Giữa triều Tần và Hán, khi ở Trung Nguyên phát sinh đại loạn, thế lực của Hung Nô dưới sự chỉ huy của Mạo Đốn Thiền Vu quật khởi ở khu vực thảo nguyên phương bắc.

Mạo Đốn Thiền Vu là thái tử của Đầu Mạn Thiền Vu. Khi người vợ bé được sủng ái của Đầu Mạn Thiền Vu sinh con trai, ông ta muốn phế truất Mạo Đốn, lập con trai nhỏ mới sinh làm thái tử. Nhưng vì không tìm được cớ, ông ta cử Mạo Đốn Thiền Vu đi làm con tin ở nước láng giềng Đại Nguyệt Thị.

Không lâu sau, Đầu Mạn Thiền Vu cố ý mang quân tấn công Đại Nguyệt Thị với dã tâm để Đại Nguyệt Thị nhất định sẽ giết Mạo Đốn Thiền Vu, mưu mượn dao giết người của ông ta sẽ thành công. Không ngờ, Mạo Đốn Thiền Vu rất nhạy cảm, anh ta trộm được một con ngựa hay ở Đại Nguyệt Thị, không kể ngày đêm, trở về Hung Nô. Đầu Mạn Thiền Vu thấy Mạo Đốn Thiền Vu đột nhiên trở về trong lòng thầm kêu khổ. Bên ngoài, ông ta khen con trai dũng cảm, lại cử Mạo Đốn Thiền Vu làm quan chỉ huy một vạn kỵ binh. Trong lòng, Mạo Đốn Thiền Vu hiểu rõ mưu gian của cha nhưng vẫn tỏ ra không biết gì.

Mạo Đốn cũng là người có mưu kế hiểm độc, anh ta nuôi mối thù, lại sáng chế ra một loại tên phát ra âm thanh, gọi là “minh đích”. Mạo Đốn nói với bộ hạ:

– Khi đi săn, hướng “minh đích” bắn tới, mọi người theo đó mà bắn, ai không bắn sẽ chặt đầu người đó.

   Để huấn luyện bộ hạ, Mạo Đốn bắn vào  con ngựa quý rất được yêu thích, mọi người ào ào bắn theo. Mạo Đốn rất vui vẻ, thưởng lớn cho họ. Lại có một lần, Mạo Đốn thấy người vợ bé của mình đi tới cũng lấy tên bắn. Một số bộ hạ cho rằng Mạo Đốn nhầm lẫn, không bắn theo cũng bị rơi đầu ngay lập tức. Từ đó, bộ hạ được ông ta huấn luyện thành người máy, chỉ cần “minh đích” lên tiếng, không cần biết mục tiêu là cái gì cũng lập tức bắn ngay.

Một hôm, Đầu Mạn Thiền Vu đi săn ở bên ngoài, Mạo Đốn mang theo thủ hạ bám theo sau, chờ thời cơ, Mạo Đốn đột nhiên đem “minh đích” bắn vào Đầu Mạn Thiền Vu. Thủ hạ của Mạo Đốn cũng đua nhau bắn theo. Chỉ trong chơp mắt, Đầu Mạn Thiền Vu chỉ kịp kêu lên một tiếng, toàn thân đã dính đầy những tên. Mạo Đốn lập tức giành lấy ngôi Thiền Vu, trở thành bá chủ, khống chế toàn bộ khu vực phía bắc rộng lớn.

Sau khi  kiến lập triều Hán thống nhất Trung Quốc, Hán Cao Tổ Lưu Bang cùng Hung Nô hình thành cục diện nam bắc cùng tồn tại. Cả hai đều cho rằng mình mới là vua, không ai chịu ai.

Năm 200 trước CN, hai bên nảy sinh xung đột. Mạo Đốn Thiền Vu mang đại quân tiến công Thái Nguyên, Sơn Tây, Lưu Bang chỉ huy ba mươi vạn quân nghênh chiến. Đến Bình Thành (Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay), Lưu Bang vì khinh địch, bị bao vây ở núi Bạch Đăng suốt bảy ngày bảy đêm, không biết làm cách nào. Quân Hán không chịu được rét buốt, giá rét làm cho ai nấy nứt da hở thịt, tay chân co cứng, thậm chí có nhiều người rét quá, lăn ra mà chết.

