Trong chiến tranh Giáp Ngọ, toàn bộ hạm đội Bắc Dương bị đánh chìm, lục quân cũng chịu thảm bại, triều đình nhà Thanh thấy tình hình bất lợi, không dám chống giặc, quyết định cầu hòa với Nhật Bản. Thấy triều đình nhà Thanh đã chấp nhận thua trận, Nhật Bản lập tức  thừa thế thắng lợi, đưa ra những điều kiện tiên quyết cho đàm phán: cử Lý Hồng Chương làm đại thần có toàn quyền trong đàm phán, đồng thời, Lý Hồng Chương cũng có toàn quyền trong việc nhượng đất.

Ngày 22 tháng 2 năm 1895, trong tình thế khẩn cấp, Hoàng đế Quang Tự gọi Tổng đốc Trực Lệ, Bắc Dương đại thần Lý Hồng Chương tới Bắc Kinh cùng các vương cung đại thần bàn thảo việc đi Nhật đàm phán. Vị trí của Tổng đốc Trực Lệ và Bắc Dương đại thần tương đương với Tể tướng triều Thanh, trong suốt 25 năm từ 1870 đến 1895, Lý Hồng Chương đã làm Tổng đốc Trực Lệ, đứng ở vị trí hàng đầu trong công việc nội chính và ngoại giao, là chính trị gia nổi tiếng nhất của Trung Quốc, cũng là nhà ngoại giao nhiều mánh khóe nhất.

Tới Bắc Kinh, Lý Hồng Chương đã nói với Hoàng đế Quang Tự:

– Việc cắt đất, thần không dám đảm nhận, còn việc bồi thường một khoản lớn, thần sợ bộ Hộ cũng không có tiền.

Thầy dạy của Hoàng đế Quang Tự là Ông Đồng Hòa (2) cũng tiếp lời:

– Chỉ cần không cắt đất, nhiều hay ít bạc trắng cũng không quan trọng lắm, chúng ta nhất định sẽ cố làm được việc này.

Bất kể là cắt đất hay bồi thường, vị Hoàng đế còn trẻ tuổi đều cảm thấy rất đau khổ. Nhà vua hỏi Lý Hồng Chương về tình hình phòng thủ bờ biển, có thể chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản không?

Lý Hồng Chương cúi đầu, trả lời:

– Thật là không dám chắc, thần không dám giấu diếm.

Nhà vua lắc đầu, thở dài, hướng về các đại thần, huơ tay ra hiệu tạm nghỉ. Không lâu sau, các đại thần lại tới Dưỡng Tâm điện tiếp tục thảo luận, kết quả là tuy ý kiến mọi người vẫn còn phân vân nhưng đều phản đối cắt đất. Lý Hồng Chương không biết làm thế nào, đẩy trách nhiệm cho Ông Đồng Hòa giải quyết, yêu cầu Ông Đồng Hòa cùng mình đi Nhật Bản đàm phán. Ông Đồng Hòa vội gạt tay, nói:

– Không được, không được.Giả sử tôi đã từng làm qua Dương vụ, lần này tôi nhất định sẽ đi. Nhưng tôi chỉ là một nguời quen chuyện sách vở, một công cuộc trọng đại như thế này, làm sao dám đảm nhận?

Lý Hồng Chương cũng hiểu vấn đề như thế, nói với Ông Đồng Hòa:

– Cốt nhất là không cắt đất, còn đàm phán thành thì đàm phán, không thành thì ta về.

Ông Đồng Hòa vẫn lắc đầu, không chịu.

Qua mấy ngày thảo luận, vẫn không có kết quả gì, vua Quang Tự chưa có chủ ý nào. Nhà vua bảo Lý Hồng Chương đi gặp Từ Hy Thái hậu, xin Thái hậu cho quyết định cuối cùng. Từ Hy Thái hậu nghe xong, vội cho Thái giám truyền ý của bà:

  • Ngày hôm qua Thái hậu khó ở, cánh tay nhức mỏi, không thể cho gặp. Thái hậu nói, việc của triều đình tất cả do Hoàng thượng quyết định.

