Cuộc đấu tranh giữa ngoại thích và hoạn quan là một đặc sắc chính trị thời Đông Hán, nó cũng là một nguyên nhân tạo nên sự thịnh suy nhanh chóng củatriều đại này. Sau khi Chương Đế chết, Hoà Đế kế vị (88 – 105), từ Hoà Đế đến Linh Đế (167 – 189), trong khoảng thời gian 100 năm, ngoại thích, hoạn quan thay nhau nắm quyền, tranh chấp không  ngừng khiến cho việc triều chính luôn trong  cảnh đen tối, hỗn loạn.

Ngoại thích và hoạn quan

     Từ đời Hoà Đế trở đi. Đông Hán có 10 hoàng đế trẻ tuổi lên ngôi, rồi đoản mệnh mà chết. Mỗi lần ấu chúa lên ngôi, Thái hậu đều nắm quyền. Thái hậu tất nhiên chủ yếu phải dùng những người trong gia tộc mình, tạo nên nạn ngoại thích chuyên quyền.  Thường thường cha, anh Thái hậu đảm nhận chức đại tướng quân kiêm Thượng thư, đồng thời nắm quân đội và giám sát Thượng thư đài, làm mọi việc chính quyền. Ngoại thích chuyên chính khiến cho vương quyền suy yếu. Ông vua một khi muốn thực sự làm vua, phải nắm được thực quyền, tất nhiên phải giành  được sự ủng hộ của lực lượng chính trị. Nhưng một khi ngoại thích nắm quyền, phần lớn triều thần bị khống chế, hoàng đế chỉ có thể dựa vào lực lượng thân cận nhất của  mình là hoạn quan để diệt trừ ngoại thích. Vì thế, trong cuộc đấu tranh ủng hộ nhà vua chống lại ngoại thích, hoạn quan được  sự tín nhiệm và trọng dụng của nhà vua, càng có điều kiện phát triển thành một thế lực chính trị, hình thành cục diện hoạn quan chuyên chính. Không lâu sau, khi Hoàng đế chết, một ấu chúa được lập lên, lại cần có Thái hậu vào triều, ngoại thích nắm quyền, bài xích hoạn quan, sau đó hoạn quan lại tiêu diệt ngoại thích, thay ngoại thích nắm quyền, như một vòng luẩn quẩn, không thể chấm dứt. Sau thời kỳ Đông Hán  tình thế ngoại thích và hoạn quan thay nhau chèn ép, tranh nhau quyền hành đã chấm dứt.

    Nếu phải dùng hai chữ để hình dung được sự tranh chấp ngoại thích và hoạn quan thời Đông Hán thì phải dùng hai chữ  “hổ” và “sói”. Ngoại thích là hổ, hoạn quan là sói. Đông Hán là “tiền môn cự hổ, hậu môn tiến lang” (cửa trước chống hổ, cửa sau rước sói), thậm chí là “hổ lang  đồng trú tịnh tiến” (hổ lang cùng vào),  cùng nhau làm chính quyền thời Đông Hán thành vô hiệu. Ngoại thích hoạn quan chuyên chính là một sự kiện chính trị riêng của thời Đông Hán, đã ảnh hưởng rất lớn đến triều đình lúc ấy. Trong  mỗi triều đại, chính trị hủ bại, kinh tế suy sụp, hoàng đế trở nên bù nhìn chính là do ngoại thích, hoạn quan thao túng quyền hành, nạn ngoại thích, hoạn quan cuối thời Đông Hán là một minh chứng  điển hình.

