Điền Văn Mạnh Thường Quân của nước Tề, thích giao thiệp với người tài trong thiên hạ, nhận làm môn khách của mình. Trong nhà, ông có đến ba nghìn môn khách.
Có một lần, một người tên Phùng Noãn đến theo Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân thấy anh ta quần áo rách, chân đi giày cỏ, dáng điệu mỏi mệt, liền hỏi:
– Anh có tài năng gì?
– Tôi chẳng có tài gì.
Mạnh Thường Quân cười, nói:
– Vậy thì anh cứ ở lại đây.
Rồi sai người đưa vào bố trí ở một phòng.
Phùng Noãn ngày ngày uốn cây kiếm dài (2), vừa uốn vừa hát:
– Kiếm ơi ta đi thôi, ở đây chẳng có cá tôm.
Mạnh Thường Quân nghe thấy liền sai người mang đến phòng Phùng Noãn cá tôm cho anh ta ăn. Qua mấy ngày sau, Phùng Noãn lại hát:
– Kiếm ơi ta đi thôi, ở đây ra ngoài chẳng có xe ngựa.
Có người đem chuyện này báo với Mạnh Thường Quân, ông lại sai người mang cho anh ta xe ngựa.
Qua một năm, Mạnh Thường Quân cho người đi tìm Phùng Noãn tới, nói với anh ta:
– Tôi bình thường rất bận, đối với tiên sinh có thể thất thố. Mong ngài tha thứ. Bây giờ, nhờ ngài đi Thành Tiết (ở phía nam Đằng Chân, Sơn Đông) một chuyến, thu nợ giúp tôi. Không biết ngài có bằng lòng không?
Phùng Noãn vui vẻ trả lời:
– Được, tôi đi.
Rồi chuẩn bị xe ngựa, mang theo hành trang, mang cả phiếu ghi nợ lên đường. Đến lúc sắp đi, ông hỏi Mạnh Thường Quân:
– Nợ thu xong rồi thì mua gì mang về?
Mạnh Thường Quân trả lời:
– Ngài xem trong nhà thiếu cái gì thì mua cái ấy.
Phùng Noãn đến Thành Tiết, cho gọi chủ nhân của những phiếu ghi nợ tới, ngay lập tức, trước mặt mọi người, cho tất cả những phiếu ghi nợ ấy vào lửa. Phùng Noãn nói:
– Tôi thi hành lệnh của Mạnh Thường Quân, xóa tất cả những phiếu ghi nợ này. Đây chính là cái ơn của Mạnh Thường Quân, mọi người không được quên!
Nghe nói xong, mọi người đều hoan nghênh, vô cùng cảm kích ân đức của Mạnh Thường Quân.
Nghe tin Phùng Noãn đốt hết các phiếu ghi nợ, Mạnh Thường Quân không ngăn được lửa giận cao đến ba trượng, lập tức cho người gọi Phùng Noãn về, giận dữ trách:
– Khá lắm. Ta cho người đi thu nợ, ngươi lại đốt hết phiếu ghi nợ, ngươi định làm cái trò gì vậy?
Phùng Noãn chậm rãi đáp:
– Tôi đem những phiếu ghi nợ vô dụng ấy đốt đi, khiến cho dân chúng ở Thành Tiết thấy được ân đức của ngài, khắp nơi đều ca tụng tên tuổi của ngài, đây chẳng phải là việc tốt sao? Trước khi tôi đi, ngài dặn tôi, chọn lấy cái gì trong nhà còn thiếu mang về. Tôi thấy ngài vàng bạc châu báu, sơn hào hải vị không thiếu thức gì, duy chỉ thiếu hai chữ “tình nghĩa” cho nên tôi mới mua “tình nghĩa” về cho ngài.
Mạnh Thường Quân nghe nói, câm miệng như ăn hoàng liên, không biết nói gì, đành bảo:
– Thôi, tiên sinh về nghỉ đi.
Từ đó, đối với Phùng Noãn lại lạnh nhạt.
Qua mấy năm, Tề Mẫn Vương (3) nghe tin đồn của hai nước Tần, Sở sợ Mạnh Thường Quân công thần lấn chúa, tạo nên sự uy hiếp với mình, liền miễn chức vụ Tướng quốc của ông ta. Số môn khách thấy chủ thất thế liền đua nhau bỏ đi, chỉ có Phùng Noãn là một lòng ở lại với ông ta.
Mạnh Thường Quân đành về ẩn cư ở Thành Tiết nơi đất phong cũ với vẻ mặt ủ rũ.
Chưa vào thành, ông ta đã thấy người già dắt trẻ đón tiếp. Thấy cảnh ấy, Mạnh Thường Quân không cầm được nước mắt, nói với Phùng Noãn:
– Tình nghĩa mà tiên sinh cho tôi, hôm nay tôi mới được nhận.
