Trong cuộc đấu tranh chống Hung Nô thời Tây Hán, hai cậu cháu Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh là hai vị tướng có chiến công rất nổi tiếng. Họ nhiều lần chỉ huy quân Hán đánh bại quân Hung Nô, để loại bỏ sự uy hiếp của quân Hung Nô với vùng biên giới phía bắc của triều Hán, lập nhiều chiến công to lớn.

Vệ Thanh xuất thân nghèo hèn, là một tiểu gia nô. Sau đó, người chị là Vệ Tử Phu được tiến cung, được của Hán Vũ Đế yêu quý. Vì thế, Vệ Thanh trở thành thị vệ bên cạnh Hán Vũ Đế.

Lúc đó, Hung Nô ở phía bắc thường quấy nhiễu,  dân chúng vùng biên giới không được yên ổn làm ăn. Khi Hán Vũ Đế ở ngôi, đất nước đã hùng mạnh, ông quyết tâm huấn luyện quân đội, chống lại cuộc tiến công của người Hung Nô. Muốn chống lại Hung Nô, tất phải có tướng lĩnh tài giỏi. Hán Vũ Đế thấy Vệ Thanh dũng cảm, kiên cường, trung thành có thể tin cậy, đã giao cho ông một đội quân và cử ông làm tướng quân. Không lâu sau, kỵ binh Hung Nô xâm phạm biên giới, giết rất nhiều người, cướp đi không ít của cải. Hán Vũ Đế cả giận, cử bốn lộ binh mã chống lại Hung Nô, trong đó có một lộ do Vệ Thanh chỉ huy. Vệ Thanh toàn thân mang giáp trụ, dáng oai hùng, xuất phát. Đây là lần đầu tiên ông ra trận, cũng là lần đầu tiên chỉ huy một đạo quân chiến đấu với quân Hung Nô, trong lòng, ông thầm nghĩ: “Đây là cơ hội tốt để báo quốc lập công, chỉ có thể thắng, không thể bại!”.

Người Hung Nô thế hung dữ, liệu có thể đánh bại họ không, tướng sĩ quân Hán đều không khỏi lo ngại. Vệ Thanh vừa phân tích  tình hình địch, vừa khích lệ mọi người:

– Người Hung Nô ỷ vào khả năng cưỡi ngựa bắn cung, có nhiều phương tiện, nhưng họ đi xa ngàn dặm, người mệt ngựa ốm. Chỉ cần chúng ta nắm được thời cơ khi họ sơ hở mà xung trận, nhất định sẽ có thể đánh bại họ.

Vệ Thanh mang ba vạn kỵ binh tinh nhuệ, chẳng khác gì cầm thanh kiếm sắc đâm vào trái tim kẻ địch. Trên thảo nguyên bao la, một trận chiến lay trời rung đất mở ra. Mọi nơi đều vang tiếng hô “giết” và tiếng binh khí va chạm. Dần dần, người Hung Nô gắng sức không nổi, bỏ lại mấy nghìn xác chết, thảm hại rút chạy về phía bắc. Vệ Thanh thừa thắng truy kích, đánh thắng đến Lũng Thành (nơi người Hung Nô tế trời, thuộc Mông Cổ ngày nay), giành thắng lợi trong cuộc phản kích.

Vệ Thanh dẫn quân lính khải hoàn trở về, Hán Vũ Đế vui vẻ khen ngợi:

– Giỏi lắm! Giỏi lắm! Lần đầu ra trận đã giành được thắng lợi, thật là người tài!

Từ đó, uy tín của Vệ Thanh trong quân ngày càng được nâng cao, ông trở thành một tướng trẻ có triển vọng, một tướng không thể thiếu trong quân.

Năm 124 trước CN, Hung Nô lại cử Hữu Hiền vương (2) mang đội kỵ binh lớn đến quấy nhiễu biên giới với triều Hán. Hán Vũ Đế cử Vệ Thanh làm Quân kỵ tướng quân mang 10 vạn đại quân ra trận.

Quân Hán thẳng tiến tới nơi đóng quân của Hữu Hiền Vương Hung Nô. Hữu Hiền Vương rất ngông cuồng và mất cảnh giác, cho rằng quân Hán không dám thâm nhập vào khu trung tâm để chiến đấu. Có người  báo tin quân Hán đã xuất quân, hắn vẫn thờ ơ, nói:

– Các ngươi quá lo sợ! Quân Hán cách ta còn xa. Họ sao có thể có cánh để bay tới đây?

Một hôm, trời đã khuya, bốn bề tối đen như mực. Trong trướng của Hữu Hiền Vương chốc chốc lại vang lên từng hồi trống. Hữu Hiền Vương đang uống rượu, thưởng thức ca múa.

Bỗng nhiên bên ngoài trướng có tiếng vó ngựa gấp gáp, rồi một tên quân hiệu xông vào trong trướng, cất giọng run sợ, nói vội vàng:

– Hỏng rồi! Chúng ta đã bị quân Hán bao vây!

