Sau khi  ba nhà chia nước Tấn, Triệu Tương Tử kiến lập nước Triệu. Nước Triệu một thời là cường quốc, nhưng sau đó dần dần suy yếu.

Nước mạnh ở phía tây là nước Tần mấy lần xâm lược, chiếm được nhiều vùng của nước Triệu, Hung Nô, Lâm Hồ… là các dân tộc thiểu số ở phương bắc, cũng thường quấy nhiễu ở biên giới, một nước nhỏ là Trung Sơn được sự ủng hộ của nước Tề cũng không ngừng bắt nạt nước Triệu.

Năm 325 trước CN, Triệu Vũ Linh Vương lên ngôi. Ông là người có chí khí, thấy thế nước ngày càng suy, bị người bắt nạt, quyết tâm thay đổi tình trạng lạc hậu.

Lúc đó, người Hồ ở phương bắc thường quấy nhiễu biên giới, họ có sở trường cưỡi ngựa bắn cung, đi đến nhanh chóng, đánh thắng được thì đánh, đánh không thắng thì rút. Trong khi quần áo của quân Triệu thì dài rộng, xe cộ thì thô nặng, vũ khí kềnh càng, …

Triệu Vũ Linh Vương so sánh, nói với đại thần là Phì Nghĩa và Lân Hoàng:

– Trẫm thấy chúng ta muốn nâng cao tính cơ động và sức chiến đấu của quân đội thì phải đổi mới mặc áo ngắn, học tập cưỡi ngựa, bắn cung.

Phì Nghĩa, Lân Hoàng nghe nói thấy rất hợp lý, đều nói “phải”. Vì thế, Triệu Vũ Linh Vương quyết định thay đổi trang phục, tất cả mặc theo lối người Hồ. Để mở đường làm mẫu, vua tôi ba người mặc đầu tiên.

Không ngờ, khi ba người mặc theo lối người Hồ xuất hiện trước quần thần, lập tức như giọt nước rơi vào chảo dầu sôi, nổ tung lên. Triều đình trên dưới đều bàn tán sôi nổi, thật là vô cùng hỗn loạn. Có tiếng:

– Vua của Trung Nguyên lại mặc quần áo của người Hồ, thật không ra thể thống gì!

Rồi oán trách Phì Nghĩa, Lân Hoàng vì sao không ngăn cản việc làm không có lễ nghĩa của nhà vua, lại còn lửa cháy đổ thêm dầu, bản thân lại còn mặc theo? Chú của Triệu Vũ Linh Vương là công tử Thành cũng tức giận, mặt trắng bệch, râu vểnh lên, cáo bệnh không vào triều.

Phì Nghĩa nhắc Triệu Vũ Linh Vương, công tử Thành là lão thần, rất có ảnh hưởng trong triều đình. Nếu trước hết thuyết phục được ông, thì nói với các đại thần sẽ không khó. Triệu Vũ Linh Vương gật đầu, nói:

–  Đúng, ta sẽ chuẩn bị mọi chuyện để nói với ông, ta tin rằng ông có thể hiểu được việc lớn.

Hôm ấy, công tử Thành đang ở nhà, lòng buồn bực thì Triệu Vũ Linh Vương đến. Công tử Thành thấy vua ăn mặc như thế, nén giận, lạnh lùng nói:

– Nhà họ Triệu chờ đón vua của Hoa Hạ, sứ tiết của Trung Nguyên không tiếp đãi sứ của Di Địch. Xin ngài thay quần áo người Hồ, thần sẽ bái kiến.

Triệu Vũ Linh Vương sầm nét mặt, nói:

– Trong gia đình phải nghe lời người trên, trong nước phải nghe lời vua, quy tắc này ngài không thể không biết. Ta mặc quần áo người Hồ, ngài là thần tử phải làm theo, để mở rộng ra cho cả nước, tại sao ngài lại cầm đầu phản đối?