Nhà vua ngày đêm suy nghĩ vẫn không có được cách gì, cuối cùng đành phải cho Lý Hồng Chương có quyền cắt đất.

Lý Hồng Chương có thái độ như thế là vì ông ta biết rằng, lần này, nhất định Nhật Bản không dễ dàng bỏ qua, bất kể trên bàn đàm phán mình có cố gắng như thế nào, cắt đất để bồi thường là điều không thể tránh được. Nếu những nguời có quyền  ở trong nước chưa hiểu điều này thì việc đàm phán của ông ta sẽ rất khó tiến hành. Nếu cho rằng làm như thế là nhục quốc thể, nhưng ngoại giao là công việc tiếp theo của nội chính, trong hoàn cảnh Trung Quốc  đang thất bại thì sao có thể chọn được con đường khác?

Ngày 19 tháng 3, Lý Hồng Chương và con trai là Lý Kinh Phương cùng mọi người tới Mã Quan, Nhật Bản (nay là Hạ Quan, Nhật Bản), ngày hôm sau đã cùng Tổng lý nội các đại thần Nhật Bản Y Đằng Bác Văn (3) Và Ngoại vụ đại thần Lục Áo Tông Quang tiến hành đàm phán.

Vốn kế hoạch đàm phán chia làm hai bước, trước hết là bàn về điều kiện đình chiến, sau đó mới bàn đến điều kiện giảng hòa. Cuộc đàm phán vừa mới bắt đầu, Y Đằng Bác Văn đã đưa những điều khoản đình chiến cho Lý Hồng Chương. Xem xong, Lý Hồng Chương chỉ thấy trên đó ghi mấy chữ “Để cho quân Nhật chiếm đóng Đại Hạo, Thiên Tân và Sơn Hải Quan”. Không nén nổi kinh ngạc Lý Hồng Chương cảm thấy nếu chấp nhận những điều kiện này, Bắc Kinh đã trực tiếp bị khống chế trong tầm đạn pháo của Nhật Bản. Lý Hồng Chương vội hỏi lại Y Đằng Bác Văn:

– Bây giờ, quân Nhật còn chưa tới được những nơi này, làm sao có thể nói tới việc để quân Nhật chiếm đóng?

 

Y Đằng Bác Văn mang bộ mặt của kẻ giành thế thắng, vô cùng ngạo mạn, trả lời:

– Phàm là đình chiến, cả hai nước đều phải có lợi. Đình chiến với quân đội Trung Quốc là đã có lợi lắm rồi, cho nên quân đội phía tôi cũng phải chiếm được ba nơi ấy, đó là điều kiện để đình chiến.

Lý Hồng Chương nói:

– Ba nơi này đều thuộc Trực Lệ, mà tôi chính là Tổng đốc Trực Lệ, các ông làm như vậy thật không biết nể cái mặt tôi.

Y Đằng Bác Văn nói với giọng kiên quyết:

– Không có gì phải bàn về đình chiến, muốn đình chiến chỉ có chấp nhận như thế thôi.

Đứng trước những điều kiện hà khắc ấy, phía Nhật còn tỏ thái độ cưỡng bức, Lý Hồng Chương tỏ thái độ nhất định không chịu đáp ứng. Hai bên tiến hành đàm phán hai vòng, cuối cùng giằng co mãi không có kết quả nào. Khi ấy, một bộ phận trong chính giới Nhật Bản có thái độ điên cuồng gây chiến, họ cho rằng Lý Hồng Chương ngang ngạnh cản trở ý đồ xâm lược Trung Hoa nên quyết định sẽ giết ông.

Chiều ngày 24 tháng 3, Lý Hồng Chương kết thúc vòng đàm phán thứ ba mà không có một chút kết quả nào, đang ngồi trên kiệu trở về nơi ở của mình. Khi vừa đi tới một góc phố, bỗng nhiên trên đường có một đám đông người, bỗng một thanh niên chạy  tới bên kiệu của Lý Hồng Chương, một tay vít lấy đòn kiệu, một tay cầm súng bắn. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, nguời đi cùng hai bên không thể phản ứng kịp. Lý Hồng Chương cũng không kịp tránh, viên đạn trúng xượt qua má trái, máu chảy khắp kiệu,  Lý Hồng Chương ngất đi.

