Tháng 7 năm 1917, con cháu triều đình nhà Thanh đua nhau trỗi dậy, họ lôi từ trong rương trong hòm ra những trang phục cũ, mặc vào nguời rồi đi lại khắp các phố phường. Có nguời không còn áo mũ của triều đình ban cho thì phải tranh mua ở các cửa hiệu bán đồ cũ với giá cắt cổ, thậm chí áo mũ vẫn dùng để diễn kịch, áo chữ Thọ của nguời đã chết cũng được đem ra mua bán. Những bím tóc đã bị cắt bây giờ được làm lại bằng lông đuôi ngựa thế mà cũng nô nô nức nức, thật là kệch cỡm, xấu xa.
Vì sao lại có những chuyện như thế? Vốn là “biện tử quân” do quân phiệt Trương Huân cầm đầu tiến vào Bắc Kinh để lập Hoàng đế Phổ Nghi trở lại ngôi vua, phục hồi đế chế. Cho nên con cháu nhà Thanh mới cùng nhau diễn cái tấn tuồng này. Câu chuyện bắt đầu từ sự việc “Phủ Viện chi tranh”.
Sau khi Viên Thế Khải chết, Lê Nguyên Hồng tiếp tục làm Đại Tổng thống, Đoàn Kỳ Thụy (1) làm Tổng lý Quốc vụ cùng nhau chấp chính, nắm chính phủ Bắc Kinh. Thực ra lúc đó, Trung Quốc đang nằm trong tình trạng quân phiệt cát cứ, các phái quân phiệt đều dựa vào các nước đế quốc làm chỗ dựa. Lê Nguyên Hồng dựa vào Anh, Mỹ, Đoàn Kỳ Thụy dựa vào Nhật Bản. Lúc này, ở châu Âu đang diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Nhật Bản tranh thủ cơ hội giành lại các lợi ích của nước Đức, nên hết sức xúi giục chính phủ Đoàn Kỳ Thụy tuyên chiến với Đức, còn Anh Mỹ không yên lòng để Nhật Bản độc chiếm Trung Quốc đe dọa quyền lợi của mình ở đây đã kích động Lê Nguyên Hồng phản đối Trung Quốc tham chiến. Do đó, ở Trung Quốc hình thành thế “Phủ Viện chi tranh”. Cuộc tranh chấp giữa Lê Nguyên Hồng và Đoàn Kỳ Thụy thực tế là thể hiện xung đột lợi ích giữa các nước đế quốc.
Sau đó, tình trạng “Phủ Viện chi tranh” càng thêm nghiêm trọng, Đoàn Kỳ Thụy yêu cầu giải tán Quốc hội, còn Lê Nguyên Hồng hạ lệnh bãi miễn chức vụ Tổng lý của Đoàn Kỳ Thụy, cả Bắc Kinh náo loạn suốt ngày. Để có thể tiêu diệt được đối thủ, cả hai phía Phủ Viện đều ra sức lôi kéo các thế lực quân phiệt, Trương Huân chính là đối tượng quan trọng nhất được cả hai phía tranh giành.
Lê Nguyên Hồng cho rằng Trương Huân vốn là nguời đã từng tìm nước Đức làm chỗ dựa, ông ta chắc là nguời phản đối Đoàn Kỳ Thụy; nhưng Đoàn Kỳ Thụy lại nghĩ Trương Huân là nguời tán thành đế chế, phản đối Cộng hòa, nếu lôi kéo được ông ta, vai trò Tổng thống của nước Cộng hòa của Lê Nguyên Hồng khó giữ được. Vì thế, cả hai đồng thời gửi điện báo cho Trương Huân, yêu cầu ông ta đưa “Biện tử quân” (2) về Bắc Kinh để hòa giải cuộc tranh chấp giữa hai bên.
Nhận được hai bức điện, Trương Huân rất vui mừng, cho rằng cơ hội để khôi phục đế quốc Đại Thanh đã tới. Trước hết, Trương Huân cho thủ hạ tâm phúc là Lưu Đình Thâm tới Bắc Kinh trước, bí mật gặp gỡ các thế lực muốn khôi phục ngôi vua. Sau đó, Trương Huân đưa năm nghìn “Biện tử quân” xuất phát từ Từ Châu trong hai ngày tới Thiên Tân.
