Thời kỳ Xuân Thu, Tấn Văn Công từng xưng bá với các nước chư hầu, các chư hầu không nghe lệnh. Sau khi  Tấn Văn Công chết, con cháu không nối được nghiệp, quyền thế của vua Tấn ngày càng suy, quyền lực dần rơi vào tay các khanh đại phu. Đến thời Tấn Xuất Công, quyền của vua Tấn đã hữu danh vô thực, trở thành con rối của khanh đại phu.

Lúc đó, quyền thế của các khanh đại phu lớn nhất là Trí thị, Hàn thị, Ngụy thị, Triệu thị, Phạm thị, Trung Hành thị, được gọi là “lục khanh”. Trong “lục khanh”, quyền hành Trí thị là lớn nhất, “ngũ khanh” chỉ mong giữ mình, không dám tranh giành với Trí thị.

Dã tâm của Trí Bá rất lớn, một lòng muốn thu phục đại quyền ở nước Tấn. Năm 458 trước CN, Trí thị cùng Hàn thị, Ngụy thị, Triệu thị diệt Phạm thị và Trung Hành thị, như vậy “lục khanh” chỉ còn “tứ khanh”. Không lâu sau, họ lại mang quân đánh Tấn Xuất Công. Tấn Xuất Công không đủ sức chống đỡ, run sợ chạy trốn sang nước Tề. Chạy mới được nửa đường, vừa run sợ, vừa toi mạng. Trí Bá tuy muốn tự lập làm vua nhưng do dự, sợ danh không chính, ngôn không thuận nên lưỡng lự. Suy đi tính lại, ông ta quyết định trước hết lập Tấn Kính Công làm vua, việc tự lập phải chờ đến khi diệt được ba nhà kia mới dám nói tới.

Ông ta trước hết cử sứ giả tới gặp Hàn Khang Tử, nói để mở rộng công điền của nước Tấn, yêu cầu Hàn thị cắt nhượng đất. Hàn Khang Tử tức giận, nhưng cánh tay không quá đùi, đành phải cắt nhượng khu đất có một vạn hộ.

Vừa mới hé miệng đã có đất trong tay, lại không tốn một chút công sức nào, Trí Bá cả mừng, lại cử sứ giả tới gặp Ngụy Hoàn Tử yêu cầu cắt nhượng đất. Ngụy Hoàn Tử cũng phải nén giận, cũng cắt đất có một vạn hộ.

Trí Bá thấy nhiều lần đạt kết quả, dương dương đắc ý, năm 453 trước CN lại cử sứ giả tới gặp Triệu Tương Tử yếu cầu cắt đất. Ông ta tin rằng có thể lấy được đất của họ Triệu, không ngờ Triệu Tương Tử coi thường, không đáp ứng. Trí Bá nổi giận, ra lệnh cho Hàn, Ngụy khởi binh, cùng mình  tiến công họ Triệu. Trí Bá nói với Hàn, Ngụy: sau khi diệt được Triệu, đất đai sẽ chia đều.

Thế quân của ba nhà rất đông, Triệu Tương Tử không thể chống đỡ, sau một hồi bàn bạc với thuộc hạ, ông ta quyết định trở về Tấn Dương (nay là Sơn Tây, Thái Nguyên), vì đây là đất cũ của họ Triệu, thành trì kiên cố, lòng người nhất trí, có thể cố thủ được.

Dân chúng ở Tấn Dương ủng hộ Triệu Tương Tử, tất cả đều căm giận, tinh thần lên cao, lương thảo chuẩn bị đầy đủ, có thể cầm cự lâu dài, chỉ có vũ khí còn ít, cần phải chế tạo gấp. Triiệu Tương Tử chấp nhận ý kiến của Trương Mãnh Đàm, cho tháo dỡ nhà cửa trong thành, dùng vật liệu ngày đêm tu bổ thành trì, chế tạo vũ khí.

Quân của ba nhà như nước lũ, nhanh chóng bao vây Tấn Dương. Trí Bá hạ lệnh chuẩn bị công thành, nhưng do Tấn Dương phòng thủ rất chặt chẽ, binh lính công thành không thể trèo qua tường thành, những cuộc tiến công mãnh liệt đều bị quân Triệu đánh lui.