Tin Lý Hồng Chương gặp nạn truyền đi, dư luận các nước lập tức lên tiếng đua nhau liên tiếp chỉ trích Nhật Bản, mọi người đều đồng tình với Trung Quốc. Y Đằng Bác Văn và Lục Áo Tông Quang chịu áp lực rất lớn, lập tức thực hiện những biện pháp khẩn cấp. Cùng với việc bắt ngay hung thủ họ vội tới bên giường bệnh của Lý Hồng Chương xin lỗi, hy vọng ông không bỏ cuộc đàm phán.

Sau khi Lý Hồng Chương gặp nạn, ông suy nghĩ, nhân chuyện bị thương có thể rút khỏi cuộc đàm phán, từ đó tránh được những lời nguyền rủa của lịch sử với bản thân mình. Nhưng  ông thấy sau khi sự việc xảy ra, thái độ của Nhật Bản có thiện chí hơn, việc đàm phán hy vọng cũng được dễ dàng hơn. Lý Hồng Chương quyết định nắm lấy cơ hội này để giảm nhẹ những tổn thất cho Trung Quốc. Ông từ chối đề nghị gắp viên đạn trong cánh tay của các bác sĩ, chỉ tạm thời dùng băng cầm máu, rồi lập tức cho con trai là Lý Kinh Phương thông thạo tiếng Nhật tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.

Ngày 10 tháng 3, Nhật Bản thực hiện một nhượng bộ lớn, không nhất quyết  đòi chiếm ba nơi Đại Hạo, Thiên Tân và Sơn Hải Quan, chủ động đề xuất việc đình chiến 21 ngày vô điều kiện, trực tiếp đi vào giai đoạn đàm phán về hòa ước.

 Từ ngày 1 tháng 4, cuộc đàm phán bước vào giai đoạn cuối cùng, tham vọng của Nhật Bản vẫn rất lớn, luôn đề xuất những điều kiện vô cùng hà khắc, bao gồm việc Trung Quốc nhượng đất Liêu Nam, Đài Loan và các đảo Bành Hồ để thêm vào các khoản bồi thường chiến tranh. Chiều ngày 10 tháng 4, Lý Hồng Chương mang cánh tay bị thương tham gia hội đàm. Y Đằng Bác Văn chủ động soạn thảo các điều khoản của Hòa ước với thế lấn át Lý Hồng Chương, không cho bàn bạc, sửa đổi, chỉ được chọn một trong hai cách: hoặc chấp nhận, hoặc bác bỏ. Lý Hồng Chương thấy tình hình không mấy sáng sủa, đành phải tìm cách trì hoãn, nói  mấy ngày sau sẽ trả lời.

Về tới nơi ở, Lý Hồng Chương lập tức điện báo xin ý kiến trong nước. Triều đình nhà Thanh sợ quân Nhật sớm khai chiến trở lại, Bắc Kinh không được bảo vệ nên điện báo trả lời Lý Hồng Chương:

–  Làm sao để có lợi nhất, nhưng nay không đạt được thì tùy hoàn cảnh mà ký điều ước với Nhật Bản.

  Ngày 15 tháng 4, diễn ra vòng đàm phán kết thúc, Lý Hồng Chương tuy có quyền quyết định, nhưng vẫn muốn tranh thủ cơ hội cuối cùng, cố gắng làm Nhật Bản nhượng bộ. Với lập luận sắc bén, trong suốt thời gian từ hai giờ rưỡi chiều đến bảy giờ rưỡi tối, qua năm tiếng đồng hồ, Nhật Bản cũng chỉ đồng ý chấp nhận được những tiểu tiết trong các điều khoản. Nước yếu thì bất lợi, Lý Hồng Chương lúc này càng cảm thấy sâu sắc hoàn cảnh mình đang trải qua, rõ ràng nhất là ông đã phải đại biểu cho nước chiến bại đặt bút ký vào cái điều ước bất bình đẳng, trong lòng chua xót khó nói thành lời.