Mở đầu cuộc chiến giữa ngoại thích và hoạn quan

     Sau khi xây đựng triều Đông Hán, để phòng ngừa chính quyền vào tay kẻ khác hoàng đế Lưu Tú dã có những chính sách cực kỳ nghiêm khắc với ngoại thích, cho nên chính quyền thời Lưu Hán  đã  vận hành theo đúng phép tắc. Sau khi Chương Đế chết, con là Hoà Đế kế vị, năm ấy mới có 11 tuổi không thể nắm quyền, đành phải để cho mẹ là Đậu Thái hậu vào triều nghe việc nước. Mẫu hậu nắm quyền đương nhiên phải trọng dụng và được sự giúp đỡ của  những người thuộc gia tộc, thực quyền nằm trong tay anh em Đậu Hiến, từ đó bắt đầu tình thế ngoại thích nắm quyền. Nhưng dần dần Hoà Đế trưởng thành, bắt đầu không vừa ý với người cữu phụ là Đậu Hiến, vì thế, bọn hoạn quan Trịnh Chúng nhân cơ hội ấy, mưu mô với Hòa Đế, bắt Đậu Hiến  và bè đảng giành lại quyền hành. Bọn hoạn quan Trịnh Chúng vì thế được thăng quan phong hầu, hoạn quan bắt đầu được thế, đây cũng là lúc bước vào hiệp đấu thứ nhất giữa hoạn quan và ngoại thích. Sau đó, chính quyền Đông Hán lại rung chuyển vì sự tranh giành giữa hai thế lực này, hoàng đế tự nhận là trẻ con, hoàn toàn trở thành bù nhìn.

    Hoà Đế chết, Thương Đế mới sinh được hơn trăm ngày lên ngôi, chưa đầy một tháng lại chết, vì thế, Đặng Thái hậu và anh em là Đặng Trắc  lập An Đế là em Hoà Đế mới 13 tuổi lên ngôi, Quách Thái hậu nắm đại quyền, sử dụng ngoại thích, nhưng bà ta rút được những bài học của Đậu Thái hậu, thận trọng trong cách cư xử, đối đãi tử tế với bọn Trịnh Chúng, Thái Luân để bảo đảm mọi sự bình an. Sau khi Quách Thái hậu chết, An Đế tự nắm quyền, họ Đặng lâm vào cảnh sa sút, anh em Đặng Trắc 7 người đều bị bức phải tự sát. Sau khi diệt xong họ Đặng, hoạn quan lại được thế. An Đế  đưa những người thuộc họ mẹ là Cảnh, họ vợ là  Diêm nắm quyền, nhưng họ  ngày càng ngang ngược vô độ, chính trị cũng ngày càng hủ bại. An Đế chết, họ Diêm nắm đại quyền, lại lập Bắc Hương hầu còn nhỏ tuổi làm Thiếu Đế. Không lâu sau, Thiếu Đế bị bệnh chết. Trước việc ngoại thích nắm quyền thế, hoạn quan không vừa ý, mưu giành lại quyền lực, khi thấy thời cơ đến,  Tôn Trinh cùng 19 hoạn quan âm mưu phát động chính biến trong cung, giết Diêm Hiển cùng đồng đảng, lập Tề Dương vương làm Thuận Đế, tiếng tăm của hoạn quan ngày càng  cao, họ lại được phong hầu, lại phá bỏ moi luật lệ chỉ cần được nhiều tước vị.

Bệnh nặng khó chữa

     Thời Thuận Đế, cha  của Hoàng hậu Lương Thương làm đại tướng quân chấp chính. Lương Thương chết, Thuận Đế lại tín nhiệm con của Lương Thương là Lương Kỳ làm đại tướng quân nắm quyền, chính trị ngoại thích của Đông Hán bước vào thời kỳ đen tối, hủ bại nhất. Lương Kỳ vô học vô hành, không tài không đức, chỉ chuyên làm những điều ngang ngược. Thuận Đế chết, con mới 2 tuổi được nối ngôi là Xung Đế, Lương Thái hậu thính chính, anh là  Lương Kỳ nắm đại quyền.

    Một năm sau Xung Đế chết, lại lập Chất Đế mới 8 tuổi nối ngôi. Chất Đế nhỏ tuổi nhưng thông minh, chỉ trích Lương Kỳ là “Bạt hộ tướng quân”. Lương Kỳ nghe được rất tức giận, thấy Hoàng đế nhỏ tuổi không dễ sai khiến nên sai người đầu độc Chất Đế, lập Lãi Võ hầu mới 15 tuổi làm Hoàn Đế. Sau khi Hoàn Đế lên ngôi, lấy em gái của Lương Kỳ làm Hoàng hậu, họ Lương càng thêm vây cánh, quyền hành bao trùm tất cả.