Trương Huân trước hết bái kiến Đoàn Kỳ Thụy, Đoàn Kỳ Thụy xui Trương Huân đưa quân chiếm lấy Bắc Kinh và hứa với Trương Huân sẽ ủng hộ ông ta trong việc khôi phục ngôi vua. Được sự ủng hộ của Đoàn Kỳ Thụy, Trương Huân như mở cờ, xé luôn cái mặt nạ điều đình, hạn cho Lê Nguyên Hồng trong ba ngày phải giải tán Quốc hội, nếu không sẽ đánh vào Bắc Kinh.
Lê Nguyên Hồng vốn tưởng Trương Huân sẽ giải vây cho mình, không ngờ nguời được mời lại chính là kẻ thù. Giờ trong cảnh “mời quỷ thì dễ, đuổi quỷ mới khó”, Lê Nguyên Hồng đành ra lệnh giải tán Quốc hội. Nghe nói Trương Huân sắp tiến vào Bắc Kinh, con cháu nhà Thanh và những nguời mong muốn khôi phục ngôi vua rất sung sướng, họ đều mơ tới ngày “phục quốc”. Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh cho nguời tới Thiên Tân, thúc giục Trương Huân mau chóng tiến về Bắc Kinh. Quả nhiên, Trương Huân rất nhanh chóng đưa quân tới Kinh đô. Ngày hôm sau, Lê Nguyên Hồng cử nguời tới mời Trương Huân. Sau khi tới Phủ Tổng thống, Trương Huân cao ngạo nói với Lê Nguyên Hồng:
- Phải đưa các điều ưu đãi triều đình nhà Thanh (giữ lại hiệu Hoàng đế, mỗi năm cung cấp 400 vạn đồng, được ở lại Cố cung) ghi vào Hiến pháp, coi Khổng giáo là Quốc giáo, quân đội của tôi phải tăng thêm 20 doanh.
Lê Nguyên Hồng không còn cách nào khác phải gật đầu đồng ý.
Sau đó, Trương Huân lại cho nguời gửi điện báo tới các Tổng đốc thủ tiêu nền độc lập, Sở Tổng tham mưu độc lập các tỉnh (3) ở Thiên Tân cũng bị giải tán. Trương Huân còn mặc quan phục của triều đình, vào Cố cung, thỉnh an Phổ Nghi, được Phổ Nghi ban cho rất nhiều bổng lộc, Trương Huân cảm động rơi nước mắt quyết tâm khẳng định việc khôi phục ngai vàng.
Không lâu sau, Thủ lĩnh đảng Bảo hoàng là Khang Hữu Vi con cháu nhà Thanh cũng tập trung tới Bắc Kinh. Họ cùng với Trương Huân bí mật bàn bạc kế hoạch khôi phục ngôi vua: một là phải nhanh chóng thực hiện, hai là phải dốc toàn lực, nếu thất bại sẽ lui về Nội Mông, tiếp tục mưu đồ; ba là hẹn nhau ngày 1 tháng 7 sẽ ra tay.
Buổi tối ngày 30 tháng 6 năm 1917, Trương Huân mang “Biện tử quân” tiến vào thành Bắc Kinh, lập tức chiếm lấy các cứ điểm quan trọng, thực hiện giới nghiêm toàn thành phố. Ông ta cử nguời đi tìm Lê Nguyên Hồng, bắt phải giao lại đại quyền cho triều đình. Lê Nguyên Hồng cự tuyệt, vội chạy vào tỵ nạn ở Công sứ quán Nhật Bản.
Sáng sớm ngày 1 tháng 7, Trương Huân mặc áo bào màu lam, cưỡi ngựa phủ vải vàng, đeo tua ngọc cùng Khang Hữu Vi, Vương Sĩ Trân và năm mươi nguời nữa vào Cố cung. Phổ Nghi đã mặc sẵn áo hoàng bào lên điện ngồi trên ngai vàng. Lính “Biện tử” dưới thềm cùng tung hô “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. Trương Huân cùng cả bọn chia ngôi thứ, năm quỳ chín lạy trước Phổ Nghi, xưng là nô tài. Lễ nghi “triều hạ” diễn ra đầy đủ và long trọng.
