Tháng 8 năm 1856, Hồng Tú Toàn ra lệnh cho Bắc vương Vĩ Xương Huy giết Đông vương Dương Tú Thanh (1). Vĩ Xương Huy đã thực hiện lệnh này, không chỉ Vĩ Xương Huy mà cả những nguời trong gia đình và khoảng một vạn quân của ông ta. Đây chính là sự kiện mà lịch sử sau này gọi là “Thiên Kinh sự biến”. Sau đó, Hồng Tú Toàn lại giết Vĩ Xương Huy, đưa Thạch Đạt Khai trở về Thiên Kinh để thống lĩnh quân đội.
Thạch Đạt Khai xuất thân từ một gia đình địa chủ, từ nhỏ đã ham đọc sách và là nguời có chí lớn. Ban đầu, khi Phùng Vân Sơn đang truyền giáo ở Quảng Tây, Thạch Đạt Khai đã gia nhập “Bái Thượng đế hội”. Ông vốn nguời ôn hòa, trọng nghĩa khí, chú trọng thực tế, được lòng các thuộc hạ và quan binh dưới quyền, là một vị chỉ huy văn võ song toàn. Trong sự biến ở Thiên Kinh, do phản đối Vĩ Xương Huy lạm sát nên khi trở về Thiên Kinh, Thạch Đạt Khai được các tướng lĩnh và dân chúng rất hoan nghênh và ủng hộ.
Nhưng Hồng Tú Toàn lúc đó đã lâu ngày xa dời quần chúng, không nắm được tình hình, xung quanh toàn những kẻ a dua nịnh hót, tiểu nhân vô lại khiến ông ta ngày trở thành nguời hẹp hòi, bảo thủ, thường nghi ngờ mọi người xung quanh. Sự biến Dương Vĩ là một đòn đánh nặng nề vào Hồng Tú Toàn khiến với các công thần trước đây, ông ta không còn dám tín nhiệm, chỉ tin cậy những nguời thuộc họ Hồng, những nguời họ khác đều không dám sử dụng. Cho nên ngay với Thạch Đạt Khai, Hồng Tú Toàn cũng không mấy tin tưởng. Để kiềm chế Thạch Đạt Khai, Hồng Tú Toàn sử dụng những nguời anh em của mình là Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt, phong là An vương và Phúc vương mặc dù họ đều là những nguời kém cỏi. Điều này khiến Thạch Đạt Khai vô cùng bất mãn, các quan viên trong triều cũng không tán thành.
Lúc ấy, Trương Toại Mưu (2) thấy tình hình bất ổn, tìm đến Thạch Đạt Khai, nói:
– Đại vương, Thiên vương phong An vương và Phúc vương, đây có phải là chỉ tin vào những nguời của mình không?
Thạch Đạt Khai thở dài, nói:
– Cài này chẳng phải ta không biết. Sau sự kiện Dương Vĩ, tinh thần chung của mọi người đều bị thương tổn, ta đã nhiều lần nghĩ phải làm sao để chấn chỉnh tình hình, lấy lại sĩ khí, nhưng làm gì cũng khó!
Trương Toại Mưu khuyến khích:
– Đại vương, trong tay ngài đang nắm giữ đội quân tinh nhuệ nhất của Thiên Quốc, sao không mang toàn bộ quân lính trở về vùng Tứ Xuyên, giống như Lưu Bị trước đây để hình thành cục diện Tam quốc?
Nge nói, Thạch Đạt Khai chưa hết nghi ngờ:
– Có thể làm như thế chăng? Thế có phải là phản lại Thiên Quốc?
Trương Toại Mưu vẫn tiếp tục khuyên:
– Đại vương, ngài sao có thể nói như vậy! Nếu ngài không đi, cứ ở lại đây chẳng phải rồi sẽ trở thành Dương Tú Thanh thứ hai sao, đến khi ấy thì hối cũng không kịp nữa. Chúng ta đưa quân vào Tứ Xuyên là để tiếp tục chống lại triều Thanh thực hiện mục tiêu của Thiên Quốc, như thế sao lại nói là phản lại Thiên Quốc?
Thạch Đạt Khai nghe lời Trương Toại Mưu, cũng cảm thấy xuôi xuôi, bắt đầu suy nghĩ về việc này. Ông ta cũng cho rằng việc đưa quân vào Tứ Xuyên chính là để thực hiện sứ mệnh của Thái Bình Thiên Quốc. Sau nửa năm ở Thiên Kinh suy xét cẩn thận, tháng 5 năm 1857, Thạch Đạt Khai chính thức mang quân dời Thiên Kinh.