    Bản thân Lương Kỳ làm đại tướng quân chấp chính, lại có Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu  là hai em gái trấn giữ trong cung, nhiều hoạn quan cũng đều là những người thân tín được xếp đặt, mọi việc của Hoàng đế đều phụ thuộc vào ông ta,  thậm chí ngay cả tính mạng của nhà vua cũng do ông ta nắm.  Hoàn Đế hiểu được vai trò của ngoại thích nên phong ấp cho Lương Kỳ, lại thêm cho Lương Kỳ  các quan trong phủ đại tướng quân, nhiều hơn Tam công; lại phong cho tất cả anh em và con Lương Kỳ làm Vạn hộ hầu. Trước sau, Lương Kỳ được phong đến 3 vạn hộ. Lương Kỳ nắm quyền, vợ là Tôn Thọ cũng được phong thưởng, được phong làm Quân tử Tương thành, kiêm hưởng tô thuế ở Dương Địch, lại cho tua đỏ,  đãi ngộ như với trưởng công chúa. Sự hung hăng ngông cuồng của Lương Kỳ khiến cho hoạn quan  khiếp sợ, không những không dám làm gì, mà còn phải lựa gió mà theo, phàm là  trong triều có việc lên chức, đều  trước hết phải đến nhà họ Lương tạ ân, sau mới đến nhậm chức, Thái uý Lý Cố, Đỗ  Kiều thẳng thắn, không chịu dựa dẫm vào phủ đệ của hắn đều bị vu cáo phạm tội  chết. Văn võ bá quan, thuận theo thì sống, nghịch chống  thì chết. Hắn còn dùng  các thủ đoạn vu khống, hạ độc, không từ một thủ đoạn nào, doạ nạt mọi  người.  Hoàn Đế đã từng họp các công khanh, nói  rõ việc có sự đãi ngộ đặc biệt với Lương Kỳ. Có việc cần tấu, Lương Kỳ vào triều không phải quỳ, có thể mang kiếm lên điện, lúc  nói không cần phải xưng danh, lễ nghi được như Tiêu Hà khai quốc công thần nhà Tây Hán. Lại             phong đất 4 huyện, thế có thể so với  Đặng Vũ khai quốc công thần thời Đông Hán. Thưởng thì có vàng tiền, nô tì, gấm vóc, xe ngựa, quần áo, giáp đệ có thể so với Hoắc Quang công thần Trung hưng thời Tây Hán. Lúc triều hội, được ngồi riêng một chỗ, ngang với tam công. Ưu đãi như thế, mà  trong lòng Lương Kỳ  chưa vừa ý, vẫn coi là bạc bẽo.

    Từ đó,  hắn tự cho mình quyền hành, ngày càng hung ác, mọi việc không kể lớn nhỏ đều một mình quyết định. Lương Kỳ về chính trị thì không coi ai ra gì, cuộc sống thì ngày càng kiêu căng xa đoạ. Dựa vào những tư liệu lịch sử ghi chép lại, họ Lương tự khoe oai phong ngất trời, tha hồ xây dựng  nhà cửa,, lâm viên, cung thất tráng lệ nguy nga, ở gần thủ đô, hắn còn cho lập một  trường săn quanh co hàng nghìn dặm. Trong đó có khu nuôi thỏ dài hàng chục dặm, phải huy động nhân công làm hàng năm mới hoàn thành. Sau đó, các nơi phải giao nộp  thỏ sống,  không được có con thỏ nào bị thương, nếu có sẽ bị tội chết. Khi ấy, từng có một thương nhân Tây Vực không biết đó là khu cấm, bắn chết một con thỏ, mà hơn chục người bị giết. Hắn còn bắt hàng nghìn người dân lương thiện làm nô tì, lại gọi họ là “Tự mại nhân”, coi lệnh cấm thời Đông Hán như tờ giấy loại. Những phẩm vật quý giá  các nơi cung tiến cho Hoàng đế, trước hết được chọn lọc đưa về phủ họ Lương, phần còn lại mới giao cho hoàng cung. Theo thống kê, nhà họ Lương có 7 người được phong hầu, con gái có 7 người được phong quân (tương đương với hầu), 2 người là đại tướng quân, 3 người là Hoàng hậu, 6 người là Quý nhân, 3 người lấy công chúa làm vợ, 57 người là văn võ đại thần, nắm quyền hơn 20 năm, lập 3 Hoàng đế, so với các đời, không đời nào ngoại thích nắm quyền lớn như thời  Đông Hán.

