Tô Vũ là hóa thân của trung thần thời cổ, truyện vè ông đã từng được lưu truyền rất phổ biến trong dân gian. Thời Nam Tống, Văn Thiên Tường trong “Chính khí ca” đã viết hai câu thơ:

Tần thời Trương Lương trùy

Hán thời Tô Vũ tiết.

Có thể thấy khí tiết đặc biệt của Tô Vũ chăn dê và khí tiết dân tộc đã đi sâu vào ký ức của người đời sau.

Tô Vũ sinh vào cuối đời Hán Vũ Đế. Cha của ông là Tô Kiến đã từng cùng đại tướng Vệ Thanh đánh Hung Nô, do có công được phong Bình Lăng hầu, không lâu sau lại được phong tướng quân. Sau do thua trận, ông phải trở lại làm người bình dân, mấy năm sau lại được cử làm Thái thú Đại Quận, cuối cùng, chết khi ở chức vụ này. Tô Vũ có ba anh em, do xuất thân gia đình, từ nhỏ, Tô Vũ đã là Lang quan, do tài năng của bản thân, dần được thăng chức làm quan quản lý.

Quan hệ giữa Tây Hán và Hung Nô khi đó rất căng thẳng. Năm 101 trước CN, Thiền vu Hung Nô Câu Lê Hồ chết, em là Thả Đê Hầu được lập làm Thiền vu. Nhân triều Hán có bất ổn, bất ngờ tập kích, rồi tự xưng đứng ngang hàng với Hoàng đế Hán, chủ động thả các sứ Hán đang bị giam ở Hung Nô. Hán Vũ Đế vui vẻ tiếp nhận thiện ý của Thiền vu Hung Nô, cử Tô Vũ là Lang tướng đem mao tiết cùng với sứ Hung Nô đang bị giam giữ ở Hán về nước để tỏ lòng cảm tạ. Tô Vũ cùng phó sứ Trương Thắng, Thường Huệ và một trăm binh lính lên đường đi Hung Nô, hoàn toàn không  nghĩ đến những việc xấu có thể xảy ra.

Hung Nô có Hầu vương, năm Hán Nguyên Thú thứ hai (năm 121 trước CN) cùng Hỗn Tà Vương đã đầu hàng triều Hán, sau đó, khi quân Hán đánh Hung Nô thất bại cũng có những người quy phục Hung Nô. Triều Hán có Vệ Luật, khi đi sứ Hung Nô đã phản bội triều đình, đầu hàng Hung Nô được phong làm vương Hung Nô và giành được lòng tin của Thiền vu Hung Nô. Nhưng những người trong đoàn sứ của Vệ Luật không cam chịu đầu hàng, Họ ngầm bàn kế hoạch tìm cách trở về Hán. Đúng lúc đó, đoàn sứ của Tô Vũ đến Hung Nô. Ngu Thường (phó sứ của Vệ Luật) và Trương Thắng vốn là bạn cố tri nên Ngu Thường đã trao đổi với Trương Thắng kế hoạch này, hy vọng khi mọi việc thành công, Trương Thắng có thể nói với Hán Vũ Đế xin được ban thưởng cho Ngu Thường. Trương Thắng đồng ý, không nói gì với Tô Vũ.

Ai ngờ có người tố giác, kế hoạch chưa thực hiện đã thất bại, kết quả, toàn bộ những người tham gia đều bị bắt.

Trương Thắng sợ Ngu Thường tiết lộ, đem chuyện kể hết với Tô Vũ, hy vọng Tô Vũ có thể có cách tránh tai họa. Tô Vũ nghe xong, cho rằng đây hoàn toàn không phải là việc nhỏ, Hung Nô có thể sẽ truy cứu trách nhiệm của chánh sứ nên tìm cách tự sát để bảo toàn danh dự.  Nhưng Trương Thắng và Ngu Thường đã ngăn cản kịp thời.