Trên đường đi, Thạch Đạt Khai ra lệnh cho dán bố cáo hai bên đường nói rõ mình luôn trung thành với Thiên Vương, nhưng vì Thiên Vương luôn luôn nghi ngờ nên bất đắc dĩ phải dời Thiên Kinh. Bản thân ông ta vẫn luôn trung thành với Thượng đế và Thiên Vương, vẫn toàn tâm toàn ý chống lại triều Thanh.
Thạch Đạt Khai ra đi, hơn mười vạn quân tinh nhuệ của Thái Bình Thiên Quốc cũng theo ông ta, ở lại Thiên Kinh chỉ còn một ít quân già yếu, thương tật. Quân Thiên Quốc không còn nguời chỉ huy, tinh thần thêm suy sụp, Thiên vương Hồng Tú Toàn như đã trở thành cô quả. Tình hình ấy khiến Hồng Tú Toàn thêm lo lắng, hạ lệnh cho mọi người làm sao tìm mọi cách kêu gọi Thạch Đạt Khai quay lại. Nhưng Thạch Đạt Khai ý đã quyết, thà chết cũng không trở về. Sau khi dời Thiên Kinh, Thạch Đạt Khai đưa quân về An Huy, An Khánh, những nơi không quá xa Thiên Kinh và trong vòng nửa năm cứ quanh quẩn ở đó với ý đồ nếu Thiên Kinh gặp nguy cấp, có thể đưa quân về ứng cứu, cùng nhau đối phó với quân triều đình, như vậy với quân Thái Bình Thiên Quốc, cách tính toán của Thạch Đạt Khai là hoàn toàn có thiện ý. Nhưng ông ta cuối cùng nhất quyết phải dời An Khánh tiến về phía nam, tới Tứ Xuyên để thực hiện dự định kiến lập một quốc gia riêng.
Tháng 8 năm ấy, Thạch Đạt Khai đưa quân tới Giang Tây, sau đó tới Chiết Giang, Phúc Kiến. Lúc này, quân của Thạch Đạt Khai có mấy lần giao chiến với quân triều đình nhưng đáng tiếc đều thất bại. Năm 1858, Thạch Đạt Khai đưa quân qua Giang Tây, tiến vào Hồ Nam, năm sau, lại lui về Quảng Tây. Sau nhiều lần giao tranh mà không giành được thắng lợi, tinh thần quân lính tỏ ra bi quan thất vọng, nhiều nguời dời khỏi đội ngũ, bỏ đi, Thạch Đạt Khai phải trở về Giang Tây hợp quân với quân Thái Bình do Lý Tú Thành lãnh đạo.
Sau đó, Thạch Đạt Khai bắt đầu tiến về Tứ Xuyên. Tứ Xuyên là nơi đông dân, địa hình phức tạp, Thạch Đạt Khai mong chiếm được Thành Đô, lấy đây làm căn cứ, kiến lập quốc gia, bèn tìm cách vượt con sông lớn Trường Giang nhưng không thành công. Về sau, ông ta phát hiện nếu vượt được sông Đại Độ cũng có thể tới được Thành Đô bèn quyết định dốc toàn lực để vượt sông Đại Độ (3). Mãi tới khi đến nơi, Thạch Đạt Khai mới phát hiện toàn bộ thuyền bè ở đây đã bị quân Thanh cướp đi, cuộc sống của nhân dân nơi đây họ cũng không thông thạo nên không được nhân dân địa phương ủng hộ, việc vượt sông trở nên không dễ dàng.
Nhưng Thạch Đạt Khai vẫn cố chấp, nhất định muốn vượt sông cho bằng được. Đúng vào lúc đó, bỗng nhiên nước sông dâng cao, chảy rất xiết. Thạch Đạt Khai bèn quyết định chờ tới khi nước rút sẽ vượt sông, nhưng đợi tới khi ấy, quân triều đình đã phối hợp với quân vũ trang ở địa phương kéo đến khiến hơn ba vạn quân của Thạch Đạt Khai bị bao vây. Nghĩa quân của Thạch Đạt Khai trong tình trạng vô cùng nguy cấp, phía bắc là sông Đại Độ, bờ bên kia có quân của triều Thanh do Đường Hữu Canh chỉ huy đóng giữ, phía tây có sông Tùng Lâm cùng quân của Vương Ứng Nguyên canh phòng, phía đông là núi Mã Yên với đỉnh Thừa Ân ngăn cản, còn phía nam là núi cao đường hiểm, toàn những rừng cây cổ thụ tới nghìn năm, ngay hướng đó cũng có quân triều Thanh do Dương Ứng Cương chỉ huy. Quân của Thạch Đạt Khai bị bao vây tứ bề. Ông ra lệnh cho quân sĩ chặt cây đóng thuyền, nhưng mấy lần vượt sông đều bị quân Thanh phía bờ bên kia ngăn lại, thương vong tới hơn một vạn nguời.