– Ngươi, ngươi nói quân Hán nào đến?

Hữu Hiền Vương đang say rượu, hỏi.

Nói chưa hết câu, tiếng trống trận, tiếng gào thét bên ngoài đã vang lên. Hữu Hiền Vương đang say cũng phải tỉnh lại, cố tổ chức người ngựa chống lại nhưng không nổi, phải bỏ chạy cùng mấy người thân tín.

Vệ Thanh không ngại  mệt nhọc vì đường dài trèo non lội suối, đưa quân dũng cảm truy kích. Họ đuổi theo đến mấy trăm dặm, khiến loạn quân Hung Nô tan tác khắp nơi, bắt được 15.000 tù binh, lại còn chiếm được mấy mươi vạn đầu gia súc.

Tin thắng lợi truyền về Trường An, Hán Vũ Đế sung sướng muôn phần, lập tức sai sứ giả mang ấn đại tướng quân đến mặt trận, phong Vệ Thanh  làm đại tướng quân ngay tại chỗ. Vệ Thanh từ đó trở thành thống soái quân sự tối cao của quốc gia.

Tin thắng trận liên tiếp truyền về, cháu của Vệ Thanh là Hoắc Khứ Bệnh do bị kích động không ngủ được. Khi dì của Hoắc Khứ Bệnh được tiến vào cung, anh còn là một đứa trẻ đang tuổi chơi đùa hồn nhiên nhưng đã có chí khí khác thường. Anh thường cùng với cậu là Vệ Thanh học tập cưỡi ngựa bắn cung, chẳng bao lâu đã trở thành người có bản lĩnh vững vàng. Mỗi lần cậu đánh thắng trận trở về, anh lại chạy tới tìm Hán Vũ Đế xin được cùng với cậu ra trận. Hán Vũ Đế xoa xoa cái đầu nhỏ, nói:

– Mi còn nhỏ, làm sao đã đánh trận được!

Hoắc Khứ Bệnh rất nóng lòng. Anh luôn luôn hy vọng bản thân có thể cao lớn thật nhanh để ra trận vì nước giết giặc.

Năm Hoắc Khứ Bệnh 18 tuổi, cậu Vệ Thanh lại phải  ra trận đánh Hung Nô. Trước khi đại quân xuất phát, Hoắc Khứ Bệnh chạy tới trước mặt Hán Vũ Đế, một mực xin theo cậu ra trận. Hán Vũ Đế bị anh bám riết, đành phải bằng lòng, còn cho anh chức Hiệu úy (4), được chỉ huy 800 kỵ binh.

Đến mặt trận, Vệ Thanh cử 6 tướng quân, chia đường xuất kích, trong đó có một đường do Hoắc Khứ Bệnh chỉ huy. Bản thân Vệ Thanh ngồi ở sở chỉ huy, đợi tin tức của các mũi tiến quân, tùy tình hình để hỗ trợ.

Ai ngờ, trận này không thuận lợi, trong 6 lộ có 2 lộ bị thất bại, Hoắc Khứ Bệnh mãi không thấy trở về. Vệ Thanh đứng ngồi không yên, sợ cháu mới ra trận có điều gì sơ xuất.

Một hôm, từ ngoài doanh trại vang lên tiếng hoan hô của các tướng sĩ:

– Hoắc hiệu úy về rồi! Hoắc hiệu úy về rồi!

Vệ Thanh nhìn ra, thấy Hoắc Khứ Bệnh cưỡi con ngựa trắng, tay xách một cái đầu người, phi như bay về doanh trại, 800 kỵ binh cùng chạy phía sau, còn dẫn theo hai tù binh là quý tộc Hung Nô. Vệ Thanh vừa sợ vừa mừng, vội hỏi Hoắc Khứ Bệnh tình hình cuộc chiến đấu lần này.

Vốn là, hôm ấy Hoắc Khứ Bệnh dẫn theo 800 kỵ binh tiến về phía bắc. Trên thảo nguyên yên tĩnh, không thấy có một bóng người, họ chạy tới chạy lui có đến mấy trăm dặm. Màn đêm đã buông xuống, mọi người vẫn nóng lòng giết giặc, ai cũng không muốn tay không trở về nên tất cả đều trên lưng ngựa qua đêm. Sáng sớm ngày thứ hai, họ tiếp tục tiến về phía bắc. Trời vừa sáng, trước mặt bỗng xuất hiện những vật bày ra có hình dáng giống như những chiếc bánh “màn thầu” khổng lồ.

– A, lều trại của người Hung Nô!

 Hoắc Khứ Bệnh cùng mọi người vừa khẩn trương vừa vui vẻ, chia 800 người thành mấy vòng bao vây các lều trại.