Sau đó, triều đình tiếp tục phân phát các “chỉ dụ” do Khang Hữu Vi viết sẵn, tuyên bố đổi “Trung Hoa Dân quốc” thành “Đại Thanh đế quốc”, lấy nắm đó là Tuyên Thống thứ 9, lấy cờ Hoàng Long thay cho cờ Ngũ sắc, Phổ Nghi “lâm triều thính chính, thu hồi đại quyền”, …
Tiếp theo là màn đại phong “công thần”, Trương Huân công lao lớn nhất, được phong làm Đại thần nghị chính nội các, Tổng đốc Trực Lệ kiêm Đại thần Bắc Dương. Khang Hữu Vi cùng một số nguời khác cũng được phong thưởng. Con cháu nhà Thanh nghe ngôi vua được khôi phục vô cùng vui mừng, đua nhau mang trang phục triều đình ra mặc, để tóc dài, đi qua chạy lại, chẳng kể gì đến bộ mặt xấu xa.
Nhưng việc khôi phục ngôi vua không được lòng nguời, các giới trong xã hội đua nhau phản đối. Ở Thượng Hải, Tôn Trung Sơn triệu tập cuộc họp của Đảng cách mạng, tuyên bố không đội trời chung với thế lực khôi phục ngôi vua. Đoàn Kỳ Thụy thấy mục đích giải tán Quốc hội và đánh đổ Lê Nguyên Hồng đã đạt được, cũng ra mặt trở thành nguời tiên phong chống lại việc khôi phục ngôi vua. Ông ta giương cao ngọn cờ “Tái tạo Cộng hòa”, tổ chức “Thảo nghịch quân”, tự nhận làm Tổng tư lệnh ở Thiên Tân.
“Thảo nghịch quân” của Đoàn Kỳ Thụy xuát phát từ Thiên Tân và Bảo Định tiến về Bắc Kinh, “Biện tử quân” của Trương Huân liên tiếp bị đánh bại. Lê Nguyên Hồng ở trong Công sứ quán Nhật Bản để lấy lại thanh thế của Tổng thống phát bố mệnh lệnh để cho Phùng Quốc Chương làm Đại Tổng thống, Đoàn Kỳ Thụy làm Tổng lý, rồi cho nguời đem đại ấn giao cho Đoàn Kỳ Thụy. Đoàn Kỳ Thụy đánh vào Bắc Kinh, bọn ủng hộ khôi phục ngôi vua bỏ cả áo mũ, vứt cả bím tóc bỏ chạy.
Trương Huân thấy đại thế đã mất, đành phải vào tỵ nạn trong Công sứ quán Hà Lan. Phổ Nghi một lần nữa tuyên bố thoái vị. Màn kịch khôi phục ngai vàng của Trương Huân sau 12 ngày thất bại hoàn toàn và kết thúc.
Chú thích:
- Đoàn Kỳ Thụy (1865 – 1936) Thủ lĩnh quân Hoản hệ Bắc Dương, nguời Hợp Phì, An Huy. Từ nhỏ đã theo binh nghiệp, tay chân đắc lực của Viên Thế Khải, được coi là một trong “Bắc Dương tam kiệt”. Từ 1917 làm Tổng lý Quốc vụ viện, từng trấn áp Ngũ Tứ vận động, sau bị bệnh chết wor Thượng Hải.
- Sau cách mạng Tân Hợi, Trương Huân làm thượng tướng quân đóng wor Từ Châu, luôn đinh ninh không quên triều Thanh, bản thân không cắt tóc thể hiện lòng trung.
- Sau khi Đoàn Kỳ Thụy bị giải trừ chức Tổng lý, lợi dụng uy tín của bản thân thúc giục 8 tỉnh thành lập Đốc quân độc lập. Ngày 2 tháng 6, tổ chức Sở Tổng tham mưu độc lập các tỉnh ở Thiên Tân, đối địch với Lê Nguyên Hồng.