Biết đã lâm vào con đường cùng, Thạch Đạt Khai quyết định mở một con đường máu. Ngày 17 tháng 4, ông chỉ huy toàn quân đột vây, vượt sông. Một cánh quân nhằm phía sông Đại Độ, một cánh quân hướng sông Tùng Lâm, nhưng cả hai đường đều bị quân triều đình và quân địa phương ngăn chặn. Sông Đại Độ nước vẫn chảy rất xiết không thể vượt qua nổi. Quân Thạch Đạt Khai lúc ấy chết đã quá nửa, lại lâm vào cảnh hết đạn hết lương, không ít binh lính phải ăn thịt ngựa, ăn lá cây, thậm chí xuất hiện tình trạng đáng sợ nguời ăn thịt nguời. Đến ngày 23 tháng 4, quân của Thạch Đạt Khai chỉ còn khoảng bảy tám nghìn nguời, không thể phá vòng vây được nữa. Tới giờ, ông biết đại cục đã mất.
Đang trong lúc cùng vợ con định nhảy xuống sông tự sát, quay lại nhìn đám tàn binh bảy tám nghìn nguời quần áo xơ xác, thân hình tiều tụy, ông chợt nghĩ, nếu đầu hàng quân Thanh, ta có thể đổi cái chết của mình lấy con đường sống cho bảy tám nghìn nguời đã từng coi là anh em cùng ra sống vào chết. Vì thế, Thạch Đạt Khai đã viết một lá thư xin hàng, rồi dùng tên bắn về phía quân Thanh. Trong thư ông viết: Thạch Đạt Khai có thể đầu hàng hoặc tự sát, nhưng chỉ mong quân triều đình dành con đường sống cho các thủ hạ của ta. Lạc Bỉnh Chương, tướng chỉ huy của quân Thanh muốn nhân cơ hội này tiêu diệt toàn bộ quân của Thạch Đạt Khai nên giả bộ đồng ý, chấp nhận yêu cầu của ông. Thạch Đạt Khai bèn mang đứa con mới 5 tuổi tới trại quân Thanh đàm phán, kết quả, ông bị bắt, toàn bộ bảy tám nghìn binh lính của ông đều bị giết.
Thạch Đạt Khai bị giải về Thành Đô, Lạc Bỉnh Chương đích thân thẩm vấn. Lạc Bỉnh Chương hỏi ông:
– Nhà ngươi có muốn đầu hàng không?
Thạch Đạt Khai không cần suy nghĩ, trả lời:
– Ta thà chết, chỉ mong các nguời không giết hết các bộ hạ của ta.
Lạc Bỉnh Chương lại hỏi:
– Hôm nay ta sẽ giết ngươi cũng giống như ba tướng của ta đã chết trong tay ngươi.
Thạch Đạt Khai ngửa mặt, cười lớn:
– Được làm vua, thua làm giặc. Hôm nay ngươi giết ta, nếu được sống lại, ta sẽ giết ngươi.
Lạc Bỉnh Chương nổi giận ra lệnh giết Thạch Đạt Khai.
Đến hôm nay, dòng sông Đại Độ vẫn chảy. Bên dòng sông ấy, Thạch Đạt Khai đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Năm ấy ông 33 tuổi.
Chú thích:
- Dương Tú Thanh (1823 – 1856), nguời Quế Bình, Quảng Tây. Năm 1864, gia nhập “Bái Thượng đế hội”, năm 1851 được phong Đông vương. Do mâu thuẫn với Thiên vương ngày càng sâu sắc nên bị giết.
- Trương Toại Mưu: Bộ tướng của Thạch Đạt Khai.
- Sông Đại Độ, bắt nguồn từ núi Đại Tuyết tây bắc Tứ Xuyên, đến Lạc Sơn nhập vào sông Mân.
- Lạc Bỉnh Chương (1793 – 1867), nguời huyện Hoa, (nay là Hoa Đô), Quảng Tây, đỗ Tiến sĩ thời Đạo Quang, từng làm Tuần phủ Hồ Nam, Tổng đốc Tứ Xuyên. Do giết được Thạch Đạt Khai được phong Thái tử Thái bảo.