May thay, Trần Bình là người túc trí đa mưu hiến kế; ông ta cử một sứ giả là người có gan có trí, mang vàng bạc châu báu và một bức tranh tới doanh trại của Hung Nô, nói muốn gặp Yên Thị, Hoàng hậu của Thiền vu.

Yên Thị thấy vàng sáng lấp lánh, ngọc sáng long lanh, vui sướng vô cùng, vội nhận lấy, lại ngẩng đầu, thấy bức tranh vẽ một mỹ nhân tuyệt đẹp, trong lòng nảy sinh ý ghen ghét, hỏi:

– Đây là ai?

Sứ giả đáp lời:

– Hoàng đế triều Hán chúng tôi vì Thiền Vu mà gặp nguy, muốn bãi binh, giao hảo nên cử tôi mang vàng bạc châu báu, lại chuẩn bị mang một người đẹp nhất trong nước dâng Thiền Vu, không lâu nữa sẽ đến.

Yên Thị trừng mắt nhìn người đẹp trong tranh, nói:

– Cái này không cần, nhà ngươi đem bức tranh này về.

Sứ Hán nói:

– Hoàng đế cũng không nỡ đem người đẹp cho người khác, nếu bà giúp cho thì còn gì bằng nữa!

Yên Thị bình tĩnh, nói:

– Ta biết, ngươi cứ yên tâm.

Tiễn sứ Hán, Yên Thị lập tức mang nước mắt nước mũi chạy đi tìm Mạo Đốn Thiền Vu, nói:

– Hoàng đế triều Hán lên ngôi chưa lâu, tôi nghe nói ông ta có chân mệnh thiên tử, ông ta làm Hoàng đế là ý Trời. Chàng nếu giết thiên tử của triều Hán là làm trái ý Trời, sợ Trời không tha thứ. Nếu chàng bắt giết thiên tử triều Hán thì thủ lĩnh các bộ lạc Hung Nô nhất định sẽ oán trách chàng (3).

Mạo Đốn Thiền Vu hỏi:

– Thiếp xem, vậy ta phải làm thế nào?

Yên Thị nói:

– Thả cho thiên tử triều Hán đi!

Mạo Đốn Thiền Vu vốn đã định hẹn với hai bộ tộc Hung Nô khác cùng đánh Bình Thành, giờ hai bộ tộc đó vẫn chưa tới, nghi họ đã câu kết với triều Hán, trong lòng thấy bất an. Nghe lời của Yên Thị, Mạo Đốn Thiền Vu bèn đồng ý bỏ bao vây ở núi Bạch Đăng, để một  lối cho  Hán Cao Tổ thoát vây.

Cuộc xung đột lần thứ nhất giứa đế quốc Đại Hán và Hung Nô tạm thời kết thúc, bước vào thời kỳ hòa hoãn. Mạo Đốn Thiền Vu tiếp tục lãnh đạo Hung Nô hùng cứ phương bắc cho tới khi Hán Vũ Đế lên ngôi, cục diện nam bắc  mới bắt đầu có những thay đổi có lợi cho đế quốc Hán.

 

Chú thích:

  1. Đại Nguyệt Thị tên một tộc cổ, đời Tần và đầu đời Hán du mục ở vùng nay là dải đất hẹp Hà Tây, xưng là Nguyệt Thị.
  2. Trần Bình: người Dương Vũ (đông nam Nguyên Dương, Hà Nam ngày nay). Sau khi  Trần Thắng khởi nghĩa, theo Ngụy Vương Cừu, Hạng Vũ, sau theo Lưu Bang, trở thành mưu sĩ quan trọng của Lưu Bang, nhiều lần hiến kế hay lập công. Lữ Hậu chết, cùng Chu Bột mưu tiêu diệt họ Lữ, thời Văn Đế, có làm Thừa tướng.
  3. Lúc đó Hung Nô đang giai đoạn quá độ từ liên minh bộ lạc đến quốc gia. Thiền Vu chỉ là thủ lĩnh do các bộ lạc cùng suy tôn. Thủ lĩnh các bộ lạc đều có quân đội của mình, quyền tự chủ tương đối lớn. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here