Quả nhiên, Ngu Thường đã khai ra Trương Thắng. Vua Hung Nô vô cùng tức giận, muốn giết cả bọn cho thỏa cơn giận dữ. Nhưng sau đó, ông ta lại đổi ý: muốn chiêu hàng tất cả những người này để làm nhục triều Hán. Vua Hung Nô bèn sai Vệ Luật gọi Tô Vũ tới định ép phải đầu hàng. Tô Vũ đã nói trước mặt Vệ Luật:

– Mất khí tiết, bôi nhọ sứ mệnh, sao có thể còn nhìn mặt nhân dân triều Hán?

Thái độ bất khuất sau khi tỏ rõ bằng lời nói đã thể hiện bằng hành động. Tô Vũ rút dao, tự sát. Vệ Luật vừa giữ Tô Vũ, vừa gọi thầy thuốc cấp cứu. Thả Đê Hầu Đan Vu (vua Hung Nô) nghe báo cáo của Vệ Luật, vô cùng khâm phục khí tiết của Tô Vũ, không những không giận dữ mà còn cho người sớm tối hầu hạ ông chữa vết thương.

Sau khi  chiêu hàng lần thứ nhất thất bại, vua Hung Nô vẫn chưa chịu thua, ông ta nảy ra một kế. Ông ta để cho Vệ Luật khuyên giải:

– Tôi ở triều Hán chỉ là một viên quan nhỏ, sau khi đầu hàng Hung Nô, được ân huệ của Đan Vu được phong vương, bây giờ đất đai, người ngựa của tôi không đếm xuể. Chỉ cần ông đầu hàng, lập tức cũng sẽ có vinh hoa phú quý hết mực, hà tất phải chết!

Tô Vũ nhìn khinh bỉ, không nói một lời. Vệ Luật tưởng rằng Tô Vũ dã có chút dao động, bèn khoe khoang:

– Nếu ông nghe lời tôi đầu hàng Hung Nô, tôi và ông sẽ kết làm anh em, nếu không chịu nghe, từ nay về sau ông sẽ không còn cơ hội gặp tôi.

Lát sau, Tô Vũ giận dữ, nói:

– Người như ông, tôi gặp để làm gì? Ông biết rõ là tôi không đầu hàng, sao còn tới ép tôi. Nếu ông giết tôi, nhất định triều Hán sẽ không tha. Đến lúc Hung Nô gặp họa, chắc số phận ông cũng sẽ có kết cục chẳng hay ho gì!

Lời Tô Vũ khiến Vệ Luật chán nản bỏ đi.

Thấy Tô Vũ có biểu hiện kiên quyết không đầu hàng, Vệ Luật định dùng cách đày đọa để khuất phục. Đầu tiên, Tô Vũ bị giam trong một hầm, không có thức ăn và nước uống. Trong khi Tô Vũ đang thoi thóp, trời đổ tuyết lớn. Ông dùng thảm lông và tuyết làm đồ ăn qua ngày. Thả Đê Hầu Đan Vu nghe nói trong hầm không có tiếng động bèn tự thân đến kiểm tra. Vào hầm, ông ta thấy tính mạng Tô Vũ đang nguy cấp nhưng đôi mắt vẫn lộ tinh thần kiên quyết không khuất phục. Biết ông ta tới khuyên hàng, Tô Vũ nhắm mắt như không nhìn thấy Thả Đê Hầu.

Người Hung Nô cho rằng Tô Vũ được thần linh bảo hộ nên vô cùng kính phục ông. Vua Hung Nô vừa nổi giận, vừa hổ thẹn vì kế hoạch thất bại. Cuối cùng, ông ta quyết định vĩnh viễn giữ Tô Vũ ở lại Hung Nô, không cho về Hán. Tô Vũ bị đưa tới miền Bắc Hải hoang vu (vùng hồ Bai-can, nước Nga ngày nay), giao cho 50 con dê đực và một cờ tiết, nói rằng chỉ khi nào số dê này đẻ con, ông mới được về nước.