    Ngoại thích lộng hành khiến cho hoạn quan không vừa  ý, cuộc đấu tranh lúc ngấm ngầm, lúc công khai. Hoàn đế bị ngoại thích bao vây , cũng muốn thoát khỏi sự khống chế của Lương Kỳ, nhiều lần muốn được tự do,  nên sau khi Lương Thái hậu, Lương Hoàng hậu chết, cùng với bọn hoạn quan Đường Hoành,  Đan Siêu âm mưu diệt trừ Lương Kỳ. Năm Diên Hy thứ 2 (159), Trung thường thị Đan Siêu, Từ Hoàng, Cụ Ái, Đường Hoành phát động chính biến, đem cả nhà họ Lương không kể già trẻ, lớn bé giết hết, Lương Kỳ uất hận tự sát, các công khanh hơn chục người bị xử tử, cách chức hơn 300 người, các quan lại cao cấp trong triều bị mất chức hầu như không còn một ai. Gia tài của Lương Kỳ bị tịch thu, sau khi bán đi được hơn 30 ức tiền, triều đình nhân đó, giảm tô thuế cho dân chúng được nửa năm.

    Sau khi ngoại thích họ Lương bị tiêu diệt, chính quyền thực tế vẫn chưa nằm trong tay của Hoàn Đế mà nằm trong tay hoạn quan, 5 người trong bọn Đan Siêu, Từ Hoàng có công diệt ngoại thích đều được phong hầu, đời gọi là Ngũ hầu. 8 người bọn Tiểu hoàng môn Lưu Thiện, Triệu Trung cũng được phong Hương hầu. Tình cảnh hoạn quan nắm quyền so với khi ngoại thích nắm quyền cũng chẳng hơn gì, thậm chí còn hỗn loạn thối nát hơn. Họ đưa những người thuộc họ hàng thân thích đi  làm Thích sứ, Thái thú ở các địa phương, tha hồ ăn hối lộ bất chấp pháp luật, bóc lột dân lành chẳng khác gì bọn trộm cướp.

    Sự tham lam vô sỉ và bạo ngược của hoạn quan khiến dân chúng  vô cùng khổ sở, không còn cách nào khác, họ đành đứng dậy chống lại. Năm Diên Hy thứ 8 (165) Hoàn Đế lập Quý nhân Đậu thị làm Hoàng hậu. Hoàn Đế chết, không có con nối dõi. Đậu Hoàng hậu cùng với cha là Đậu Võ lập Linh Đế mới 12 tuổi, Đậu Thái hậu vào triều  nghe việc nước, để  Đậu Võ làm đại tướng quân nắm quyền. Đậu Võ cùng  với Thái phó Trần Phiền mưu diệt hoạn quan, trước hết là khống chế những người nòng cốt và quân cận vệ, lại nắm được cơ cấu chính quyền ở các địa phương gần kinh đô, chuẩn bị dần dần diệt hết hoạn quan. Nhưng bọn hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ phát hiện trước, gây sức ép với Linh Đế và Đậu Thái hậu, giả truyền thánh chỉ bắt Đậu Võ. Đậu Võ không nhận chiếu, tập hợp hơn nghìn quân chuẩn bị chống lại, nhưng cuối cùng cũng buộc phải tự sát. Sau việc này, Đậu Thái hậu bị giam lỏng ở Vân Đài, Linh Đế hoàn toàn bị hoạn quan khống chế. Đang trong lúc ngoại thích chiếm ưu thế mà bỗng nhiên bị hoạnquan lật ngược thế cờ, đủ thấy thế lực của hoạn quan lúc bấy giờ rất mạnh.

    Tào Tiết, Vương Phủ sau khi giết được bọn  Đậu Võ, Trần Phiền, cùng nhau tự phong thưởng, thăng quan tiến chức, cha con, anh em đều trở thành công khanh hiệu mục, khắp cả thiên hạ. Sau khi bọn Vương Phủ, Tào Tiết chết, bọn hoạn quan 12 người Triệu Trung, Trương Nhượng nhậm chức Trung thường thị, phong hầu, được  ưu ái hết mức, đời gọi là “Thập Thường thị”. Linh Đế thậm chí còn nói: “Trương Thường thị là cha ta, Triệu Thường  thị là mẹ ta”. Hoạn quan được những ân sủng chưa bao giờ có. Họ tha hồ làm mưa làm gió, nền chính trị của  Đông Hán cũng ngày càng thối nát.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here