Cờ trên thành Tấn Dương phấp phới, quân Triệu nghiêm túc chờ đợi. Trí Bá không ngăn được cuồng vọng, nhíu mày sốt ruột. Khi ấy đang là mùa mưa, đường xá lầy lội, hành quân hay công thành đều không thuận lợi, để hạ được thành Tấn Dương không biết đến ngày nào. Đột nhiên, Trí Bá thấy nước sông đổ về cuồn cuộn, nét mặt giãn ra, lập tức hạ lệnh: Đắp đập ngăn sông lại, rồi phá đập cho nước chảy vào thành Tấn Dương. Khi nước sông đã ngập tràn, ông ta hạ lệnh phá đập, nước sông cuồn cuộn đổ vào Tấn Dương như ngựa hoang.

Nước lũ trong thành càng đầy, càng cao nhanh chóng ngập đến nửa tường thành. Trí Bá đứng trên bờ thành, nhìn ra xa bụng thầm nghĩ, đợi tới khi nước ngập tường thành, mọi người trong thành đều chết chìm,lúc đó Triệu Tương Tử có muốn đầu hàng cũng không kịp nữa.

Nhưng mọi việc không như Trí Bá dự liệu, nước dần chậm lại, đến khi còn cách đỉnh tường ba tấc thì không dâng lên nữa. Trí Bá tức giận, giậm chân.

Nước lũ tuy không ngập thành nhưng thành Tấn Dương vẫn gặp tai họa. Nước sông ngoài thành ngấm vào khiến trong thành nước cũng mênh mông, lương thực trong thành phần lớn bị hư hại, bếp núc dần sụp đổ cả. Thời gian càng dài, ếch nhái phát triển. Cứ như thế, quân của Tam gia chỉ có vây không đánh, dân trong thành cũng khốn khổ mà chết. Triệu Tương Tử lo sợ, cử người tìm Trương Mãnh Đàm bàn bạc.

Trương Mãnh Đàm biết hai nhà Hàn, Triệu chỉ buộc phải đánh Triệu, muốn ra khỏi thành thuyết phục họ quay lại cùng  tiêu diệt Trí Bá. Nửa đêm, ông ta ngồi vào cái sọt dùng dây thừng ra khỏi thành, tìm gặp Ngụy Hoàn Tử và Hàn Khang Tử. Ông ta nói thẳng với hai người:

–                                      Nhà Triệu nếu bị diệt vong, thì không lâu sau, nhà Hàn, nhà Ngụy cũng đi theo nhà Triệu, “môi hở thì răng lạnh”, các ngài chắc hiểu điều này?

Lời nói của Trương Mãnh Đàm đánh trúng tâm lý của họ, hai người hứa sẽ chống lại Trí Bá. Cả ba kín đáo bàn bạc, cùng định ngày khởi sự.

 

Đến đêm đã hẹn, Triệu Tương  Tử cử đội quân tinh nhuệ ra khỏi thành tiến đến bờ sông Phần. Quân lính của Trí Bá hoàn toàn không ngờ quân Triệu tiến công, đang trong giấc ngủ bị giết sạch.

Quân Triệu nhanh chóng tiến lên mở cửa đê ở thượng lưu cho nước sông Phần đổ vào trại quân của Trí Bá.

Quân họ Trí giật mình, gào thét trong nước lũ, tất cả trở nên hỗn loạn. Triệu Tương Tử đích thân chỉ huy quân tiến công hướng chính diện, quân của Hàn, Ngụy đánh hai bên. Quân của họ Trí không có người chỉ huy trở nên hỗn loạn như rắn  không đầu. Trí Bá biết thế thua đã định, thừa cơ hỗn loạn, nhảy lên một chiếc bè gỗ, tìm đường thoát khỏi vòng vây. Lúc quân của ba nhà tập hợp, doanh trại quân Trí Bá bị vây kín, Trí Bá tả xung hữu đột, nhưng không thoát nổi, đành chịu bị bắt. Trí Bá bị tướng Ngũ Hoa trói giải đến trước mặt Triệu Tương Tử. Triệu Tương Tử kể hết tội trạng của hắn, sau đó đem đi giết.

Giết được Trí Bá, ba nhà Triệu, Ngụy, Hàn chia đều đất đai của nhà họ Trí, chỉ để lại cho vua Tấn một phần đất nhỏ. Đây chính là sự kiện trong lịch sử gọi là “Tam gia phân Tấn” (Ba nhà chia nhau nước Tấn).

Năm 403 trước CN, Chu Thiên tử thừa nhận việc này, phong cho Triệu, Ngụy, Hàn làm chư hầu. Từ đó về sau, họ cùng Tần, Sở, Tề, Yên bình đẳng, hình thành thế Chiến Quốc.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here