẫu chân bằng gỗ của ông thợ đóng giày. Nhưng sau khi lên Việt Bắc, mấy anh em phải ở với Bà ngoại để bố mẹ đi công tác còn vật chất thì gian khổ thiếu thốn, bây giờ nghe nói khó có thể hiểu được.
Baif vieets naof cungx nhiêuyf ý nghĩa và rất hay. Chú sẽ đọc cho em Hà và cả nhà Chíp nghe trước khi về lại Saigon.
Giao nên tập hợp các bài đã viết, in thành tập cho anh chị em, con cháu trong họ cùng được đọc. Và đã đến lúc nghĩ tới những trang viết bao quát hơn, phản ánh lại giai đoạn nhiễu nhương này của đất nước.
Qua nhiều năm tích luỹ và thử sức, chú nghĩ Giao đã sẵn sàng.
Xem bài của bác,em lại nhớ cha mình.Ông cũng từ Đệ tứ chiến khu lên Tây bắc giai đoạn đó
Khi có dịp về ,một trong những bài ông thường hát là Đường lên Tây bắc của NS Văn An
Cảm ơn bác đã gợi lai ký ức…
Chào bác, em ở Phú Túc. Ngày xưa đi học, ngày nào chẳng đạp xe qua Phượng Dực nhà bác. Các địa danh Phú Thọ, Hạ Hòa, Sơn Tây cũng quá thân thuộc với em. Bác viết rất tuyệt.