Người Hung Nô trong các trại đang ngủ say. Hoắc Khứ Bệnh chỉ huy các dũng sĩ tiến tới cái lều lớn nhất. Kẻ địch trở tay không  kịp, chỉ nghe thấy tiếng kêu lớn. Hoắc Khứ Bệnh thấy một người có cái đầu béo mập, đang chuẩn bị chạy ra ngoài, vung đao chem. cái đầu của hắn.

800 dũng sĩ chia nhau xông vào các lều trại giống như chém. chuối, giết sạch kẻ địch, còn bắt sống hai quý tộc Hung Nô.

Vốn là, khi Hoắc Khứ Bệnh xông vào trại chính của Hung Nô, người bị chém đầu là Thúc tổ phụ của Thiền vu. Hai người bị bắt sống, một là tướng quốc của Hung Nô, một người là chú của Thiền vu, đều là những nhân vật có tiếng tăm.

Hoắc Khứ Bệnh lần đầu ra trận đã lập được công lớn. Sau khi  đại quân đã về triều, Hán Vũ Đế gặp Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, nhà vua thân mật vỗ vào lưng Hoắc Khứ Bệnh, vui vẻ nói:

– Ngươi còn trẻ tuổi, đánh trận đã như con hổ nhỏ (tiểu lão hổ), thật là đáng đứng đầu ba quân. Ha ha! Ta sẽ phong ngươi làm Quán quân hầu!

Năm 121 trước CN, Hán Vũ Đế lại phong Hoắc Khứ Bệnh là Phiêu kỵ tướng quân, thống lĩnh 10.000 kỵ binh, xuất phát từ Lũng Tây tiến đánh Hung Nô. Quân hai bên giao chiến liền 6 ngày. Quân Hung Nô chống lại không nổi, đành rút lui. Hoắc Khứ Bệnh cùng kỵ binh của ông vượt qua núi Yên Chi (phía tây huyện Vĩnh Xương, Cam Túc ngày nay) truy kích đến hơn một nghìn dặm. Gần đó còn một số thuộc quốc của Hung Nô như Hỗn Tà, Hưu Đồ (Hỗn Tà nay thuộc tỉnh Cam Túc, Hưu Đồ nay ở phía bắc huyện Võ Uy, Cam Túc). Quân  Hán đánh tới, bắt được con trai và tướng quốc của Hỗn Tà vương, cũng bắt luôn người vàng để tế trời của Hỗn Tà vương.

Để tận diệt Hung Nô xâm phạm, năm 119 trước CN, Hán Vũ Đế sau khi chuẩn bị đầy đủ, lại cử Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh mang 50.000 quân chia làm hai đường đánh Hung Nô. Lần này quy mô lớn nhất, tiến quân xa nhất và giành được thắng lợi triệt để. Vệ Thanh chỉ huy cánh quân phía tây, đánh bại đội quân chủ lực của Thiền Vu. Hoắc Khứ Bệnh chỉ huy cánh quân phía đông, cũng tiêu diệt được hơn bảy vạn quân địch. Sau trận đánh, quân Hung Nô rút về phía bắc sa mạc lớn, trong thời gian rất dài sau đó không dám xâm phạm tới triều Hán nữa.

Khi mới 24 tuổi, Hoắc Khứ Bệnh đã mất vì bệnh. 10 năm sau, Vệ Thanh cũng qua đời.  Hán Vũ Đế vô cùng đau đớn, bên cạnh lăng tẩm của mình  (lăng của Hán Vũ Đế gọi là Mậu Lăng) cho xây dựng hai phần mộ trang trọng để an táng hai ông. Phần mộ của Vệ Thanh giống như Lư Sơn của Hung Nô, phần mộ của Hoắc Khứ Bệnh giống như Kỳ Liên Sơn của Hung Nô. Hai ngôi mộ còn được bảo tồn đến ngày nay tại huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây.

Hình tượng người anh hùng quân sự kiệt xuất Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh cũng giống như Lư Sơn và Kỳ Liên Sơn cao vút, chói ngời trong lịch sử.

 

Chú thích:

  1. Vệ Tử Phu: tức Vệ hoàng hậu, người Bình Dương, Hà Đông thời Tây Hán (tây nam Lâm Phần, Sơn Tây ngày nay), vào cung Vũ Đế, sinh hoàng tử (năm 122 trước CN lập làm thái tử). Năm 91 trước CN, việc vu cổ xảy ra, Vệ hoàng hậu có liên quan nên tự sát.
  2. Hữu Hiền Vương: quan chức tối cao dưới Thiền vu Hung Nô, do con em Thiền vu đảm nhiệm, cai quản một vạn người.
  3. Xa kỵ tướng quân: Tướng quân kỵ đời Tây Hán, sau là tên một chức quan võ cấp cao, sau Đại tướng quân.
  4. Hiệu úy: Võ quan thời Tần Hán, thấp hơn tướng quân, cao hơn Đô úy, nhận chức khi ra trận, chỉ huy một hiệu (doanh) binh, dưới có tư mã, hầu.

1 BÌNH LUẬN

Trả lời nguyen nguyen Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here