Phùng Noãn nói:
– Con thỏ khôn phải có ba hang mới đảm bảo được sự an toàn cho mình; bây giờ, ngài chỉ có Thành Tiết là nơi để an thân thì sao đủ được? Tôi lại tìm cho ngài hai nơi để có thể an thân, một là Hàm Dương của nước Tần, một chính là kinh đô Lâm Truy của nước Tề chúng ta.
Phùng Noãn nói những dự định với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân đồng ý, cho Phùng Noãn xe ngựa và vàng bạc để chi phí. Phùng Noãn đến nước Tần.
Lúc ấy, Tướng quốc của nước Tần đã chết. Tần Chiêu Tương Vương rất khâm phục Mạnh Thường Quân, đang muốn mời ông làm Tướng quốc, sau lại phao những tin đồn không hay về ông để Mạnh Thường Quân buộc phải đến với mình. Phùng Noãn lợi dụng điều này thuyết phục Tần Chiêu Tương Vương. Ông gặp và hỏi vua Tần:
– Đại vương có nghe chuyện vua Tề cách chức Mạnh Thường Quân không?
Vua Tần nói:
– Có nghe.
Phùng Noãn nói:
– Nước Tề có thể cai trị thành mạnh mẽ như thế này là công lao của Mạnh Thường Quân. Nay vua Tề lại đối đãi với ông ấy như vậy, làm sao ông ấy không thể không tức giận? Người, việc và những điều cơ mật của nước Tề Mạnh Thường Quân đều biết rõ, nếu ông ấy đến với nước Tần, đại vương có thể nắm được nước Tề. Đây là cơ hội tốt ngàn năm khó gặp. Hy vọng đại vương sẽ nhanh chóng ra tay, nếu không vua Tề tỉnh ngộ, trọng dụng lại Mạnh Thường Quân, nước Tề có thể sẽ cùng đại vương so tài cao thấp.
Vua Tề nghe nói rất vui, lập tức sai sứ giả mang lễ hậu nghìn lạng vàng và trăm cỗ xe hoa đi tới mời Mạnh Thường Quân.
Lúc này, Phùng Noãn lại đi tắt đến kinh đô Lâm Truy của nước Tề, cầu kiến Tề Mẫn Vương. Vừa thở dốc, ông ta vừa nói:
– Đại vương đã nghe tin nước Tần cử Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc chưa?
Vua Tề nói:
– Chưa nghe. Có thật không?
Phùng Noãn nói:
– Tôi tận mắt thấy họ mang trăm cỗ xe hoa, nghìn lạng vàng đi về phía chúng ta đây. Mạnh Thường Quân không đi thì còn may, nếu thật ông ta làm Tướng quốc của nước Tần thì nước Tề chúng ta chẳng phải là hết sao? Đại vương phải lập tức cử Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc, rồi phong cho ông ta thêm nhiều đất đai nữa. Ông ta là lão thần của nước Tề, không thể không bằng lòng. Tới lúc đó, nước Tần tuy hùng mạnh cũng không thể lôi kéo được Tướng quốc nước ta.
Vua Tề nghe nửa tin nửa ngờ, sai người đi điều tra từ sứ thần của nước Tần xem thực hư, nghe nói đã vào biên giới rồi, mới rụng rời chân tay, vội sai người gọi Mạnh Thường Quân tới, cử ông ta làm Tướng quốc, lại cho thêm bổng lộc một nghìn hộ.
Sứ giả của nước Tần đến Thành Tiết, không được việc gì, biết Mạnh Thường Quân đã được tái cử làm Tướng quốc, cũng không biết làm thế nào, đành phải tay không trở về.
Như thế, Mạnh Thường Quân lại ung dung làm Tướng quốc mấy năm nữa.
Chú thích:
(1)Lúc đó, nổi tiếng nhất có Điền Văn Mạnh Thường Quân của nước Tề, Triệu Thắng Bình Nguyên Quân của nước Triệu, Ngụy Vô Kỵ Tín Lăng Quân của nước Ngụy, Hoàng Yết Xuân Thân Quân của nước Sở, họ được gọi là “Tứ công tử”.
(2)Thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc đề cao hiệp khách hào kiệt. Họ mang kiếm bên mình để thể hiện chí khí hào kiệt.
(1) Tề Mẫn Vương: làm vua từ 300 – 284 trước CN, con của Điền Tích CươngTề Tuyên Vương, dùng Điền Văn làm Tướng quốc, Khuông Chương, Tư Mã Tương Như là Tướng, từng mang quân đánh bại Sở, Tần, Yên…Sau đó trở nên tàn bạo. Năm 284 trước CN, quân Yên đánh tới, vội bỏ chạy, cuối cùng chết do tay của tướng nước Sở.