Tô Vũ nhận lệnh, không  nói một lời.

Ở nơi hoang vu, Tô Vũ đã vượt lên tất cả những khó khăn gian khổ. Không có lương thực, ông dùng rễ cỏ, quả khô tìm trong hang chuột để đỡ đói; trời rét buốt, ông nép mình giữa đàn dê lấy hơi ấm; thậm chí để giữ cho cơ thể ấm áp, một ngày, ông chỉ ngủ trong một khoảng thời gian ngắn, còn vận động để ấm người. Khi chăn dê, ông luôn mang lá cờ tiết trong tay, gửi gắm vào đó nỗi nhớ sâu sắc với Tổ quốc. Dần dần, những sợi lông trên cờ tiết cũng rụng theo năm tháng.

Mười năm đã qua, mỗi năm Đan Vu lại cho mang những con dê đực về, đưa những con dê đực còn nhỏ tới, tuyệt nhiên không nói tới việc cho Tô Vũ trở về. Vua Hung Nô còn cho Lý Lăng một viên tướng đã đầu hàng Hung Nô tới khuyên giải. Lý Lăng tới, trước hết mời Tô Vũ uống rượu, rồi cho Tô Vũ nhiều bò dê để tạo quan hệ tốt. Nhưng ngoài lời cám ơn, Tô Vũ trước sau chỉ nói:

– Nếu bắt tôi đầu hàng, tôi sẽ chết ngay trước mặt ông.

 Cuối cùng, Lý Lăng vừa hổ thẹn vừa rơi lệ từ biệt Tô Vũ.

19 năm sau, Hung Nô và triều Hán giảng hòa trong sự nỗ lực của nhiều người. Vào năm Hán Thủy Nguyên thứ 6 (năm 81 trước CN), cuối cùng Tô Vũ đã về tới triều Hán. Ra đi hơn một trăm người, về đến Tổ quốc chỉ còn có 9 người; lúc ra đi, Tô Vũ là một tráng niên, khi trở về, ông đã trở thành một ông già tiều tụy.

Về đến triều Hán, Tô Vũ được Hán Chiêu Đế tiếp đãi long trọng, lại cho ông đến lễ ở Thái Lao (4) tế Vũ Đế, giao cho ông làm Điển Thuộc Quốc (5). Tô Vũ sống hơn 80 tuổi, năm 60 trước CN, chết do bệnh. Thời Tuyên Đế, để biểu dương công trạng của các công thần, tên của 11 đại thần nổi tiếng đã được ghi lên bức tường của Kỳ Lân các, trong đó có tên Tô Vũ.

Chú thích:

  1. Lang quan: một chức quan có từ thời Tây Hán.
  2. Mao tiết: là một loại dụng cụ nghi thức, thời cổ, khi sứ giả đi làm nhiệm vụ, mang theo để tỏ rõ chức phận
  3. Lý Lăng: Người Thành Ký, Lũng Tây thời Tây Hán (phía bắc Tần An, Cam Túc ngày nay), cháu của Lý Quảng, từng đem quân đánh bại Hung Nô. Năm 99 trước CN, bị Hung Nô bắt rồi đầu hàng. Năm 74 tuổi, chết ở Hung Nô.
  4. Thái lao: cũng gọi Đại lao. Thời Trung cổ dùng gia súc để tế lễ.
  5. Điển Thuộc Quốc: có từ đầu đời Tần, Tây Hán tiếp tục, nắm công việc các dân tộc thiểu số quy phục. Trật hai nghìn thạch.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tên mạng thì cha biết cái gì là thật là gia. Nhất là thời buôi này bọn Khựa đang tha một lô một lốc BỌN LINH CÂU VĂN HÓA đi xuyên tạc khắp nơi đê phục vụ cho dã tâm Hán hóa ca thế giới!!! Tuy vậy tinh thần cua tích Tô Vũ CHĂN DÊ thì ất đáng học tập!!!

Trả lời Đại Bịp Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here