10 giờ sáng ngày 17 tháng 4, “Điều ước Mã Quan” chính thức được ký kết, ngoài vùng đất Liêu Nam phải cắt nhượng, số tiền bồi thường được giảm từ 300 vạn lượng xuống còn 200 vạn lượng. Theo các điều khoản do phía Nhật Bản đưa ra, lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc chưa bao giờ tổn thất nghiêm trọng như thế. Lý Hồng Chương  tay cầm bút mà không muốn ký vào cái điều ước mang nỗi nhục quốc thể, ông lại càng không muốn lưu lại tên tuổi của mình trong sự kiện này. Nhưng không thể không làm, cuối cùng, ông cũng phải đặt bút ký với nỗi thương tâm vô hạn. Ngay chiều hôm ấy, ông lên đường về nước.

Gần 30 ngày sau cuộc nghị hòa Mã Quan, Lý Hồng Chương vẫn chưa hết trăn trở về trách nhiệm, trong lòng quá mệt mỏi, tuy việc này ông thực hiện theo lệnh của triều đình và bản thân đã ra sức tận lực nhưng vẫn cảm thấy có tội với đất nước. Về tới Thiên Tân, ông cáo bệnh xin nghỉ. Không lâu sau, sự việc xảy ra, nội dung của “Điều ước Mã Quan” được truyền về trong nước, mọi người vô cùng phẫn nộ, Lý Hồng Chương trở thành “tội nhân”, ai ai cũng nói muốn giết ông.

Lý Hồng Chương xiết bao đau lòng nhức óc, bao tâm huyết ông đã dồn vào để hiện đại hóa hải quân Bắc Dương cũng tan vỡ. Với những nguời gần gũi, ông đã từng thổ lộ:

– Việc giao thiệp Trung Nhật là sự việc đáng quên nhất, nó đã khiến sự nghiệp của cả đời ta không còn gì hết.

Phía sau những lời nói kia, nguời ta thấy nỗi khổ đau và bất lực. Ông cũng đã từng bộc lộ, nếu được sinh ra một lần nữa, nguyện vọng của ông là giành lại mảnh đất của Tổ quốc đã mất vào tay Nhật Bản. Năm 1896, trên đường đi thăm một số nước Âu Mỹ trở về, khi qua Hoành Tân của Nhật Bản, nguời Nhật đã hoan nghênh chào đón ông. Những nguời đi cùng đều khuyên ông nên lên bờ nghỉ ngơi, nhưng ông nhất định không chịu, nỗi đau của “Điều ước Mã Quan” vẫn chưa nguôi trong tâm trí ông.

Càng bất hạnh hơn, 5 năm sau, Lý Hồng Chương còn buộc phải nhận lệnh của triều đình cùng liên quân 8 nước ký “Điều ước Tân Sửu”, một lần nữa chịu nỗi nhục quốc thể. Trong khi đó, nước Nga cũng không ngừng gây sức ép buộc nhường phần đất đông bắc, Lý Hồng Chương kiên quyết không chấp nhận, cuối cùng, do bị cưỡng bức, ông thổ huyết rồi chết, kết thúc cuộc đời không ít những  sai lầm.

 

Chú thích:

  • Trực Lệ Tổng đốc: chức quan cao nhất tỉnh Trực Lệ.
  • Ông Đồng Hòa (1830 – 1904), nguời Thường Thục, Ginag Tô, đỗ Trạng Nguyên đời Hàm Phong, thầy dạy của Đồng Trị, Quang Tự.
  • Y Đằng Bác Văn (1841 – 1909): nguời Trường Châu, Nhật Bản, nhân vật chủ yếu thúc đẩy cuộc xâm lược của Nhật Bản với Trung Quốc và Triều Tiên.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here