Công tử Thành không hề hoảng sợ, ngược lại còn ỷ thế người già, nói:

– Đại sự quốc gia dĩ nhiên phải nghe lời của ngài, nhưng trong nhà, ta là chú của ngài, ngài cũng phải nghe lời của ta. Ta nghĩ rằng, đất nước Trung Nguyên là nơi phát nguồn văn hóa, là xứ sở của lễ nghĩa, bọn Di Địch kia đang chờ chúng ta đến khai hóa. Nhưng ngài lại đảo lộn gốc ngọn, ngược lại, học tập chúng, không nhớ tới lời dạy dỗ và truyền thống của tổ tiên. Ta là lão thần, liệu có thể theo ngài học theo người Hồ sao?

Triệu Vũ Linh Vương không hề tức giận, mang lợi ích và tính tất yếu của việc học theo người Hồ cách “Hồ phục kỵ xạ” (quần áo, cưỡi ngựa bắn cung theo lối người Hồ) nói tỉ mỉ một hồi, cuối cùng nói:

– Trẫm đề xướng “Hồ phục kỵ xạ” chính là muốn nâng cao sức chiến đấu của quân đội, khiến cho quốc gia cường thịnh, đề phòng kẻ địch xâm phạm. Nhưng ngài  đã câu nệ, theo thiên kiến cũ kỹ, phản đối cải cách, quên đi nguy nan của đất nước. Thái độ này lẽ nào lại trở thành tấm gương cho con cháu của chúng ta?

Lời nói cuối cùng đã thuyết phục được công tử Thành.

Hôm sau, Triệu Vũ Linh Vương triệu tập hội nghị quần thần, chính thức ban bố nhất luật mặc lối người Hồ trong cả nước, lệnh cho binh sĩ học tập cưỡi ngựa bắn cung. Công tử Thành cũng đứng ra thuyết phục, bản thân cũng mặc y phục người Hồ, nói rõ ích lợi của “Hồ phục kỵ xạ”, Mọi người thấy nhà vua có quyết tâm rất lớn, lại thấy những người mặc Hồ phục hành động quả thực dễ dàng, linh hoạt đều biểu thị sự ủng hộ.

Không đầy một năm sau, một đơn vị quân đội khinh kỵ tinh nhuệ đã được huấn luyện xong. Triệu Vũ Linh Vương phát động cuộc chiến tranh  trừng phạt nước Trung Sơn. Trong vòng 4, 5 năm chiếm được phần lớn lãnh thổ của nước Trung Sơn, đánh đến nơi chỉ cách kinh đô của nước Trung Sơn 80 dặm, khiến vua của Trung Sơn phải chạy đến nước Tề  lánh nạn. Nước Triệu từ đó uy danh lừng lẫy, không chỉ các nước Trung Nguyên, ngay cả nước Tần hùng mạnh cũng không dám coi thường.

Năm 297 trước CN, Triệu Vũ Linh Vương diệt được Lâu Phiền. Sau một năm, lại liên hiệp với hai nước Tề, Yên, cuối cùng diệt được Trung Sơn. Lúc này trong “Tam Tấn” mạnh nhất là nước Triệu.

Triệu Vũ Linh Vương đã đi đầu “Hồ phục kỵ xạ” huấn luyện kỵ binh mạnh nhất các nước Trung Nguyên. Sau đó, các nước Trung Nguyên đua nhau bắt chước, quân khinh kỵ dần nhiều lên.

 

Chú thích:

Trung Sơn quốc (khoảng 414 – 296 trước CN) một phần của huyện Định, Hà Bắc ngày nay, kiến lập từ cuồi đời Xuân Thu, còn gọi là Tiên Ngu, thế lực rất mạnh, thường đối địch với nước Triệu.

Các vương triều cổ đại ở Trung Nguyên văn hóa phát đạt, tự xưng Hoa Hạ, kỳ thị các dân tộc thiểu số xung quanh, coi họ là Di Địch với nghĩa xấu.

Triệu Vũ Linh Vương “Hồ phục kỵ xạ” đã mở đầu phương thức tác chiến hoàn toàn mới trong lịch sử quaan sự Trung Quốc, kỵ binh trở thành lực lượng đột kích nhanh của thời đại, làm chủ chiến trường Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here